28/11/2024

Dân vùng biển Bến Tre thiếu nước ngọt sinh hoạt

Mới ra tết nhưng giá nước sinh hoạt tại 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre đang đắt đỏ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt hầu như phải dừng lại, bởi nếu tiếp tục thì chi phí rất cao…

 

Dân vùng biển Bến Tre thiếu nước ngọt sinh hoạt

Mới ra tết nhưng giá nước sinh hoạt tại 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre đang đắt đỏ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt hầu như phải dừng lại, bởi nếu tiếp tục thì chi phí rất cao…




 
Anh Lưu Văn Bình phải trữ nước trong các can nhựa để tắm giặt và tưới dưa hấu /// Ảnh: Phương Bình

Anh Lưu Văn Bình phải trữ nước trong các can nhựa để tắm giặt và tưới dưa hấu ẢNH: PHƯƠNG BÌNH

Ngày 26.2, trưa nắng gắt, chị Lâm Thị Kim Thoa (ngụ cồn Hố, xã An Thủy, H.Ba Tri) đành bấm bụng để bé gái 3 tuổi đòi tắm khóc thét vì xe máy cày chưa chở nước tới kịp. “Mưa dứt hạt chừng vài ngày là nhà tui phải kêu xe máy cày chở nước tới đổi. Cả nhà 8 người, xài tiết kiệm lắm thì 3 ngày cũng hết sạch xe nước khoảng 1,2 m3 với giá 120.000 đồng.
 
Mùa khô ở đây vất vả chuyện nước sạch lắm, đã vậy còn chưa có điện”, chị Thoa chia sẻ. Thu nhập chính của gia đình chị Thoa từ 2 người đàn ông đi biển gần bờ, tiền kiếm được chỉ đủ sinh hoạt trong gia đình. Vào các tháng nắng, họ phải gánh thêm gần 1,5 triệu đồng tiền nước sinh hoạt.
 

Không chỉ người dân đang rất khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm héc ta dưa hấu hơn 1 tháng tuổi ở cồn Hố và các cồn lân cận cũng đang thiếu nước tưới trầm trọng, hầu hết nông dân phải mua nước ngọt để tưới với giá 120.000 đồng/xe. Anh Lưu Văn Bình (37 tuổi, ngụ ấp 6, xã An Thủy, H.Ba Tri) ra cồn Hố mua đất trồng dưa hấu cho biết: “Nước đắt đỏ quá nên chỉ tưới lai rai cho thấm gốc rồi thôi. Dè xẻn vậy chứ đám dưa 5 công của tôi từ nay đến lúc thu hoạch chắc tốn hơn 1,2 triệu đồng nữa chứ không thể ít hơn”.

 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước ngọt mà hàng chục ngàn hộ dân vùng biển tại Bến Tre đang mua để sử dụng được lấy từ các giếng khoan ở độ sâu từ 5 – 10 m tại các vùng đất cao khu vực gò mả, nhà dân… Vì vậy, chất lượng, thành phần nguồn nước hết sức phức tạp. Trong năm 2016, thời điểm diễn ra xâm nhập mặn lịch sử, Sở KH-CN tỉnh Bến Tre đã tổ chức phân tích mẫu nước ngầm miễn phí cho bà con có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt phân tích, Sở này kết luận gần 100% các mẫu nước đều kém an toàn nếu con người trực tiếp sử dụng.
 

Ông Trần Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Ba Tri, cho biết mùa khô năm 2018 toàn huyện có trên 40% trong tổng số hơn 200.000 dân không có nước máy hợp vệ sinh để sử dụng. Các hộ dân này phải tự cân đối nước bằng cách dùng lu, kiệu, đổ ống hộc… để trữ nước hoặc mua nước lọc đóng bình để uống. Trên địa bàn H.Ba Tri đang có hồ chứa nước mưa với trữ lượng hơn 700.000 m3 nhưng vẫn chưa triển khai được nhà máy để lắp đặt hệ thống dẫn nước đến phục vụ người dân.

 
Trong khi đó, ông Lê Văn La, Trưởng phòng NN-PTNT H.Bình Đại, cho biết dự kiến trong tháng 3 này, Nhà máy nước Ba Lai sẽ hoàn thành đường ống dẫn nước máy phục vụ người dân trên địa bàn 4 xã biển gồm Bình Thắng, Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước. Tuy nhiên, tinh thần thì phải đến mùa khô năm sau người dân nơi này mới có nước máy sử dụng, bởi việc lắp đặt đường ống dẫn nước đến từng hộ dân mất khá nhiều thời gian.