24/01/2025

Chúa Nhật II MC B – 2018: Cuộc biến hình thật sự và trọn vẹn

Đời sống là một cuộc biến hình liên tục, vừa tạo nên hạnh phúc vì cảm nghiệm được vinh quang của Chúa, đồng thời cũng đòi hỏi ta phải phấn đấu từ bỏ chính mình như Abraham trong bài đọc I hay như Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng.

 

Chúa Nhật II MC B – 2018

Cuộc biến hình thật sự và trọn vẹn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã thấy đời sống con người là một cuộc chiến đấu trường kỳ với những cơn cám dỗ, tuần này, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng đời sống là một cuộc biến hình liên tục, vừa tạo nên hạnh phúc vì cảm nghiệm được vinh quang của Chúa, đồng thời cũng đòi hỏi ta phải phấn đấu từ bỏ chính mình như Abraham trong bài đọc I (x. St 22,1-18) hay như Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Mc 9,2-10). Vậy chúng ta phải biến hình như thế nào? Làm sao để đạt được cuộc biến hình thật sự và trọn vẹn?

1. Những cuộc biến hình của đời ta

Trước hết, ta nên phân biệt có nhiều loại biến hình.

1.1. Những cuộc biến hình tạm thời

Trong đời sống, nhiều lúc ta cũng mơ ước được biến đổi. Nhìn vào cô dâu trong ngày cưới, nhiều người nhủ thầm: “Cô gái này sao hôm nay đẹp thế!” Cô được biến đổi thành đẹp nhờ bàn tay khéo léo của những chuyên viên thẩm mỹ với son phấn, với lông mi giả, với hạt kim tuyến lóng lánh trên tóc, trên áo quần… Khi đi xem văn nghệ, chúng ta thấy nhiều nghệ sĩ khuôn mặt cũng bình thường, nhưng dưới ánh đèn màu của sân khấu, trong những bộ quần áo đầy kim tuyến lấp lánh, với âm thanh dàn nhạc sôi động, họ hầu như biến hình và trở thành thần tượng cho nhiều người hâm mộ. Ta cũng ao ước đàn hay, diễn tốt, tài năng và xinh đẹp như vậy. Nhưng cuộc biến đổi này chỉ diễn ra trong chốc lát. Sau khi tấm màn sân khấu hạ xuống, sau khi xoá bỏ lớp phấn son, trang phục bên ngoài, họ lại trở về một con người bình thường, có khi còn xấu xí, kém cỏi hơn ta.

Hiện nay không ít những thanh niên, thiếu nữ muốn trở thành những chàng trai, cô gái nóng bỏng (người ta gọi là hot boy, hot girl) với điện thoại thông minh, trong bộ quần áo hàng hiệu, mang giày dép, mắt kính đắt tiền và bỏ thêm vài triệu thuê chiếc xe hơi… chỉ để xuất hiện trong một buổi gặp gỡ nào đó rồi chụp hình tải lên facebook khoe với bạn bè! Đó cũng là những cuộc biến hình. Nhưng cuộc biến hình ấy rất mau chóng, tạm bợ và nhiều người nhận ra nó chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì, ngoài vài lời khen ngợi hay vài tiếng vỗ tay của con người!

Đối mặt với cuộc sống thực tế, nhiều người thấy rằng mỗi ngày mình già hơn, yếu hơn, xấu hơn và cuối cùng đối mặt với cái chết để trở về cát bụi. Vì thế họ cảm thấy bi quan, chẳng muốn trang điểm, sắm sửa, làm đẹp cho mình và cho đời. Đó cũng lại là thái độ không nên có của người tín hữu. Mỗi người chúng ta cần phải biến hình như Chúa Giêsu.

1.2. Cuộc biến hình thật sự và mãi mãi

Chúng ta đang được mời gọi để bước vào cuộc biến hình thật sự của con người. Khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta giống hình ảnh mình, Ngài chia sẻ cho chúng ta sự sống, tình yêu, quyền năng, vẻ đẹp và biết bao ân phúc để ta biểu lộ cho mọi người thấy ta thật sự là những con cái của Thiên Chúa. Dù thân xác chúng ta mỗi ngày có yếu hơn, già hơn, và cuối cùng là cái chết, thì trong từng giây phút sống, ta vẫn có thể cảm nghiệm được những ân huệ Chúa ban.

Rất nhiều người chưa hiểu được rằng sở dĩ mình già hơn, yếu hơn, xấu hơn là bởi vì bản chất tốt đẹp thâm sâu của con người đã bị biến đổi do tội lỗi. Tội lỗi giống như lớp bụi che phủ tất cả vẻ đẹp hiện sinh của ta. Nó giống như lớp đất đá bao phủ bên ngoài che lấp bức tượng tuyệt đẹp và cao quý bên trong, ta cần phải tự đục đẽo chính mình thì một ngày nào đó bức tượng tuyệt vời kia mới xuất hiện. Vì thế, chúng ta cần phải biến hình thật sự để cho mọi người thấy chúng ta là một con người tuyệt vời, kỳ diệu, phi thường, được Chúa yêu thương.

Hôm nay Chúa Giêsu dẫn các môn đệ lên núi để cho các ông nhìn thấy con người thật sự của Người cũng như của mỗi người chúng ta, dù thường ngày bên ngoài chẳng có gì lạ lùng. Người biến đổi với dung nhan chói lọi như mặt trời (Mt 17,1), ngay cả y phục của Người cũng trở nên rực rỡ, trắng ngần (Mc 9,3). Như thế, không phải chỉ con người chúng ta biến đổi mà tất cả những vật chất được ta tiếp xúc, đón nhận đều mang bản chất kỳ diệu, phi thường vì gắn bó với bản chất cao quý thật sự của con người.

Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi để xoá đi những lớp bụi mờ, để lột bỏ những lớp vật chất thô ráp, xấu xí bám vào bản chất tốt đẹp của mình để ta cùng biến hình với Chúa Giêsu trong đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng: cuộc biến hình này chưa được trọn vẹn ở trần thế. Chỉ khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa của cái chết, cuộc biến đổi ấy mới đạt đến điểm ổn định và bước sang giai đoạn vĩnh hằng.

Cuộc biến hình này vẫn tiếp tục thể hiện mãi trong suốt đời sống vĩnh hằng của mỗi người để ta gắn bó với Thiên Chúa là nguồn sống vĩnh hằng, tình yêu vô biên, hạnh phúc vô tận và mọi ân sủng tuyệt vời. Đó là cuộc biến đổi toàn diện và vĩnh hằng của con người để từ con người, là một thụ tạo, trở thành Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9).

2. Muốn biến đổi thì chúng ta phải làm gì?

Có nhiều người muốn biến đổi cuộc đời mình một cách nhanh chóng, dù họ biết rằng cuộc biến hình sẽ kéo dài không được bao lâu, giống như người ta đi giải phẫu thẩm mỹ. Có những cuộc giải phẫu nguy hiểm cho sự sống, thì cũng có những cuộc biến hình giả tạo gây nguy hại đến bản chất thâm sâu của con người. Không ít những người đi vào các ngọn núi trong rặng Himalaya để tìm những vị cao tăng ẩn cư trong đó, hy vọng học được những phép mầu để không già, không yếu vì những cuốn sách như: Tìm về Phương Đông, Đường mây qua xứ tuyết, Đường về từ cõi sáng do Giáo sư John Vũ, biệt hiệu là Nguyên Phong, đã dịch. Trước đây tôi đọc và tôi cũng mê mẩn vì những cuốn sách này. Nhưng đó là những cuộc biến hình có thể nói là giả tạo, không tưởng. Ai đã từng đọc những truyện võ hiệp Trung Quốc như Anh hùng xạ điêu, Cô gái Đồ Long của nhà văn Kim Dung có thể cũng mơ đến việc tìm được củ nhân sâm ngàn năm hay thiên niên hà thủ ô ăn vào để đẹp mãi, trẻ mãi. Tất cả chỉ là những ảo tưởng xa vời. Muốn biến hình thật sự, chúng ta cần có hai điều kiện: tìm về nguồn sống và gắn bó với Chúa Giêsu.

2.1. Lên núi cao để tìm về nguồn sống

Chúng ta cần phải tìm về nguồn của sự sống, tình yêu và hạnh phúc, nguồn của quyền năng và ân sủng là chính Thiên Chúa thì mới biến hình thật sự. Hình ảnh Abraham dẫn đứa con mình lên núi cao, hay Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi, tượng trưng cho sự cố gắng vượt lên chính mình của mỗi người chúng ta để tìm về nguồn cao cả tốt đẹp là chính Thiên Chúa. Tâm trí chúng ta vẫn có những ý nghĩ xấu xa, những tham vọng, dục vọng. Đó là do bản tính bị hư hỏng vì tội lỗi. Nhưng chúng ta đang được mời gọi lên núi cao, để tìm ra những gì tốt đẹp, cao thượng, vượt  lên trên bản tính tầm thường của con người. Mỗi lần cố gắng như vậy là chúng ta đang biến hình.

Đức Giêsu mời gọi ta hãy lên núi, Người dẫn chúng ta lên núi cao như Abraham. Lên núi để chứng minh rằng mình theo Thiên Chúa và từ bỏ tất cả: như Abraham dám bỏ chính đứa con và cũng là niềm hy vọng độc nhất của mình vì tình yêu Thiên Chúa. Chính khi Abraham từ bỏ tất cả, ông đã biến đổi, ông không mất đứa con ruột thịt và còn biến đổi dòng dõi mình trở nên đông đúc như sao trời cát biển. Vì thế, công việc thứ nhất là chúng ta lên núi cao để gắn bó với Chúa và vượt lên trên những tham vọng, dục vọng nhỏ nhen của mình.

2.2. Gắn bó với Chúa Giêsu để đạt được sự biến hình thật sự và hiệu quả

Công việc thứ hai là chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu. Người là Con yêu dấu của Chúa Cha nên Chúa Cha nhắc nhở ta rằng: “Hãy vâng nghe lời Người” nếu muốn tìm được nguồn là chính Thiên Chúa. Người biến hình để ta thấy mình cũng có thể biến đổi giống như Người vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô gợi ý cho ta hôm nay rằng: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta sao?” (Rm 8,32).

Nếu ta gắn bó với Chúa Giêsu, gắn bó cho đến cùng trong tình yêu, cho đến cái chết nhục nhã trên thập giá như Người, chúng ta sẽ cảm nghiệm được cuộc biến hình thực hiện ngay trong đời sống của ta ở trần thế này. Ta thấy mình sẽ trẻ đẹp hơn, khoẻ mạnh, yêu thương và quyền năng hơn như các thánh tông đồ, như nhiều vị thánh trong dòng lịch sử. Lúc ấy ta cũng cảm nghiệm được quyền năng của Thánh Thần thúc đẩy để mình có thể chịu đựng những bệnh tật, đau đớn, thất bại trong cuộc đời. Lúc đó ta cũng cảm nghiệm được những đặc sủng chữa lành, giải thoát cho những người bị ma quỷ kiềm chế, phát huy những khả năng kỳ diệu. Lúc bấy giờ ta mới thấy biến hình thật sự để trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu trong thời đại hôm nay, chuẩn bị cho cuộc biến hình vĩnh hằng khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết.

Lời kết

Đó cũng là niềm hy vọng và lời cầu chúc ta trao cho nhau trong những ngày Tết Nguyên Đán: chúng ta được biến hình thật sự nhờ tác động của Thánh Thần, nhất là nhờ bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô trong Thánh lễ mà chúng ta tham dự hôm nay.