CN I Mùa Chay – B: Cây cung, từ vũ khí chiến tranh trở thành biểu tượng của tình yêu
Đức Giêsu khuyên chúng ta: “Hãy tin vào Tin Mừng”, tin vào những giá trị tốt đẹp mà Người mang đến và nhất là tin vào chính nơi Người; hãy đón nhận lời đề nghị này của Thiên Chúa, và như thế, Nước Trời, Nước đã đến gần, sẽ trở thành của chúng ta, và hiện diện trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người chúng ta.
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY B
(St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15)
CÂY CUNG: TỪ VŨ KHÍ CHIẾN TRANH TRỞ THÀNH BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU
“Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất” (St 9,13)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (St 9,8-15)
Đoạn trích sách Sáng Thế hôm nay được xem như là đoạn kết của trình thuật về cơn hồng thuỷ (St 6-9), qua đó, Thiên Chúa tiêu diệt sự ác của con người trên mặt đất do bởi tội lỗi và sự sa đoạ của họ gây nên. Tuy vậy, Thiên Chúa không bỏ cuộc trước sự dữ, nhưng Người can thiệp để sửa dạy và tái tạo nhân loại. Người đã bắt đầu lại với một nhân loại mới, với lời hứa về những điều thiện hảo và mọi phúc lành: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này… mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa” (cc.9-11).
Điều đặc biệt ở đây, đó là Thiên Chúa không nói là Người sẽ không phạt con người với điều kiện họ từ bỏ đường tội lỗi; nhưng Người hứa mà không đòi hỏi con người bất cứ điều gì; từ đây, Người sẽ hằng ra tay chúc lành cho con người dù có thế nào đi nữa. Tình yêu của Người hoàn toàn nhưng không.
Đây chính là sứ điệp an ủi mà những chương đầu của Kinh Thánh muốn mạc khải cho nhân loại: Thiên Chúa không đợi con người phải trở nên tốt lành để thi ân, giáng phúc, nhưng Người hằng luôn quảng đại và xót thương như chính bản tính của Người.
Bài đọc kết thúc bằng hình ảnh chiếc cầu vồng hình cung tên hiện giữa mây trời đầy ý nghĩa. Từ hình ảnh như chiếc cung tên dùng để tiêu diệt kẻ thù trong những trận chiến cổ thời vùng Trung Cận Đông, giờ đây, với Thiên Chúa, nó được chuyển hoá thành dấu chỉ của tình yêu, dấu chỉ của vòng tay phổ quát ôm lấy cả và nhân loại, dấu chỉ của giao ước đầu tiên mà Thiên Chúa thiết lập với nhân loại qua ông Noê, trước cả giao ước mà Chúa thiết lập với Abraham với dấu chỉ cắt bì.
Noê không phải là người Israel, cũng chẳng phải là Kitô hữu, nhưng lại được chọn làm thuỷ tổ của một nhân loại mới mà không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo. Với nhân loại này, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước vĩnh cửu, với lời hứa về ơn cứu độ vô điều kiện, phổ quát cho muôn người và muôn dân tộc.
Khởi đầu Mùa Chay, có lẽ chúng ta trông đợi một bài đọc với giáo huấn ăn chay, hãm mình và ép xác; nhưng phụng vụ Lời Chúa hôm nay lại mời gọi chúng ta hướng về niềm vui, về lời hứa của một kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dành cho con người ngay từ ban đầu.
2. Bài đọc II (1Pr 3,18-22)
Ở bài đọc này, thánh Phêrô lấy lại câu chuyện hồng thuỷ năm xưa để giải thích cho các Kitô hữu thời của ngài hiệu quả của phép thánh tẩy. Noê và gia đình của ông năm xưa được cứu thoát khỏi nước của cơn hồng thuỷ nhờ chiếc tàu mà Thiên Chúa đã sai ông đóng lấy để trở thành một nhân loại mới với một sự khởi đầu mới.
Từ hình ảnh nước tái tạo nhân loại của hồng thuỷ năm xưa, giờ đây, nước thánh tẩy cũng phát sinh hiệu quả tương tự: nó phá huỷ con người cũ và tái sinh con người mới; qua đây, phép thánh tẩy đánh dấu chấm hết cho tội lỗi, cho đời sống mục nát và mang lại một đời sống mới theo Thần Khí.
Sự tái sinh này trở nên khả thể nơi Đức Kitô, Đấng công chính; Người đã chết chỉ một lần duy nhất vì tội của tất cả mọi người; chính Người thông ban Thần Khí của sự sống; chính Người đã mang đến cho nước thánh tẩy sức mạnh tiêu diệt tội lỗi, sự chết và khơi nguồn sự sống mới.
3. Bài Tin Mừng (Mc 1,12-15)
Trong các Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Chay, bài Tin Mừng đều thuật lại cuộc cám dỗ Chúa Giêsu. Trong số này, trình thuật của thánh Marcô là ngắn nhất, chỉ gói gọn trong hai câu (1,12-13). Khi đối diện với vài dòng ngắn gọn này, đa số thường gặp khó khăn trong việc triển khai, và vì thế, bài chia sẻ thường được chuyển qua các trình thuật khác của Matthêu hay Luca. Thực tế, trình thuật Marcô, dù ngắn gọn, nhưng cũng đủ giàu ý nghĩa cho chúng ta.
Sau khi Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu qua phép rửa tại sông Giođan, thì cũng chính Thần Khí đó dẫn đưa Người vào trong hoang địa để chịu cám dỗ. Nếu ta hiểu ‘cám dỗ’ như là việc xúi giục ai làm điều sai quấy, thì ở đây, Thần Khí không bao hàm ý nghĩa này. Ngay trong chính kinh Lạy Cha bản gốc, chúng ta cũng xin “đừng dẫn đưa chúng con vào cơn cám dỗ”.
Có những sự cám dỗ không thực sự là một sự xúi giục làm điều dữ; nhưng chỉ là những hoàn cảnh mà người ngay chính phải đối diện; đó là những giây phút đưa con người vào những lựa chọn, để nhờ đó, đức tin được thêm kiên vững.
Ai muốn làm thăng tiến hành trình theo Chúa của mình thì không tránh được những thử thách này. Ngay cả Đức Giêsu cũng không là ngoại lệ, như chính thư Do Thái khẳng định: “Vị Thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4,15).
Tại sao lại là một bối cảnh sa mạc? Cũng như Gioan Tẩy Giả và những người theo đường khổ hạnh lúc bấy giờ, Đức Giêsu cũng phải trải qua khoảng thời gian của đời mình trong chiêm niệm và cầu nguyện trong sự cô tịch, trước khi bắt đầu sứ mạng công khai.
Con số 40 ngày ở đây diễn tả những thời khắc kinh nghiệm đức tin của Dân Chúa. Đó là thời gian của chờ đợi, của sự thanh luyện trước một cơ hội hay sứ mạng mới. Trong Cựu ước, 40 là số ngày của cơn hồng thuỷ, của thời gian Môsê ở trên núi Sinai với Thiên Chúa; nó còn là số năm mà con cái Israel ở trong sa mạc, hay là hành trình của Êlia đến núi Khôrép, và cũng là thời gian mà Thiên Chúa gia hạn cho thành Ninivê ăn năn sám hối. Trong Tin Mừng, đó là thời gian Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ trước khi về trời.
Và bài đọc hôm nay, trình thuật mô tả Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 ngày, và chắc chắn có mối liên hệ với những thời khắc kinh nghiệm của dân Do Thái. Có thể nói con số này hàm ý một thế hệ hay thời gian của cả một cuộc đời, và có mối liên hệ đặc biệt với thế hệ đã vượt qua sa mạc với biết bao cám dỗ và chết chóc. Vì thế, cả đời Đức Giêsu được ví như một hành trình bốn mươi ngày ở sa mạc, một hành trình trong thử thách và gian truân. Sau phép thanh tẩy, Đức Giêsu ‘bước vào sa mạc’ của đời mình như là một cuộc ‘xuất hành’, bắt đầu cuộc đấu tranh với satan, để rồi cuối cùng, Người chiến thắng, ‘bước ra từ sa mạc’ của sự chết.
Thuật ngữ ‘satan’ ở đây không phải là một tên riêng của ai, nhưng là một danh từ chung, và được đặt để trước con người như là một kẻ đối nghịch hay buộc tội. Thời Đức Giêsu nó được xem như là một thế lực sự dữ, chống lại sự thiện hảo của con người, và huỷ hoại những việc làm của Thiên Chúa. Trong đoạn trích của chúng ta, nó được nhân cách hoá như là mọi thế lực sự dữ chống lại những điều mà Đức Giêsu đang tranh đấu trong suốt ‘bốn mươi ngày’ của đời mình.
Trong trình thuật này, chúng ta còn thấy có hình ảnh “dã thú” và “các thiên thần” xuất hiện bên cạnh Đức Giêsu trong bốn mươi ngày sa mạc. Với một số người, đây được xem như là một sự tái tạo hình ảnh vườn địa đàng năm xưa, khi Ađam sống trong sự thanh bình với mọi loại dã thú. Và vì thế, khởi đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã khai mở một thế giới thái bình trong tương quan tốt đẹp với thiên nhiên và loài thụ tạo.
Nhưng có lẽ hình ảnh này còn gợi cho chúng ta những trang sách Đanien (Ch.7), trong đó, loài dã thú biểu trưng cho những thế lực đàn áp nhân loại, đó là một Babilon hung tàn như sư tử, những con gấu Mêđi, hay con beo Ba Tư và Alesandro Đại Đế. Thay vì phục vụ cho dân nước và thiết lập nền hoà bình và công lý, thì những đế quốc cường bạo này lại đàn áp kẻ nghèo hèn.
Nếu đúng theo chiều hướng này, thì loài thú dữ trong trình thuật Marcô được xem như một lực lượng đối trọng với Chúa Giêsu trong sứ mạng của Người: những người nắm giữ quyền lực chính trị, kinh tế và tôn giáo, những người bị cho là “nuốt hết tài sản của các bà goá” (Mc 12,40). Sứ mạng trần thế của Đức Giêsu chính là đấu tranh bảo vệ kẻ nghèo hèn thoát khỏi những thế lực thống trị này.
Các thiên thần, trái lại, vừa được xem là “thiên thần” theo nghĩa thứ nhất, như là một lực lượng thần linh “hầu hạ” Đức Giêsu, nhưng còn có nghĩa là “sứ giả”, vì thế, được xem như bất cứ những ai là ‘trung gian’ ơn cứu độ và cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, theo nghĩa này, trong suốt ‘bốn mươi ngày’ trần thế, Đức Giêsu không những đã gặp gỡ cả ‘dã thú’, mà còn gặp gỡ các ‘thiên thần’ trong hành trình của mình. Họ là cha mẹ Người, họ là những người phụ nữ trợ giúp Người trong đời sống công khai, những người đã chia sẻ những giá trị và chọn lựa mà Người mang tới, những người đã sát cánh bên Người như những môn đệ cộng tác vào công cuộc rao giảng Nước Chúa. Ngày nay, ta vẫn bắt gặp rất nhiều ‘thiên thần’ mà Thiên Chúa đã quan phòng cho xuất hiện, đặc biệt trong những giây phút tối tăm của cuộc đời, ngay bên cạnh mỗi người môn đệ của Người.
Ở phần hai của bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã loan báo về triều đại Thiên Chúa; Người không khởi sự rao giảng Nước Chúa trong sa mạc hoang vu, nhưng thân hành bước ra đến với con người trong cuộc đời. Người cũng không khởi sự từ thánh đô Giêrusalem, thủ phủ tôn giáo, nhưng là từ Galilê, một vùng đất luôn bị khinh dể, với những người ngoại bang và tội lỗi.
Trong khi đa số dân Do Thái mong đợi về sự phục hồi vương triều Đavít hùng mạnh nhằm khuất phục kẻ thù và thế lực ngoại bang, thì triều đại mà Đức Giêsu mang tới là một viễn cảnh về một xã hội hoàn toàn mới, trên nền tảng các nguyên lý đối nghịch với các nguyên lý vốn có trong tương quan giữa con người: thay vì là cai trị, đàn áp, đầu cơ, tích trữ của cải, tìm tư lợi cá nhân, báo thù… thì Đức Giêsu mang đến sự phục vụ, sẻ chia tất cả, và nhất là sự tha thứ vô điều kiện và một tình yêu thương đại đồng, phổ quát, ngay cả cho kẻ thù.
Đức Giêsu khuyên chúng ta: “Hãy tin vào Tin Mừng”, tin vào những giá trị tốt đẹp mà Người mang đến và nhất là tin vào chính nơi Người; hãy đón nhận lời đề nghị này của Thiên Chúa, và như thế, Nước Trời, Nước đã đến gần, sẽ trở thành của chúng ta, và hiện diện trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người chúng ta.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Từ tình trạng tội lỗi, qua Noê, Thiên Chúa đã cho con người cơ hội bắt đầu trở lại trong tương quan mật thiết với Người bằng giao ước tình yêu. Mùa Chay thánh, tôi có nhận ra cơ hội Chúa trao để trở về với Chúa, về với tình yêu của Người, và với kế hoạch mà Người dành cho tôi?
2. Từ sức mạnh thanh tẩy siêu nhiên của nước qua phép rửa tội, tôi có tin và cảm nghiệm sức mạnh hoán cải của ơn Chúa trong đời mình?
3. Chiêm ngắm về cơn cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc, tôi có nhận ra tầm quan trọng và giá trị của những cuộc chiến đấu thiêng liêng trước những thách đố của cuộc sống có thể giúp tôi củng cố niềm tin và hành trình theo Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên Dân mới của Thiên Chúa cùng với lời mời gọi hoán cải: “Sám hối và tin vào Tin Mừng”. Trong niềm tin tưởng vào Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng ma quỷ và sự chết, chúng ta cùng tha thiết cầu xin:
1. Chúa Giêsu đã ở trong hoang địa 40 ngày đêm và chịu nhiều cám dỗ. Chúng ta cùng cầu xin cho hàng giáo phẩm và các vị chủ chăn luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô để được gia tăng sức mạnh, hầu vượt qua những khó khăn thử thách trong khi thi hành sứ vụ.
2. “Thời giờ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu biết tích cực sống tinh thần Mùa Chay qua đời sống cầu nguyện, hãm mình, và làm việc bác ái, hầu loan báo Tin Mừng Nước Chúa cho con người thời đại hôm nay.
3. Lao động là cộng tác vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Trong ngày thánh hoá công ăn việc làm đầu năm, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu khi ra sức làm việc để góp phần xây dựng xã hội, luôn biết tìm kiếm ý Chúa và làm vinh danh Người.
4. “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết không ngừng canh tân đời sống theo tinh thần Tin Mừng, để xứng đáng đón nhận sức sống dồi dào Chúa ban ở đời này và hạnh phúc đời sau.
Chủ tế: Lạy Chúa, Con Một Chúa đã nêu gương và mời gọi chúng con tiến bước trên con đường hoàn thiện. Xin chúc lành cho những nguyện ước của chúng con, cùng giúp chúng con biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể chiến thắng bản thân, vượt qua mọi cám dỗ, hầu giữ trọn lời cam kết của Bí tích Rửa Tội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.