24/01/2025

Thư tư lễ Tro: Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?

“Con hãy nhớ mình là tro bụi, sẽ trở về với bụi tro”. Điều nhắc nhở này mời gọi ta nhìn ra sự thật của đời người để tin tưởng hơn vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải tạo nên thái độ bi quan yếm thế như một số người trong chúng ta thường hiểu.

 

Thư tư lễ Tro bắt đầu Mùa Chay Thánh

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta bước vào Mùa Chay với nghi thức xức tro, tro đốt từ những lá đã được làm phép từ năm trước với ý nghĩa tượng trưng cho vật chất bị huỷ hoại thành bụi đất và Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Con hãy nhớ mình là tro bụi, sẽ trở về với bụi tro”. Điều nhắc nhở này mời gọi ta nhìn ra sự thật của đời người để tin tưởng hơn vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải tạo nên thái độ bi quan yếm thế như một số người trong chúng ta thường hiểu.

1. Thân cát bụi

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát Cát Bụi có thể đã mượn ý của câu Kinh Thánh: “Con người là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi” (x. St 3,19) để phổ những dòng nhạc tuyệt vời:

“Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi! cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi.

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày”

Cụm rừng nào lá xác xơ cây . 
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy . 
Ôi cát bụi phận này . 
Vết mực nào xóa bỏ không hay !”.

Ông kể cho chúng ta nghe một sự thật của đời người, dù nó có vẻ hơi bi quan, vì sống trăm năm rồi cũng chết và nhiều người bi quan hơn nghĩ rằng chết như một con chó, con mèo, một cành cây, một nhánh cỏ. Tất cả đều trở về bụi đất giống như nhau.

Khi xức tro trên trán chúng ta, Giáo Hội muốn nhắc nhở rằng: vì là thân cát bụi, một ngày nào đó ta trở về với đất bụi. Trở về để biến đổi, vì bụi đất ấy đã được Ngôi Lời Thiên Chúa đón nhận trong mầu nhiệm làm người của mình, bụi đất ấy lại được Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu đón nhận qua cái chết và sự sống lại của Người để làm cho hoá thân không phải chỉ thành người mà còn trở thành Thiên Chúa. Đó là tất cả niềm hy vọng, niềm vui và bình an cho chúng ta.

2. Cuộc tiến hoá của vật chất

Nhiều bạn trẻ khi học về thuyết tiến hoá của Darwin (1809-1883) đã hoàn toàn tin rằng trong quá trình biến đổi của vật chất vô hồn trở thành con người có tinh thần, những cái mới mẻ bắt nguồn từ sự kế thừa trong thời gian dẫn đến việc hoàn thiện trạng thái ban đầu là do ngẫu nhiên, không cần đến Người Chủ Vô hình nào giống như người ta có thể giải thích sự có mặt, ý nghĩa của cái đồng hồ đeo trên tay mình hoàn toàn bằng cách nghiên cứu các bộ phận của nó.

Khoa vũ trụ học cho ta biết từ vụ nổ Big Bang cách đây khoảng  15 tỉ năm những thiên hà xuất hiện. Một trong những thiên hà ấy có ngôi sao là mặt trời xuất hiện cách đây 12 tỉ năm, rồi mặt trời nổ ra tạo nên trái đất như một hành tinh xoay quanh mặt trời cách đây 8 tỉ năm, những chất khí, chất rắn của trái đất phối hợp với nhau thành những chất khác càng ngày càng phức tạp để đúng một tỉ năm trước đây xuất hiện tế bào sống đầu tiên. Rồi các tế bào sống ấy nhân ra thành những đa bào, những con vật hạ đẳng, thượng đẳng, rồi vượn người Pliopitech cách đây 37 triệu năm. Đúng một triệu năm trước đây, con người tiền sử đứng thẳng, biết dùng hai tay và cái đầu của mình rồi đến chúng ta là con người biết suy tư, homo sapiens, chỉ mới xuất hiện cách đây 40.000 năm. Đó là quá trình của cát bụi biến thành sâu bọ và sâu bọ lên làm người.

Nhưng nếu chỉ nhìn vào cát bụi, vào vật chất tiến hoá từ những tỉ năm trước cho đến con người ngày nay, chắc chắn ta chỉ thấy cát bụi vẫn là cát bụi, ta vẫn luôn đặt câu hỏi như nhạc sĩ họ Trịnh “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?” và mãi mãi sống trong buồn tủi và thất vọng để trở về cát bụi sau một kiếp rong chơi trên trần thế!

3. Câu trả lời đến từ Đức Giêsu Kitô

Các khoa học tự nhiên khám phá ra nhiều điều kỳ diệu: trong khối cát bụi ấy đang có sự sống, có tư tưởng, có tình yêu và biết bao khả năng của tinh thần, dù dưới những máy móc cân đo đong đếm của khoa học kỹ thuật, vật chất chỉ là các nguyên tố đơn giản vận hành như cacbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm… Khoa học không thấy, không đo, không đếm được sự sống, tư tưởng, tình yêu, còn nói chi đến việc giải thích hay làm chủ chúng.

Muốn thấy được những thứ đó chúng ta phải nhìn ra ngoài cát bụi để thấy một Thiên Chúa là nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn tư tưởng đã ban cho khối bụi đất này được yêu như Ngài, sống như Ngài, suy nghĩ như Ngài. Cho nên con người là hình ảnh của Thiên Chúa mà bụi đất nhắc nhở cho chúng ta điều đó.

Hôm nay khi xức tro trên đầu, chúng ta không phải chỉ nhìn vào bụi đất mà nên tìm về nguồn hiện hữu của mình, nhìn vào Đấng Tạo Hoá đã dựng nên chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta tình yêu, tư tưởng, sự sống. Hơn nữa, Đấng ấy còn muốn cứu độ chúng ta khi sai Ngôi Lời Thiên Chúa, Con của Ngài, mang thân cát bụi như chúng ta là Đức Giêsu Kitô để biến chúng ta từ bụi đất trở thành Thiên Chúa như Người. Đó là cuộc tiến hoá thần linh mà mỗi người chúng ta đều có thể thực hiện với Đức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua của đời mình.

Lời kết

Hôm nay Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta sự thật đó, để chúng ta càng ngày càng yêu mến Thiên Chúa hơn, yêu mến Đức Giêsu Kitô hơn khi chúng ta bước vào Mùa Chay với những việc ăn chay, cầu nguyện, bác ái như Chúa Giêsu dạy (x. Mt 6,1-6.16-18). Chúng ta sẽ làm cho khối bụi đất này ngày càng biến đổi để đến một lúc nào đó chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, quyền năng, ân sủng của Thiên Chúa trong con người tầm thường tội lỗi của ta và ta mới thấy rằng cát bụi hoá kiếp thành Thiên Chúa.