28/11/2024

Một số chính sách mới có hiệu lực từ 1-2-2018

Bơi lội trong cảng biển bị phạt tới 300 ngàn, 6 trường hợp cần trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế… là những chính sách mới có hiệu lực từ 1-2-2018.

 

Một số chính sách mới có hiệu lực từ 1-2-2018

 

Bơi lội trong cảng biển bị phạt tới 300 ngàn, 6 trường hợp cần trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế… là những chính sách mới có hiệu lực từ 1-2-2018.

Một số chính sách mới có hiệu lực từ 1-2-2018 - Ảnh 1.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng với hành vi bơi lội trong khu vực cảng biển.

Những trường hợp không tính thuế TNDN

Theo Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP:

Từ 1/2/2018, phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người (quy định cũ là 1 triệu đồng) để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định về BHXH, BHYT trích nộp cho các quỹ cho tính chất an sinh xã hội, quỹ BHYT và quỹ BHTN cho người lao động sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh có hàng hoá nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hoá nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.

 

Bơi lội trong cảng biển bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng

Theo Nghị định 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/2, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải:

Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ tại cảng biển không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Kèm theo là biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra.

Đáng chú ý, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng với hành vi bơi lội hoặc làm mất trật tự công cộng trong khu vực cảng. Hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc hoặc hành vi vô ý có thể gây cháy, nổ trên tàu thuyền cũng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Có 6 trường hợp cần trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế

Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP, có hiệu lực từ ngày 1/2/2018, quy định ngoài những trường hợp bắt buộc theo Điều 206 BLTTHS 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế những trường hợp cần thiết như:

– Xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hoá, hàng giả, hàng thật, hàng cấm;

– Truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử;

– Xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác;

– Xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư;

– Gặp khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra;

– Xác định hành vi vi phạm về thuế, tài chính,…và các lĩnh vực khác xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định.

Việc trưng cầu giám định trong những trường hợp trên chỉ thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Khai thác tàu thuyền quá niên hạn sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng

Theo Nghị định 142/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/2/2018, hành vi khai thác tàu thuyền quá niên hạn sử dụng sẽ bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 65 – 75 triệu đồng đối với nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú du lịch ban đêm;

Một số chính sách mới có hiệu lực từ 1-2-2018 - Ảnh 2.

Phạt tiền từ 45 – 55 triệu đồng đối với phương tiện chở hàng nguy hiểm

– Phạt tiền từ 55 – 65 triệu đồng đối với phương tiện chuyên vận tải hành khách có sức chở trên 12 người mà không phải là tàu thu lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu đệm khí;

– Phạt tiền từ 45 – 55 triệu đồng đối với phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở khí hoá lỏng, tàu đệm khí.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn từ 02 đến 03 tháng.

Tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế

Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 1/2/2018, quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch. Theo đó, người sử dụng thành thạo ngoại ngữ theo quy định là người đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:

– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành ngoại ngữ;

– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên theo chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài;

– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ở nước ngoài;

– Có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận ngoại ngữ:

+ Bậc 4 trở lên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

+ B2 trở lên Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu.

(Chứng chỉ phải còn thời hạn hoặc được cấp trong vòng 05 năm, giấy chứng nhận không quy định thời hạn, do tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cấp đạt mức yêu cầu theo quy định).

Quy định mới về Logistics

Nghị định 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực từ ngày 20/2 như sau:

Về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng: trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp logistics thì thực hiện theo quy định đó. Trường hợp pháp luật không quy định thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng do hai bên tho thuận.

Trường hợp doanh nghiệp logistics và khách hàng không có tho thuận thì thực hiện như sau: Nếu khách hàng không có thông báo trước về trị giá hàng hoá thì doanh nghiệp logistics phải bồi thường tối đa 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường; Nếu khách hàng đã thông báo trước, mức bồi thường của doanh nghiệp logistics không vượt quá trị giá của hàng hoá đó.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics theo hình thức vận tải hàng hóa đường bộ thì có thể hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. Tuy nhiên, 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.

Ưu đãi đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Theo Nghị định 04/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng:

Từ ngày 20/2, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu công nghệ công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm. Riêng các dự án có quy mô từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Không chỉ thế, các doanh nghiệp này còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Một số chính sách mới có hiệu lực từ 1-2-2018 - Ảnh 3.

Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu công nghệ công nghệ cao Đà Nẵng được hưởng nhiều ưu đãi

Miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với: Đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng; Đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập; Đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; Đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại Khu công nghệ cao…

Hướng dẫn quản lý, giám sát thu thuế casino

Tại Thông tư số 146/2017/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2018, Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, giám sát việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh casino quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ.

Thông tư này áp dụng với doanh nghiệp kinh doanh casino theo quy định tại Nghị định 03/2017/NĐ-CP; cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan đến việc cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh casino; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh casino.

Theo quy định tại Thông tư, DN kinh doanh casino phải bố trí một địa điểm trong Điểm kinh doanh casino với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 03/2017/NĐ-CPngày 16/01/2017 của Chính phủ để cơ quan thuế quản lý thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát trực tiếp hoặc qua các thiết bị điện tử và qua hệ thống camera.

Việc lắp đặt các thiết bị điện tử và hệ thống camera trong Điểm kinh doanh casino và việc lưu trữ hình ảnh theo dõi qua các thiết bị điện tử và hệ thống camera thực hiện theo quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP.

Cơ quan thuế quản lý thực hiện truy cập vào hệ thống thiết bị điện tử, hệ thống camera để phục vụ công tác quản lý doanh thu, quản lý thuế. Cơ quan thuế quản lý có thể giám sát trực tiếp tại Điểm kinh doanh casino hoặc giám sát qua các thiết bị điện tử và qua hệ thống camera.