28/11/2024

Kẹt bền bỉ với ‘đại lộ nghìn tỉ’ đi Tân Sơn Nhất

Đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua Q.Gò Vấp (TP.HCM) dài khoảng 4,7km, là cửa ngõ từ Bình Dương, Đồng Nai và các quận phía đông TP.HCM đi sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng thường xuyên kẹt xe tại các giao lộ lớn khiến người đi đường ngao ngán.

 

Kẹt bền bỉ với ‘đại lộ nghìn tỉ’ đi Tân Sơn Nhất

Đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua Q.Gò Vấp (TP.HCM) dài khoảng 4,7km, là cửa ngõ từ Bình Dương, Đồng Nai và các quận phía đông TP.HCM đi sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng thường xuyên kẹt xe tại các giao lộ lớn khiến người đi đường ngao ngán.

 
 
 

Kẹt bền bỉ với đại lộ nghìn tỉ đi Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Xe cộ chen chúc tại khu vực giao lộ Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng – Ảnh: LÊ PHAN

Hai điểm kẹt xe lớn tại khu vực này gồm giao lộ Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng và Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng.

Kẹt xe kéo dài

Vào giờ cao điểm, lượng xe từ các quận ngoại thành đi vào đường Phạm Văn Đồng khá lớn, khi đến giao lộ Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng thì gặp dòng xe từ đường Phan Văn Trị đổ ra.

Do diện tích đường lớn nên khi dòng xe từ đường Phan Văn Trị băng ngang chưa hết thì đèn tín hiệu đã chuyển màu khiến dòng xe trên nằm chắn ngang giữa đường gây ra ùn tắc. 

 

Có thời điểm dòng xe trên đường Phạm Văn Đồng ùn ứ nối đuôi nhau gần 1km, kéo dài từ cầu Rạch Lăng đến giao lộ Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng.

Vừa qua khỏi khu vực ùn ứ xe nói trên, người đi đường lại rơi vào dòng xe ùn ứ tại giao lộ Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng. Giao thông tại đây thường xuyên hỗn loạn.

Thêm vào đó, đèn tín hiệu xanh trên đường Phạm Văn Đồng tại nút giao này tổ chức chung cho cả làn đường ôtô và xe máy, dẫn đến việc xe hai bánh khi rẽ trái qua Lê Quang Định hoặc Nguyên Hồng đều phải cắt ngang làn đường ôtô dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông khá cao.

Một điểm khác cũng thường xảy ra kẹt xe là khu vực thi công cầu vượt nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm. 

Do ảnh hưởng của việc thi công nên khu vực này giao thông khá hỗn loạn. Lực lượng chức năng phải thường xuyên có mặt để phân luồng, điều tiết giao thông khi xảy ra kẹt xe.

Do thường xảy ra kẹt xe nên người đi xe máy chạy lên vỉa hè khiến gạch vỉa hè bong tróc, bể vụn

Bà Nguyễn Bích Nga (người dân khu vực giao lộ Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng)

Kẹt bền bỉ với đại lộ nghìn tỉ đi Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.

Giao lộ Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng là một trong những điểm kẹt xe lớn

Nhiều giải pháp điều tiết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết tại mỗi giao lộ trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thường xuyên theo dõi, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Tuy nhiên, do các đường nhánh như Lê Quang Định, Nguyên Hồng và Phan Văn Trị có bề rộng mặt đường hẹp, tốc độ thoát xe bị hạn chế nên dù thời lượng đèn ưu tiên cho đường nhánh, nhưng vẫn xảy ra tình trạng dòng xe chờ kéo dài trên đường Phạm Văn Đồng.

Về các giải pháp xử lý trước mắt, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông, tổ chức giao thông một chiều các đường nhánh kết hợp với cải tạo kích thước các tuyến đường nhánh dẫn vào giao lộ. 

Mở các khoảng dải phân cách biên, lắp đặt các biển báo hướng dẫn tạo điều kiện cho xe cộ tiện rẽ phải từ đường Phạm Văn Đồng vào các đường nhánh để giảm giao cắt giữa các dòng xe, thu hẹp bán kính vòng xoay tại hai giao lộ từ 7,5m xuống còn 5m.

Cuối năm 2017, giao lộ Phạm Văn Đồng – Phan Văn Trị đã thí điểm tháo bỏ vòng xoay, cải tạo kích thước hình học, điều chỉnh đèn tín hiệu.

Kẹt bền bỉ với đại lộ nghìn tỉ đi Tân Sơn Nhất - Ảnh 4.

Giao lộ Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng thường xảy ra tình trạng kẹt xe

Về các giải pháp lâu dài, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 tiếp tục trình Sở Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ thi công nhánh cầu nối đường Nguyễn Kiệm (phía Q.Phú Nhuận) với đường Nguyễn Thái Sơn để giảm xung đột tại vòng xuyến Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng. 

Từ đó giảm lượng xe bị điều chuyển về giao lộ Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng khi xảy ra xung đột tại khu vực vòng xoay.

Ngoài ra, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 phối hợp với UBND các quận xem xét mở rộng các tuyến đường nhánh kết nối với đường Phạm Văn Đồng để giảm tình trạng thắt nút cổ chai; bổ sung hệ thống camera giám sát giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Còn ông Phạm Ngọc Dũng, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3, cho biết tại nút giao vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn – Hoàng Minh Giám – Phạm Văn Đồng cầu vượt thép ba nhánh đã hoàn thành được hai nhánh, hiện đang đẩy nhanh xây dựng để hoàn thành thêm một nhánh.

Một nhánh cầu vượt trong hệ thống cầu vượt chữ Y tại ngã sáu Gò Vấp cũng đã được đưa vào sử dụng từ tháng 11-2017. Tại nút giao Lê Quang Định – Phạm Văn Đồng, dự án đầu tư, xây dựng lại cầu Hang Trong đã được phê duyệt, dự kiến sẽ thi công năm nay.

Khảo sát lại để điều chỉnh

Ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết đường Phạm Văn Đồng hiện đã cơ bản xây dựng đồng bộ các dự án theo quy hoạch.

Trong đó, chỉ còn nhánh cuối của công trình cầu vượt thép tại nút giao với đường Nguyễn Thái Sơn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thi công.

Trước vấn đề áp lực giao thông tăng cao ở một số nút giao thông nêu trên, ông Hưng cho biết Sở GTVT đang theo dõi và khảo sát lại từng khu vực cụ thể để lên phương án điều chỉnh.