25/01/2025

Nặng lòng với di sản bị tàn phá

Trong số các nhà khoa học đang cố gắng ngăn sự xâm hại di sản ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và nhiều di sản khác thời gian gần đây, PGS.TSKH Vũ Cao Minh, Viện địa chất là một trong số những người có tiếng nói mạnh mẽ.

 

Nặng lòng với di sản bị tàn phá

Trong số các nhà khoa học đang cố gắng ngăn sự xâm hại di sản ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và nhiều di sản khác thời gian gần đây, PGS.TSKH Vũ Cao Minh, Viện địa chất là một trong số những người có tiếng nói mạnh mẽ.
 

 

 

Nặng lòng với di sản bị tàn phá - Ảnh 1.

Miệng núi Thới Lới tuyệt đẹp khi nhìn từ trên cao – Ảnh: TẤN CƯ

Cuộc trò chuyện của nhà khoa học Vũ Cao Minh với Tuổi Trẻ bắt đầu từ Lý Sơn để nói về một vệt di sản từ Bắc vào Nam, những nơi ông đã từng có các nghiên cứu, khảo sát và kiến nghị với mong muốn thêm nhiều người có ý thức gìn giữ di sản.

Bãi tắm, khách sạn, resort… bên miệng núi lửa

* Câu chuyện ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi gần đây cũng tương tự như ở cao nguyên đá Đồng Văn, phải chờ tới khi có những kiến nghị của các nhà khoa học thì việc bảo tồn di sản mới được làm ráo riết, thưa ông?

– Không được may mắn như cao nguyên đá Đồng Văn, những di sản ở đảo Lớn Lý Sơn về cơ bản đang bị tàn phá. 

 

Sự thật là như thế. Khi chúng tôi thực hiện việc nghiên cứu khảo sát, anh em trong nhóm khảo sát đã nói với nhau chưa nên nói rộng rãi về những giá trị của di sản vì sẽ có nhiều người nhảy vào khai thác tùy tiện. 

Nhưng ngay sau khi chúng tôi có báo cáo ban đầu với tỉnh về giá trị di sản, thông tin này được truyền thông đưa ra, lập tức Lý Sơn biến thành đại công trường.

* Lý Sơn đã có những gì và đang mất những gì quý giá?

– Với những di sản ở đây, đặc biệt là di sản ở đảo Lớn, Lý Sơn rất xứng đáng được công nhận công viên địa chất toàn cầu mà đặc trưng là dấu tích của hàng loạt miệng núi lửa trên đảo và ngầm dưới lòng biển. 

Điển hình là khu vực cụm miệng núi lửa cổ và trẻ trên đỉnh núi lửa Thới Lới phun nổ hai đợt – đợt một cách đây khoảng 9-11 triệu năm và đợt hai cách nay khoảng 1 triệu năm. 

Nhiều vách đá, thềm đá, các hang đá núi lửa, ruộng bậc thang xếp bằng đá núi lửa vô cùng hấp dẫn. Các dấu tích núi lửa nằm trong tổng thể hài hoà tạo nên cảnh quan rất đẹp.

Nhưng trước việc khai thác tùy tiện phục vụ du lịch, phát triển kinh tế mà đảo lớn Lý Sơn đã và đang bị tàn phá. 

Nhiều dự án xây dựng ở đỉnh núi Thới Lới khiến nó bị biến dạng, mất nhiều thảm thực vật. Có hai bờ biển vách đá núi lửa đẹp hoang sơ kỳ vĩ vào loại bậc nhất thế giới thì giờ một nơi là nghĩa địa, một nơi san cát làm bãi tắm, làm công trình. Cả bốn miệng núi lửa đẹp nhất đảo đang san gạt. 

Có những khách sạn xây dựng ngay bên cạnh miệng núi lửa, che khuất tầm nhìn rất phản cảm. Con đường bêtông quanh đảo phá nhiều thềm biển lớp, san hô, những tầng địa chất hiếm.

Một số thắng cảnh bị tàn phá do các công trình xây dựng ồ ạt. Một số dự án mở rộng bãi tắm, xây khách sạn, thậm chí đang có doanh nghiệp đề xuất xây dựng resort trên biển nơi có nhiều dấu hiệu di sản chưa được xác định chi tiết.

Nặng lòng với di sản bị tàn phá - Ảnh 2.

TS Vũ Cao Minh – Ảnh: PHƯƠNG CHINH

 

Sẽ không có đầu tư, khai thác tuỳ tiện, nếu…

* Trong kiến nghị của ông và các nhà khoa học khác, Lý Sơn cần được trả lại nguyên trạng, có nghĩa không thể khai thác phát triển du lịch?

– Không, ngược lại với điều bạn nói, trong báo cáo của tôi với tỉnh, tôi đã đề xuất xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo độc đáo và kỳ thú về du lịch núi lửa – biển. Thế mạnh của Lý Sơn là di tích núi lửa – biển và văn hoá biển đảo, điều đó tạo nên sự khác biệt với các khu di sản khác trong nước và quốc tế.

* Nhưng du lịch phát triển sẽ đồng nghĩa với nguy cơ di sản bị xâm hại.

– Nếu có quy hoạch hợp lý và quản lý chặt chẽ thì sẽ không có chuyện đầu tư, khai thác tùy tiện. 

Ví như trong quy hoạch cần quy định nơi nào cho phép công trình xây dựng, khống chế chiều cao, độ lớn của công trình để không phá vỡ không gian đặc trưng của di sản. Khuyến khích xây dựng các công trình công cộng có kiến trúc lấy cảm hứng từ núi lửa. 

Các khu thương mại, mua sắm, bãi tắm vẫn có thể khai thác, đầu tư nhưng đều phải nằm trong quy hoạch tổng thể. 

Ngoài ra, có thể thiết kế nhiều tour du lịch thích hợp như du ngoạn vào trong lòng núi lửa, du ngoạn dưới nước, du ngoạn mặt biển vòng quanh các đảo Lớn, Bé, du lịch trải nghiệm…

* Thực trạng tàn phá di sản ở Lý Sơn là ứng xử không phải hiếm, phải không thưa ông?

– Điều này đã và vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi. Tôi đã đi từ Bắc vào Nam, phải nói là đất nước ta có quá nhiều di sản có giá trị ở tầm cỡ quốc tế. Nhưng chúng bị tàn phá rất ghê. Mới đây tôi đi Kiên Lương, hệ thống núi và hang động cực kỳ đặc biệt. 

Chúng ta đã có vịnh Hạ Long trên biển, có Tràng An trên đất liền thì ở Kiên Lương có hệ thống núi và hang động vừa trên biển vừa trên đất liền. 

Người ta khai thác đá vôi khiến cho những chứng tích quan trọng bị mất đi. Nhà cửa, hàng quán mọc lên và để tiện cho sinh hoạt, kinh doanh, người ta phá núi, xây dựng bát nháo.

Bảo vệ di sản bằng những mục tiêu dân sinh

* Vậy theo ông, giải pháp bền vững để bảo tồn và khai thác di sản là gì?

– Tôi cho rằng ở cao nguyên đá Đồng Văn, Lý Sơn, Kiên Lương hay nhiều vùng di sản chúng tôi đã khảo sát, kiến nghị thì đều cần phải có vai trò của bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà dân. 

Nhà nước cần có những quy định, chỉ đạo cần thiết cho việc gìn giữ, tôn tạo và khai thác trên cơ sở đánh giá, đề xuất của nhà khoa học. Nhưng để thực hiện việc đó cũng cần xã hội hóa để có nguồn kinh phí đủ thực hiện. 

Cuối cùng là vai trò của người dân. Họ có thể trở thành những người tàn phá do thiếu hiểu biết, nhưng ngược lại họ cũng là người bảo vệ khi họ hiểu giá trị của di sản và các phương án bảo tồn di sản phải đặt lợi ích dân sinh. 

Các cụm dân cư trong khu di sản với văn hoá đặc trưng của họ phải là một phần trong quy hoạch tổng thể của vùng di sản. Trong đó, mục tiêu dân sinh phải được tính đến. Dân có thoát nghèo thì mới trở thành chủ nhân của di sản được.

* Ông cho rằng chỉ thấy các di sản thu hút ở khía cạnh thẩm mỹ là chưa đủ?

– Tôi cho là thế. Vì vẻ đẹp của các di sản, nhất là di sản địa chất – địa mạo, càng hiểu về nó, hiểu về lịch sử hình thành, những giá trị văn h đời sống gắn liền với di sản thì mới nhìn thấy vẻ đẹp sâu hơn, thu hút hơn. Nhiều di sản mà đằng sau nó là một triết lý sống sâu sắc.

Tôi ví dụ như ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), chúng tôi cũng đang đề xuất tỉnh làm hồ sơ để công nhận di sản văn h thế giới. Địa hình núi có độ cao, độ dốc lớn hơn khiến ruộng bậc thang ở đây kỳ vĩ. 

Hoàng Su Phì là một trong ba địa phương có lũ quét, sạt lở nhiều nhất, khủng khiếp nhất. 

Nếu biết điều đó thì sẽ thấy vẻ đẹp của ruộng bậc thang là biểu trưng của sự thách thức, vượt lên thiên nhiên khắc nghiệt của người dân từ cổ xưa đến nay. Triết lý sống nằm ở đó.

Tương tự ở cao nguyên đá cũng thế, bạn sẽ có thể tìm thấy nhiều sự thú vị ở trong những cụm dân cư với văn h đặc trưng của người Mông gắn bó cả đời với đá. 

Vẻ đẹp sáng tạo của người dân sống trên đá với những ngôi nhà đá, hàng rào đá, cánh đồng rau xanh và hoa xen kẽ với đá cũng là biểu thị của sức sống mãnh liệt.

Tôi nhìn thấy vẻ đẹp ở ngay trong sự khắc nghiệt, hoang sơ. Nếu biết cách giữ gìn, khai thác nó theo hướng có ích, trong đó đầu tiên phải là lợi ích cho người dân sống tại nơi đó thì đất nghèo không còn nghèo nữa.

TS Vũ Cao Minh từng học ở ĐH Tổng hợp Vacsava – Ba Lan, chuyên ngành địa chất công trình.

Ông từng làm phó viện trưởng Viện địa chất, thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN.

Ông tham gia xây dựng bộ Atlas quốc gia VN, cùng đồng nghiệp đã có các khảo sát để có những cứ liệu khoa học đầu tiên làm cơ sở xây dựng hồ sơ công nhận cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là công viên địa chất toàn cầu.

Ông đã cùng các nhóm nghiên cứu phát hiện, đề xuất tôn tạo những di sản, cảnh quan có giá trị ở nhiều địa phương. 

VĨNH HÀ Thực hiện