23/01/2025

Đại hội Sinh viên Công giáo Toàn quốc Indonesia lần thứ 30

Trong các ngày từ 22 tới 27 tháng giêng vừa qua, 3.800 sinh viên công giáo đại biểu của 69 vùng toàn nước Indonesia đã tham dự đại hội sinh viên Công giáo toàn quốc lần thứ 30 tại Palembang trên đảo Sumatra.

 Đại hội Sinh viên Công giáo Toàn quốc Indonesia lần thứ 30

 

 
Trong các ngày từ 22 tới 27 tháng giêng vừa qua, 3.800 sinh viên công giáo đại biểu của 69 vùng toàn nước Indonesia đã tham dự đại hội sinh viên Công giáo toàn quốc lần thứ 30 tại Palembang trên đảo Sumatra.

Hiệp hội Sinh viên Công giáo Indonesia hiện có 105.000 thành viên. Đại hội lần này có đề tài là “Bảo vệ Pancasila và thực hiện các giá trị của nó trong cuộc sống thưòng ngày của các công dân Indonesia”.

Pancasila là hệ thống tư tưởng triết lý chính trị do ông Sukarno là vị tổng thống đầu tiên của Indonesia đề xướng. Từ Pancasila bắt nguồn từ tiếng Phạn Panca có nghĩa là 5 sila, có nghĩa là nguyên tắc, hay 5 cột trụ hướng dẫn cuộc sống của dân nước Indonesia: Thứ nhất là niềm tin vào một Thiên Chúa hay Thượng Đế duy nhất; thứ hai công bằng và văn minh nhân loại; thứ ba là sự hiệp nhất của nước Indonesia; thứ tư là nền dân chủ được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan nội tâm của sự đồng nhất phát xuất từ các quyết định của các vị đại diện và việc xây dựng sự đồng thuận đại diện; và thứ năm là công bằng xã hội cho toàn dân Indonesia.

Cộng hoà Indonesia rộng hơn 1.904.000 cây số vuông và được mệnh danh là “vạn quốc đảo”, vì gồm 13.487 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Indonesia có hơn 161 triệu dân, trong đó có 87,2% theo Hồi giáo, 9,9% theo Kitô giáo (trong số này có 7% theo Tin Lành, 2,9% theo Công giáo), 1,7% theo Ấn giáo, 0,7% theo Phật giáo, 0,2% theo Khổng giáo số còn lại theo các tôn giáo khác. Người dân Indonesia thuộc nhiều chủng tộc khác nhau gồm 40,2% là người Java, 15,5% là người Sunda, 3,5% là người Batak, 2,6% là người Bugis, 1,6% là người Bali, 1,2% là người Hoa, 1,2% là người Dayak, 1,1% là người Papua và 38% thuộc các sắc tộc khác.

Đại hội đã khai mạc với Thánh lễ do ĐC Adrianus Sunarko, dòng Phanxicô, Giám mục Giáo phận Pangkal Pinang, chủ sự. Giảng trong Thánh lễ, ĐC đã khuyến khích các sinh viên công giáo dám liều lĩnh, bỏ qua một bên các điều tạm bợ và kiên trì tập tành các nhân đức bất biến. ĐC nói: “Các bạn hãy có can đảm hành động và góp phần xây dựng quốc gia. Các bạn hãy sống cuộc đời mình cho có ý nghĩa, bằng cách làm những điều quan trọng và hiến trọn cuộc đời cho sự thật.”

** Trong diễn văn khai mạc đại hội tân tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, đã khích lệ các sinh viên Công giáo hiệp lực với toàn dân hoạt động cho hoà bình, góp phần duy trì sự hiệp nhất quốc gia, cùng với mọi công dân khác làm việc cho sự phát triển quốc gia và cho công ích. 
 
Tổng thống  nói: “Chúng ta sống trong một quốc gia đa tôn giáo và đa chủng tộc. Nếu có một cuộc xung đột vì lý do tôn giáo hay chủng tộc, thì các bạn phải nhanh chóng dập tắt nó. Làm hoà với tất cả mọi người khác và sống trong hài hoà là con đường chính đáng phải theo. Tổng thống cũng minh nhiên sự phát triển và các bước tiến mà chính quyền của ông sẽ cố gắng thực hiện để bảo vệ chế độ đa nguyên và sự hài hoà giữa mọi thành phần xã hội Indonesia. Ông kêu gọi giới sinh viên Công giáo tích cực tham gia các cuộc bầu cử hành chính sẽ diễn ra trong năm 2018 này, và củng cố tinh thần bầu cử trong sáng. 
 
Tổng thống nói tiếp: “Chúng ta phải yểm trợ lẫn nhau một cách hoàn toàn độc lập với các yếu tố tôn giáo, bộ tộc, tín ngưỡng hay các yếu tố khác. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta là anh chị em với nhau, hiệp nhất trong sự khác biệt của đất nước Indonesia được hướng dẫn bởi 5 nguyên tắc nòng cốt là Pancasila.”

Anh Angelo Wake Kako, Chủ tịch Liên hiệp Sinh viên Công giáo Indonesia, cho biết các sinh viên đã đánh giá rất cao các lời nhắn nhủ của tổng thống. Sự hiện diện của tổng thống cũng rất là ý nghĩa, bởi vì đây là lần đầu tiên một tổng thống Indonesia đến khai mạc đại hội toàn quốc của sinh viên Công giáo. Pancasila không chỉ là một suối nguồn hay một đề tài dành riêng cho các nhà chính trị. Thực hiện các giá trị của nó trong cuộc sống thường ngày của dân chúng là chià khoá giúp cho Indonesia trở thành một trong các quốc gia chính của thế giới.

Anh Ferinsky Kusumawwardanti, sinh viên tham dự đại hội, cho biết tổng thống đã đề cập đến tinh thần khoan nhượng, sự khác biệt và đa nguyên, là các yếu tố quan trọng đối với chúng tôi, đặc biệt là tại Palembang này. Tôi cảm thấy rằng, như là tín hữu Công giáo, các đóng góp tích cực của chúng tôi  được tổng thống đánh giá cao.

Ông Nat Widiasari, Giáo sư Khoa Truyền thông tại Đại học Công giáo Atma Jaya trong thủ đô Jakarta, cho biết cộng đoàn Công giáo Indonesia nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc thăng tiến hoà bình và hoà hợp, và chống lại mọi lèo lái chính trị đối với tôn giáo. Trong một vài vùng của đất nước sự hoà hợp tôn giáo không gặp vấn đề. Nhưng trong vài vùng khác có các căng thẳng ngấm ngầm, vì sự hiện diện của các lãnh tụ hồi cực đoan vẫn nuôi mộng Hồi giáo hoá toàn xã hội vì các lý do chính trị hay lợi lộc riêng tư khác. Và họ không ngần ngại lèo lái tôn giáo theo các hướng đó.

** Nhưng giáo sư cũng cho biết chính quyền cộng tác với mọi nhóm xã hội dân sự để cố gắng dẹp bỏ các khuynh hướng không lành mạnh này, và nhấn mạnh sự hoà hợp như tiền đề cho việc cùng nhau cộng tác hoạt động cho công ích và phát triển đất nước.

Giáo sư Widiasari cũng cho biết thêm tuy là một nước có đa số dân theo Hồi giáo và Giáo hội Công giáo chỉ là một thiểu số, nhưng phần đóng góp của Giáo hội Công giáo trong việc dấn thân thăng tiến hoà bình, công bằng xã hội và đối thoại liên tôn rất quan trọng, vì nó giúp củng cố các tương quan hài hoà giữa mọi người dân Indonesia.

Chính các khuynh hướng quá khích không lành mạnh này của một số các nhóm hồi giáo khiến cho cuộc sống của các Kitô hũu gặp khó khăn vì họ bị kỳ thị phân biệt đối xử. Điển hình như trong Giáo phận Denpasar, trên đảo Bali. ĐC Silvester Tung Kiem San, Giám mục giáo phận, cho biết cộng đoàn Công giáo chỉ là một đàn chiên bé nhỏ gồm 42.000 giáo dân sống trong 24 giáo xứ, được cai quản bởi 31 linh mục triều và 15 linh mục dòng. Giáo phận gồm 2 tỉnh: tỉnh Bali có đa số dân theo Ấn giáo và tình West Nusa Tengara có đa số dân theo Hồi giáo. Chính sự trộn lẫn văn hoá là nét đẹp của vùng này. Nhưng rất tiếc các Kitô hữu bị kỳ thị trong xã hội. Họ khó mà kiếm được việc làm trong các lĩnh vực công cộng và doanh nghiệp. Cả khi không có luật lệ kỳ thị tôn giáo, nhưng đây là thói quen xã hội tiêu cực vẫn tồn tại. Giáo Hội địa phương phải đương đầu với hai thách đố lớn đối với việc rao truyền Tin Mừng. Thứ nhất là sự kiện khó khăn trong việc xây dựng các nhà thờ. Chính quyền địa phương làm khó dễ không cho phép Giáo Hội xây dựng các nơi thờ tự. Trong các vùng không có nhà thờ tín hữu tham dự thánh lễ và tụ tập nhau cầu nguyện tại các tư gia như thời giáo hội khai sinh. Sau đó họ chia sẻ bữa ăn huynh đệ với nhau. Thành ra dịp gặp gỡ trở thành việc cử hành đức tin, cuộc sống và cộng đoàn. Thách đố thứ hai là các vụ hôn nhân hỗn hợp tôn giáo. Điều này có thể là một đe dọa cho đức tin Công giáo, và trong các năm qua số gia đình liên tôn giáo đã gia tăng. Để củng cố cộng đoàn hồi tháng 11 năm vừa qua Giáo Hội đã triệu tập công nghị giáo phận và đề ra chương trình mục vụ cho các năm 2018-2022 nhắm việc đào tạo hàng lãnh đạo giáo dân.

** Các tình hình căng thẳng đó đây trong nước cũng đã khiến cho các vị lãnh đạo Kitô âu lo. Trong sứ điệp chung gửi Kitô hữu toàn nước nhân dịp Lễ Giáng Sinh năm 2017 vừa qua các giám mục Công giáo và các giám mục Tin Lành đã kêu gọi các Kitô hữu góp phần xây dựng sự hiệp nhất, tình huynh đệ, sự thật, công bằng và hoà bình trong xã hội Indonesia, bằng các hoạt động giúp giảm khoảng cách giữa người giầu và người nghèo, dẹp bỏ nạn gian tham hối lộ, đạp đổ các bức tuờng ngăn cách nhân danh chủng tộc hay tôn giáo. Đây là sứ mệnh tin mừng mà mọi Kitô hữu được mời gọi chu toàn trên đất Indonesia.

Sứ điệp mang chữ ký của ĐTGM Jakarta Ignatius Suharyo và ĐC Antonius Subianto Bunjamin GM Bandung, Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐGM Indonesia, cũng như của Bà Giám mục Henriette Lebang và ĐC Goma, chủ tịch và Tổng Thư ký Ban Cố vấn các Giám mục Tin Lành.

Sau khi ghi nhận một số sự kiện tiêu cực như sự cạnh tranh chính trị bằng mọi giá không lành mạnh, khuynh hướng cuồng tín khai thác tôn giáo cho các ý đồ riêng tư ngày càng gia tăng, các vị lãnh đạo Kitô tái khẳng định quyết tâm thực thi các lý tưởng như đã được nêu lên trong Hiến pháp Indonesia năm 1945. Ngoài ra cần phải thăng tiến sự hiệp nhất, công bằng và hoà bình xã hội không chỉ giữa mọi thành phần công dân Indonesia, nhưng còn trên toàn thế giới nữa. 
 
Các vị lãnh đạo kitô khẳng định cần tổ chức và liên tục điều chỉnh hệ thống và guồng máy dân chủ để thực hiện các lý tưởng chung. Đây không phải là điều dễ dàng vì Kitô giáo chỉ là một thiểu số. Chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề phải đương đầu dựa trên các sức lực riêng. Đã đến lúc chúng ta phải để cho hoà bình của Chúa Kitô ngự trị trong con tim chúng ta. Hoà bình của Chúa Kitô ngự trị trong con tim chúng ta là một sức mạnh hiệp nhất và đánh đổ bức tường chia rẽ. Chỉ với hoà bình của Chúa Kitô trong tim, chúng ta mới có thể rộng mở và giang vòng tay yêu thương tiếp đón các anh chị em đồng hương Indonesia khác và nắm tay nhau xây dựng hiệp nhất quốc gia và tiến tới một tương lai tươi sáng hơn. 
 
Kết thúc sứ điệp, các vị lãnh đạo Kitô cầu mong Lễ Giáng Sinh là dịp giúp mọi người phát triển khà năng tiếp đón các khác biệt của xã hội đa chủng tộc và đa tôn giáo như Indonesia với tinh thần Pancasila đã hướng dẫn cuộc sống quốc gia trong suốt 73 năm qua.

 
 

Linh Tiến Khải