22/01/2025

Bài chia sẻ của Lm. Nguyễn Ngọc Sơn về nguồn lực cho hoạt động bác ái.

Có nhiều người hỏi tôi đã tìm nguồn lực ở đâu cho những hoạt động lớn lao này? Câu trả lời của tôi rất đơn giản: tôi tin vào tình yêu đã nối kết tất cả chúng ta lại với nhau và thúc đẩy chúng tôi chia sẻ cho nhau những gì mình có để mọi người cảm nhận được niềm vui, sức khoẻ, bình an và hạnh phúc.

  

BÀI BÁO CÁO

của Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn

Nhân dịp nhận Bằng khen của
Trung ương Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi Việt Nam

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày  30   tháng   1   năm 2018

 

Tôi là Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, sinh ngày 16/10/1948 đang ở tại địa chỉ: 166F Bùi Thị Xuân, P.PNL, Q.1, TP.HCM.

Trong tư cách Trưởng Ban Y tế Xã hội của Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi Tp.HCM, tôi xin trình bày tóm tắt những hoạt động của chúng tôi trong việc thực hiện các chương trình của Ban Y tế Xã hội từ năm 2015-2017 và chia sẻ về nguồn động lực giúp tôi thực hiện các công tác của mình.

1. Tóm tắt hoạt động trong 3 năm 2015-2017

Ban Y tế Xã hội chúng tôi đã trợ giúp những anh chị em kém may mắn là những người khuyết tật, trẻ mồ côi và người nghèo bằng một số chương trình tiêu biểu sau đây:

 1.1. Chương trình lương thực

Chúng tôi đã vận động các ân nhân, những nhà hảo tâm trong cũng như ngoài nước để chung tay giúp đỡ những người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo khổ ở TP.HCM, Bình Dương, vùng dân tộc thiểu số Stiêng, Khơmer ở Bình Phước. Ngoài những thực phẩm như mì, sữa, bánh kẹo, quần áo… chỉ riêng tổng cộng số gạo trong ba năm vừa qua là 56.000 ký, trị giá 719 triệu đồng.

1.2. Chương trình Bảo vệ Sức khoẻ Cộng đồng

Với tư cách là Trưởng Ban Y tế Xã hội, chúng tôi đã tổ chức 18 lần khám sức khoẻ, khám chữa bệnh, khám chữa răng, phát thuốc miễn phí cho các người khuyết tật, trẻ mồ côi, các anh chị giáo viên, nhân viên của các cơ sở từ thiện và một số người dân nghèo khổ ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở Bình Dương, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu trong sự liên đới với mọi người bất hạnh.

Chúng tôi đã phối hợp với đoàn bác sĩ, các chuyên viên y tế của nhiều Bệnh viện  trong TP.HCM như Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1 và 2, Ung Bướu, Từ Dũ, Nguyễn Trãi, Mắt, Thánh Mẫu, Y học Cổ truyền, Phụ sản Quốc tế, hoặc các phòng khám như Phòng Khám Thiên Ân, Gò Vấp, đoàn nha sĩ của Hội Răng Hàm Mặt TP.HCM, các anh chị bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, điều dưỡng của nhiều bệnh viện địa phương và các tình nguyện viên để thực hiện các chương trình phục vụ vụ sức khoẻ cộng đồng. Tổng số người được phục vụ là 13.459 người, tổng trị giá 2 tỷ 053 triệu đồng.

1.3. Chương trình nghiên cứu để chữa trị trẻ tự kỷ và người tâm thần

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 200.000 trẻ khuyết tật có hội chứng tự kỷ và mỗi năm thêm 15.000 trẻ mới; 15% dân số Việt mắc bệnh tâm thần, nghĩa là khoảng gần 14 triệu người, trong số đó có khoảng 3 triệu bệnh nhân nặng cần chữa trị. Những phương pháp điều trị cũ chưa mang lại hiệu quả tốt đẹp. Vì thế, tôi đã cùng với các bạn lập ra “Dự án Liên Tâm” để nghiên cứu việc chữa trị bằng hệ thống máy Brainmaster với phương pháp phản hồi Thần kinh (Neuro-Feedback) cho trẻ tự kỷ và người bị bệnh tâm thần tại Đại học Hoa Sen, 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM và đạt được nhiều kết quả nhanh chóng so với các phương pháp chữa trị trước đây. Chúng tôi đã mua thêm máy để mở rộng chương trình cho vài đại học và bệnh viện khác.

2. Tìm nguồn lực ở đâu?

Có nhiều người hỏi tôi đã tìm nguồn lực ở đâu cho những hoạt động lớn lao này? Làm thế nào để quy tụ mấy trăm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên cho các hoạt động khám sức khoẻ và chữa bệnh? Làm thế nào được các nhà hảo tâm đóng góp những số tiền lớn lao để mua lương thực, máy móc, thuốc men, quà tặng, học bổng giúp cho những người nghèo? Làm thế nào có đủ thời giờ, sức khoẻ và tâm trí để tổ chức bao công việc bác ái xã hội trong khi tôi vẫn đang phải dạy trong các học viện, nghiên cứu khoa học, dịch thuật và các công việc của Giáo hội Công giáo?

Câu trả lời của tôi rất đơn giản: tôi tin vào tình yêu đã nối kết tất cả chúng ta lại với nhau và thúc đẩy chúng tôi chia sẻ cho nhau những gì mình có để mọi người cảm nhận được niềm vui, sức khoẻ, bình an và hạnh phúc.

Tôi là một linh mục Công giáo nên một số anh chị em Công giáo đã giúp đỡ những người nghèo khổ qua tôi, vì họ cũng được tình yêu thúc đẩy như tôi. Đạo Công giáo chúng tôi định nghĩa Thiên Chúa là Tình yêu.

Nhưng những người Công giáo chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân số (7%), nên xin anh chị em hiểu cho rằng tất cả những ai tham gia vào các chương trình này không phải vì lý do tôn giáo. Các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, tình nguyện viên và các nhà hảo tâm đến với chúng tôi chỉ vì họ yêu thương, muốn giúp đỡ những người bất hạnh chứ không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp tình cảm hay vật chất nào. Chúng tôi tin rằng tình yêu thuộc về lĩnh vực tinh thần nên tồn tại mãi mãi, vì thế những hành động quảng đại yêu thương này cũng sẽ muôn đời tồn tại trong tâm khảm của những ai biết yêu thương và đón nhận yêu thương.

Tôi xin thay mặt cho tất cả những người bất hạnh chân thành cảm ơn Trung ương Hội, Hội Bảo trợ, quý vị quan khách và tất cả các bạn tham gia buổi lễ hôm nay.

Cầu chúc tất cả quý vị và các bạn luôn an mạnh, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Trân trọng,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Trưởng Ban Y tế Xã hội