“Gọi đồ uống, tôi đâu xài ống hút, người ta cứ mang”
Chỉ sử dụng được một lần và không thể tái chế, ống hút nhựa – thứ mà con người sử dụng hằng ngày – đang bao phủ khắp các đại dương.
“Gọi đồ uống, tôi đâu xài ống hút, người ta cứ mang”
Chỉ sử dụng được một lần và không thể tái chế, ống hút nhựa – thứ mà con người sử dụng hằng ngày – đang bao phủ khắp các đại dương.
Cá voi làm bằng rác nhựa – tác phẩm nghệ thuật mang tính cảnh báo của Tổ chức Greenpeace – Ảnh: REUTERS
Năm 2015, nhiều người bị sốc khi xem một đoạn video lan truyền trên mạng diễn tả cảnh chú rùa biển với một bên mũi bị ống hút nhựa loại cứng ghim sâu. Những giọt máu chảy ra từ mũi nó khi được các nhà nghiên cứu giúp đỡ ngay trên biển, không chỉ là máu của nó – đó là máu của đại dương đang rỉ chảy từng ngày.
Trái đất chìm trong ống hút nhựa
Tiện lợi, gọn nhẹ và giá thành rẻ, ống hút nhựa – thứ được làm từ nhiên liệu hoá thạch, kể từ khi được phát minh đã trở thành vật không thể thiếu trong đời sống con người.
Mỗi ngày, người Mỹ thải ra gần 500 triệu ống hút nhựa, số lượng khi nối lại đủ để đi hai vòng Trái đất. Theo tính toán của tổ chức phi lợi nhuận “Cá voi đơn độc”, trong suốt cuộc đời của mình, mỗi người Mỹ sẽ sử dụng hơn 35.000 ống hút nhựa. Lấy số đó nhân với 323 triệu – dân số Mỹ, chúng ta thử hình dung số lượng sẽ ở mức bao nhiêu.
Đó là chỉ mới tính riêng nước Mỹ, ở những nước đang phát triển, số lượng còn kinh khủng hơn thế.
Ống hút nhựa ngày càng trở nên quen mặt, với cả con người và đại dương.
Tôi thách bạn có thể đếm được một ngày bạn sử dụng bao nhiêu ống hút nhựa. Bạn sẽ chẳng bao giờ để ý đến điều đó đâu”
Adrian Grenier – nhà hoạt động môi trường thuộc Tổ chức “Cá voi đơn độc”, nói với đài CNN
Trong số những loại rác thải nhiều nhất thế giới, ống hút nhựa đứng vị trí thứ 6 và nằm trong tốp những loại rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới môi trường biển. 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương mỗi năm, lẫn trong đó là hàng triệu ống hút nhựa đủ loại và đủ kích cỡ.
Đối với những sinh vật biển, kích thước của ống hút nhựa loại dùng cho sữa đóng hộp uống liền đã đủ giết chết chúng.
Một số nhà nghiên cứu và bảo vệ môi trường đã cảnh báo nếu không dừng việc sử dụng ống hút nhựa ngay từ lúc này, đến năm 2050 số lượng rác thải nhựa ở đại dương sẽ còn nhiều hơn số cá trên toàn cầu.
Và trong khi chúng ta đang ngày càng hướng ra biển, khai thác nguồn lợi từ biển, không có gì đảm bảo rằng chúng ta đang hấp thụ những loại nhựa độc hại vào cơ thể khi ăn những con cá đã bị nhiễm độc từ rác thải nhựa. Năm 2015, báo cáo của tạp chí Scientific Reports khẳng định 1/4 số cá đánh bắt tại Indonesia và bang California của Mỹ nhiễm chất nhựa.
Vật liệu xây dựng bằng nhựa
Rác thải nhựa tái chế đang được trộn vào vật liệu xây dựng các công trình ở Philippines và Cameroon, một quốc gia châu Phi. Một số loại thuế đánh vào túi nhựa, chai nhựa đang góp phần giúp giảm số rác thải mỗi năm tại hai nước này.
Cấm ống hút nhựa, tại sao không?
Whetherspoon, chuỗi quán rượu có tiếng ở Anh, đã ngừng sử dụng ống hút nhựa tại hơn 900 chi nhánh trên toàn nước này, chuyển sang các lựa chọn thay thế thân thiện hơn với môi trường.
Sự tiên phong của Whetherspoon đã kéo theo các quán bar nhỏ khác trên khắp xứ sở sương mù. Giám đốc điều hành của Whetherspoon tin rằng điều này sẽ giúp hạn chế ít nhất 70 triệu ống hút nhựa mỗi năm ở Anh.
Năm 2011, cậu bé Milo Cress, 9 tuổi, đến từ Mỹ, trở thành người đi tiên phong nói không với ống hút nhựa bằng chiến dịch “Be Straw Free”.
Cậu bắt đầu thuyết phục các nhà hàng ở bang Vermont ngừng việc tự động kèm ống hút cho khách, thay vào đó hãy hỏi xem họ có thực sự cần chúng hay không.
Tôi để ý mỗi khi gọi đồ uống ở nhà hàng họ thường đưa kèm ống hút nhựa bất kể tôi có cần hay không. Điều đó là quá lãng phí và tạo ra một lượng rác khổng lồ
Cậu bé Milo Cress (9 tuổi, Mỹ)
Điều bất ngờ là nhiều nhà hàng đã đồng ý với Cress và nó nhanh chóng lan ra toàn nước Mỹ. Cress nói những nhà hàng tán thành cách làm của Cress đã chứng kiến sự sụt giảm từ 50-60% lượng ống hút nhựa sử dụng.
8 năm sau Cress, nhiều chiến dịch tương tự đã được phát động trên toàn thế giới. Các bộ phim tài liệu về tác hại của rác thải nhựa nói chung và ống hút nhựa nói riêng đang góp phần không nhỏ khiến nhiều người nhận ra vấn đề.
Tháng 6 tới, Seattle sẽ trở thành một trong hai thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm tuyệt đối ống hút nhựa.
Chúng ta không nhất thiết phải cảm thấy tội lỗi nếu thật sự cần một ống hút nhựa. Một số người sử dụng ống hút vì một vài lý do đặc biệt về sức khoẻ. Nhưng hãy nhớ rằng khi chúng ta sử dụng ống hút nhựa, vẫn còn nhiều lựa chọn thay thế khác thân thiện với môi trường như ống hút giấy, ống hút tre. Khi không thể chữa lành vết thương của đại dương, xin đừng để nó tiếp tục chảy máu và lan rộng.
TTO – Đến nay thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải.