28/11/2024

Hiểu biết để không làm hại động vật hoang dã

Các chuyên gia nước ngoài đã gửi gắm điều này đến những ai còn tin rằng uống mật gấu, uống sừng tê giác chữa bá bệnh, ăn vi cá mập bổ béo và tốt cho sức khoẻ…

 

Hiểu biết để không làm hại động vật hoang dã

Các chuyên gia nước ngoài đã gửi gắm điều này đến những ai còn tin rằng uống mật gấu, uống sừng tê giác chữa bá bệnh, ăn vi cá mập bổ béo và tốt cho sức khoẻ…

 

 

“Chất lượng cuộc sống trong tương lai của con người phụ thuộc vào chất lượng của tự nhiên trên hành tinh chúng ta. Khi chúng ta ngừng quan tâm đến các loài động vật coi như chúng ta cũng ngừng quan tâm đến loài người. Hậu quả từ việc này là khôn lường

Bác sĩ William Fowlds – bác sĩ cứu hộ tê giác

* Ông Neahga Leonard (người Mỹ, giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà, Hải Phòng):

Uống sừng tê giác cũng giống ăn… móng tay

Làm việc tại dự án bảo tồn voọc Cát Bà, gần như mỗi ngày chúng tôi đều phải đối mặt với nạn săn bắt trộm động vật hoang dã để sử dụng cho các bài thuốc được lưu truyền trong dân gian.

Tắc kè là một trong những loài động vật bị bắt nhiều nhất trên đảo và kết cục của cuộc đời chúng là bị ngâm rượu hoặc phơi khô để dùng chữa bệnh. Trong mùa sinh sản, chim bìm bịp con cũng bị bắt ngâm rượu để làm thuốc. 

 

Tương tự là các loài rắn, đặc biệt là hổ mang và hổ mang chúa. Nhiều trong số các hoạt động đó là bất hợp pháp nhưng đây là tình trạng phổ biến. Tại Việt Nam, luật quy định về sinh thái biển còn ít chặt chẽ hơn nên tình trạng cá ngựa, sao biển và các loài sinh vật biển khác bị bắt ngâm rượu làm thuốc bán cũng rất phổ biến…

Việc quảng cáo các bài thuốc cổ truyền cũng là nguyên nhân chính khiến voọc Cát Bà gần tuyệt chủng. Số lượng voọc vốn đã giảm sút từ trước, nhưng khi Cát Bà trở thành một điểm đến du lịch vào khoảng năm 1996 thì tình trạng săn voọc để bán cho du khách Việt Nam và Trung Quốc mang về làm thuốc tăng vọt.

Thực tế cho thấy không hề có cơ sở gì chứng minh rằng việc ăn thú rừng, vảy tê tê, sừng tê giác hay uống rượu ngâm động vật hoang dã là tốt cho sức khoẻ cả. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc buôn bán động vật hoang dã, sử dụng động vật hoang dã làm thức ăn hoặc làm thuốc tiềm ẩn nguy cơ lớn về sức khỏe do các bệnh lây truyền từ động vật sang người. 

Ngoài ra, khi sử dụng sừng tê giác và vảy tê tê, thực chất là người ta cũng chỉ tiêu thụ keratin (chất sừng), giống như ăn móng tay và tóc người mà thôi!

Ở Việt Nam, hiện tê giác đã bị tuyệt chủng, nhiều loài linh trưởng đang trên bờ vực tuyệt chủng, số lượng tê tê cũng giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài rùa đất liền và nước ngọt đang bị đe dọa, nhiều loài rắn ở một số khu vực cũng đã và đang bị xoá sổ.

Không dễ để có thể thay đổi suy nghĩ và hành động của người khác, vì vậy mỗi người phải tự thấy mình cần thay đổi. 

Cho đến nay, giáo dục vẫn là biện pháp hữu hiệu và quan trọng nhất để tác động lên sự thay đổi, nhưng giáo dục đòi hỏi quá trình lâu dài và nhiều loài động vật ở Việt Nam không còn nhiều thời gian để đợi nếu mọi việc cứ tiếp tục diễn biến như hiện tại.

 Vì vậy Việt Nam cần kết hợp giáo dục với việc thực thi luật pháp nghiêm minh và hiệu quả, đồng thời luật pháp cũng cần rõ ràng hơn.

* Bà Heidi Quine (Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam):

Sử dụng mật gấu hoàn toàn không cần thiết

Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2000, làm việc tại cả hai vườn quốc gia Cát Bà và Ba Vì. Công việc của tôi lúc đó là hỗ trợ một cơ sở chữa trị, phục hồi cho các loài chim tịch thu từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã. 

Đó cũng là lúc tôi cam kết phải trở lại Việt Nam và cải thiện phúc lợi động vật. Tôi đã làm việc với Tổ chức Động vật châu Á Animals Asia và giữ chức vụ giám đốc quản lý gấu và thú y, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (VBRC) của Animals Asia từ năm 2016.

Hiện tại, ở VBRC có 175 con gấu, hầu hết đều từng bị giam ở các trại nuôi lấy mật, nơi chúng phải trải qua các thủ tục tàn nhẫn của việc lấy mật gấu để làm thuốc. Gấu là loài động vật có tâm trí thật sự phức tạp, chúng xứng đáng được lang thang trong không gian hoang dã.

Hiệp hội Y học cổ truyền Việt Nam đã quảng bá 32 loại thảo dược sẵn có tại Việt Nam có thể thay thế cho mật gấu. Animals Asia đã hợp tác với hiệp hội để xuất bản một quyển sách về các loại thảo dược thay thế này. 

Con người sử dụng thảo dược không chỉ tốt hơn cho loài gấu, mà còn an toàn hơn cho con người. Mật gấu được thu hoạch trong những điều kiện không được vô trùng và có thể bị nhiễm vi khuẩn, đã có trường hợp tử vong sau khi sử dụng mật gấu.

Việc buôn bán và làm trang trại nuôi gấu lấy mật đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 1992. Tuy nhiên, đến nay việc nuôi gấu lấy mật vẫn tiếp tục diễn ra do một lỗ hổng trong luật cho phép người ta nuôi gấu trong quy mô gia đình.

Cần thay đổi cả tình cảm trong tim con người

Theo bà Heidi Quine, năm 2017, Animals Asia đã ký một biên bản ghi nhớ với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam để giải cứu những con gấu còn lại trong các trang trại trên toàn quốc. Số liệu gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy có trên 900 con gấu ở các trang trại Việt Nam.

Kể từ năm 2007, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam đã cứu 193 con gấu. Biên bản ghi nhớ nói trên còn đóng lỗ hổng của luật pháp ở Việt Nam bằng việc cấm nuôi gấu tại nhà riêng. Từ biên bản ghi nhớ này, bà Heidi Quine cho rằng bà hi vọng ngày kết thúc hoạt động nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam đang đến gần.

“Ngoài ra, không những cần thay đổi tư duy, mà cần thay đổi cả tình cảm trong tim con người. Chúng tôi đã mở cửa cho các em học sinh và khách tham quan đến VBRC để tìm hiểu về công việc của chúng tôi và nhìn thấy những chú gấu.

Nhìn ánh mắt các em học sinh Việt Nam sáng lên khi thấy những chú gấu đi tìm thức ăn hay chơi đùa trong hồ nước, thấy các em nhận ra tầm quan trọng của sự tử tế đối với động vật, tôi hi vọng rất nhiều vào tương lai” – bà Heidi Quine nói.

Bác sĩ William Fowlds (Tổ chức bảo tồn Wilderness Foundation, Nam Phi):

Cần thay đổi quan niệm sai lầm về sử dụng sừng tê giác

bac-si-w-3(read-only)
 

Để thay đổi nhận thức và chấm dứt việc tiêu thụ động vật hoang dã, theo tôi, giáo dục là bước đi tích cực đầu tiên. Nhưng giáo dục đôi khi phải cần hàng chục năm hoặc vài thế hệ mới có thành tựu.

Vì vậy Chính phủ có trách nhiệm phải chủ động tránh những thảm hoạ trong tương lai bằng việc ban hành hoặc thay đổi các quy định pháp luật để bảo vệ môi trường và thực thi luật pháp tốt hơn.

Cuối cùng thì mỗi một người trên hành tinh này đều nên hiểu rõ hậu quả từ hành động của mình, đặc biệt là khi mua sắm và tiêu dùng.

Những thứ tiện lợi hoặc tốt cho người này có thể gây ra đau khổ và tiêu cực đến người khác hoặc loài khác. Thông qua giáo dục, chúng ta có sự hiểu biết và biết tôn trọng vạn vật quanh mình.

Dựa trên rất nhiều nghiên cứu đã được công bố, phần lớn động vật hoang dã săn bắt lậu ở châu Phi được bán sang Đông Nam Á để tiêu thụ hoặc trang trí.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Traffic, 80% sừng tê giác được bán sang Việt Nam. Từ sau nghiên cứu này, tôi nghĩ có thể lượng sừng tê sang Việt Nam đã giảm nhưng vẫn cần rất nhiều năm để thay đổi những quan niệm sai lầm về việc sử dụng sừng tê.

Trong mắt người châu Phi, Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến nạn săn trộm tê giác. Đây là điều mà tôi muốn xóa bỏ và chúng tôi mong Việt Nam sẽ trở thành đất nước đi đầu trong một xu thế ngược lại.

Việc tiêu thụ động vật hoang dã ở Nam Phi chủ yếu liên quan đến loài linh dương. Chính phủ cho phép săn bắt linh dương để lấy thịt và được quản lý theo cách thức bền vững. Quản lý động vật hoang dã là rất quan trọng để số bị tiêu hao không vượt số được sinh ra. Những loài động vật quý như tê giác không bao giờ bị giết để lấy thịt hoặc sừng trong văn hóa châu Phi.

Các quy định về tiêu thụ động vật hoang dã phải dựa trên các đánh giá khoa học về số lượng và môi trường sống của chúng. Chỉ khi nào số lượng của loài nào đó dồi dào chính phủ mới cho phép săn bắt. Luật phải thay đổi kịp thời theo các nghiên cứu khoa học. Và người vi phạm phải bị xử lý nghiêm khắc vì họ đã lấy trộm và tước đoạt của toàn xã hội những điều đẹp đẽ.

HỒNG VÂN ghi

NGỌC ĐÔNG ghi