29/11/2024

Sốt ruột chờ dự án xử lý rác hiện đại

Lâu nay, việc xử lý rác ở Hà Nội và TP.HCM chủ yếu là chôn lấp nên phải mở rộng diện tích các khu xử lý rác. Trong khi đó, đa số dự án xử lý rác với công nghệ hiện đại vẫn đang chờ kêu gọi đầu tư.

 

Sốt ruột chờ dự án xử lý rác hiện đại

Lâu nay, việc xử lý rác ở Hà Nội và TP.HCM chủ yếu là chôn lấp nên phải mở rộng diện tích các khu xử lý rác. Trong khi đó, đa số dự án xử lý rác với công nghệ hiện đại vẫn đang chờ kêu gọi đầu tư.

 

Sốt ruột chờ dự án xử lý rác hiện đại - Ảnh 1.

Khu xử lý rác Sóc Sơn – nơi tiếp nhận lượng rác lớn nhất Hà Nội nhưng đến năm 2019 mới có nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại – Ảnh: VŨ MINH QUÂN

 

Với 5.500 – 6.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, nhiều khu xử lý rác của Hà Nội đã phải mở rộng diện tích và đang tiếp tục mở rộng thêm.

Nhà đầu tư phải có năng lực tài chính; công nghệ bảo đảm đốt không thải ra khí dioxin; ưu tiên công nghệ mới, công nghệ xanh; nhà máy được xây dựng trên diện tích đất ít nhất; giá thành xử lý rác thấp nhất; ưu tiên đầu tư xây dựng dây chuyền phân loại rác…

Ông NGUYỄN ĐỨC CHUNG (chủ tịch UBND TP Hà Nội) nêu một số tiêu chí để kêu gọi đầu tư xử lý rác tại phiên họp HĐND TP Hà Nội

Hết đất chôn rác

Ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) lớn nhất Hà Nội tiếp nhận 4.000 – 4.500 tấn rác/ngày. 

Khu này khoảng 85ha nhưng do xử lý rác bằng chôn lấp và đốt một phần nên đến nay phải tiếp tục mở rộng diện tích. Dự kiến sẽ mở rộng lên gần 160ha. Trong khi đó, dự án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại chỉ mới được khởi công.

 

Tương tự, khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây) là nơi tiếp nhận lượng rác thải lớn thứ hai của Hà Nội cũng phải mở rộng diện tích vì hết quỹ đất chôn lấp rác. Với diện tích 13ha hiện có, khu xử lý rác này dự kiến mở rộng diện tích đến năm 2020 lên 26ha.

Khu xử lý chất thải rắn Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa), diện tích 2ha, dự kiến đến năm 2020 mở rộng lên 2,5ha. Tương tự, khu xử lý chất thải rắn Núi Thoong hiện có diện tích 2ha (xử lý rác của các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai) cũng được xác định đến năm 2020 phải mở rộng lên 3ha.

Đáng nói nhất là khu xử lý chất thải rắn Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), diện tích 14ha, tiếp nhận khoảng 500 tấn/ngày, nhưng hiện cơ bản hết diện tích để chôn lấp.

Chậm xây dựng nhà máy xử lý rác

Theo ông Lê Văn Dục, để giảm diện tích chôn lấp rác, Hà Nội đã có chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại các khu xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các nhà máy này còn chậm.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư Hà Nội, cho biết Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch. Vừa qua thành phố đã đề xuất Thủ tướng điều chỉnh thêm một khu xử lý chất thải rắn tại Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), nâng tổng số lên 18 khu xử lý rác.

Theo ông Quyền, với 8 khu xử lý rác hiện có, đã có 2 khu có chủ trương dừng chôn lấp và trồng cây xanh là Kiêu Kỵ – Gia Lâm và Vân Đình – Ứng Hòa. Với 6 khu còn lại, thành phố đang tiếp tục đầu tư cải tạo với diện tích hơn 300ha, trọng tâm là khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn và Xuân Sơn.

Trong 10 khu xây dựng mới, có 6 khu đang được triển khai thực hiện theo hình thức xã hội hóa, còn lại 4 khu chưa được triển khai thực hiện.

Về số lượng các dự án nhà máy xử lý rác trong các khu xử lý chất thải rắn hiện có, ông Quyền cho biết thành phố xác định có khoảng 20 dự án. Trong đó có 14 dự án nhà máy xử lý rác thải đã có quyết định đầu tư (với tổng công suất 10.400 tấn/ngày).

TP.HCM chờ tiêu chuẩn, quy trình đấu thầu xử lý rác

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP, khối lượng rác thải sinh hoạt toàn TP là 8.700 tấn/ngày. Trong đó, chôn lấp đến 76% (6.600 tấn), 14,7% được chuyển hóa thành phân compost và 9,3% được đốt.

Cũng theo ông Thắng, trong tương lai dự kiến lượng rác thải sinh hoạt tăng 5%/năm. TP đưa ra mục tiêu đến năm 2020 giảm tỉ lệ chôn lấp rác còn 50%. Một trong các giải pháp nhằm giảm chôn lấp rác là chuyển sang đốt rác – phát điện.

Ông Thắng cho hay TP đã đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi cho các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực đốt rác – phát điện như: miễn tiền thuê đất 11 năm ở các khu quy hoạch xử lý rác, mua lượng điện tạo ra với giá 2.114 đồng/kWh, tài trợ toàn bộ lãi vay và miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án…

Tại hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt – phát điện do UBND TP tổ chức vào cuối năm 2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đã có 4-5 nhà đầu tư đề xuất các dự án xử lý rác theo công nghệ phát điện.

Theo ông Phong, việc lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư các dự án này thông qua hình thức đấu thầu công khai.

Liên quan đến việc này, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã yêu cầu UBND TP cùng các sở ngành liên quan chuẩn bị quy trình, tiêu chuẩn để có thể tổ chức đấu thầu các dự án đốt rác – phát điện. Việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn này phải hoàn thành trong quý 1-2018.

Ngoài các dự án đầu tư mới, TP cũng kêu gọi đầu tư xử lý rác, cải tạo môi trường tại các bãi rác hiện đã đóng bãi như Phước Hiệp (H.Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (Q.Bình Tân) và Đông Thạnh (H.Hóc Môn).

QUANG KHẢI

XUÂN LONG