Chúa Nhật III TN B – 2018: Định hướng cuộc đời
Giáo Hội luôn mời gọi tín hữu định hướng mọi hoạt động của mình ở trần thế để đạt được mục đích cuối cùng là chính Thiên Chúa.Định hướng đó được các bài Thánh Kinh hôm nay xác định: “Thiên Chúa mời gọi họ đi chinh phục con người”.
Chúa Nhật III TN B – 2018
Định hướng cuộc đời
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Trong những Chúa Nhật đầu năm phụng vụ này, Giáo Hội luôn mời gọi tín hữu định hướng mọi hoạt động của mình ở trần thế để đạt được mục đích cuối cùng là chính Thiên Chúa như là nguồn cội của đời sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô biên, của niềm vui vô tận. Định hướng đó được các bài Thánh Kinh hôm nay xác định: “Thiên Chúa mời gọi họ đi chinh phục con người” như tiên tri Giona trong Bài đọc I (x. Gn 3,1-5.10), hay như các tông đồ của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Mc 14-20). Vậy chúng ta sẽ định hướng cuộc đời như thế nào cho đúng ý Chúa?
1. Những định hướng sai
Trong lịch sử của đời mình, mỗi người chúng ta cũng như bất cứ tập thể tổ chức nào, đã từng sai lầm nhiều lần. Sai lầm không phải là tội lỗi, khi chúng ta vô tình chứ không cố ý. Sai lầm bắt nguồn từ bản chất yếu đuối của con người sau khi phạm tội nguyên tổ, nhưng dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần chúng ta có thể sửa sai để đạt đến sự đúng đắn tốt đẹp trong đời sống.
Trong đời sống tự nhiên, nhiều người đã định hướng sai khi họ dồn mọi sức lực để chỉ kiếm tìm hạnh phúc cho gia đình mình, để có vợ đẹp, chồng giỏi, con khôn, để thu tích được nhiều của cải, để đạt được nhiều bằng cấp danh vọng cao quý làm cho họ vui mừng hãnh diện. Có những người lại cảm thấy mọi cố gắng đều vô nghĩa bởi những thất bại, đau khổ, bệnh tật khiến họ thấy đời chỉ là bể khổ, dìm họ trong vũng nước mắt.
Thánh Phaolô nhắc nhở tất cả mọi người trong Bài đọc II (x. 1Cr 7, 29-31) rằng “Thời gian chẳng còn bao lâu” khi họ phải đối mặt với cái chết và trả lời cho vị thẩm phán tối cao của đời mình. Vì thế, họ cần phải định hướng lại đời sống để “từ nay ai có vợ hãy sống như không có, ai khóc lóc hãy làm như không khóc, ai vui mừng nhưng chẳng mừng vui, ai mua sắm hãy làm như không có gì cả, ai hưởng dùng của cải đời này hãy làm như chẳng hưởng dùng vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”.
Trong đời sống siêu nhiên, nhiều tín hữu chúng ta cũng đã định hướng sai vì các linh mục, tu sĩ giới thiệu cho họ những đường hướng tu đức khác nhau. Có người bị ảnh hưởng bởi thánh Ignatiô Loyola muốn làm tất cả “cho vinh danh Chúa hơn” theo câu khẩu hiệu của dòng Tên “Ad majorem Dei gloriam”. Họ quy hướng mọi sự về Chúa đến độ quên mất con người. Có những người sống theo các vị thánh họ yêu quý nên chỉ quan tâm đến việc tập luyện các đức hạnh, như đức khó nghèo của thánh Phanxicô, đức hiền lành của thánh Phanxicô Salêsiô, đức bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta, đức đơn sơ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu… mà không hiểu Đức Giêsu đang muốn họ định hướng cuộc đời như thế nào. Vì thế, năm 2012, Giáo Hội đã phải gửi một huấn thị nhắc nhở các tu sĩ và tín hữu: “phải xuất phát lại từ Đức Kitô” chứ không phải từ một vị thánh nào đó.
Trong lĩnh vực hành động, nhiều người chỉ biết đến công việc, công trình mà quên mất con người mới là chủ thể đáng quan tâm hơn cả. Họ dồn mọi sức lực, tài năng, phương tiện vật chất cũng như tinh thần, của mình cũng như của người khác để xây dựng những thánh đường nguy nga, những nhà giáo lý đồ sộ, những tượng đài vĩ đại, những lễ nghi hoành tráng, những công trình văn hoá nghệ thuật lớn lao… Họ làm tất cả để vinh danh Chúa, nhưng lại bỏ quên con người, nhất là những người đói khổ, bệnh tật, ngu dốt, bị áp bức, bị bóc lột đầy dẫy chung quanh họ. Khi họ quay lưng với con người thì con người cũng quay lưng với tôn giáo, với tổ chức mà họ đang đại diện. Đó là tình trạng đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới khiến các đức giáo hoàng gần đây như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ĐGH Bênêđictô XVI, ĐGH Phanxicô luôn nhắc nhở chúng ta phải nhớ đến sứ mạng cứu độ con người.
2. Định hướng đúng
Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta cần định hướng đúng mọi hoạt động của ta nơi trần thế. Chúa kêu gọi những môn đệ đầu tiên: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Trước hết ta cần xác định rằng chính Đức Giêsu là Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta bước theo Người. Người chính là con đường dẫn đến sự thật giải thoát và sự sống thần hoá ta. Con đường ấy dẫn ta về với Cha Trên Trời là nguồn của hạnh phúc, quyền năng và niềm vui bất tận để ta được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Dĩ nhiên về mặt tình cảm, ta có thể đi theo vị thánh nào đó, nhưng ta đừng quên chính Đức Giêsu đang kêu gọi ta bước theo Người chứ không theo ai khác.
Yếu tố thứ hai, đó là Người mời gọi ta đi chinh phục con người bằng Tin Mừng cứu độ như Người đã rao giảng cho bao nhiêu con người. Người mời gọi ta “hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, hãy chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ” (x. Mc 16, 15-18) như các môn đệ xưa đã thực hiện. Nhưng rất nhiều tín hữu, thậm chí cả linh mục, chẳng hiểu ơn cứu độ thật sự là gì. Giáo Hội đã xác định ở câu 17 của cuốn Docat: “Ơn cứu độ, nghĩa là hạnh phúc trọn vẹn và sự viên mãn tột đỉnh dành cho chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô, không phải là điều mà chỉ một vài người mới đạt được. Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại được cứu độ”. Đó là ơn cứu độ con người toàn diện: “Sự cứu độ giải phóng con người trong mọi chiều kích của mình: tinh thần và thân xác, cá nhân và xã hội, nơi lịch sử trần thế của mỗi người và vĩnh viễn trên thiên quốc. Sự cứu độ này đã bắt đầu trong dòng lịch sử, nghĩa là ngay trong dòng thời gian, nơi chúng ta tìm thấy chính mình. Tuy nhiên sự cứu độ chỉ hoàn toàn được trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng” (x. Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.25).
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thể hiện sự cứu độ toàn diện và cụ thể ấy cho con người, nhất là những người nghèo đói, tật bệnh, bị bóc lột chung quanh ta. Rất nhiều khi chúng ta tưởng lầm rằng ơn cứu độ thuộc về tinh thần chỉ đạt được sau khi chết nên ta bỏ mặc cho người ta bị đói rách, khốn cùng, bệnh tật, bị bóc lột và bị đối xử bất công. Chúng ta không cùng chia sẻ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng với những người quanh ta.
Chúng ta cứ nhìn xem người Việt Nam biểu lộ niềm vui đêm qua, 20/1/2018, sau khi đội bóng đá U23 Việt Nam thắng đội Iraq, từ Hà Nội cho đến TP.HCM, bao nhiêu con người đổ ra đường hò hét, nhất là các bạn thanh niên. Ta thử hỏi xem Giáo Hội Công giáo chúng ta có quan tâm đến thể thao để giúp cho các bạn thanh thiếu niên không? Rất nhiều giáo xứ có những sân rộng có thể làm sân bóng đá nhỏ cho các em, kê một vài bàn bóng bàn cho các bạn trẻ để giúp họ vượt qua cơn nghiện ngập bia rượu, bài bạc, trò chơi trực tuyến, phim ảnh đồi truỵ, nhờ đó ta có thể liên kết họ lại, giúp họ sống khoẻ hơn, vui hơn, lành mạnh hơn. Đó là ơn cứu độ toàn diện. Khi quy tụ được những bạn trẻ như vậy, Giáo Hội còn có thể giới thiệu Chúa Giêsu cho họ nữa. Nhưng nhiều nơi đã không làm thế, người ta biến sân nhà thờ thành bãi cho thuê giữ xe lấy tiền. Đúng là chúng ta cần tiền để điều hành một số công việc, nhưng làm thế là chúng ta bỏ quên con người. Vì thế người trẻ xa lánh nhà thờ, xa lánh tôn giáo cũng là lẽ tự nhiên. Hãy xem ĐGH Phanxicô biến quảng trường thánh Phêrô thành sân chơi thể thao như thế nào trong ngày hội thanh niên.
Khi bước theo Chúa Giêsu chắc chắn Người sẽ ban cho chúng ta tình yêu, niềm vui, sự khôn ngoan, quyền năng, những ân phúc của Thánh Thần để ta biểu lộ cách cụ thể ơn cứu độ bằng việc chia sẻ niềm vui Tin Mừng vượt qua những khổ đau, tình yêu liên kết để ta làm cho gió yên biển lặng bánh cá hoá nhiều, sự thật giải phóng con người khỏi bị ma quỷ kiềm chế, sự sống thần linh chữa lành bệnh tật để họ tin vào Thiên Chúa. Đó mới là loan báo thật sự Tin Mừng cứu độ cho con người.
Lời kết
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình để định hướng lại cuộc đời theo đúng ý Thiên Chúa. Chúng ta hãy quảng đại và can đảm bỏ tất cả như các tông đồ đầu tiên Phêrô, Gioan, Giacôbê để bước theo Chúa Giêsu và trở thành những người mang lại ơn cứu độ thật sự cho nhân loại.