24/01/2025

ĐTC viếng thăm Đại học Công giáo Chilê

SANTIAGO. Trong cuộc viếng thăm Đại học Công giáo Chilê chiều ngày 17-1-2018, ĐTC cổ vũ cơ sở giáo dục cao đẳng này góp phần kiến tạo một nền giáo dục bao gồm mọi người, giúp vào cuộc sống chung của quốc gia. ĐTC đến Đại học Công giáo Chilê vào lúc gần 7 giờ tối. Cơ sở giáo dục này được thành lập cách đây 130 năm (1888) do sáng kiến của Đức TGM Giáo phận Santiago bấy giờ là Đức cha Mariano Casanova.

 ĐTC viếng thăm Đại học Công giáo Chilê

 

 

 

SANTIAGO. Trong cuộc viếng thăm Đại học Công giáo Chilê chiều ngày 17-1-2018, ĐTC cổ vũ cơ sở giáo dục cao đẳng này góp phần kiến tạo một nền giáo dục bao gồm mọi người, giúp vào cuộc sống chung của quốc gia.

ĐTC đến Đại học Công giáo Chilê vào lúc gần 7 giờ tối. Cơ sở giáo dục này được thành lập cách đây 130 năm (1888) do sáng kiến của Đức TGM Giáo phận Santiago bấy giờ là Đức cha Mariano Casanova. Ban đầu chỉ có hai phân khoa: Luật và Vật lý – Toán học. Qua dòng thời gian, đại học phát triển và hiện có 18 phân khoa. Năm 1935 có thêm phân khoa Thần học và ngay sau đó được gọi là Đại học Giáo hoàng. Hiện nay Đại học có gần 24.500 sinh viên trong đó có 3.420 người thuộc ban cao học và 1.120 người thuộc ban tiến sĩ.

Đến Đại học vào lúc 7 giờ chiều, ĐTC đã được Giáo sư Viện trưởng cùng với ĐHY Ezzati, TGM Giáo phận Santiago sở tại, đón tiếp tại khuôn viên chính, cùng với 700 sinh viên và một nhóm trẻ em. Rồi ngài được hướng dẫn đến khuôn viên bên trong, có mái che, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ. 1.200 giáo sư và sinh viên đã chờ đợi ngài tại đây, trong khi 500 người khác tham dự cuộc gặp gỡ qua màn hình tại một phòng lớn gần đó.

Trong diễn văn sau lời chào mừng của Giáo sư Viện trưởng, ĐTC nói đến hai thách đố quan trọng đang được đề ra cho đất nước Chilê, liên quan tới sự sống chung trong cộng đồng quốc gia và khả năng tiến triển trong cộng đoàn. 
 
Ngài nói:

“Nói về những thách đố là nhìn nhận rằng có những tình trạng lên tới mức độ đòi phải suy nghĩ lại. Điều mà, cho đến ngày hôm qua, có thể là một nhân tố hiệp nhất và đoàn kết, ngày nay đang đòi phải có những câu trả lời mới. Nhịp độ thay đổi của một số tiến trình và biến chuyển lên tới vận tốc chóng mặt đang xảy ra trong các xã hội chúng ta, mời gọi chúng ta phải mau lẹ suy tư không chút chần chừ, một sự suy tư không thơ ngây, không ảo tưởng và càng không có thái độ tự quyền. Điều này không có nghĩa là cầm hàm sự phát triển kiến thức, nhưng là biến đại học thành một môi trường để thực thi chương trình đối thoại gặp gỡ. Sự sống chung trong quốc gia là điều có thể, theo mức độ chúng ta đề ra những tiến trình giáo dục, đồng thời có tính chất biến đổi, bao gồm và sống chung.

Trong “xã hội lỏng hoặc nhẹ” này, như một số nhà tư tưởng vẫn định nghĩa, những điểm tham chiếu không còn nữa, những điểm mà từ đó con người có thể xây dựng mình về phương diện cá nhân và xã hội. Dường như ngày nay “những đám mây” là điểm gặp gỡ mới, thiếu sự ổn định vì tất cả đều chuyển động và mất sự vững chắc.

Sự thiếu vững chắc như thế có thể là một trong những lý do làm mất sự ý thức về không gian công cộng. Một không gian đòi một sự siêu việt đối thoại trên những quyền lợi riêng tư.

Sang đến yếu tố quan trọng thứ hai là sự tiến bộ trong cộng đoàn ĐTC nhận định rằng nền văn hoá hiện thời đang đòi những hình thức mới có khả năng bao gồm tất cả các tác nhân mang lại sức sống cho thực tại xã hội và vì thế có tính chất giáo dục, vì thế cần mở rộng ý niệm về cộng đoàn giáo dục.

Cộng đoàn này phải đương đầu với thách đố làm sao để không bị cô lập đối với những hình thức kiến thức mới, cũng như không xây dựng sự hiểu biết ở ngoài lề những người thu nhận kiến thưc ấy. Vì thế cần thủ đắc kiến thức có khả năng tạo nên sự tương giao giữa thính đường đại học và sự khôn ngoan của các dân tộc tại đất nước này. Một sự khôn ngoan đầy trực giác, đầy những điều thực tế mà người ta không thể không biết tới khi nghĩ về Chilê… Sự tương giao chặt chẽ như thế sẽ tránh được sự tách biệt giữa lý trí và hành động, giữa suy tư và cảm nghiệm, giữa biết và sống.

ĐTC giải thích rằng cộng đoàn giáo dục không thể chỉ thu hẹp vào những giảng đường đại học và các thư viện, nhưng luôn được kêu gọi đương đầu với thách đố tham gia. Trong chiều hướng này, cần đặc biệt chú ý đến các cộng đoàn thổ dân bản xứ với các truyền thống văn hoá của họ. Họ không phải chỉ là một nhóm thiểu số giữa các nhóm khác nhau, nhưng đúng hơn, họ phải trở thành những người đối tác chính, nhất là trong lúc người ta thi hành các dự án lớn liên hệ tới không gian của họ.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã để lại quà tặng cho Đại học là một bản sao bản đồ hải hành do Bartolomé Oliva thực hiện. Bản sao này chỉ được in 50 bản, diễn tả trung thành bản đồ Urbinate latino 283 giữ trong Thư viện Vatgican. Thủ bản này gồm 14 bản đồ nhỏ được hoạ màu trên giấy da.

Đáp lại, Đại học Công giáo Chilê đã tặng cho ĐTC huy hiệu vàng, thường chỉ dành cho các vị khách và những nhân vật rất đặc biệt.

Ngài bắt tay 10 nhân vật quan trọng nhất ở Đại học. Trong lúc ấy có người tiến lên lễ đài đòi phát biểu, nhưng họ bị các nhân viên an ninh chặn lại và đưa ra chỗ khác.

ĐTC đã trở về Toà Sứ thần cách đó 4 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Đây là đêm chót của ngài tại Chilê.

 
 

G. Trần Đức Anh OP