29/11/2024

Có cầu vượt vẫn băng qua đường, phạt không xuể!

Cầu bộ hành chỉ cách có 10m nhưng vẫn vô tư băng qua đường, cắt ngang đầu dòng xe đang lao vun vút, nhiều người biết như vậy là sai mà vẫn làm vì… “quen rồi”.

 

Có cầu vượt vẫn băng qua đường, phạt không xuể!

 Cầu bộ hành chỉ cách có 10m nhưng vẫn vô tư băng qua đường, cắt ngang đầu dòng xe đang lao vun vút, nhiều người biết như vậy là sai mà vẫn làm vì… “quen rồi”.
 
 


Có cầu vượt vẫn băng qua đường, phạt không xuể! - Ảnh 1.

Người đi đường vượt qua dải phân cách trên quốc lộ 1 đoạn qua Q.Bình Tân, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Từ 1-1-2018, Bộ luật Hình sự quy định người đi bộ băng qua đường mà là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm. Nhưng thực tế, người đi bộ vẫn bất chấp băng qua đường, gây mất an toàn cho chính bản thân và người đi đường.

“Vô tư” băng qua đường

8h sáng 13-1, đoạn đường Nơ Trang Long trước Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) tấp nập xe cộ. Hàng trăm bệnh nhân, người nhà, bác sĩ, y tá băng qua đường dù ở đây có cầu bộ hành. Vài bệnh nhân cắt ngang đầu ôtô đang chạy để qua đường mua đồ ăn. 9h30, đoạn đường này ùn tắc nghiêm trọng, xe cộ nhích từng chút, người đi bộ ken đặc giữa dòng xe.

495 trường hợp người đi bộ sai luật bị CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM nhắc nhở trong năm 2017, 7% bị lập biên bản xử phạt.

Cầu vượt Suối Tiên (Q.Thủ Đức) là một cây cầu kiên cố, trang trí đẹp mắt nhưng chẳng mấy người đi, đa số vẫn băng thẳng qua đường bất chấp nguy hiểm.

 

Chị Trương Thị Nhàn – bán nước tại chân cầu vượt Suối Tiên – cho biết từng nhiều lần chứng kiến cảnh ôtô vì né người đi bộ mà gây tai nạn cho người đi bộ khác, rất thương tâm.

Trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, Q.1) cũng có cầu đi bộ nhưng nhiều người vẫn chọn cách băng qua đường ở dưới cầu. Cầu đi bộ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Trãi, Q.5) có cầu thang nằm bên ngoài khá thuận tiện, cũng không hấp dẫn người đi bộ.

“Quen rồi”, “cho tiện”

Sáng 13-1, giữa dòng xe đang lao vun vút trên đường Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội), một người đàn ông không ngần ngại lao từ vỉa hè xuống băng qua đường, sau đó vội vã leo lên lan can để vào bến xe buýt BRT giữa khu vực dải phân cách. 

100 trường hợp người đi bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ bị lực lượng CSGT thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội xử phạt trong năm 2017.

Bị bất ngờ, hàng chục ôtô, xe máy đang chạy đều phải đột ngột giảm tốc độ nhường đường, vài người chạy xe máy phóng quá nhanh không kịp xử lý đã bị loạng choạng. Điều đáng nói là có một cây cầu bộ hành sạch, đẹp chỉ cách chỗ người đàn ông kia băng qua đường 10m. 

Đường Nguyễn Xiển (Q.Hoàng Mai) thì có tới hàng chục hầm bộ hành sạch sẽ, điện bật sáng trưng, mà chẳng ai quan tâm. 

Trưa 13-1, quan sát khoảng 30 phút trước cổng ĐH Thăng Long trên đường Nguyễn Xiển, phóng viên ghi nhận gần 10 tốp người đi bộ băng qua đường, có cả trẻ em, học sinh, sinh viên, công nhân, người cao tuổi… giữa cả trăm lượt xe con, xe tải, xe ben chở vật liệu xây dựng, đất cát phóng rầm rập.

Trên các tuyến đường Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà, Chùa Bộc… cũng có tình trạng tương tự. Nhiều người khi được hỏi đều thừa nhận mình sai và cho rằng đi như vậy vì… “quen rồi”, “cho tiện”.

Có cầu vượt vẫn băng qua đường, phạt không xuể! - Ảnh 4.

Nhiều người băng qua đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) trong khi hầm bộ hành gần đó không ai đi – Ảnh: L.HOÀI

Xử phạt hết không?

Ông Nguyễn Ngọc Tường – phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM – cho rằng nếu chỉ tuyên truyền mà không xử phạt thì sẽ rất khó nâng cao ý thức của người dân trong việc đi bộ.

Vì vậy, khi quy định trên của Bộ luật Hình sự đã có hiệu lực, ông Tường nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm và tăng cường hơn để tạo tác động mạnh vào tâm lý người dân.

Với người đi bộ, cảnh sát giao thông sẽ tập trung vào xử lý các hành vi cố ý vi phạm, ý thức kém… Đó là hành vi cố tình đi bộ dưới lòng đường, đi băng ngang qua lòng đường trong khu vực có vạch kẻ đường, có cầu vượt bộ hành hoặc hầm dành riêng cho người đi bộ nhưng người tham gia giao thông không sử dụng.

Đại tá Đào Vịnh Thắng – trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC67) Công an Hà Nội

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh – ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM – cho rằng muốn người đi bộ tuân thủ theo quy định, hạ tầng giao thông, đường sá phải đáp ứng. Nhiều đường tại TP.HCM có vỉa hè nhưng lại thường xuyên bị lấn chiếm, trong khi một số tuyến đường không có vỉa hè nên người đi bộ buộc phải xuống lòng đường do không còn lựa chọn.

Chưa kể một số người còn cho rằng việc bố trí lối đi cho người đi bộ qua đường chưa hợp lý, cầu bộ hành lại quá thiếu. Một số nơi như cầu đi bộ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM lại quá cao, rất bất tiện cho người già, người bệnh.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh – giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1-TP.HCM, trước đây có đề xuất xây dựng nhiều cầu đi bộ nhưng sau đó có chủ trương chỉ xem xét xây dựng cầu đi bộ ở những vị trí cần thiết và có đề xuất của người dân hoặc từ chính quyền địa phương. 

Việc xây dựng cầu đi bộ gặp nhiều khó khăn vì có những vị trí thuận lợi nhưng lại vướng nhà dân ở hai bên đường.

Ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho biết việc xây dựng cầu đi bộ nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết hiện nay của người dân và được chính quyền địa phương ủng hộ. Sắp tới sở sẽ ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng cầu đi bộ như ý kiến đề xuất xây dựng thang cuốn cầu đi bộ để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Có cầu vượt vẫn băng qua đường, phạt không xuể! - Ảnh 6.

Hầm bộ hành trên đường Nguyễn Xiển ít người sử dụng – Ảnh: L.HOÀI

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Cầu đi bộ phải nối kết khu thương mại

Các cầu vượt đi bộ vẫn chưa thực sự tiện lợi, chưa kết nối các trung tâm thương mại, các địa điểm gắn liền với nhu cầu của người dân.

Cầu đi bộ muốn được sử dụng hiệu quả thì phải kết nối được các lưu thông từ đi bộ trên cao, xuống dưới hầm ngầm và trên vỉa hè mà người dân không cần phải băng ngang đường như hiện nay để đến được các địa điểm theo yêu cầu.

Đã có cầu vượt đi bộ thì không được kẻ vạch đường dành cho người đi bộ phía dưới cầu. Phải làm barie không những cao ngang mắt cá chân mà phải cao ngang hông để buộc người đi bộ đi lên cầu.

TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM): Nên tính toán xây hầm đi bộ

Người đi bộ ở Việt Nam vẫn còn chưa nhiều, đi vài chục mét cũng đi xe máy. Người đi bộ thì có xu hướng thích đi dưới đường, nhanh lẹ mà không muốn lên cầu.

Một số nước hiện nay đã sử dụng cầu vượt có thang máy, thang cuốn rất tiện lợi và hiệu quả như Thái Lan, Singapore…, bên trên cầu có cả quán cà phê và cửa hàng dịch vụ tiện ích. Chính vì vậy, nếu được, Nhà nước nên xây dựng loại cầu vượt có thang cuốn, thang máy.

Ông Nguyễn Tăng Cường – tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung: Đề xuất cầu vượt “5 sao”

Tôi đề xuất mô hình cầu vượt “5 sao” theo hình thức đối tác công tư, Nhà nước bỏ vốn 80%, doanh nghiệp bỏ vốn 20-30%. 

Đối với những cây cầu này, TP không phải chi thêm các chi phí cho duy tu, bảo dưỡng. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về hệ thống quản lý, vận hành.

Doanh nghiệp sẽ thu lại từ các shop bán hàng lưu niệm và quảng cáo, cũng như giải quyết việc làm cho người lao động.

Chạy xe ở Việt Nam sợ nhất băng qua đường?Chạy xe ở Việt Nam sợ nhất băng qua đường?

TTO – Việc băng qua đường tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM…. không phải trò đùa…

NGỌC ẨN – THU DUNG – TÂM ĐỨC – LÂM HOÀI