11/01/2025

Có thẩm quyền là vì cảm thương, gần gũi và nhất quán

Cảm thương, gần gũi, nhất quán là các đặc tính của người mục tử có thẩm quyền. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 9-1 tại Nhà nguyện Marta.

 Có thẩm quyền là vì cảm thương, gần gũi và nhất quán

 

 
Cảm thương, gần gũi, nhất quán là các đặc tính của người mục tử có thẩm quyền. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 9-1 tại Nhà nguyện Marta.

Đấng có thẩm quyền trong lời nói và việc làm


Bài Tin Mừng theo Thánh Máccô hôm nay kể rằng, Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền. Bởi vì giáo lý của Người thì mới mẻ và Người đầy uy uyền. Cái mới mẻ mà Chúa Kitô có chính là quà tặng quyền uy mà Người nhận được từ Chúa Cha. Khi nghe lời giảng dạy của các kinh sư luật sĩ về chân lý, thì người dân nghĩ về điều gì đó khác, bởi vì những lời ấy không đụng tới con tim. Những lời dạy ấy đến từ bàn giấy nên không hấp dẫn người dân. Nhưng Chúa Giêsu thì khác, vì giáo huấn của Chúa khơi dậy sự ngạc nhiên, và đánh động tâm hồn. Lời dạy của Chúa có thẩm quyền, vì Chúa gần gũi người dân, vì Chúa hiểu được những vấn đề, những đau khổ và tội lỗi của mọi người.

Chúa gần gũi mọi người để có thể hiểu. Chúa chào đón, dạy dỗ và chữa lành với sự gần gũi tình thân. Điều làm nên  thẩm quyền của người mục tử, chính là sự gần gũi. Sự gần gũi ấy trước hết là gần gũi với Chúa Cha trong cầu nguyện, vì thẩm quyền của người mục tử là đến từ Chúa Cha. Nếu người mục tử không cầu nguyện, nếu người mục tử không tìm kiếm Thiên Chúa, thì người ấy tự đánh mất chính mình. Khi ấy, người đó cũng chẳng thể gần gũi người dân. Nếu người mục tử xa cách người dân, thì người mục tử ấy không thể đến với người dân qua sứ điệp của mình. Ở đây có sự gần gũi, một sự gần gũi kép: gần gũi Thiên Chúa và gần gũi mọi người. Người mục tử gần gũi Thiên Chúa để đón nhận ơn của Ngài, đồng thời từ đó có thể đối diện với những tội lỗi, những vấn đề, những bệnh tật của con người.

Mất thẩm quyền vì sống hai mặt


Các kinh sư và luật sĩ mất khi khả năng đánh động tâm hồn người dân, bởi vì họ đánh mất sự gần gũi thân mật với Thiên Chúa và với mọi người. Khi đánh mất sự gần gũi đó, các vị mục tử ấy có một kiểu đời sống thiếu nhất quán.

Có lần Chúa Giê-su đã nói về họ rằng: Anh em hãy làm những gì họ nói, nhưng đừng sống theo những gì họ làm, vì họ nói chân lý nhưng không làm, bởi vì họ sống nước đôi, sống hai mặt. Thật xấu xa khi người mục tử sống lối sống hai mặt. Điều ấy gây tổn thương cho Giáo hội. Những mục tử bị bệnh ấy bị mất đi thẩm quyền và bị lún sâu hơn vào lối sống hai mặt. Có nhiều kiểu nhiều cách để sống hai mặt. Đứng trước điều này, Chúa Giêsu nói rất mạnh. Chúa nói: Hãy nghe điều họ nói, đừng làm điều họ làm. Chúa mắng rằng: Các ông như mồ mả tô vôi. Bên ngoài thì đẹp đẽ, mà bên trong thì hôi thối. Đây là kết quả của đời sống thiếu gần gũi Thiên Chúa, và thiếu lòng từ bi thương xót.

Người mục tử chưa tốt đừng mất niềm hy vọng

Bài đọc một kể rằng bà Anna cầu nguyện cùng Thiên Chúa để có được người con trai. Nhưng thầy tư tế Heli già yếu và vì đã mất sự thân thiết với Thiên Chúa và người dân, nên tưởng là bà Anna đang say rượu. Thực tế, bà Anna đang cầu nguyện từ trong tâm hồn mình. Bà chỉ mấp máy đôi môi. Sau đó, Anna đã giãi bày nỗi niềm cay đắng và sự thống khổ của bà. Trong khi lắng nghe Anna, thầy tư tế Heli có thể cảm thông và hiểu được tâm hồn bà Anna. Để rồi, ông chúc Anna ra về bình an mà rằng: Thiên Chúa của Israel sẽ ban cho bà điều bà xin. Từ lời chúc phúc và lời tiên tri ấy, người con của Anna là Samuel đã chào đời.

Đối với các mục tử sống xa cách Thiên Chúa và xa cách người dân, tôi sẽ nói với họ rằng: Đừng đánh mất niềm hy vọng. Mọi sự đều có thể. Để có thể làm lại, trước hết cần nhìn xem, cần gần gũi, cần lắng nghe, cần đánh thức năng lực chúc lành và nói lời ngôn sứ. Giống như vị tư tế Heli đã làm. Từ chỗ ông không hiểu bà Anna, vì bà cầu nguyện mà ông tưởng bà say rượu. Đến chỗ ông có thể lắng nghe, có thể hiểu Anna, có thể chúc phúc và nói tiên tri. Đó chính là thẩm quyền, thẩm quyền ấy là quà tặng của Thiên Chúa, và chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Và Chúa Giêsu được Chúa Cha ban cho thẩm quyền ấy. Thẩm quyền trong lời lói, đến từ sự gần gũi thân thiết với Thiên Chúa và với người dân. Hai sự gần gũi ấy luôn đi cùng nhau: gần gũi Thiên Chúa và gần gũi mọi người. Thẩm quyền ấy có nghĩa là có đời sống nhất quán chứ không hai mặt. Có thẩm quyền, nếu người mục tử chí ít là không đánh mất niềm hy vọng, giống như ông Heli: cần luôn có thời gian để gần gũi để đánh thức quyền năng và lời tiên tri.


 
 

Tứ Quyết SJ