Chúa Nhật lễ Hiển Linh – B – 2018: Hãy toả sáng
Ngôi sao dẫn đường, cho các đạo sĩ Đông Phương đến gặp Chúa Hài Đồng Giêsu, luôn là biểu tượng đặc biệt của Mùa Giáng Sinh. Đó là hiện tượng con người muốn đi tìm ánh sáng đích thực để xua tan bóng tối. Hôm nay chúng ta dành ít phút để tìm hiểu ánh sáng là gì và ta cần phải tìm thứ ánh sáng đích thực nào cho đời mình toả sáng.
Chúa Nhật lễ Hiển Linh – B – 2018
Hãy toả sáng
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Ngôi sao dẫn đường, cho các đạo sĩ Đông Phương đến gặp Chúa Hài Đồng Giêsu, luôn là biểu tượng đặc biệt của Mùa Giáng Sinh. Người ta làm đủ loại ngôi sao, gắn những ngọn đèn đủ màu để trang trí các nhà thờ, xóm đạo, đường phố và cả các tư gia. Đó là hiện tượng con người muốn đi tìm ánh sáng đích thực để xua tan bóng tối. Hôm nay chúng ta dành ít phút để tìm hiểu ánh sáng là gì và ta cần phải tìm thứ ánh sáng đích thực nào cho đời mình toả sáng.
1. Con người sợ bóng tối
Kể từ khi bắt đầu biết sử dụng lửa cách đây 1 triệu năm, con người thoát khỏi nỗi sợ hãi về bóng tối mỗi khi màn đêm buông xuống. Các nhà khoa học thuộc đại học Toronto, Canada, đã tiến hành phân tích các dấu vết của tro và xương cá hồi trong hang Wonderwerk gần sa mạc Kalahari ở Nam Phi và đã phát hiện thời điểm loài người biết dùng lửa (x. Bài “Con người biết dùng lửa” trên Vietnamnet ngày 4/4/2012).
Trong đời sống thường ngày, chúng ta biết ánh sáng là một dạng do vật chất phát ra hay phản chiếu lại trên vật. Thí dụ như ánh nắng do mặt trời phát ra hay ánh trăng do ánh sáng mặt trời chiếu vào mặt trăng và phản chiếu lại; hoặc ánh đèn do các nguồn năng lượng tạo ra hay ánh sáng sinh học do các loài vật phát ra.
Tuy nhiên, theo định nghĩa của khoa học: ánh sáng là các bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ nhìn thấy được bằng mắt thường của con người, tức là từ khoảng 380nm đến 700nm. Ánh sáng được mô tả như những đợt sóng hạt chuyển động gọi là photon, hay quang tử, với vận tốc gần 300.000km/giây. Còn nhiều tia sáng hay sóng khác mà mắt ta không nhìn thấy như tia gamma, delta, beta, tia x, tia tử ngoại, tia hồng ngoại, sóng viba, sóng truyền thanh, sóng truyền hình…
Trong đời sống tinh thần, con người càng muốn thoát khỏi bóng tối đủ loại vây quanh: bóng tối của nghèo đói, ngu dốt, hèn kém, hận thù, bóng tối của lòng tham và dục vọng. Chúng dẫn đến những hậu quả tai hại như đau khổ, chiến tranh, chết chóc.
Vì thế, hình ảnh của các nhà đạo sĩ Đông Phương dõi theo ánh sao lạ, băng mình trong đêm tối vẫn là những hình ảnh đẹp nhất của bao nhiêu con người đang đi tìm ánh sáng của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, hoà bình và yêu thương cho mình cũng như cho người khác. Đó cũng phải là hình ảnh của từng người chúng ta trong cuộc hành trình đi tìm ánh sáng đích thực là Đức Kitô.
2. Sao giả, sao thật
Nỗi sợ hãi bóng tối đã làm cho con người co rúm lại, không dám bước ra ngoài, không dám dấn thân vào cuộc hành trình tìm Đấng Kitô, như vua Hêrôđê, các thượng tế, kinh sư và cả dân thành Giêrusalem, dù họ biết rõ Đấng Kitô phải sinh ra ở Bêlem, miền Giuđa. Họ muốn tiếp tục giấc ngủ trong chăn êm, nệm ấm, trong căn nhà an toàn thay vì phải dấn thân trong đêm tối. Họ bằng lòng với những thứ ánh sáng ngắn ngủi từ những bó đuốc, đèn dầu, ngọn nến để tiếp tục đọc những cuốn sách, ngâm những bài thơ, chơi những trò vui chứ không ngước mắt nhìn vào bóng đêm để đọc ra ý nghĩa của ngôi sao lạ.
Con người thời nay cũng đang hành xử như thế. Họ bằng lòng với những thứ ánh sáng vật chất tạm bợ phát ra từ những thứ lấp lánh như vàng bạc, tiền tài, đá quý, kim cương, …Họ ngủ mê theo lòng tham và lòng dục của mình. Người ta chạy theo những con người được tôn phong là những “sao” sáng, là minh tinh trong đủ loại lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giải trí như điện ảnh, âm nhạc, thể thao.
Rất nhiều người chúng ta bị hớp hồn vì ánh sáng tạm bợ của những lời ca tụng, những tiếng vỗ tay, những bài báo dối trá, những thảm đỏ hào nhoáng, những chiếc xe đắt tiền, những căn nhà sang trọng mà không ngờ ánh sáng thật sự lại chỉ phát ra từ một hài nhi mới sinh, bọc tã nằm trên máng cỏ, trong một căn nhà nhỏ tồi tàn nào đó. Nhiều người tốn rất nhiều giờ lướt web chỉ để đọc các tin vớ vẩn về những “sao” của mình. Mấy ngày nay trên mạng xã hội, người ta xôn xao với tin một nam ca sĩ quên kéo khoá quần, một nữ hoa hậu lộ nội y khi biểu diễn, một cầu thủ mua chiếc xe mới… Họ quên mất tính cách độc đáo của riêng mình để trở thành cái bóng chạy theo người khác. Những “sao” của họ không phát sáng tự mình nên những kẻ chạy theo vẫn chìm trong bóng tối!
Trong lĩnh vực thiêng liêng, nhiều người chúng ta cũng hành động giống như vậy. Chúng ta là những “fan” cuồng nhiệt của Thánh Phanxicô Khó nghèo, của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta và đủ loại “sao” thiêng liêng khác. Chúng ta quên nguồn sáng thật là ai, đến nỗi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phải kêu gọi nhiều lần và Bộ Tu sĩ phải ra một huấn thị năm 2012 nhắc nhủ các dòng tu “phải xuất phát lại từ Đức Kitô”. Chúng ta chạy theo Đức Mẹ Mễ Du, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima… Nhưng đó cũng chưa phải là nguồn sáng thật. Chúng ta hiểu rằng Đức Mẹ và các vị thánh đó chỉ toả sáng vì họ đã gặp được Chúa Giêsu Kitô giống như ánh trăng phản chiếu ánh mặt trời.
Chúng ta cần phải lên đường như các đạo sĩ để đi tìm nguồn sáng thật là Đức Giêsu vì Người đang ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta, mà chúng ta không hay biết. Chúng ta phải đến gần Chúa Giêsu Kitô, càng gần bao nhiêu thì ta càng toả sáng bấy nhiêu như bài đọc I (x. Is 60,1-6) nhắc nhở: “Đứng lên, bừng sáng lên, hỡi Giêrusalem vì ánh sáng của ngươi đến rồi!”. Chúng ta phải ôm được Chúa Giêsu như Mẹ Maria, phải kết hợp thành một với Người để Người chuyển thông cho chúng ta chính nguồn sáng của Thiên Chúa vì Người là “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, lúc bấy giờ chúng ta mới toả sáng trọn vẹn. Lúc đó mỗi người chúng ta đều thật sự là sao để thu hút muôn dân về với Chúa Giêsu vì “cùng làm nên một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (x. Eph3,6).
Lời kết
Đó là bài học về ánh sáng trong Thánh lễ Hiển Linh hôm nay.