24/01/2025

Bạn có tự tin mình giỏi hơn robot?

Những công việc chân tay, thậm chí công việc đòi hỏi kiến thức và tư duy tương đối cũng có thể được giao cho robot trong tương lai. Bạn đang ở đâu giữa thời đại này?

 

Bạn có tự tin mình giỏi hơn robot?

 

Những công việc chân tay, thậm chí công việc đòi hỏi kiến thức và tư duy tương đối cũng có thể được giao cho robot trong tương lai. Bạn đang ở đâu giữa thời đại này?

“Chúng ta biết rằng thị trường việc làm đã thay đổi và thay vì chống lại một cách vô ích, chúng tôi tập trung nghiên cứu và đổi mới, như trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử chẳng hạn, để dẫn đến những thay đổi ở Canada. 

khi làm vậy, chúng tôi đang chuẩn bị cho người Canada có thể tìm công việc tốt thông qua đầu tư vào giáo dục và đào tạo” – Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã trả lời như vậy trên trang Quora vào tháng 4-2017, về câu hỏi chính phủ sẽ làm gì để chuẩn bị cho viễn cảnh việc làm của con người trong thời đại tự động hóa.

Cơn lốc robot

Canada đã đề xuất trích 98,7 triệu USD trong ngân sách chi cho các khoản vay không lãi suất đối với sinh viên, nhằm đầu tư vào 13.000 công việc dành cho sinh viên. Đây là bước chuẩn bị để nhóm nhân lực này đáp ứng kỹ năng cần thiết cho tương lai tự động hóa.

 

 

Động thái của Canada phù hợp với dự đoán về một đợt bùng nổ trong ngành công nghiệp robot năm 2018 này. Báo cáo thường niên của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) cho thấy sẽ có 1,3 triệu robot tham gia thị trường lao động năm 2018 và con số này sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 3 triệu vào năm 2020.

Hiện nay, tỉ lệ công việc robot đảm nhiệm là 66 đơn vị robot/10.000 nhân viên. Dẫn đầu trong việc ứng dụng robot là Hàn Quốc với 478/10.000 nhân viên, trong khi Mỹ xếp vị trí thứ bảy với 164 robot. 

Trung Quốc hiện tại chỉ có 36 robot/10.000 nhân viên, nhưng được cho là sẽ dẫn đầu số lượng trong tương lai. Năm 2014, quốc gia này đã bán số lượng robot kỷ lục 57.100 con và có thể sẽ chiếm 1/3 số robot công nghiệp được lắp đặt trên toàn cầu.

Trong bối cảnh hàng loạt hãng công nghệ lớn như Apple, Google hay Facebook đều đổ tiền vào nghiên cứu AI và robot, tương lai tự động hóa trên thế giới đang khá sáng sủa. 

Robot đang được ứng dụng càng lúc càng nhiều và đối với một số quốc gia khủng hoảng dân số già với việc làm như Nhật Bản, robot là hướng đi không thể khác. Có điều mối bận tâm chính vẫn nằm ở chỗ: liệu robot có cướp hết công việc của con người hay không?

Viện Nghiên cứu chính sách công (IPPR) ở Anh tỏ ra bi quan, khi mới cuối tháng 12 vừa qua đã dự đoán robot sẽ chiếm tới một nửa công việc ở các khu vực còn nghèo tại Anh và đặc biệt những công việc ít đòi hỏi kỹ năng, lương thấp sẽ bị đe dọa nhiều nhất. 

Còn Đài BBC vào tháng 11-2017 dẫn nghiên cứu trên 46 quốc gia và 800 loại công việc của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, cho biết khoảng 800 triệu việc làm của con người sẽ được robot đảm nhiệm tính tới năm 2030.

Cơn lốc robot nhìn chung đã càn quét truyền thông quốc tế trong cả năm 2017. Những câu hỏi “liệu robot có chiếm công việc của bạn hay không?” vẫn là đề tài bàn thảo sôi nổi. 

Từ công việc lặp đi lặp lại ở các nhà máy, robot giờ đây có thể “cướp” công việc của người trông trẻ, AI có thể thay bác sĩ chẩn đoán bệnh, những phần mềm có thể thay phóng viên viết tin, tường thuật sự kiện…

Bạn có tự tin mình giỏi hơn robot? - Ảnh 3.

Robot Pepper được giới thiệu hỗ trợ khách hàng trong siêu thị ở Tokyo (Nhật) ngày 4-12-2017 – Ảnh: Reuters

Khi nào robot chỉ là “chuyện nhỏ”?

Robot là một nỗi ám ảnh hay nó thực chất là một phát minh quan trọng như bánh xe, động cơ phản lực nhằm giải phóng con người khỏi lao động chân tay để tập trung cải thiện công việc cần đầu óc, kỹ năng? 

“Ở Thụy Điển, nếu bạn hỏi một lãnh đạo nghiệp đoàn là: Ông/bà có sợ công nghệ mới không thì họ sẽ trả lời ngay: Không, tôi sợ công nghệ cũ” – bà Ylva Johansson, bộ trưởng lao động Thụy Điển, từng chia sẻ như thế với tờ New York Times (Mỹ).

Có thể thấy rõ sự thích ứng uyển chuyển và hiệu quả với công nghệ tự động hóa tại Thụy Điển thông qua hoạt động ở lĩnh vực khai thác mỏ, một ngành công nghiệp lớn ở nước này. 

Tại đây, lương thợ mỏ rất cao, mức đãi ngộ và điều kiện làm việc được thiết lập thông qua những hợp đồng thương thảo giữa các nghiệp đoàn và các hiệp hội chủ doanh nghiệp.

Một số mỏ khoáng sản ở vùng Boliden của Thụy Điển có trữ lượng quặng thấp nhất thế giới, trong khi giá cả sản phẩm lại do thị trường quyết định. Vậy nên cách duy nhất để các doanh nghiệp có lời là phải liên tục tìm giải pháp tăng hiệu quả khai thác. 

Tự động hóa với robot là câu trả lời cho vấn đề này. Đó là lý do khiến những kỹ sư mỏ như anh Mika Persson và các đồng nghiệp mỗi người phải xử lý cùng lúc tới bốn màn hình máy tính khác nhau trong phòng làm việc tại Công ty mỏ New Boliden.

Với một lực lượng lao động không đổi, chỉ khoảng 200 người giống như 3 thập kỷ trước, nhờ ứng dụng công nghệ tự động, vùng Boliden đã tăng sản lượng khai thác thường niên từ 350.000 tấn của 30 năm trước lên 600.000 tấn như hiện nay. Theo đó, anh Persson và các cộng sự kiếm được khoảng 500.000 krona mỗi năm (gần 60.000 USD) và có 5 tuần nghỉ phép.

Theo luật Thụy Điển, khi một đứa trẻ ra đời, cha mẹ bé sẽ được nghỉ tổng cộng 480 ngày và tùy theo phân chia thời gian nghỉ giữa hai người. Theo anh Persson, không có robot nào có thể thay đổi bất cứ những quyền lợi đó của người lao động. 

Anh nói: “Tôi thực sự không lo lắng. Có quá nhiều công việc tại khu mỏ này, mà ngay khi công việc hiện tại biến mất sẽ lại có công việc khác. Công ty sẽ bảo đảm cho chúng tôi”.

Khi những chiếc máy rút tiền tự động (ATM) lần đầu tiên xuất hiện tại các chi nhánh ngân hàng vào cuối những năm 1960, một số ý kiến cho rằng đó là tín hiệu cho thấy dấu hiệu chấm dứt của các lao động con người trong lĩnh vực ngân hàng. 

nhiên, số nhân viên ngân hàng trên thực tế lại tăng rất nhiều khi các tổ chức tài chính này đầu tư sang những lĩnh vực mới, như cho vay trả góp mua nhà và bảo hiểm… Xu hướng tương tự biết đâu sẽ tái diễn ở thời công nghệ robot và tự động hóa?

Thế mới thấy ở một quốc gia như Thụy Điển, khi các nghiệp đoàn hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả, khi sự hỗ trợ của chính phủ với người lao động hào phóng và khi giữa người lao động với chủ doanh nghiệp có sự tin tưởng sâu sắc lẫn nhau, robot chỉ còn là “chuyện nhỏ”.

Xu hướng không thể đảo ngược

Robot hiện nay là xu hướng không thể tách rời và không thể ngăn cản trong sự thành công của kinh tế toàn cầu. Giá trị thị trường thế giới về hệ thống robot ước tính 32 tỉ USD, và riêng lĩnh vực xe hơi đã tăng số lượng robot lên 43% trong một năm từ 2013 tới 2014. Mật độ robot trung bình trên toàn cầu là 66 robot trên 10.000 nhân viên.

Một nghiên cứu khác công bố năm 2016 của Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng khoảng 137 triệu lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, tương đương 56% tổng số lao động tại những nước này, có nguy cơ bị mất việc vì robot, nhất là công nhân trong ngành công nghiệp dệt may.

D.KIM THOA – NHẬT ĐĂNG