11/01/2025

Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 51 của ĐTC Phanxicô

Với lòng thương xót, chúng ta ôm lấy tất cả những người phải trốn chạy chiến tranh và đói khát hoặc những người buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bị phân biệt đối xử, khủng bố, nghèo đói và nạn suy thoái môi trường.

 Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 51 của ĐTC Phanxicô

 
Ngày 1 tháng Giêng 2018

Người di cư và người tị nạn: Những người tìm kiếm hoà bình


1. Lời chúc bình an

Nguyện chúc bình an cho mọi người và mọi dân tộc trên trái đất! Bình an mà các thiên thần loan báo cho các mục đồng trong đêm Giáng sinh,[1] là một khát vọng sâu thẳm của mọi người và mọi dân tộc, nhất là những ai đang khốn khổ nhiều nhất vì thiếu vắng bình an. Trong số những người mà tôi luôn nhớ đến trong lời cầu nguyện, một lần nữa tôi muốn nhắc đến hơn 250 triệu người di cư trên thế giới, trong đó 22,5 triệu người là những người tị nạn. Về người tị nạn, vị tiền nhiệm kính yêu của tôi là Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói rằng “đó là những người nam và người nữ, trẻ em, thanh thiếu niên và những người già cả đang tìm kiếm một nơi để sống trong hoà bình”[2]. Để tìm được nơi ấy, nhiều người trong số họ sẵn sàng liều mạng dấn thân vào một hành trình mà đa phần vừa lâu dài vừa đầy nguy hiểm; họ sẵn sàng chịu đựng nhọc nhằn gian khổ, đối mặt với những hàng rào kẽm gai và những bức tường được dựng lên để ngăn không cho họ đến.

Với lòng thương xót, chúng ta ôm lấy tất cả những người phải trốn chạy chiến tranh và đói khát hoặc những người buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bị phân biệt đối xử, khủng bố, nghèo đói và nạn suy thoái môi trường.

Chúng ta biết rằng chỉ mở lòng ra trước sự đau khổ của người khác thì  không đủ. Còn nhiều việc phải làm trước khi anh chị em của chúng ta có thể bắt đầu lại cuộc sống bình an trong một ngôi nhà an toàn. Đón tiếp người khác đòi hỏi một sự dấn thân cụ thể, nhiều trợ giúp và từ tâm, một sự quan tâm chu đáo và toàn diện, việc quản lý có trách nhiệm những tình huống phức tạp mới mà đôi khi thêm vào vô số những vấn đề khác đã có, cũng như các nguồn lực luôn giới hạn. Nếu thận trọng, các chính phủ sẽ biết đón tiếp, thăng tiến, bảo vệ và hội nhập [người nhập cư], bằng cách đặt ra những quy định thực tế, “sao cho phù hợp với lợi ích thực sự của người dân của họ”.[3] Họ có trách nhiệm rõ ràng đối với cộng đồng của họ, mà họ phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng và sự phát triển hài hoà của cộng đồng ấy, để đừng giống như người thợ xây không biết lo xa, vụng tính nên không hoàn thành được toà tháp mà mình đã khởi công.[4]

2. Tại sao có quá nhiều người tị nạn và người di cư?


Dịp Đại Năm Thánh kỷ niệm 2000 năm từ khi các thiên thần loan báo tin hoà bình ở Bêlem, Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng sở dĩ ngày càng có nhiều người tị nạn vì thế kỷ XX liên tiếp xảy ra những cuộc “chiến tranh, xung đột, diệt chủng, thanh lọc sắc tộc”, kinh hoàng không dứt[5]. Thế kỷ mới vẫn chưa có được một bước chuyển biến thực sự: các cuộc xung đột vũ trang và các hình thức bạo lực có tổ chức khác vẫn tiếp tục diễn ra khiến cho người dân phải ra đi, ở trong nước cũng như sang nước khác.

Nhưng người ta còn di cư vì những lý do khác, nhất là vì “muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nên không hiếm khi họ thử bỏ lại nỗi “thất vọng” về một tương lai chẳng hứa hẹn”[6]. Có những người ra đi để đoàn tụ gia đình, để tìm cơ hội làm việc hay học tập: đó là những người không được hưởng các quyền này nên không sống trong bình an. Hơn nữa, như tôi đã nhấn mạnh trong Thông điệp Laudato si’, “việc ngày càng có thêm người di dân trốn chạy nỗi khốn khổ chồng chất vì môi trường suy thoái, thật là bi thảm”[7].

Đa số người di cư ra đi theo lối thông thường, trong khi có những người dùng những cách khác, chủ yếu là vì tuyệt vọng, khi đất nước họ không bảo đảm cho họ có được an ninh cũng như những cơ hội và mọi con đường hợp pháp xem ra đều không khả thi, bị ngăn chặn hoặc quá chậm trễ.

Tại nhiều quốc gia nơi người di cư đến, phổ biến một kiểu nói hoa mỹ nhấn mạnh những nguy cơ đối với nền an ninh quốc gia hoặc các gánh nặng tài chính nếu phải đón tiếp những người mới đến; như thế là coi thường nhân phẩm vốn phải được công nhận đối với mọi người, như con cái Chúa. Những kẻ, đôi khi vì mục đích chính trị, gây ra nỗi sợ hãi cho những người di cư thay vì xây dựng hoà bình, là những kẻ gieo rắc bạo lực, phân biệt chủng tộc và bài ngoại, đó là những mối bận tâm lớn đối với tất cả những ai luôn lo lắng bảo vệ từng con người.[8]

Tất cả các yếu tố của cộng đồng quốc tế hiện nay cho thấy vấn đề di cư toàn cầu sẽ tiếp tục là đặc điểm của tương lai chúng ta. Có người coi đó là mối đe doạ. Trái lại, tôi mời anh chị em nhìn vào đó với cái nhìn đầy tự tin, như cơ hội để xây dựng một tương lai hoà bình.

3. Với một cái nhìn chiêm ngưỡng

Sự khôn ngoan của đức tin nuôi dưỡng cái nhìn này, cái nhìn có khả năng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều thuộc về “một gia đình duy nhất, những người nhập cư và những người dân địa phương đón tiếp họ, và tất cả đều dược quyền thụ hưởng của cải của trái đất, vốn dành cho mọi người, như học thuyết xã hội của Giáo hội đã dạy. Đây chính là nền tảng của tình liên đới và sự chia sẻ”.[9] Những lời này gợi lại cho chúng ta hình ảnh của thành Jerusalem mới. Sách tiên tri Isaia (chương 60) và sách Khải huyền (chương 21) mô tả thành ấy như một thành phố luôn mở cửa, để mọi người thuộc mọi dân tộc đi vào, họ chiêm ngưỡng thành và làm cho thành nên giàu có. Hoà bình là vị vua lãnh đạo và công lý là nguyên lý cai trị cuộc sống chung của mọi người trong thành.

Chúng ta cũng phải nhìn thành phố nơi chúng ta sống bằng ánh nhìn chiêm ngắm này, “tức là cái nhìn đức tin, khám phá ra Thiên Chúa đang sống trong những căn nhà của họ, trên những đường phố và công viên của họ [… bằng cách cổ vũ] tình liên đới, mong ước điều thiện, chân lý và công bằng”[10]; nói cách khác, bằng cách thực hiện lời hứa về hoà bình.

Khi xem xét tình cảnh người nhập cư và tị nạn, cái nhìn này sẽ nhận ra họ không đến với bàn tay không, mà mang theo cả một hành trang: lòng can đảm, khả năng, nhiệt huyết và khát vọng, chưa kể đến bản sắc văn hoá của mình. Như vậy, họ làm phong phú cuộc sống của các quốc gia đón nhận họ. Ánh nhìn này cũng sẽ nhận ra sự linh hoạt, lòng nhẫn nại và tinh thần hy sinh của biết bao con người, gia đình và cộng đồng trên khắp thế giới đang mở cửa và mở lòng đón người di cư và tị nạn, dù mình cũng chẳng dư dả gì.

Cuối cùng, cái nhìn chiêm ngưỡng này sẽ hướng dẫn những người có trách nhiệm lo cho công ích biết phân định, để đưa ra những chính sách đón nhận đến mức tối đa “tương ứng với phúc lợi hiện có của dân mình”[11], nghĩa là tính đến những nhu cầu mà mọi người trong gia đình nhân loại duy nhất đều có và lợi ích của từng người.

Những ai mang tầm nhìn này đều có thể nhận ra hạt giống hoà bình đã nảy mầm và cần được chăm sóc để mầm ấy phát triển. Như vậy họ sẽ làm cho những thành phố của chúng ta vẫn thường bị các cuộc xung đột gây phân hoá và phân cực, liên quan đến sự có mặt của người di dân và tị nạn, trở thành những công trường kiến tạo hoà bình.

4. Bốn nền tảng cho hành động


Để mang lại cho những người xin cư trú, tị nạn, di cư và nạn nhân của những vụ buôn người khả năng gặp được bình an họ đang kiếm tìm, đòi phải có một chiến lược kết hợp cả bốn hành động: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.[12]

Hành động “đón tiếp” nhắc lại sự cần thiết mở rộng những khả năng nhập cảnh hợp pháp, không được đưa người tị nạn và di dân về lại những nơi đang sẵn sàng ra tay bách hại và đối xử bạo lực, đồng thời cân bằng giữa mối quan tâm về an ninh quốc gia với việc bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng quên lòng hiếu khách, vì nhờ đó, có những người không ngờ đã được tiếp đón các thiên thần ngay tại nhà mình.”[13]

Hành động “bảo vệ” nhắc lại bổn phận phải nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của những người đang trốn chạy mối hiểm nguy đang xảy ra mà tìm nơi nương náu an toàn, và ngăn không để họ bị bóc lột. Đặc biệt, tôi nghĩ đến các phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình cảnh đầy đe doạ và rất dễ bị lạm dụng dẫn đến cảnh làm nô lệ. Thiên Chúa không phân biệt đối xử: “Chúa che chở khách ngụ cư, Người nâng đỡ quả phụ và cô nhi.”[14]

Hành động “thăng tiến” muốn nói đến sự trợ giúp nhằm mang lại sự phát triển con người về mọi mặt đối với người di dân và tị nạn. Trong số rất nhiều phương thế thực thi nhiệm vụ này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng phải bảo đảm cho thiếu nhi và người trẻ được tiếp cận với mọi cấp học; nhờ đó, không những các em được trau dồi và phát triển khả năng của mình, mà còn có thể gặp gỡ mọi người, vun xới tinh thần đối thoại, chứ không phải thái độ khép kín và đối đầu. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng “Chúa yêu mến khách lạ, cho họ cơm ăn áo mặc”; vì thế, khuyến khích chúng ta “hãy yêu mến người ngụ cư, vì các ngươi đã từng ngụ cư trên đất Ai Cập”.[15]

Cuối cùng là “hội nhập”, nghĩa là cho phép người tị nạn và di dân được tham gia đầy đủ vào cuộc sống xã hội đón nhận họ, làm cho nhau được thêm phong phú, cộng tác với nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người tại các cộng đồng địa phương, như Thánh Phaolô đã viết: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ, là khách ngụ cư, mà là đồng hương với các thánh, là người nhà của Thiên Chúa.”[16]

5. Một đề nghị về hai hiệp ước quốc tế

Tôi thành tâm mong rằng tinh thần này sẽ thuc đẩy tiến trình, trong suốt năm 2018, dẫn đến việc Liên Hiệp Quốc soạn thảo và thông qua hai hiệp ước toàn cầu: một hiệp ước về vấn đề di dân an toàn, trật tự và hợp pháp và một hiệp ước về người tị nạn.

Cũng như các thoả thuận ở cấp toàn cầu, các hiệp ước này sẽ đề ra một khuôn khổ mang tính tham khảo để thúc đẩy việc xây dựng các chính sách và thi hành các biện pháp thực tiễn. Vì thế điều quan trọng là các Hiệp ước này cần lấy cảm hứng từ lòng thương xót, việc nhìn xa trông rộng và lòng dũng cảm để nắm bắt mọi cơ hội nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng hoà bình: đó là điều kiện để óc thực tế cần thiết cho chính sách quốc tế không bị khuất phục trước thái độ trơ trẽn và thói thờ ơ toàn cầu.

Quả vậy, đối thoại và phối hợp là một nhu cầu và nghĩa vụ cụ thể của cộng đồng quốc tế. Ngoài biên giới quốc gia, các quốc gia ít giàu có hơn cũng có thể đón tiếp nhiều người tị nạn hơn hoặc giúp đỡ họ cách tốt hơn, nếu sự hợp tác quốc tế bảo đảm cho các quốc gia ấy các khoản tiền cần thiết.

Phân bộ Người Di cư và Tị nạn của Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện đã đề nghị 20 điểm hành động[17] có thể được dùng như những hướng cụ thể để áp dụng 4 hành động trên đây trong các chính sách công, cũng như thái độ và hành động của các cộng đồng Kitô hữu. Những đóng góp này, cũng như những đóng góp khác, nhằm thể hiện mối quan tâm của Giáo hội Công giáo đối với tiến trình dẫn tới việc thông qua các hiệp ước toàn cầu của Liên hiệp quốc. Mối quan tâm này khẳng định một mối quan tâm mục vụ tổng quát hơn, từ khi Giáo hội được thành lập và vẫn tiếp tục qua nhiều hoạt động cho đến ngày nay.

6. Cho ngôi nhà chung của chúng ta

Những lời này của Thánh Gioan Phaolô II gợi hứng cho chúng ta: “Nếu ‘giấc mơ’ về một thế giới hoà bình được nhiều người chia sẻ, nếu những đóng góp của người di dân và người tị nạn được trân trọng, thì nhân loại sẽ ngày càng trở nên gia đình của mọi người và trái đất trở nên một ‘ngôi nhà chung’ thật sự.”[18] Trong lịch sử, nhiều người đã tin vào “giấc mơ” này và những người sống điều ấy làm chứng rằng đó không phải là một điều không tưởng không thực hiện được.

Trong số những người ấy, chúng ta phải nói đến Thánh Phanxicô-Xavier Cabrini, mà trong năm 2017 chúng ta mừng sinh nhật thứ 100 của ngài trên trời. Hôm nay, ngày 13 tháng 11, nhiều cộng đoàn giáo hội cử hành lễ nhớ thánh nữ. Người phụ nữ nhỏ bé mà cao cả này, người đã hiến đời mình để phục vụ người di dân, rổi trở thành thánh bổn mạng của họ ở trên trời, đã dạy chúng ta cách đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những anh chị em của chúng ta. Nhờ lời ngài chuyển cầu, xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được rằng “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình”[19].

 
Vatican, ngày 13 tháng Mười Một 2017

Lễ Thánh Françoise-Xavier Cabrini, bổn mạng người di cư

ĐGH Phanxicô
 
––––––––––––––––––––––––
 
[1] Lc 2,14.
[2] Bênêđictô XVI, Kinh Truyền Tin, 15/1/2012.
[3] Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, s. 106.
[4] x. Lc 14, 28-30.
[5] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới năm 2000, s. 3.
[6] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn 2013.
[7] Laudato si’, s. 25.
[8] x. Huấn từ cho các Giám đốc quốc gia đặc trách mục vụ di dân tham gia cuộc gặp gỡ do CCEE tổ chức, 22/9/2017.
[9] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn 2011.
[10] Tông huấn Evangelii Gaudium, s. 71.
[11] Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, s. 106.
[12] Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn 2018, 15/8/ 2017.
[13] Dt 13,2.
[14] Tv 146,9.
[15] Đnl 10,18-19.
[16] Ep 2,19.
[17] 20 Điểm hành động mục vụ và 20 Điểm hành động cho các Hiệp ước Thế giới (2017), cũng xem Tài liệu Liên Hiệp Quốc A/72/528.
[18] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Người Di cư và Tị nạn 2004, s. 6.
[19] Gc 3,18.

 
 

Đức Thành chuyển ngữ