10/01/2025

Sáng chế của người thợ sửa xe

Theo đuổi học nghề sửa xe từ lúc 14 tuổi, với tính cách tò mò sáng tạo và sự kiên trì đã giúp cậu bé nhà nghèo, không bằng cấp trở thành nhà sáng chế thuyết phục được nhiều giáo sư, tiến sĩ.

 

Sáng chế của người thợ sửa xe

 

Theo đuổi học nghề sửa xe từ lúc 14 tuổi, với tính cách tò mò sáng tạo và sự kiên trì đã giúp cậu bé nhà nghèo, không bằng cấp trở thành nhà sáng chế thuyết phục được nhiều giáo sư, tiến sĩ.

Nhân vật đó là Đặng Hoàng Sơn, người được xem là thành danh khá muộn. Bởi năm nay, ông Sơn đã 50 tuổi, phải mất đến hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo ra thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ.

Chọn nghề lúc 14 tuổi

Nhà sáng chế Đặng Hoàng Sơn là một người đàn ông thấp bé, quần áo nhem nhuốc, đôi bàn tay chai sần luôn dính đầy dầu mỡ.

Ông Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh Vĩnh Long. Năm 14 tuổi, ông nghỉ học, đi “tầm sư học nghề”. Được nhận vào tiệm sửa xe máy, với bản tính siêng năng, chịu khó học hỏi, ông Sơn nhanh chóng được các bậc tiền bối cùng “lò” quan tâm giúp đỡ. Không những vậy, ông còn được người thầy chỉ dạy thêm nghề cơ khí một cách tận tình.

Sau mấy năm miệt mài, ông bước ra đời bươn chải, tự tay mở cho mình một tiệm sửa xe kiêm làm nghề cơ khí. “Hồi đó có được cái nghề là niềm ao ước của nhiều thanh niên, bởi không phải ai cũng có thể học được một cái nghề. Tôi là một người may mắn, được các thầy quan tâm chỉ bảo giúp đỡ, tạo động lực lớn giúp tôi gắn bó hơn với nghề” – ông Sơn nhớ lại.

Đánh đổi gia sản để sáng chế

 

Có được vốn nghề, ông Đặng Hoàng Sơn kiêm thêm nghề tay trái là mua bán xe máy cũ. Ông gầy dựng được cho mình 10 cửa hàng. Trong quãng thời gian này, ông Sơn thường hay nghe khách hàng than chuyện xe hao xăng, máy móc ì ạch chạy không “bốc” khiến ông suy nghĩ.

Năm 2003, ông Sơn liều đem gia sản mình ra đánh “canh bạc lớn” để đầu tư nghiên cứu thiết bị tiết kiệm xăng. Lần lượt 9 cửa hàng buôn bán xe máy được ông Sơn sang nhượng lại, dốc hết vốn đầu tư vào chiếc máy tiện CNC hiện đại để sản xuất thiết bị tiết kiệm xăng.

Ba năm sau, ông Sơn bắt đầu cho ra lò những sản phẩm đầu tiên nhưng còn nhiều khuyết điểm, bị nhiều người chê. Không nản lòng, ông tiếp tục kiên trì nghiên cứu, đến năm 2008 thì một sản phẩm tiết kiệm xăng hoàn chỉnh được ra đời. Ban đầu, thiết bị chỉ được bán cho các tiệm sửa xe máy trong vùng.

Ông Sơn kể lại: “Năm 2015, nghe có Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa do tỉnh Vĩnh Long tổ chức, tôi thử mang sản phẩm đi dự thi không ngờ lại đoạt giải 3. Sở KH-CN tỉnh mời các chuyên gia là giáo sư – tiến sĩ chuyên về chế tạo đến để đánh giá. 

Những chuyên gia này đề xuất lập báo cáo tham gia thử nghiệm tính hiệu quả thiết bị của tôi tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chuyên về động cơ đốt trong. Kết quả là các giáo sư tại đây đồng ý đánh giá sản phẩm chế tạo của tôi có hiệu quả thiết thực”.

Sáng chế thuyết phục

Thiết bị tiết kiệm nhiên liệu do ông Sơn sáng chế được đánh giá rất tiện lợi, dài khoảng 10cm và chỉ nặng 10g, được gắn trực tiếp vào bộ chế hòa khí, bên cạnh bình xăng con của tất cả các loại xe máy.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hoàn toàn tin sản phẩm của ông Sơn tiết kiệm xăng thực sự. Một năm sau đó, các chuyên gia mới đề xuất lập báo cáo thử nghiệm lần hai. Lần này, thiết bị được thử nghiệm so sánh lượng tiêu thụ nhiên liệu theo chu trình 10-15 tiêu chuẩn Nhật Bản.

Các giáo sư – tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM so sánh nhiên liệu tại các tốc độ từ 0 đến 70, so sánh mức tăng giảm khí thải CO và CO2, so sánh khí thải HC và NOx; đánh giá khả năng tăng tốc trước và sau khi gắn thiết bị; so sánh khả năng khởi động nguội, kiểm tra gắn vào thiết bị đo lượng không khí cấp thêm MFC của Nhật Bản; xác định áp suất trong xi-lanh của động cơ trước và sau khi lắp… Tất cả quy trình kiểm nghiệm được các kỹ sư thực hiện trên 2 dòng xe khác nhau.

Kết quả cuối cùng từ sản phẩm sáng chế của ông Sơn khiến các giám khảo khâm phục khi nó giảm độ tiêu hao nhiên liệu trung bình từ 20-30%. Đặc biệt, sản phẩm đó còn cho ra khí thải đạt chuẩn bảo vệ môi trường, được phó giáo sư – tiến sĩ Đậu Văn Ngọ ký công nhận.

Tháng 8 năm nay, các giáo sư – tiến sĩ ở Nhật, Singapore và Thái Lan còn tìm đến tận Vĩnh Long để tìm hiểu thiết bị do ông Sơn chế tạo. Những vị khách tỏ ra bất ngờ khi một tay ông Sơn vận hành đến 5 máy CNC của 5 nước khác nhau, mỗi máy CNC như vậy có đến hàng triệu mã chương trình.

Hiện cơ sở do ông Sơn làm chủ mỗi tháng cung cấp ra thị trường 8.000 thiết bị tiết kiệm xăng, nơi này còn chuyên “trị” những chi tiết khó trong ngành cơ khí.

hoangson-1

Ông Đặng Hoàng Sơn vận hành máy CNC trong cơ sở của mình – Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Sáng chế độc quyền

Qua hơn 30 năm sống với nghề sửa xe máy, ông Đặng Hoàng Sơn được các cơ quan, tổ chức và ban ngành từ trung ương đến địa phương trao tặng hơn 50 bằng khen, kỷ niệm chương, huy chương, bằng lao động sáng tạo các loại. Tháng 10-2017, ông được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng sáng chế độc quyền thiết bị tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ.

HẠNH NGUYỄN