Chúa Nhật IV MV B – 2017: Mang thai Chúa Giêsu
Mỗi người chúng ta đều là chi thể trong Thân thể Mầu nhiệm của Đức Giêsu là Giáo Hội, mà Giáo Hội là hiền thê của Đức Giêsu. Vì thế, mỗi người chúng ta, giống như Người Mẹ Thánh, phải tìm cách mang thai được Chúa Giêsu để có thể sinh Người ra cho thế giới hôm nay.
Mang thai Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Giáo Hội luôn giới thiệu Đức Maria cho chúng ta vì Mẹ đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng nhất và đúng đắn nhất cho Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người. Chúng ta đã cùng nhau suy niệm về Gioan Tẩy Giả đã chuẩn bị dọn đường cho Chúa. Hôm nay Đức Maria giới thiệu cho chúng ta cách “dọn lòng” cho Chúa, bởi vì mỗi người chúng ta, dù là nam hay nữ, trẻ hay già, đều được mời gọi để mang thai Chúa Giêsu như Mẹ. Mỗi người chúng ta đều là chi thể trong Thân thể Mầu nhiệm của Đức Giêsu là Giáo Hội, mà Giáo Hội là hiền thê của Đức Giêsu. Vì thế, mỗi người chúng ta, giống như Người Mẹ Thánh, phải tìm cách mang thai được Chúa Giêsu để có thể sinh Người ra cho thế giới hôm nay.
Câu hỏi chúng ta đặt ra từ muôn thuở vẫn là: “Việc đó có thể xảy ra thế nào?” giống như Đức Maria nói với sứ thần: “vì tôi không biết đến người nam”.
1. Những kiểu mang thai tự nhiên
Có rất nhiều người trong chúng ta giống như người Do Thái nghĩ rằng muốn mang thai Chúa Giêsu như Đấng Mêsia, mà dân tộc Do Thái đã mong chờ từ nhiều thế kỷ, thì người ta phải lập gia đình với nhau, hy vọng Đấng Mêsia hay Đấng Kitô đó được sinh ra trong dòng tộc của mình.
Nhiều nhà khoa học và những người bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ chỉ biết đến khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm, đã chối bỏ việc Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đã chối bỏ Đức Maria là một trinh nữ có thể sinh con, bởi vì họ chỉ biết đến việc vợ chồng. Họ cho rằng Đức Maria phải có một người chồng là thánh Giuse và hai người phải ăn ở với nhau thì mới có thể có con. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa duy khoa học, không tin Đức Giêsu được sinh ra bởi một trinh nữ.
Rất nhiều anh em theo phái Tinh Lành đã không tôn kính Người Mẹ Thánh của chúng ta vì họ nghĩ rằng Đức Maria và Thánh Giuse đã ăn ở với nhau. Họ cho rằng: có thể Đức Maria đã mang thai Chúa Giêsu là nhờ phép Chúa Thánh Thần, nhưng rồi sau đó Đức Maria và Thánh Giuse đã có nhiều đứa con khác, bởi vì tất cả những lần nói đến anh chị em của Chúa Giêsu Phúc Âm đều dùng từ “anh chị em ruột” chứ không phải từ anh chị em họ. Thậm chí có người còn suy luận rằng Đức Maria với Thánh Giuse có thể sinh ra Đức Giêsu theo cách tự nhiên rồi được Thiên Chúa Cha công nhận là Con Thiên Chúa.
Chúng tôi đã trình bày vấn đề này (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, chương 25, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.371-382) và giải thích rằng tất cả những lần Thánh Kinh nói đến anh chị em của Chúa Giêsu đều dùng từ anh chị em ruột, bởi vì mỗi một người chúng ta đều gắn bó với Chúa Giêsu bằng chính thịt máu của Người, trở nên một với nhau trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, nên chúng ta là anh chị em ruột của Chúa Giêsu và cũng là những người con thật sự của Đức Maria.
2. Mang thai cách siêu nhiên
Đức Maria mang thai Chúa Giêsu là do chính Thiên Chúa chọn lựa người. Mỗi người chúng ta nhìn vào sự chọn lựa ấy để thấy mình cũng được mời gọi và được chọn lựa như Mẹ trong kế hoạch cứu dộ bằng tình yêu của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27). Những lời đơn sơ đó như mời gọi chúng ta nhìn vào con người của mình, vào nơi chốn của mình. Thiên Chúa không gửi sứ thần Gabriel đến kinh đô của Do Thái là Giêrusalem, hay thủ đô của đế quốc Rôma, mà chỉ đến một thành nhỏ bé là Nazareth. Thiên Chúa cũng không gửi sứ thần Gabriel đến tìm một cô công chúa hết sức xinh đẹp, giàu sang hay tìm một người thiếu nữ giỏi giang, thông thái, có bằng tiến sĩ nào đó… mà đến với một người thiếu nữ hết sức bình dị giống như tất cả mọi người chúng ta đang ngồi đây. Chúng ta chẳng nổi tiếng, xinh đẹp hay giàu có nhưng Thiên Chúa đã gửi lời mời gọi cho chúng ta qua Giáo Hội và đề nghị chúng ta mang thai Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người.
Tuy nhiên, để có thể được Thiên Chúa chọn lựa mang thai Chúa Giêsu, chúng ta cần phải nhìn vào Mẹ Maria và hành động giống như Người. Mẹ Maria đã được chọn lựa vì Mẹ có một tình yêu hết sức mãnh liệt đối với Thiên Chúa. Trong đời sống tự nhiên, Mẹ đã thành hôn với Thánh Giuse, nhưng hai người chưa chung sống với nhau. Mẹ cũng mơ ước Đấng Mêsia sinh ra trong dòng dõi của mình theo niềm hy vọng của dân tộc Do Thái. Mẹ cũng đã yêu Giuse, tình yêu con người ấy rất cao cả và đáng trân trọng. Nhưng khi được sứ thần đề nghị sinh con cho Thiên Chúa, Mẹ thấy rằng mình được kêu gọi và từ sự kêu gọi ấy Mẹ thấy rằng mình cần phải hy sinh vì Mẹ đã yêu Thiên Chúa hơn yêu con người. Mẹ sẵn sàng hy sinh tình yêu riêng tư, cuộc hôn nhân riêng tư của mình để đi vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Tham gia vào kế hoạch đó, Mẹ được đề nghị mang thai. Nhưng mang thai mà không có người chồng để bảo vệ, thì đối với luật Do Thái, Mẹ sẽ bị những hòn đá ném vào đầu vì tội chửa hoang. Dân tộc Do Thái luôn luôn lên án nặng nề những phụ nữ như thế. Mẹ đã nghĩ đến cái chết đau khổ, nhục nhã mà mình có thể phải chịu khi mang thai cho Thiên Chúa. Nhưng tình yêu dành cho Thiên Chúa đã thúc đẩy Mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả và đón nhận cả những nguy hiểm của cái chết. Tình yêu mãnh liệt của Mẹ dành cho Thiên Chúa như mời gọi ta nhìn lại tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa có vượt lên trên những đau khổ, mất mát, thua thiệt mà chúng ta đang phải chịu đựng trong cuộc sống trần thế này không?
Nhưng Mẹ đã được sứ thần giải thích: “không có việc gì mà Chúa không làm được” (Lc 1,37), bởi Chúa là Đấng toàn năng. Bà Elisabeth già 80 tuổi rồi mà đang mang thai là một thí dụ điển hình. Thiên Chúa dựng nên mọi sự từ hư không, thì Mẹ cũng có thể đón nhận quyền năng của Thiên Chúa để sinh con cho Chúa như một trinh nữ.
Yếu tố quan trọng nhất để có thể mang thai Chúa Giêsu, đó là mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần để quyền năng của Thiên Chúa bao phủ chúng ta. Khi Chúa Thánh Thần bao phủ chúng ta, Ngài đưa thần tính của Thiên Chúa, sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, tình yêu vô tận và quyền năng vô biên của Thiên Chúa vào trong con người tầm thường, yếu đuối của ta, chúng ta mới có thể hình thành nên Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người.
Vì vậy, Đức Maria đã đại diện cho toàn thể vũ trụ và nhân loại dâng hiến tất cả phần nhân tính của Mẹ cho Thiên Chúa, rồi Chúa Thánh Thần đã đưa thiên tính hằng hữu của Thiên Chúa vào trong lòng Mẹ và đã hình thành nên Ngôi Lời Thiên Chúa làm người trong lòng trinh nữ Maria với 2 bản tính của Thiên Chúa và của con người. Điều đó cũng được thể hiện lại trong lòng Trinh nữ Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Giêsu Kitô và cũng thể hiện lại trong lòng mỗi người chúng ta nếu ta hành động như Người Mẹ Thánh, biết dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và mở rộng lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần. Từ đó ta trở thành một con người phi thường, một con người tràn đầy tình yêu, quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu cho đến khi Đức Giêsu lớn lên trong lòng ta để ta sinh hạ Người cho thế giới.
Lời kết
Hình ảnh sống động của Người Mẹ Thánh trong tuần cuối cùng của Mùa Vọng mời gọi mỗi người chúng ta chuẩn bị tâm hồn và thể xác của mình dâng hiến cho Thiên Chúa như một đền thánh mà bài đọc I (x. 2Sam 7,1-16) giới thiệu cho chúng ta. Đây là một mầu nhiệm được thánh Phaolô nhắc nhở (x. Rm 16,25-27) để khi ta suy niệm về mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chúng ta noi gương Mẹ Maria dành tình yêu mãnh liệt, trọn vẹn cho Thiên Chúa để đón nhận Thánh Thần. Thế giới đang rất cần những bà mẹ mang thai Chúa Giêsu như thế!