11/01/2025

Thư ngỏ về việc xây dựng Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam

Sau khi được tin Uỷ ban Văn hoá trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm về hoạt động thư viện và góp ý xây dựng Thư viện Văn hoá Công giáo Việt Nam”, chúng con, là nhóm đang thực hiện việc xây dựng Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam, xin gửi thư này để giới thiệu về nhóm, trình bày công tác chúng con đang làm và mong đóng góp vào công trình của Uỷ ban Văn hoá.

 Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh

Toà Giám mục Kontum
Địa chỉ: 146 Trần Hưng Đạo, Kontum
Email: [email protected]

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Địa chỉ: 166F Bùi Thị Xuân, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM
Email: [email protected]

 

THƯ NGỎ

Về việc xây dựng
Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam

Sài Gòn, ngày 08.12.2017

 

Kính gửi:

Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân,
Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá trực thuộc HĐGMVN

Lm. Giuse Trịnh Tín Ý,

Tổng Thư ký Uỷ ban Văn hoá

Quý Đức Hồng y, Quý Đức cha

Quý linh mục, tu sĩ và anh chị em tín hữu thân mến,

Kính thưa Đức cha và tất cả anh chị em,

Sau khi được tin Uỷ ban Văn hoá trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm về hoạt động thư viện và góp ý xây dựng Thư viện Văn hoá Công giáo Việt Nam”, tại Văn phòng HĐGMVN, số 72/12 Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM vào ngày 9/11/2017, chúng con, là nhóm đang thực hiện việc xây dựng Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam, xin gửi thư này để giới thiệu về nhóm, trình bày công tác chúng con đang làm và mong đóng góp vào công trình của Uỷ ban Văn hoá.

1. Tình trạng hiện nay

Hiện nay trong lĩnh vực thư viện điện tử, chúng ta đã thấy có nhiều thư viện của các tôn giáo khác, nhưng cách đây một vài năm, phía Công giáo chúng ta chỉ thấy có thư viện của vài dòng tu hoặc Thư viện Dũng Lạc của Lm. Trần Cao Tường và Lm. Giuse Phạm Văn Tuệ ở New Orleans, Hoa Kỳ. Từ ngày các vị đó qua đời, thư viện Dũng Lạc cũng ngưng hoạt động! Tuy nhiên, các thư viện như Dũng Lạc và của các tôn giáo khác cũng chưa phải là thư viện điện tử đúng nghĩa vì nhiều sách chỉ được giới thiệu qua những tập tin hình ảnh (files PDF), chứ chưa được chuyển đổi thành những tập tin văn bản (files Word).

2. Thành phần cộng tác viên

Nhóm chúng con là những anh chị em thiện chí, do Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh là trưởng nhóm, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn là chủ nhiệm, một số linh mục và cựu chủng sinh của Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt, một số kỹ sư điện tử lo phần kỹ thuật, vài nữ tu lo quản lý Thư Viện và một số ân nhân đóng góp công sức, vật chất, sách vở, máy móc cho công trình xây dựng Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam.

3. Mục đích

Chúng con mong muốn xây dựng một thư viện điện tử Công giáo đúng nghĩa bằng cách thu thập các sách báo liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam, hoặc được viết bằng Việt ngữ hay chuyển dịch sang Việt ngữ, rồi chuyển đổi thành dạng tin học, với mục đích là để cho mọi người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, đều có thể tìm đọc, sử dụng các sách của tiền nhân đã viết trong quá khứ, cũng như để lưu trữ cho các thế hệ mai sau.

4. Những công việc đã và đang thực hiện

Sau lễ ra mắt, ngày 1/5/2015, bằng cuộc họp mặt tại Giáo xứ Hoà Hưng, Q.10, TP.HCM, chúng con đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Thư Viện và đã hoàn thành những công trình sau đây:

4.1. Lập Văn phòng thường trực của Thư Viện tại Giáo xứ Hoà Hưng, có nữ tu Têrêsa Phạm Thị Thuỳ Trinh, dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, làm quản thủ thư viện thường trực; cha Giuse Phạm Bá Lãm, Chánh xứ Hoà Hưng, là Phó Chủ nhiệm thường trực.

4.2. Mua sắm các thiết bị cần thiết cho công việc: 1 máy scanner Fujitsu SV 600, 2 laptop HP Pro, 1 máy server do Gia đình Vui sống Đức tin tặng để lưu trữ dữ liệu trong thời gian thử nghiệm. Chúng con cũng thuê 1 Server mạnh ở Hoa Kỳ để lưu trữ dữ liệu cho an toàn, do anh Gioan Baotixita Lê Hải Nam và anh Giuse Nguyễn Đức Khang phụ trách và tài trợ, 1 máy photocopy và nhiều dụng cụ văn phòng, 1 máy vi tính chuyên dụng Mac Pro do các ân nhân ở Mỹ (chị Trần Thị Sử và các bạn) gửi tặng. Tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng.

4.3. Thiết lập quy trình kỹ thuật cho việc hình thành Thư Viện:

Muốn chuyển đổi một cuốn sách in trên giấy thành sách điện tử để lưu trữ trong Thư Viện, chúng con phải thực hiện các bước trong quy trình sau đây:

– Bước 1: Tiếp nhận các sách báo in từ các nơi gửi về hay các tập tin (files) chứa dữ liệu của nội dung sách báo,

– Bước 2: Chọn lọc và phân loại sách in vào các hạng mục trong Thư Viện theo hệ thống Dewey, đánh mã số từng tác phẩm để sắp xếp trong Thư Viện.

– Bước 3: Chuyển đổi nội dung sách báo qua việc scan thành trang sách điện tử dưới dạng tập tin hình ảnh (files pdf),

– Bước 4: Chuyển đổi trang sách dạng tập tin hình ảnh qua máy scanner có hệ thống ICR (Intelligent Character Recognition: Chương trình Nhận dạng Ký tự Thông minh) thành các tập tin dạng văn bản (files word),

– Bước 5: Dò lại nội dung sách dạng văn bản so với nguyên bản để sửa những sai sót,

– Bước 6: Dàn lại cuốn sách như sách mẫu sau khi đã có phần văn bản chính xác,

– Bước 7: Viết lời giới thiệu mỗi cuốn sách,

– Bước 8: Lưu trữ các dữ liệu vào kho sách của Thư Viện,

– Bước 9: Giới thiệu sách đã xử lý trên trang web của Thư Viện cho độc giả tìm đọc và sử dụng,

– Bước 10: Quản lý hoạt động của Thư Viện trên trang web.

Trong quy trình, các bước 3, 4, 5, 6 là những khâu tốn nhiều thời giờ, tiền bạc và công sức nhất. Thí dụ: cuốn Công đồng Chung Vaticanô II có 1060 trang sách, ta phải scan sách đó thành 1060 trang file hình. Công việc tốn chừng 2,3 ngày cho bước 3. Chuyển đổi toàn bộ số trang đó sang dạng Word sẽ tốn 2, 3 ngày nữa. Bước 5 dò lại trang word so với nguyên bản tốn hàng tuần vì cần thuê người đọc lại từng chữ, từng câu do chữ Việt có nhiều dấu chữ (a, ă, â, e, ê, o, ô, ơ, u, ư) và dấu giọng: (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) nên hệ thống scanner với chương trình nhận dạng chữ thông minh (ICR) vẫn còn nhiều sai sót. Nếu 1 người đọc sửa lỗi mỗi ngày được 100 trang, cuốn sách này sẽ mất 10 ngày đọc. Tiền công trả thù lao cho người đọc khoảng 2 triệu đồng và 1 triệu đồng tiền máy móc thiết bị. Bước 6 cũng đòi hỏi nhiều công sức để dàn trang lại toàn bộ cuốn sách. Như thế thực hiện việc chuyển đổi cuốn sách này thành sách điện tử mất khoảng 2 tuần lễ. 

Chúng con đã đến học hỏi phương pháp xây dựng thư viện điện tử ở ebook Tuổi Trẻ, một đơn vị tiên tiến nhất về sách điện tử hiện nay ở Việt Nam với số nhân viên vài chục người và có số vốn vài chục tỷ đồng. Đơn vị này cũng đang theo quy trình trên đây.

4.4. Tiếp nhận các sách chuyển giao cho Thư viện CGVN

Từ năm 2015 chúng con bắt đầu tiếp nhận sách do các tổ chức và cá nhân gửi đến để chuyển vào Thư Viện. Số sách gửi đến khá nhiều nhưng thuộc dạng tập tin hình ảnh. Chúng con cần nhiều công sức và tiền bạc để chuyển đổi thành tập tin văn bản để lưu trữ trong Thư Viện theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Có theo đúng quy trình trên đây thì độc giả mới có thể sử dụng nội dung cuốn sách để lấy ra những trích đoạn mình thích và việc lưu trữ trong kho mới chiếm ít chỗ và thư viện mới có thể có nhiều sách.

– Ngày 22/6/2015, Cha Nguyễn Ngọc Sơn đã ký biên bản tiếp nhận quyền sử dụng kho sách Hán Nôm tại lầu 2, Nhà Truyền Thống, 6 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM. Kho này có khoảng 160 sách Hán Nôm và nhiều tài liệu cổ để đưa vào Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam. Chúng con đã cộng tác với Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết, Thầy Micae Nguyễn Hạnh, cô Quỳnh Trâm, Lm. Quốc Anh, Sj. và nhiều chuyên viên Hán Nôm cho chương trình khai thác kho sách này.

– Ngày 22/6/2015, Thi sĩ Lê Đình Bảng bàn giao 40 tác phẩm thi ca của mình cho Thư Viện toàn quyền sử dụng.

– Thầy Micae Nguyễn Hạnh cũng đã gửi 600 files sách cho Thư Viện.

– Một số cá nhân và tập thể gửi sách cho chúng con.

4.5. Xây dựng trang web cho Thư Viện

Trong năm 2016, anh Giuse Trần Quý Hiệp và các kỹ sư điện tử đã dành nhiều công sức lập một website mang tên Thư viện Công giáo Việt Nam để giới thiệu các sách báo, tài liệu lưu trữ cho người đọc có thể vào xem hay tải về sử dụng. Trang này có tên miền là: thuvienconggiaovietnam.net với địa chỉ liên lạc là thuviencgvn@ gmail.com. Sau thời gian chạy thử nhiều tháng, trang web này hiện nay đã ổn định, độc giả bắt đầu sử dụng các sách trong Thư Viện, đăng ký làm thành viên chính thức và khai thác các ứng dụng của Thư Viện.

3.6. Thư Viện chính thức hoạt động

Từ đầu năm 2017, Thư Viện chính thức được đưa vào sử dụng với những hoạt động như chúng con đã trình bày trong quy trình kỹ thuật trên đây. Trước hết, chúng con mới chọn lọc được một số sách cần thiết để đưa vào Thư Viện. Số sách đã hoàn thành hiện nay mới khoảng 80 cuốn.

Chúng con hy vọng từ nay số sách trong thư viện sẽ nhiều hơn, vì các nhân viên sẽ làm nhanh hơn khi đã quen với quy trình kỹ thuật, tiền bạc cũng dồi dào hơn nhờ Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh giúp cho 200 triệu đồng. Với số tiền này chúng con có thể trả thù lao cho một vài người giúp chúng con chạy máy scanner và các người đọc sửa lỗi chính tả trong các công đoạn.

5. Niềm hy vọng

5.1. Nhận thấy lĩnh vực thư viện điện tử Công giáo còn ít người quan tâm nên nhóm chúng con đã cùng nhau thực hiện những bước xây dựng ban đầu. Nay được tin rằng Thư viện Văn hoá Công giáo , gồm cả sách in và sách điện tử, do Uỷ ban Văn hoá trực thuộc HĐGNVN đứng ra xây dựng, chúng con rất vui mừng và hy vọng sẽ được góp phần nhỏ bé của nhóm chúng con vào công trình đồ sộ của Ủy Ban. Nếu các vị trong Ủy Ban thấy công việc chúng con  đang làm có ích cho công việc chung, chúng con xin tự nguyện chuyển  giao lại toàn bộ công trình của chúng con đã làm trong thời gian qua để Uỷ ban Văn hoá toàn quyền sử dụng và điều hành, vì ngay từ buổi đầu chúng con đã xác định công trình chúng con làm là cho Giáo hội Việt Nam và vì Giáo Hội Việt Nam.

5.2. Trong thời gian chờ đợi quyết định của Đức cha Chủ tịch và quý vị trong UBVH/HĐGMVN,  chúng con rất mong tiếp tục nhận được sự cộng tác và đóng góp cho Thư Viện của tất cả mọi người đang thiết tha với kho tàng văn hoá Công giáo Việt Nam, của cá nhân như các tác giả, các giảng viên Đại học, giáo sư Đại chủng viện hay tập thể (các Nhà Xuất Bản, các dòng tu), các tổ chức như Thư viện, các cộng đồng trong và ngoài nước. Việc đóng góp này của mọi người sẽ là những viên gạch xây dựng Thư Viện chung của Giáo Hội Việt Nam.  

Quý vị có thể gửi cho chúng con những tập tin (files) của sách báo, hình ảnh, tài liệu có sẵn hoặc có thể gửi trực tiếp sách báo đó cho chúng tôi để chúng con chuyển thành các tập tin dữ liệu thích hợp đưa vào Thư Viện. Các tập tin này sẽ được lưu trữ trong kho dữ liệu chung và được giới thiệu trên trang web để dễ dàng cho việc truy cập. Việc truy cập này hoàn toàn miễn phí vì Chúa là nguồn của sự khôn ngoan và Ngài cho không chúng ta tất cả những ơn lành nên chúng con ước mong các tác giả, các tổ chức cũng quảng đại chia sẻ cho độc giả trong tinh thần đó.

Chúng con cũng rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý vị về việc xây dựng, tổ chức, quản lý, sử dụng dữ liệu của Thư Viện. Mọi liên hệ, đóng góp xin gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TP.HCM, Đt: 084 28 3865.0820, Việt Nam.

Lời cầu chúc

Chúng con xin hết lòng cảm ơn Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá, Quý Đức Hồng y, Quý Đức cha, Quý linh mục, tu sĩ, anh chị em tín hữu và tất cả những người đã góp công sức, tiền của cho việc xây dựng Thư viện Công giáo Việt Nam trong thời gian qua. Xin Chúa nhân lành trả công bội hậu cho tất cả Quý vị.

Nhân dịp Mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp đến, chúng con chân thành cầu chúc mọi người luôn an mạnh, hạnh phúc, dồi dào ơn Chúa Hài Đồng.

Kính thư,

+ Gm. Micae Hoàng Đức Oanh                       Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Trưởng Nhóm Xây dựng TVCGVN                               Chủ Nhiệm TVCGVN