11/01/2025

Bài 8. Lớp Hội nhập Văn hoá: Đối thoại với các tín đồ các tôn giáo khác về tình trạng sống của con người sau khi chết

“Đối thoại liên tôn và thảo luận với các tôn giáo lớn của phương Đông là một cơ hội để các cộng đồng Kitô chúng ta đào sâu sự hiểu biết về đức tin của mình, cải thiện các công cụ đối thoại và hợp tác vào việc phát triển hoà bình trong xã hội” (x. TLLV, số 73).

 Bài 8

ĐỐI THOẠI VỚI TÍN ĐỒ CÁC TÔN GIÁO KHÁC VỀ TÌNH TRẠNG SỐNG CỦA CON NGƯỜI SAU KHI CHẾT

Lời mở

Trong công cuộc TPAH ở VN, chúng ta không thể không quan tâm đến các đối tượng, là các anh chị em tín hữu thuộc các tôn giáo khác, đang nói gì về đạo của họ và về đạo của ta đối với một số vấn đề quan trọng như thiên đường địa ngục, luân hồi tiền kiếp, thờ cúng tổ tiên… Rất nhiều khi họ tưởng lầm về đạo ta hay ta tưởng lầm về đạo họ, dẫn đến thái độ lãnh đạm với nhau, không hợp tác hoặc có khi tranh chấp, xung đột và có thể gây nên cả chiến tranh tôn giáo như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Vì thế Giáo hội Công giáo, qua Thượng Hội đồng Giám mục năm 2012, đã khuyến khích các tín đồ gặp gỡ, đối thoại với nhau vì “các cuộc gặp gỡ đối thoại này là cơ hội đầy triển vọng để nhận thức rõ hơn sự phức tạp của ngôn từ và các hình thức của yếu tố tôn giáo trong nhân loại như được thấy trong kinh nghiệm của các tôn giáo khác. Chúng cũng cho phép người Công giáo hiểu rõ hơn những cách thức mà đức tin Kitô giáo sử dụng để diễn tả bản chất tôn giáo của tâm hồn con người và làm giàu cho di sản tôn giáo loài người bằng tính cách độc đáo của đức tin Kitô giáo” (x. Tài liệu Làm Việc (TLLV),  số 67).

“Đối thoại liên tôn và thảo luận với các tôn giáo lớn của phương Đông là một cơ hội để các cộng đồng Kitô chúng ta đào sâu sự hiểu biết về đức tin của mình, cải thiện các công cụ đối thoại và hợp tác vào việc phát triển hoà bình trong xã hội” (x. TLLV, số 73).

“Cuộc đối thoại liên tôn sẽ giúp con người tìm ra chân lý và thật sự tự do để đón nhận chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người” (x. TLLV, số 127).

Chính trong tinh thần đối thoại liên tôn của Thượng Hội đồng Giám mục, chúng ta tìm hiểu một vài vấn đề liên quan đến sự sống con người sau khi chết như thiên đường hay địa ngục, tái sinh theo luân hồi hay phục sinh theo Chúa Giêsu Kitô…

1. Những vấn nạn về tình trạng sống của con người sau khi chết

1.1. Những hiểu biết cần bổ túc và sửa đổi

Các tôn giáo, dù lớn hay nhỏ, đều cố gắng giải đáp những thắc mắc của con người về tình trạng sống của họ sau khi chết, ngoại trừ những người không có tôn giáo nào và cho rằng chết là hết. Những thắc mắc đó có thể gây nên những ưu tư, lo lắng cho con người, nhưng chúng cũng là những động lực giúp con người sống tốt lành, chính trực, công minh ở cuộc đời trần thế để tạo phúc cho mình cũng như cho con cái ở đời sau. Người ta thường thắc mắc là khi chết mình sẽ đi đâu, đến sống ở chốn nào? Nơi ấy có hạnh phúc hay đau khổ, hạnh phúc ấy như thế nào và đau khổ đó là gì? Mình sống mãi mãi trong tình trạng như thế hay chỉ tạm thời để có thể biến đổi sang một tình trạng sống khác? Tự mình đạt được hạnh phúc hay phải nhờ người nào khác, tự mình chịu đau khổ hay do ai khác có thể cứu thoát được mình?…

Các tôn giáo thường giải đáp những thắc mắc trên rằng con người sau cái chết, sẽ được phán xét về mọi hành động trong cuộc đời trần thế và được thưởng phạt công minh. Sau đó họ được phục sinh để sống mãi mãi ở thiên đường sau khi được thanh luyện hay chịu đau khổ ở trong hoả ngục theo như Kitô giáo, Hồi giáo. Hoặc họ đi vào âm phủ để đền tội rồi được tái sinh qua các con đường khác nhau để thành quỷ dữ, súc sinh, con người, thần tiên và sau khi đã trải qua muôn vàn kiếp theo vòng luân hồi và luật nhân quả, họ đạt đến tình trạng cuối cùng là vào Niết Bàn (Nirvana) như Bà La Môn giáo, Phật giáo và  nhiều tôn giáo khác.

Do sự pha trộn về ý niệm và hình ảnh giữa các tôn giáo với nhau nên chúng ta không lạ lùng khi có nhiều tín hữu các tôn giáo vẫn hiểu thiên đường, luyện ngục, hoả ngục, địa ngục, niết bàn là các nơi chốn cụ thể vì đây là những ý niệm đã ăn sâu trong đầu óc con người từ nhiều thế kỷ. Các từ điển như Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Công giáo của J.A. Hardon, sj.; Từ điển Tôn giáo của Mai Thanh Hải (NXB Phương Đông) và nhiều từ điển của các tôn giáo khác cũng đang diễn tả như vậy.

Khi hiểu thiên đường là nơi cực lạc, có những người hoàn mỹ, nhà cửa xa hoa lộng lẫy, không còn những đau đớn thể xác hay mệt mỏi tinh thần hoặc hoả ngục là nơi chứa đầy lửa để giam phạt linh hồn những người có tội hay địa ngục là nơi đày đoạ linh hồn những người có tội dưới âm phủ thì nhiều người không có thiện cảm với tôn giáo cho rằng đó là những điều bịa đặt do trí óc con người tưởng tượng ra. Nhà thơ Tố Hữu đã mỉa mai rằng:

“…Ai nghĩ thiên đường sao lấp lánh,
Tài hoa tinh kết ngọc long lanh,
Tôi chỉ thấy nơi đây mồ lạnh,
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh…

Giáo lý Phật giáo dạy địa ngục (Naraka, Niraya) là cõi dưới đất. Địa ngục có ba loại căn bản, không phải chỉ có lửa như Bát Nhiệt Địa Ngục mà còn có cả băng tuyết như Bát Hàn Địa Ngục với đủ mọi hình khổ như bị gươm đao đâm chém, cối xay nghiền giã, gậy gộc đánh đập, cắn xé lẫn nhau, lửa thiêu đốt cháy, băng giá nứt da vỡ thịt. Loại Cận Biên Địa Ngục có 16 hay 18 tầng gọi là Thập Lục hay Thập Bát Du Tăng Địa Ngục với sông lửa hay giáo mác chặt chém liên tục, đau đớn tột cùng như chết đi sống lại không ngừng. Niết Bàn từ chữ Nirvana (tiếng Sanscrit) hay Nibbàna (tiếng Pali) là cõi diệt hay cõi viên tịch, là “trạng thái tịnh, tịch diệt, mục đích giải thoát cuối cùng của đạo Phật” (x.Thích Minh Châu – Minh Tri, Từ điển Phật học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991, mục từ Niết Bàn). Niết Bàn cũng có nhiều chủng loại khác nhau giống như những tầng trời khác nhau với những loại hạnh phúc đặc biệt. Phật giáo chia thành Nhị Chủng Niết Bàn, Tứ Chủng Niết Bàn, Ngũ Chủng Niết Bàn, Tiểu Thừa Niết Bàn, Đại Thừa Niết Bàn (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ điển Phật học Hán Việt, Phân Viện Nghiên cứu Phật học xuất bản, Hà Nội 1992, mục từ Địa Ngục, Niết Bàn).

Các tín hữu Công giáo chúng ta đã nhiều lần suy niệm về thiên đường, hoả ngục và ơn cứu độ cũng như nhắc đến thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là tình trạng sống của con người sau khi chết chứ không phải là những nơi chốn cố định, có không gian rõ rệt. Đó là giáo huấn trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo ở số 1023-1029 về thiên đường, số 1030-1032 về luyện ngục, số 1033-1037 về hoả ngục. Dù cuốn sách giáo lý này đã xuất bản được 20 năm rồi nhưng nhiều người vẫn giữ mãi những định kiến trên do những bài kinh, bài văn đọc thường ngày. Điều này dẫn đến những hệ luỵ và vấn nạn khó giải cho đời sống đức tin của chúng ta cũng như cho công cuộc Phúc Âm hoá.

1.2. Những vấn nạn cần giải đáp

Những mô tả của các tôn giáo như thế dẫn đến nhiều hệ luỵ. Chẳng hạn: nếu Thiên Chúa sai quỷ dữ hành hạ con người, thiêu đốt con người trong hoả ngục, hoặc ép con người phải chịu đau đớn trong luyện ngục như thế, vậy lòng thương xót của Thiên Chúa ở đâu? Không lẽ Ngài đối xử tàn tệ với con cái mình như vậy? Nếu Thiên Chúa là tình yêu và đầy lòng nhân từ, tại sao Ngài lại chấp tội mà không tha thứ cho con người, trong khi những người cha người mẹ nhân loại có thể tha thứ cho con cái lầm lỗi của họ. Không lẽ Thiên Chúa lại thua kém con người về tình yêu và lòng thương xót?

Hơn nữa, làm sao giải thích được việc các nhà ngoại cảm đã gặp thấy, nói chuyện với các hồn ma trong các ngôi mộ vô danh, và giúp cho họ tìm lại được người thân. Nhiều tín hữu còn cho rằng những chuyện gặp gỡ người đã khuất, chuyện lên đồng, gọi hồn, những lễ cầu siêu động thổ… là những chuyện mê tín, dị đoan vì khi chết linh hồn phải vào những nơi chốn nhất định như thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục chứ không có việc đi vất vưởng, lang thang.

Tuy nhiên, trong Thánh Kinh, chúng ta thấy có chuyện vua Sao Lê đã nhờ bà đồng bóng ở Enđo gọi hồn Samuel (x.1Sm 28,3-25). Rồi, trong dụ ngôn của bài Tin Mừng (x. Lc 16,19-31), hồn ông nhà giàu đã xin tổ phụ Abraham sai Ladarô đến nhà cha mình để cảnh báo cho 5 người anh em khác và nhắc đến chuyện người chết hiện về thì người sống mới tin.

Trong một ít giáo xứ Công giáo hiện nay, có vài người tự xưng là nhà ngoại cảm, đến nói với những gia đình làm ăn thất bại, con cái bệnh tật rằng dưới nền nhà họ có xác người chết cần phải đào lên, nếu thấy đất đen đen thì hốt đất đó đem chôn táng lại ở nghĩa trang, nếu thấy có miếng xương nào thì mua cái tiểu bỏ vào. Họ sẽ giúp mua đất ở nghĩa trang hay xin đặt hài cốt trong nhà thờ, mỗi trường hợp như vậy là 4,5 triệu! Vậy mà có nhiều người đã tin mà đào nhà lên! Chúng ta thử hỏi mảnh đất nào trong cả nước Việt Nam này và trên khắp thế giới lại không có người chết trong suốt dòng lịch sử bao nhiêu thế kỷ, không lẽ người ta đào cả đất nước lên! Giải đáp sự việc này thế nào?

Còn nhiều vấn nạn khác nữa liên quan đến tình trạng sống của người chết như họ sống ra sao, có cần phải đốt tiền, vàng mã hay làm bữa ăn cúng giỗ cho họ không? Cần phải làm lễ động thổ để công bố và xin lỗi người chết trước khi xây dựng không? Làm sao giải thích những chuyện ma ám, quỷ nhập, linh hồn hiện về…Có phải tất cả đều là hoang đường, huyền thoại không?

1.3. Thuyết luân hồi và hiện tượng tái sinh

Trong kho tàng văn học VN, một số truyện cổ tích kể lại những cuộc tái sinh thấm đậm giáo thuyết luân hồi của Phật giáo. Điều đó nói lên lý thuyết này đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, đóng góp vào bản sắc văn hoá của người Việt vì người Việt luôn tin rằng “Trời cao có mắt”, “Lưới trời lồng lộng”, “Thiên bất dung gian”… Đó là các câu truyện như “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt”, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, Thủ Huồn với câu ca dao Nam Bộ:

            Nhà Bè nước chảy chia hai

            Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.

“Với những nguyên lý vận hành của ý thức được giảng giải rõ ràng và với định luật nhân quả rất hợp lý, đạo Phật cho ta một lập luận chặt chẽ về việc tại sao ta sinh ra ở đây, hoàn cảnh sống hiện tại như thế nào và chuyện gì sẽ xảy ra trong giờ phút lâm chung” (x. Vicki Mackenzie, Tái sinh ở Phương Tây, NXB Phương Đông, 2010, trang bìa). Rồi những câu hỏi khác như: “Tôi là ai? Tại sao tôi hiện hữu trên cõi đời này? Tôi từ đâu tới? Tôi sẽ đi về đâu?”… được giải đáp cụ thể, rành mạch, hợp lý, dễ hiểu nhờ lý thuyết về việc tái sinh từ nhiều kiếp luân hồi.

Các vị thiền sư Phật giáo dạy rằng: “Chúng ta không chỉ sống một đời này mà đã sống nhiều đời, nhiều kiếp, đến nỗi ta không thể truy tìm kiếp sống bắt đầu từ đâu và sẽ chấm dứt ở thời điểm nào? Con người cứ trôi lăn theo bánh xe luân hồi, hết sinh rồi tử, hết tử rồi sinh, theo nghiệp lực của mình. Nghiệp hay nhân quả là một định luật bất di bất dịch, chi phối kiếp sống của một đời người. Gieo nhân gì thì gặt quả ấy. Chúng ta sống từ đời này qua đời khác, mỗi một đời ta học hỏi những bài học về tâm linh, trả những nghiệp lành, nghiệp dữ đã tạo ra ở những đời trước và đồng thời cũng tạo nên những nghiệp mới sẽ ảnh hưởng đến đời sau của mình” (x. Sđd, tr.10).

Phật giáo dạy rằng không phải cha mẹ, hoàn cảnh hay chính thể xã hội, trình độ học vấn đã tạo ra con người và hoàn cảnh sống của con người trong đời hiện tại, mà chính con người đã tạo ra hoàn cảnh sống của mình ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính mình làm chủ và chịu trách nhiệm về đời sống của mình. Những kết luận của khoa học giải thích rằng những yếu tố di truyền, mầm mống bệnh tật ở trong ta là do thừa hưởng gien của cha mẹ, hoàn cảnh, môi sinh, còn Phật giáo khẳng định rằng tất cả đều do luật nhân quả chi phối, đều do nghiệp (karma) (x. Sđd, tr.13).

Nếu muốn kết thúc một hành trình vô tận trong vòng luân hồi, mỗi người cần phải cố gắng tu tập để thoát khỏi bánh xe luân hồi và đi đến nơi an lạc, thanh bình vĩnh cửu bằng con đường bát chánh đạo vì trong mỗi con người đều có Phật tính để trở thành Phật. Muốn đến được nơi ấy, ta chỉ cần thoát khỏi vòng kiềm toả của nghiệp lực. Mà muốn được tự do tự tại, không bị nghiệp lực chi phối, thì chỉ cần buông hết vọng tưởng như những đám mây che phủ cái chân tâm của ta (x. Sđd, tr.14).

Nhiều vị thiền sư đắc đạo trong Phật giáo Tây Tạng, khi sắp chết, thay vì thụ động nằm yên chờ đợi thần chết lôi đi như phần đông chúng ta, vị này bình tĩnh ngồi ngay ngắn, duy trì sự tịnh giác trọn vẹn và theo dõi thần thức của mình qua các giai đoạn của tiến trình rời khỏi thân xác ngũ uẩn, để có thể hội nhập với ánh quang thiêng liêng, thoát khỏi vòng sinh tử, được giải thoát về Niết Bàn (x. Sđd, tr.16).

Để chứng minh những cuộc tái sinh của các vị cao tăng Tây Tạng vào một số các người ở phương Tây, tác giả Vicki Mackenzie đã tìm hiểu, chứng minh qua rất nhiều kiểm nghiệm, gặp gỡ để nghe họ kể về tiền kiếp của mình như Tenzin Sherab, người Canada, có tiền thân là Geshe Jatse, một vị thiền sư đắc đạo ở Tây Tạng (x. Sđd, tr.23-69). Bà kể về các cuộc kiểm nghiệm bằng cách yêu cầu người ở kiếp sau nhận biết những đồ gia dụng của người kiếp trước được để lẫn với những đồ vật cùng loại của nhiều người khác nhau. Tác giả cũng đã kể về bác sĩ điều trị tâm lý Roger Woolger, người Anh, theo trường phái phân tâm học của Carl Jung đã chữa trị tâm lý cho các bệnh nhân để giải trừ những lo âu, sợ hãi vô cớ, những thất bại đau thương trong cuộc sống hiện tại bằng cách đưa người bệnh trở về kiếp trước chứ không phải chỉ khôi phục ký ức về tuổi thơ (x. Sđd, tr.71-95).

Chúng ta có thể đọc thêm nhiều sách nói về tiền kiếp, luân hồi với những lập luận, minh chứng tương tự như:

– Janathan Cott, 3 ngàn năm một kiếp luân hồi, NXB Tôn Giáo, 2002.
–  Brian L.Weiss, Tiền kiếp và luân hồi có thật không?, NXB Tôn Giáo, 2006.
– Trần Ngọc Lân, Những chuyện về thế giới tâm linh, NXB Văn hoá Thông tin, 2009.
–  Nguyễn Hữu Kiệt, Những bí ẩn trong cuộc đời, Tủ sách Huyền Môn, 1968.
–  Brian L.Weiss, Thông điệp của các chân sư, 2000, Nguyễn Xuân Đức và Kiến Văn dịch, NXB Tôn Giáo, 2007.
–  Lê Mai Dung, Bí ẩn của các nhà ngoại cảm Việt Nam, NXB Thông Tin, 2007.
– Nikolai Nadejdin, Vanga một cuộc đời kỳ lạ, NXB Thông Tấn, 2012.

Nhận định về thuyết luân hồi

Đây là một thuyết chủ yếu của đạo Bà La Môn, được đạo Phật sử dụng và phát triển và đang được một số người Tây Phương tìm hiểu. Thuyết luân hồi nối kết với định luật nhân quả là lời giải thích hợp lý và dễ hiểu cho những thành bại, sướng khổ, vui buồn của con người. Một người dù cố gắng sống đạo đức nhưng vẫn gặp những rủi ro thất bại được giải thích rằng đó là vì kiếp trước họ đã sống không tốt đẹp. Hoặc ngược lại những người sống gian ác có những hành động xấu xa ở kiếp này sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề ở kiếp sau. Điều này giữ cho nền đạo đức xã hội được bảo toàn. Thuyết này nêu cao sự công bình và thúc đẩy việc tu thân tích đức trong đời sống hằng ngày. Sự giải thoát khỏi vòng luân hồi để đi vào cõi Diệt chỉ được thực hiện khi người ta tự mình tu luyện trải qua nhiều kiếp khác nhau để đi từ con người tạm thời, hữu hạn, tương đối, tầm thường, tội luỵ trở thành con người vĩnh hằng, vô hạn tuyệt đối, phi thường thánh thiện giống như ơn cứu độ của Thiên Chúa giáo.

1.4. Ơn cứu độ là gì, được thực hiện như thế nào theo các tôn giáo?

Các tín hữu, khi nói đến ơn cứu độ, thường nghĩ ngay đến việc Đấng Thần Linh hay Chúa Trời cứu mình khỏi một cơn hoạn nạn, bệnh tật, nghèo khổ, khó khăn nào đó.

Theo Phật giáo, tất cả chúng sinh cứ luân chuyển mãi trong vòng sinh tử ở sáu đường, gọi là lục đạo: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, Atula, nhân gian, thiên giới như bánh xe quay mãi không ngừng. Sở dĩ có vòng luân hồi là do nghiệp. Muốn thoát khỏi vòng luân hồi phải dứt được nghiệp, thoát khỏi dục giới và sự cám dỗ của nó bằng con đường bát chính đạo. Như thế, mỗi người sẽ tự tu thân, tích đức, trải qua nhiều kiếp khác nhau theo vòng luân hồi và theo định luật nhân quả rồi mới thoát ra để vào được cảnh giới an lạc tuyệt đối, vĩnh viễn, gọi là Niết Bàn, sống sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, tốt đẹp giống như Đức Phật.

Đối với anh em Hồi giáo, ơn cứu độ gần gũi với thực tế đời sống hơn. Nếu dưới trần này được quyền lấy 4 vợ, thì trên thiên đường, các tiên nữ rất đẹp và những chàng trai khoẻ mạnh có thể đáp ứng và thoả mãn mọi yêu cầu của con người. Trên thiên đường có những dòng sông chảy sữa và mật giúp con người chẳng cần lao động mà vẫn sống đầy đủ và sung sức.

Theo Công giáo, mỗi người chỉ sống một đời ở trần thế để được hưởng ơn cứu độ. Ơn này dành cho hết mọi người và thể hiện cho con người toàn diện: cả về thể xác lẫn linh hồn, cả lịch sử lẫn siêu việt. Khi nói đến ơn cứu độ, người Công giáo nghĩ đến việc Chúa giải thoát, chữa lành bản tính hư hỏng của loài người để đưa họ vào đời sống mới của ân sủng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. “Ơn cứu độ Công giáo là được chia sẻ sự sống kỳ diệu của chính Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, được hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống siêu việt của Chúa Cha và được hưởng niềm vui với biết bao nhiêu ân phúc của Thánh Thần” (x. HTXHCG, số 38).

Con người yếu đuối, tầm thường, tội lỗi không thể tự cứu độ mình. Là con người bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian, ta không thể tự làm cho mình trở thành vô hạn, tuyệt đối, siêu việt như Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần phải nhờ Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa cụ thể – để cứu thoát ta. Khi chúng ta tin vào Người, Người sẽ chuyển thông cho chúng ta thần tính của Thiên Chúa vì Người đã giao hoà chúng ta với Chúa, đã đền tội thay cho ta.

Giống như Phaolô đã cảm nghiệm ơn cứu độ này (x. 1Tm 1,12-17): khi ta gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, ta sẽ cảm nghiệm được sự sống của Thiên Chúa ngay trong cuộc đời trần thế, được hưởng những ơn lành của Chúa như được đưa lên tầng trời thứ ba, được ban những ân sủng của Thánh Thần để chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại như ngài. Dù thể xác con người mỗi ngày có thể xấu hơn, già hơn, yếu hơn, đến giờ phút nào đó Chúa định, nó sẽ biến đổi khi ta vượt qua ngưỡng cửa của cái chết để chia sẻ trọn vẹn sự sống thần linh hay ơn cứu độ của Chúa dành sẵn cho ta. Đó là tình trạng thiên đường của con người.

1.5. Vậy muốn cảm nghiệm được ơn cứu độ ấy, con người phải làm gì?

Ơn cứu độ này mời gọi chúng ta phải “tự nguyện hưởng ứng và chấp nhận” vì Chúa tôn trọng tự do của chúng ta, giống như người cha tôn trọng tự do của đứa con phung phá (x. Lc 15,11-32), Ngài mời gọi chúng ta tự nguyện xa lánh tội lỗi, sống theo lời dạy của Chúa Giêsu, dâng hiến chính bản thân và đời sống của mình cho Chúa, mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa bằng cách yêu thương anh chị em mình một cách cụ thể vì ai yêu thương anh chị em mình là yêu Chúa. Khi chúng ta chia sẻ cho họ những ân phúc mà Chúa ban cho chúng ta thì Chúa cũng rộng rãi để chia sẻ sự sống kỳ diệu của Ngài cho ta (x. HTXHCG, số 39).

2. Giải đáp những vấn nạn nhờ khả năng mở ra đến siêu việt của con người

Những vấn nạn về tình trạng sống của con người sau khi chết có thể giải đáp nếu chúng ta hiểu được con người là ai và khả năng mở ra đến siêu việt, vô biên của con người.

2.1. Con người là ai?

Dù sống trong thời khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng hình như rất nhiều người không hiểu được con người mình. Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam với 4 cuốn dày trên 4.000 trang khổ lớn (19x27cm) cũng không có hoặc không dám định nghĩa con người! Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: “Con người là động vật tiến hoá nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và sử dụng tốt công cụ trong quá trình lao động xã hội”. Đây là định nghĩa mà nhiều sinh viên và học sinh trong các trường luôn nhớ khi học về các giai đoạn tiến hoá của vật chất theo nhà bác học Darwin (1809-1882). Một số nhà triết học cũng định nghĩa: “Con người là con vật có lý trí” (Homo est animal rationabile).

Nếu chỉ hiểu được con người hoàn toàn là vật chất tiến hoá lên hay là sinh vật có thể xác và tinh thần, bị giới hạn trong không gian và thời gian, sống trong một giai đoạn nào đó rồi chết đi như con chó, con mèo thì người ta không thể nào hiểu đúng về con người với giá trị cao cả và tài năng vô biên cũng như chẳng bao giờ giải đáp được các vấn nạn trên. Hơn nữa, người ta còn thấy sống như thế thì thật là phi lý vì cố gắng học hành, làm việc đến đâu rồi cũng chết mà chẳng mang theo được gì. Giống như ông nhà giàu trong dụ ngôn Tin Mừng khi sống chỉ biết có tiền, danh vọng, dục vọng; khi chết thân xác tiêu tan hết thì dục vọng không còn, tiền của cũng không đem theo được. Tưởng chết là hết nhưng ông lại đối mặt với chính sự sống vĩnh hằng hoàn toàn hư vô, trống rỗng của mình. Đó là hoả ngục cho ông!

Kitô giáo giải thích cho chúng ta “con người là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của chính Ngài” (x. St 1,27). Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định hình và phân biệt con người với muôn loài thụ tạo khác. Yếu tố này giúp cho con người mở ra với Thiên Chúa, với muôn loài để hiệp thông trong tình yêu (x. HTXHCG, số 108). “Vì thế, trong số các thụ tạo hữu hình của thế giới, chỉ có con người mới có khả năng tìm Chúa. Con người là một ngôi vị do Chúa tạo dựng để liên hệ với Người; chỉ trong mối liên hệ này, con người mới tìm được sự sống, mới thể hiện được chính mình và hướng về Thiên Chúa một cách tự nhiên” (x. HTXHCG, số 109).

Vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt, vô biên, vô hạn, tuyệt đối nên con người, vì là hình ảnh Ngài, cũng có khả năng mở ra đến siêu việt, vô biên. Đó là khả năng tuyệt vời của con người. “Con người mở ra với Đấng vô biên là Thiên Chúa cũng như với mọi thụ tạo… Con người mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu”. Vì thế, con người có khả năng tiếp xúc với Thiên Chúa, các thiên thần, các thánh nhân, những con người khác, vật khác và với cả quỷ dữ, tà ma (x. HTXHCG, số 130).

Hơn nữa, Đức Giêsu Kitô là con người hoàn hảo, là Thiên Chúa làm người, Người đã chết và sống lại để giải đáp cho chúng ta những vấn nạn đó. Khi chúng ta tin vào Người, chúng ta mới hiểu được con người thật sự là ai và có khả năng vô biên như thế nào vì chúng ta không còn chỉ là thụ tạo nhưng được thông phần vào chính bản tính Thiên Chúa (x. CĐ Vat. II, Gaudium est Spes, số 22,38,41,45).

Đây là những điểm giáo huấn mới mẻ nhưng nhiều tín hữu chưa biết vì chỉ mới được công bố vào năm 2004 qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, nhưng chính nhờ đó ta giải được một số vấn nạn về đời sống của những người đã khuất.

2.2. Giải đáp vấn nạn

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là những tình trạng sống của con người chứ không phải là nơi chốn cụ thể nào. Trong dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 16,19-31), chúng ta thấy Abraham và Ladarô ở thiên đường với ông nhà giàu ở hoả ngục vẫn thấy nhau, nói chuyện với nhau trong 2 tình trạng sống rất khác biệt: bên sướng bên khổ. Ngày xưa chúng ta lầm tưởng rằng trong hoả ngục không có Thiên Chúa, chỉ có bóng tối và ma quỷ hành hạ những con người gian ác, ở đó họ phải chịu thiêu đốt, nóng bức, khóc lóc, nghiến răng (x. Mt 8,12; 13,42; 22,13; 24,51; 25,3). Cách diễn tả đầy hình ảnh này của Chúa Giêsu như muốn cho thính giả bình dân hiểu về nổi khổ của hoả ngục qua những dụ ngôn (x. Mt 13,3; 13,13;13,34; Mc 4,2.11.34) “để họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy”, nếu họ không thoát ra khỏi được những từ ngữ và hình ảnh minh hoạ để đạt được nội dung và ý nghĩa Lời Chúa.

Thật ra, Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, nên tất cả những ai, gồm cả thiên thần-quỷ dữ-con người, sống trong tình trạng hoả ngục, luyện ngục và thiên đường đều thấy Thiên Chúa như nhau: Ngài cao quý vô cùng, quyền năng vô tận, nguồn của sự sống vĩnh hằng, của chân thiện mỹ và hạnh phúc vô song. Tuỳ vào thái độ đóng kín hay mở ra đến vô biên mà con người cũng như thiên thần, quỷ dữ tạo nên tình trạng sống khác nhau cho chính mình.

Thiên Chúa cũng chẳng bao giờ trừng phạt, hành hạ ai. Những ai ở tình trạng thiên đường có khả năng hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa nên lúc nào cũng cảm thấy nguồn sống kỳ diệu ấy chuyển thông cho mình. Những ai trong hoả ngục vì đã quyết định cắt đứt với Thiên Chúa, đóng kín trọn vẹn với Chúa nên khi thấy Chúa tốt lành, đẹp đẽ như vậy, họ cắn rứt, buồn bực, tiếc xót, thất vọng, đau khổ tột cùng. Đây chính là ngọn lửa thiêng thiêu đốt họ. Những người trong luyện ngục cũng có thái độ và đau khổ tương tự như thế, nhưng vì lòng họ còn mở ra với Chúa nên vẫn giữ niềm hy vọng sẽ được kết hợp trọn vẹn với Chúa nhờ lòng Chúa xót thương qua công đức của Chúa Giêsu và nhờ lời cầu nguyện, hy sinh, hành động bác ái của người sống.

Nhờ khả năng mở ra đến vô biên, nhất là khi không còn bị thể xác nặng nề ngăn cản, không bị thời gian và không gian chi phối, các linh hồn người chết ngay khi gặp Thiên Chúa và thấy Chúa tốt lành, đẹp đẽ, nhân từ, quyền năng vô tận, như một tấm gương trong suốt để họ soi chiếu cuộc đời mình, thì họ cũng nhìn thấy được tất cả những ý nghĩ, lời nói, hành động dù nhỏ bé nhất, tốt hay xấu như thế nào để thấy mình phải thanh tẩy cho xứng đáng với Chúa. Đó là cuộc phán xét riêng. Từ đó họ cũng thấy ngay mình xứng đáng nhận tình trạng sống nào: thiên đường, luyện ngục hay hoả ngục.

Hơn nữa, trong tình yêu vô biên, Chúa có thể cho con người tiếp xúc được với các thánh nhân, gặp gỡ một số linh hồn trong tình trạng luyện ngục như những ơn đặc biệt để nhắc nhở chúng ta điều gì đó hay để yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Vì không bị giới hạn trong không gian, thời gian nên các hồn người chết, dù chết ở một nơi rất xa và cách nhau hàng ngàn năm, vẫn có thể tiếp xúc với người sống. Điều này có thể giải thích cho chúng ta hiểu việc tái sinh trong vòng luân hồi mà Vicki Mackenzie đã trình bày trong tác phẩm Tái sinh ở Phương Tây xảy ra thật sự như những hiện tượng tâm linh trong Kitô giáo. Đây cũng là điều giúp ta hiểu được những cảm nhận lạ lùng của các nhà ngoại cảm ở Việt Nam cũng như trên thế giới, hiểu được sự hiện diện thật gần gũi của những người thân yêu đã qua đời để không làm những điều thất đức, bội nghĩa vong ân, gây tủi nhục, buồn phiền cho tổ tiên và những người đã khuất.

Dù không còn thể xác vật chất, không còn lệ thuộc không gian, thời gian nhưng những người đã khuất vẫn dùng những nơi chốn, vật chất như những dấu hiệu để liên lạc với người sống. Do đó, ta cần phải tôn trọng các mồ mả ở nghĩa trang, các trang thờ cho những người bị tai nạn dọc đường. Từ đó ta cũng hiểu được trước khi làm lễ động thổ để xây dựng một công trình, người ta thường lập một bàn thờ, trên để hương đèn, mâm quả để thông báo và xin lỗi các linh hồn, có thể chưa siêu thoát, vì công trình có thể làm kinh động họ. Qua kinh nghiệm của những nhà ngoại cảm, chúng ta hiểu những đền chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường là những nơi tụ tập rất đông các linh hồn người chết để họ nghe được lời kinh cầu siêu, lời giảng Tin Mừng (x. 1Pr 3,18-20) và nhận được ơn cứu độ, nhất là qua Thánh lễ Công giáo.

Chúng ta cũng phải trân trọng các bữa cúng giỗ để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, người thân vì đây là những dịp quý báu để nối kết cõi thiêng với cõi tục và cảm nhận được sự hiện diện của nhau. Nhiều tín hữu Công giáo vẫn ngại ngùng khi phải làm bữa cúng giỗ cho người đã khuất, họ cũng không dám ăn vì sợ phạm tội “thờ quấy” “ăn của cúng”, nhất là trong các gia đình “nửa lương nửa giáo” khiến cho nhiều người ngoài Công giáo nghĩ lầm rằng theo đạo Thiên Chúa là bỏ ông bà, tổ tiên. Thánh Phaolô đã dạy chúng ta về vấn đề ăn của cúng (x. 1Cr 8,1-13) và chúng ta cần có thái độ tích cực hơn trong việc tưởng nhớ cụ thể những người đã khuất như tham dự các lễ nghi tưởng nhớ tổ tiên, các anh hùng dân tộc, như làm bữa cúng giỗ, sửa chữa và thắp hương nơi các mộ vô danh, ngả mũ nón để chào tiễn biệt những người đã khuất khi xe tang họ đi qua…

2.3. Thiên đường là khung cảnh thần linh quy tụ tất cả

Từ khả năng vươn tới vô biên, chúng ta sẽ hiểu được thiên đường bây giờ là khoảng không gian mầu nhiệm, là khung cảnh thần linh quy tụ mọi người, mọi vật và muôn loài thụ tạo để cảm nghiệm được sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Trời, cũng gọi là Thiên Chúa, là Đức Allah, là Brahman, là Đấng Cao Đài, là Đức Thượng Đế, nguồn của sự sống siêu việt và hạnh phúc vĩnh hằng. Nơi đó chúng ta sẽ gặp được tất cả những bậc đại thánh trong mọi tôn giáo từ Đức Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử và các bậc tiên hiền, Đức Mohammet và các sứ giả của Người. Vì thế trong thái độ thành kính yêu thương, chúng ta cũng phải tôn trọng các vị ấy như những bậc đại thánh trong đại gia đình Thiên Chúa.

Chúng ta cũng đừng mường tượng thiên đường như một cung đình với những vua quan ngự trên những toà cao thấp khác nhau giống như thiên đình của Ngọc Hoàng Thượng Đế để không biết sắp xếp những chỗ ngồi của các bậc sáng lập tôn giáo thế nào cho xứng đáng với công đức của họ. Nhiều tín hữu Công giáo, qua những ảnh tượng, luôn mơ tưởng về một loại thiên đình nào đó với Đức Chúa Cha và Chúa Giêsu ngồi trên ngai vàng, Chúa Thánh Thần với hình chim bồ câu ngự giữa hai vị, bên cạnh là toà Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, các Thánh Tông Đồ, chung quanh là hàng hàng lớp lớp các thiên thần chầu kính, các thánh nhân bái phục. Tưởng tượng như thế, người ta sẽ không biết đặt ngai toà của các bậc thánh hiền khác như Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Đức Mohammet… ở đâu. Thậm chí có người nghĩ họ không có mặt trên thiên đường nữa!

Khi chúng ta hiểu được mọi sự đều quy về Đức Kitô và Đức Kitô quy tụ tất cả về với Thiên Chúa để Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài (x. 1Cr 15,24.28) thì chúng ta cảm thấy mình gần gũi với muôn vật, muôn loài. Thật sự Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, mọi vật nên tất cả đều có quyền hy vọng được cứu độ, bất kể họ có tôn giáo hay không tôn giáo. Ơn cứu độ có tính phổ quát, nghĩa là Thiên Chúa muốn cứu độ mọi con cái mình (Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra aetate, số 1). Đức Giêsu là con đường dẫn đến sự thật và sự sống nên tất cả những ai bước đi trên con đường này, nghĩa là tôn trọng sự thật và sự sống của mình cũng như của người, đều gặp được Đức Giêsu và đều được Người chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Như thế tất cả chúng ta đều gặp nhau trong Đức Giêsu Kitô nên không bao giờ được loại trừ ai.

Vì vậy, Công đồng Vaticanô II đã giới thiệu cho chúng ta khung cảnh thần linh với trời mới, đất mới và những con người mới như sau: “Chúng ta không biết được trái đất và nhân loại sẽ kết thúc vào thời điểm nào, chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ biến đổi ra sao. Quả thật, bộ mặt của một thế giới bị biến dạng vì tội lỗi đang qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một thế giới mới, nơi công lý ngự trị. Hạnh phúc ở nơi ấy sẽ thoả mãn và lấp đầy mọi ước vọng hoà bình dâng trào trong lòng con người. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô, và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát; tình yêu và các nghĩa cử bác ái sẽ tồn tại và toàn thể thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách phù vân.

Thật vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần để phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hành động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại các giá trị ấy trong tình trạng đã được tinh luyện khỏi mọi uế tạp, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô trao lại cho Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và phổ quát: “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và đầy ơn phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an”. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa trở lại” (x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 39).

Lời kết

Sau khi tìm hiểu những vấn nạn về tình trạng sống của con người đã khuất bóng và cố gắng giải đáp phần nào bằng việc tìm hiểu con người cũng như khả năng mở ra đến siêu việt của con người, chúng ta có thể xác tín về cuộc đối thoại liên tôn thật là cần thiết và rất hữu ích. Cuộc đối thoại giúp chúng ta tìm ra chân lý không phải để tuyên bố đạo nào đúng, đạo nào sai, điểm nào hợp lý dễ hiểu hay vô lý khó hiểu, nhưng là để tự do chọn lựa thái độ sống cho mình ở trần thế sau khi khám phá ra sự thật nhờ lương tâm ngay chính của mỗi người. Trong công cuộc Phúc Âm hoá, chúng ta không thể ép buộc con người, nhưng được mời gọi đón nhận tất cả trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, chúng ta luôn được mời gọi mở ra cho những gì trong sáng, tốt đẹp, cao thượng dẫn con người gặp được Thiên Chúa và tạo nên thiên đường cho muôn loài. Nếu chúng ta đóng kín, chúng ta sẽ tạo nên hoả ngục cho chính mình và cho người khác. Thiên đường như thế bắt đầu ngay từ bây giờ và tại nơi đây trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Sách tham khảo thêm:

1. Vicki Mackenzie, Tái sinh ở Phương Tây, NXB Phương Đông, 2010.
2. Rosalind A. Mcknight, Cuộc thám hiểm các cảnh giới huyền bí, NXB Phương Đông, 2007.
3. Lê Mai Dung, Bí ẩn của các nhà ngoại cảm Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, 2007.
4. Henri Nouwen, Đường đến hoà bình,  NXB Tôn Giáo, 2008.
5. Joseph Murphy, Năng lực của tiềm thức, NXB Từ điển Bách Khoa, 2007.
6. Dư Quang Châu, Cảm xạ địa sinh học, NXB Văn hoá Thông tin, 2009.
7. E.K.Ross, Sự chết là vầng thái dương mới.
8. Nikolai Nadejdin, Vanga một cuộc đời kỳ lạ, NXB Thông Tấn, 2012.
9. Janathan Cott, 3 ngàn năm một kiếp luân hồi, NXB Tôn Giáo, 2002.
10. Brian L.Weiss, Tiền kiếp và luân hồi có thật không?, NXB Tôn Giáo, 2006.
11. Trần Ngọc Lân, Những chuyện về thế giới tâm linh, NXB Văn hoá Thông tin, 2009.
12. Nguyễn Hữu Kiệt, Những bí ẩn trong cuộc đời, Tủ sách Huyền Môn, 1968.
13. Nicky Eltz, Hãy cứu các linh hồn khỏi luyện ngục, 2005.
14. Bardo Thodol, Người Tây Tạng nghĩ về cái chết, NXB Văn hoá Thông tin, 2005.
15. Visuddhacara, Thương yêu và chết, NXB Tôn Giáo, 2004.
16. Betty J.Eadie, Embraced by the light, (Người về từ cõi chết), Quang Nhân dịch, NXB Gold Leaf Press, 1992.
17. Betty J.Eadie, Người về từ cõi chết, Quang Nhân dịch, NXB Văn Nghệ, 1995.
18. Brian L.Weiss, Thông điệp của các chân sư, 2000, Nguyễn Xuân Đức và Kiến Văn dịch, NXB Lao Động Tôn Giáo, 2007.
19. Charles Leadbeater, To those Who Mourn, (Trở về từ cõi sáng) do Nguyên Phong dịch. Làng Văn xuất bản.
20. Mary Ann Winkowski, Những hiện tượng bí ẩn, NXB Thời Đại, 2011.