28/11/2024

‘Phòng trọ tiểu học’ của cô giáo Ánh

‘Phòng học’ nhỏ không đủ chỗ cho học sinh, cô Ánh chia ca, chia lớp ra dạy. Cô còn lập luôn sổ học bạ cho các em.

 

‘Phòng trọ tiểu học’ của cô giáo Ánh.

 

‘Phòng học’ nhỏ không đủ chỗ cho học sinh, cô Ánh chia ca, chia lớp ra dạy. Cô còn lập luôn sổ học bạ cho các em.


Phòng trọ tiểu học của cô giáo Ánh - Ảnh 1.

Cô giáo Ánh dạy trong “phòng trọ tiểu học” – Ảnh: S.LÂM

Nơi xóm trọ hơn 200 căn giữa khu phố 8 (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An), có căn phòng trọ bên trong đặt 8 bộ bàn ghế nhỏ. Suốt 7 năm nay, đây là nơi đã xóa mù chữ cho cả trăm học sinh ở thị trấn này.

Đúng 2h chiều, ba anh em Hải, Đông, Thơ áo quần chỉnh tề, dắt nhau đi từ phía khu trọ của mình đến căn phòng trọ có đề bảng “Lớp học tình thương”. 

Cô Lê Thị Kim Ánh đã chờ sẵn ở đó, cùng 8 học sinh khác đủ mọi lứa tuổi, chuẩn bị cho một buổi học tiếng Việt theo chương trình lớp 1.

Phổ cập tiểu học cho con em lao động

 

 

Hải 10 tuổi, Đông 9 tuổi, Thơ 8 tuổi. Ba đứa còn một em út ở nhà với bà ngoại già, còn cha mẹ đã ra khỏi nhà từ sớm, mỗi người mỗi hướng đi bán vé số. 

“Tết năm trước, cha mẹ mấy đứa nghe ở đây có lớp học chữ miễn phí nên tới năn nỉ tui cho tụi nó học” – cô Ánh kể. Cô bảo chờ đến mùa khai giảng năm nay rồi nhập học luôn, nhưng hai vợ chồng cứ nài nỉ. Vậy là ba anh em Hải – Đông – Thơ chen ngang giữa lớp 1 của cô Ánh từ năm học trước.

Ở lớp học này, hầu hết đều là con em người lao động từ các miền quê đổ về những khu công nghiệp khu vực Bến Lức, vào các nhà máy gia công, may mặc làm việc với mức lương lao động phổ thông ổn định.

Đứng trước cửa lớp học, anh Nguyễn Văn Be nhìn thằng Sến, thằng Khang con mình đang ê a học. Anh Be là dân Hồng Ngự, Đồng Tháp. Vợ chồng anh Be bắt đầu cuộc sống mới ở thị trấn này hơn 4 tháng nay. 

Anh Be làm trong nhà máy bia, còn vợ làm ở công ty giày da. Lớp học của cô giáo Ánh đã giúp thằng Sến học tiếp chương trình lớp 4, thằng Khang theo học lớp 1, đúng độ tuổi hai đứa.

Lớp học còn có Liêu Chí Bảo, trước đây nhà ở Bạc Liêu. Hai năm trước Bảo phải bỏ ngang lớp 3 để về đây, khi cha mẹ Bảo xin được vào một công ty may. 

Cha mẹ đi suốt, Bảo lêu lổng khắp nơi. Ngày nọ, thấy lớp học nằm trong phòng trọ, Bảo chạy tới xin cô Ánh cho học. Năm nay, Bảo đã đường hoàng được cô Ánh cho lên lớp 4.

Lan tỏa tình thương

Đa số các em chỉ học được 2-3 năm rồi nghỉ, do cha mẹ đổi việc, chuyển nơi khác. Nhưng mình cũng phải chuẩn bị học bạ đàng hoàng, hi vọng đi nơi khác các em được tiếp tục việc học”

Cô Lê Thị Kim Ánh

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2011, khi ông Nguyễn Văn Lới thấy trong khu trọ mình cho mướn có quá nhiều trẻ em không được đi học. Ông Lới nghĩ đến việc dành riêng một căn phòng trọ để mở lớp xóa mù chữ cho những đứa trẻ này. 

Phải liên hệ nhiều giáo viên, ông Lới mới gặp được cô Ánh. “Lúc đó tui vừa nghỉ hưu ở Trường tiểu học Thuận Đạo, chưa biết sống với tuổi hưu ra sao thì nghe ý định mở lớp của ông Lới nên đồng ý luôn” – cô Ánh kể.

Lớp học ban đầu chỉ có 10 trò, từ 6 đến 15 tuổi. Cô Ánh dạy tất cả theo chương trình lớp 1. Tới năm sau, khi các em đã hoàn thành lớp 1, cô Ánh lại quày quả kiếm sách lớp 2 về dạy tiếp. 

Rồi nhiều em mới lại đến. Cái lớp học xóa mù chữ chỉ qua hai năm học đã vượt ra khỏi khu trọ của ông Lới. Nhiều công nhân ở các nhà trọ khắp thị trấn Bến Lức nghe tin về lớp này lại đưa con đến xin học.

Đến khi phòng trọ không đủ chỗ chứa, cô Ánh phải chia ca, chia lớp ra dạy. Cô còn lập luôn sổ học bạ cho các em hẳn hoi. Đến kỳ thi, cô ra đề và gửi qua bộ phận phổ cập của Phòng Giáo dục huyện Bến Lức, chuyển về Trường tiểu học Thuận Đạo đánh giá đề, rồi mới cho học sinh thi.

Chuyện về lớp học xóa mù chữ ở phòng trọ Bến Lức nhanh chóng được lan truyền. Năm 2014, đồn biên phòng Bến Lức đã liên hệ hỗ trợ về vật chất lẫn cắt cử cán bộ, chiến sĩ đến giúp cô Ánh dạy học. 

Thiếu úy Lê Văn Cường, đồn biên phòng Bến Lức, chia sẻ: “Ba năm trước, tôi đến đây và biết được có lớp học này, liền chủ động xin được dạy. Hiện ở đồn có 4 đồng chí tham gia giảng dạy lớp này”.

Năm học này, lớp học có đến 30 em, chia ra 3 ca dành cho lớp 1, lớp 2-3 và lớp 4-5. Cô Ánh vẫn giữ trách nhiệm điều phối, lập học bạ, nhận học trò, thi cử, giáo trình, để giúp các học sinh được học hành theo đúng chương trình chính quy.

SƠN LÂM