13/01/2025

Không phải người tị nạn Palestine nào ở Jordan cũng muốn trở về quê hương

Hơn 50 năm sau khi đến Vương quốc Hashemite của Jordan, những người Palestine ngày càng ít quan tâm đến việc trở về “quê hương”.

 Không phải người tị nạn Palestine nào ở Jordan cũng muốn trở về quê hương

 

 
WHĐ (20.12.2017) – Hơn 50 năm sau khi đến Vương quốc Hashemite của Jordan, những người Palestine ngày càng ít quan tâm đến việc trở về “quê hương”.

Trong trại tị nạn Al-Husn, trẻ em qua lại giữa trường nam sinh và trường nữ sinh xây rất gần nhau. Khi ấy, chúng phải đi ngang qua nhiều toà nhà của Hiệp hội Thể thao của trại, và trên các bức tường của những toà nhà này đầy những tranh vẽ mang màu sắc chính trị. Có một bức tranh mô tả một gia đình Palestine trên đường đến Giêrusalem và thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa. Bức tranh khác vẽ một cái cân: đĩa cân bên này là bản đồ Palestine và đĩa bên kia là từ viết tắt “Liên Hiệp Quốc”. Bản đồ Palestine rõ ràng nặng hơn.

Salem Deep, thành viên của Hiệp hội Thể thao, giải thích: “Hình ảnh này cho thấy quê hương của chúng tôi lớn hơn Liên hiệp quốc và Liên Hiệp Quốc thì bất công vì luôn đứng về phía Israel. Chúng tôi muốn trẻ em không bao giờ quên rằng chúng có quyền trở về Palestine và quyền được sống ở đó.”

Có khoảng 25.000 người Palestine, hậu duệ của những người đã trốn chạy cuộc chiến năm 1967, sống ở trại Al-Husn về phía Bắc Jordan. Được xây dựng trên sườn đồi, trại này giống như bất cứ một thị trấn nghèo nàn điển hình nào khác của Jordan, với những toà nhà xám xịt và những con hẻm nhỏ đầy bụi.

Trong trường nam sinh, thầy giáo lịch sử cho biết môn của ông đã bị xem nhẹ kể từ khi Hiệp ước Hoà bình Wadi Araba giữa Jordan và Israel được ký kết năm 1994. Trên thực tế, thanh thiếu niên trong trại ngày nay biết rất ít về xứ sở của họ.

Cậu bé Hamed 15 tuổi, đang bận rộn dỡ những thùng rau ở cửa hàng thực phẩm của cha mình, nhìn nhận: “Palestine à? Tôi đã quên hết về nơi đó rồi. Tôi chỉ biết Giêrusalem thôi. Tôi nghĩ ở đó có chiến tranh.”

Brahim bạn của Hamed, tuy biết được thành phố gốc gác mà gia đình cậu đã từng sống ở đó, nhưng không biết những gì đã xảy ra tại đó vào năm 1948 hoặc năm 1967. Cậu nói: “Cha tôi đã làm việc tại Palestine, nhưng ông chẳng bao giờ nói với tôi về điều ấy.”

Hơn một nửa dân số Jordan là người Palestine. Hơn 10 ngày qua, hàng ngàn người biểu tình phản đối quyết định của tổng thống Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái. “Tuy nhiên, những người biểu tình không đòi hỏi quyền trở về”, Kathem Ayesh, Giám đốc Hội Tị nạn Jordan, nhìn nhận, “dân chúng tập trung vào vấn đề Jerusalem”.

Hầu hết những người tị nạn ở trại Al-Husn nói rằng họ muốn sống tại Palestine. Tuy nhiên, đa số những người này được sinh ra tại Jordan và không có dự định cụ thể trở về quê hương mình.

Một cư dân của trại tị nạn thẳng thắn cho biết: “Người ta chẳng còn gì ở đó: không gia đình, không bạn bè và không việc làm”; người đàn ông này 33 tuổi, đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội Jordan, “nếu bạn cho họ chọn tiền hoặc quê hương, họ sẽ chọn tiền”.

Kareem 41 tuổi, làm nghề sơn nhà cửa, đã sống cả đời tại Al-Husn, thừa nhận: “Tôi không nghĩ mình sẽ trở về Palestine ngay cả như nếu có thể. Những người Palestine ở đó nghĩ rằng chúng tôi đã thực sự bỏ đi.” Cũng như hầu hết những người tị nạn, Kareem có quốc tịch Jordan, nói ông cảm thấy mình là người Jordan hơn là người Palestine.

Tuy nhiên, nhiều người tị nạn vẫn rất gắn bó với quê hương và bản sắc Palestine của họ. Chẳng hạn Khaldoun, một sinh viên công nghệ thông tin sống tại Amman thủ đô của Jordan, anh ước mơ được “sống và chết” tại Palestine. Anh nói: “Cha mẹ tôi vẫn giữ chìa khoá nhà của ông bà tại Palestine. Nhiều gia đình cũng làm như thế, chứ không phải chỉ có gia đình tôi.” Anh không quan tâm lắm đến tình hình chính trị hiện nay ở phía bên kia sông Jordan. Anh nghi ngờ sự hoà giải bề ngoài đang diễn ra giữa hai phe nhóm Palestine lớn nhất là Fatah và Hamas.

Kathem Ayesh và Hội Tị nạn đang cố gắng khơi lại chính nghĩa của người Palestine và quyền trở về. Ông nói: “Hiệp ước Hoà bình Wadi Arabi cần phải huỷ bỏ theo đúng luật vì Palestine được xem như một lãnh thổ bị chiếm đóng và vì vấn đề này phải được đưa vào chương trình thảo luận của thế giới một lần nữa.”

Theo Ayesh, quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã khiến giới truyền thông tập trung chú ý vào Thành Thánh, và đồng thời, khơi lại chính nghĩa của Palestine. “Tôi sẽ cảm ơn ông Donald Trump nếu tôi có thể”, ông nói đầy mỉa mai.

***


Người Palestine: một dân tộc bị phân mảnh


Hiện nay có 4,8 triệu người Palestine sống trong những vùng bị chiếm: 3 triệu người trong số này sống ở Bờ Tây và 1,8 triệu tại Dải Gaza. Có 1,7 triệu người Palestine sống tại Israel trong tổng số dân 8,4 triệu người, tức 20% dân số Israel; đôi khi họ được gọi là “người Israel gốc Ả Rập”.

Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, hiện có 3,5 triệu người tị nạn Palestine sống tại Jordan, Syria và Liban; hầu hết trong số này sống tại Jordan (2,3 triệu người).

Tại Liban, có khoảng 530.000 người tị nạn Palestine, phần lớn sống trong các trại tị nạn. Họ bị cấm làm việc trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế.

(Theo La Croix)

 
 

 

Giuse Tuấn