24/01/2025

Chúa nhật III Mùa Vọng B: Vui lên vì Chúa sắp đến

Gioan Tẩy giả là người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng rằng Đức Giêsu là “Ngôi Lời Nhập thể, là sự sống, và là ánh sáng cho nhân loại”. Toàn con người và sứ vụ của ông nhắm đến sứ vụ làm chứng điều này.

 

Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28

VUI LÊN VÌ CHÚA SẮP ĐẾN

“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng”  (1Tx 5,16)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I: Is 61,1-2a.10-11

    Bài đọc I trích từ sách Ngôn Sứ Isaia đệ III (các chương 56-66), là phần sách diễn tả tâm tình tràn đầy hy vọng của đoàn dân hậu lưu đầy Babylon, trở về tái thiết quê hương và Đền Thờ. Đoạn trích này thuật lại ơn gọi của tác giả cuốn sách là ngôn sứ Isaia, cùng với những tâm tình tạ ơn mà ông muốn cất lên vì những ơn đã lãnh nhận từ Thiên Chúa để phục vụ dân Người.

    Tác giả nhấn mạnh: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Chính Đức Chúa đã tuyển chọn ông và xức dầu Thần Khí cho ông. Thần  Khí ở đây chưa phải là một ngôi vị, nên không đóng vai trò là Đấng “xức dầu” cho vị ngôn sứ và “sai ông đi”, nhưng là sức mạnh tác động vào con người và sứ vụ của vị ngôn sứ. Chính “Dầu Thần Khí” sẽ là nguồn sức mạnh, là sự nâng đỡ, ủi an, khích lệ, soi sáng, chỉ dẫn hầu giúp người được sai đi có thể hoàn tất sứ vụ được ủy thác.

    Ngôn sứ Isaia đệ III được sai đi với một sứ vụ rõ ràng: “Báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Đức Chúa, ngày báo phục của Thiên Chúa. Ơn gọi và sứ vụ của Ngôn Sứ Isaia đệ III đã được “hiện tại h” nơi Đức Giêsu khi Người công bố tóm lược ơn gọi và sứ vụ của Người, lúc bắt đầu sứ vụ tại hội đường Nagiarét (Lc 4,18-19).

2. Bài đọc II: 1Tx 5,16-24

    Đoạn kết thúc thư 1 Thêxalônica trên đây là lời thánh Phaolô nhắn gửi các tín hữu Thêxalônica trong bối cảnh chờ đợi Đức Kitô quang lâm. Phải chờ đợi bằng cách nào? Trước hết, cần chuẩn bị bằng cách cầu nguyện không ngừng, tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, và đừng dập tắt Thần Khí, nhờ đó biết làm lành lánh dữ. Kế đến, cần xin Thiên Chúa thánh h con người toàn diện: từ thần trí đến tâm hồn và thân xác để “không có gì đáng trách” trong ngày gặp Đức Kitô quang lâm. Đây là ý nghĩa hiện sinh của Mùa Vọng: các Kitô hữu đón Chúa đến bằng thái độ sẵn sàng tỉnh thức, thực hành đời sống đạo qua đời sống hàng ngày.

3. Bài Tin Mừng: Ga 1,6-8.19-28

    Ngay từ những câu đầu tiên nói về bản chất và sứ vụ của Ngôi Lời, Tin Mừng thứ tư đã đề cập đến vai trò của Gioan Tẩy Giả. Điều đó cho thấy ông có một vai trò rất quan trọng trong sứ vụ cứu độ của Ngôi Lời. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày sứ vụ và căn tính của Gioan Tẩy giả: là người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng. Ông làm chứng rằng Đức Giêsu là “Ngôi Lời Nhập thể, là sự sống, và là ánh sáng cho nhân loại. Toàn con người và sứ vụ của ông nhắm đến sứ vụ làm chứng điều này.

    Ông đã làm được rất nhiều điều. Dân chúng theo ông rất đông. Nhìn việc ông làm, nhiều người nghĩ ông là một vị ngôn sứ, hoặc là Êlia phải đến trước khi Đấng Kitô xuất hiện, tới mức có người tưởng ông là Đấng Kitô. Ông khẳng định “Không phải”. Ông không ảo tưởng. Ông biết mình và biết Đức Giêsu là ai, khi ông nói: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không dáng cởi quai dép cho Người”.

    Ông biết mình chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Sứ vụ đó làm nên tước hiệu “Tiền Hô” của Gioan. Chính thân phụ của Gioan cũng đã nói tiên tri khi ông chào đời: “…Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết rằng Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77). Điểm nổi bật ở đây là “tiếng người hô”. Tiếng của Gioan là để diễn tả lời của Thiên Chúa với sứ điệp: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”.

    Với sứ vụ như trên, Gioan xuất hiện trong hoang địa Giuđê, quanh khu vực sông Giócđan để kêu gọi dân chúng chịu Phép Rửa trong nước để tỏ lòng sám hối, thúc người ta chuẩn bị đón ơn cứu độ, và làm chứng về Đức Giêsu là Đấng phải đến. Mọi lời nói và hành động của Gioan gắn chặt với cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể.

    Từ xưa đến nay, Thiên Chúa vẫn truyền các sứ điệp qua những tiếng hô: qua các ngôn sứ, qua các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà thần học hay giảng thuyết, các Đấng lập Dòng, các nhà chiêm niệm, các Thánh trong mọi thời đại, qua tiếng lương tâm của mỗi người, qua tiếng của những người đang sống bên cạnh ta, qua người nghèo, thậm chí qua cả những kẻ đối lập và nhất là qua những biến cố xảy ra hằng ngày. Tiếng có thể đa dạng nhưng sứ điệp của Thiên Chúa vẫn là một: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn...” Việc xức dầu để ban Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội, và gia tăng trong bí tích Thêm Sức khiến mỗi Kitô hữu trở nên sứ giả đem tin mừng của Thiên Chúa cho thế giới. Chúng ta có ý thức rằng mình được thúc đẩy ra đi Loan báo Tin mừng… băng bó… công bố lệnh ân xá… và năm hồng ân, vì đó là sứ vụ của người được xức dầu Thánh Thần?

2. Hãy cân nhắc mọi sự: điều tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì tránh cho xa”.   Mùa Vọng là thời gian sống trong niềm vui để đợi chờ ngày Đức Kitô trở lại. Tuy nhiên, để niềm vui này được trọn vẹn, mùa Vọng còn là thời gian mỗi người để cho Chúa thánh h mình hầu trở nên không có gì đáng trách trong thần trí, tâm hồn lẫn thân xác. Chúng ta có ý thức rằng việc chuẩn bị đón Ngôi Lời đến trong ngày lễ Giáng Sinh không chỉ hệ tại nơi hình thức bên ngoài như trình diễn hoạt cảnh công phu, trang hoàng hang đá nguy nga, đèn sao lộng lẫy, cây thông cao vút, quà cáp ngập phòng…, mà quan trọng hơn là cần chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng đón Chúa?

3. Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Thiên Chúa vẫn truyền các sứ điệp qua những tiếng hô của mọi người và của chính mỗi chúng ta. Chúng ta có ý thức rằng mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của các Kitô hữu là một tiếng hô góp phần lay động lương tâm con người và thế giới?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở tất cả chúng ta hãy vui lên vì Thiên Chúa đang đến gần. Trong tâm tình hân hoan vui mừng sẵn sàng chào đón Chúa, chúng ta cùng chung lời cảm tạ và hiệp ý cầu xin:

1. Thánh Gioan Tẩy Giả đã đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức thực thi sứ vụ làm chứng cho Đức Kitô là ánh sáng thế gian bằng chính đời sống chứng tá của mình trong xã hội hiện tại.

2. Một số tư tế và thầy Lêvi được sai đến để hỏi cho biết Gioan là ai. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí đang khao khát tìm kiếm chân lý giữa thế giới hôm nay, được gặp gỡ và tin nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.

3. “Có một Ðấng đang ở giữa các ông, mà các ông không biết”. Xin cho mọi Kitô hữu biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống và nơi những người bé mọn chung quanh, để luôn sống lạc quan tín thác và yêu thương phục vụ chân thành.

4. “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến; đồng thời, luôn nỗ lực góp phần cụ thể làm phát triển và đổi mới những sinh hoạt của cộng đoàn.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một đến trần gian để đem niềm vui cho nhân loại. Xin nhận lời dân Chúa cầu nguyện và giúp chúng con biết tích cực trở nên những nhân chứng đức tin, luôn hăng hái đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.