10/01/2025

Khát vọng hăng say của cô gái ‘lạc giữa bóng đêm’

Bị bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố, thị lực hiện chỉ bằng 4% so với người bình thường, nhưng Trang vẫn hăng say viết báo, làm MC sự kiện và… ca sĩ!

 

Khát vọng hăng say của cô gái ‘lạc giữa bóng đêm’.

Bị bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố, thị lực hiện chỉ bằng 4% so với người bình thường, nhưng Trang vẫn hăng say viết báo, làm MC sự kiện và… ca sĩ!

 

Lạc quan, mạnh mẽ – đó là các tính từ mà hầu hết bạn bè, đồng nghiệp dành cho cô gái 9X gầy gò, nhỏ bé Lê Thị Trang (quê Bình Dương).

Khát vọng hăng say của cô gái lạc giữa bóng đêm - Ảnh 1.

Trang (trái) trao đổi công việc với đồng nghiệp – Ảnh: HOÀI ĐỨC

Em muốn khi nhìn vào em, người đối diện thấy niềm tin, lạc quan sống chứ không phải sự thương cảm

LÊ THỊ TRANG

Ngã rẽ bất ngờ

Tháng 10-2002, Trang vẫn còn là cô bé có đôi mắt lúng liếng, hay cười và chăm học. Chỉ đến một ngày khi đang lật trang sách giáo khoa lớp 4, Trang dần thấy mọi thứ nhòe hẳn đi dù đã dụi mắt nhiều lần. 

Hoảng hốt, sợ hãi và bật khóc là những điều cô bé Trang 10 tuổi có thể làm lúc đó. Sau khi được gia đình đưa đi khám và chẩn đoán bệnh này sẽ không có cách điều trị, mắt sẽ mờ dần theo thời gian, Trang chỉ buồn và nghỉ học đúng một ngày. 

 

“Ngày hôm sau tỉnh dậy thì tôi quên bẵng, đi học như bình thường vì nào hình dung được sóng gió chực chờ phía trước” – Trang bật cười nhớ lại.

Từ đó, hành trình đi học của Trang mỗi lúc một chông gai. Trang không thể tự mình đọc sách, mắt chỉ thấy được dòng kẻ nhưng không đọc được chữ do mình viết ra…, phải nhờ một người ngồi kế bên đọc nội dung để nắm, làm bài tập. Dẫu vậy cô bé Trang mê giấy khen, thích được tuyên dương trước cờ nên vô tư học.

Nhưng đôi mắt của Trang cứ mờ dần.. “Điều tôi lo nhất là trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, giáo viên gác thi không thể hỗ trợ đọc đề cho tôi. Điều đó đồng nghĩa phải dừng học. Tôi sợ cảm giác sống phụ thuộc vào gia đình và không còn mục tiêu phấn đấu nữa… Lần đầu trong đời tôi thấy bế tắc” – Trang kể.

Không nản lòng, Trang hỏi thăm khắp nơi và biết được ở TP.HCM có Trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – nơi có dạy cho người khiếm thị và sẽ tạo điều kiện để học sinh vào trường trung học bình thường, bạn chủ động liên lạc và được nhận vào học.

Trang bắt đầu hành trình “vật lộn” với chữ nổi (chữ Braille), các kỹ năng sử dụng phần mềm tin học mà trước đó chưa được học… Vì phải chuẩn bị quá nhiều thứ cho “cuộc sống mới”, Trang chấp nhận học chậm một năm. 

Sóng gió chưa dừng. Tấm bằng tốt nghiệp cấp II của Trang là ở tỉnh Bình Dương nên không thể học trường trung học ở TP.HCM, chỉ có thể vào trung tâm giáo dục thường xuyên. “Tôi bị sốc đến nghẹn lời. Tôi muốn vào đại học, muốn trở thành sinh viên báo chí”, Trang tâm niệm đêm ngày.

Biết ơn cuộc đời

Với sự hỗ trợ từ người bạn “kính lúp” và cái đèn đeo đầu mà mẹ từng dùng để đi cạo mủ cao su, Trang cần mẫn học và tốt nghiệp Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5), được xét tuyển thẳng vào hai trường đại học lớn. Trang sau đó trở thành sinh viên khóa K13 Khoa báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

Suốt bốn năm ở giảng đường, Trang vừa học vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội và đi làm thêm, dù thị lực chỉ còn 4%. Trang cộng tác viết báo, đọc tin tức cho một số cơ quan truyền thông, MC cho các sự kiện… 

Quãng đường từ nhà đến trường lắm gian nan, lại có giai đoạn phải phờ phạc xoay xở vì ở trọ một mình, phải dùng kính lúp “hạng nặng” để đọc được sách…, nhưng Trang luôn nỗ lực vượt qua, miễn là còn được học. 

Thay vì nản lòng, Trang lại cho biết bản thân biết ơn những thử thách trên vì đã giúp mình trưởng thành, mạnh mẽ hơn. “Tôi luôn ngưỡng mộ Trang vì bạn ấy “tối mắt” nhưng rất “sáng lòng”, hồn nhiên và chịu khó” – người bạn thời đại học Đào Thanh Đức bộc bạch.

Xuyên suốt các buổi trò chuyện, Trang luôn nở nụ cười rất tươi và luôn nhắc về sự tử tế, lòng biết ơn. 

“Tôi thấy bản thân quá may mắn vì luôn nhận được nhiều yêu thương từ mọi người, từ những người thân quen như cha mẹ, thầy cô đến những người chỉ gặp thoáng qua trong đời như chú tài xế xe buýt, hay bác bảo vệ đầu hẻm thường dắt tôi qua đường…” – Trang giải thích.

Nỗ lực không mệt mỏi

“Có một điều tôi tự hào nhất lúc đi làm thời sinh viên là đã thành lập được một câu lạc bộ dành cho những bạn yêu thích truyền hình, có tên Lăng Kính Trẻ ở một tờ báo. Ở câu lạc bộ này, tôi vừa có thể làm MC, phát thanh viên kiêm biên tập viên và phát hiện mình cũng có ít nhiều khiếu diễn xuất nữa” – Trang tiết lộ. 

Ở câu lạc bộ trên, nhóm của Trang đã cho ra đời chuyên mục Người Sài Gòn tử tế đoạt giải báo chí thành phố năm 2017.

Biết gia đình rất trầy trật để có thể nuôi ba đứa con đang tuổi lớn do cha là lao động theo thời vụ, còn mẹ cạo mủ cao su, Trang luôn phấn đấu để có học bổng, giảm gánh nặng cho cha mẹ. 

Trang nhận được học bổng VietSeeds (do một nhóm cựu du học sinh Việt tại Mỹ gây dựng), học bổng Chung một ước mơ (do báo Tuổi Trẻ phối hợp Tập đoàn SCG tổ chức)…

“Tôi nhớ mãi lần nhận học bổng Chung một ước mơ năm 2012, đã được nghe những câu chuyện nghị lực phi thường như một bạn bươn chải để nuôi chính mình, nuôi em ăn học vì cha mẹ đều đã qua đời.

Tôi cảm thấy khâm phục, thấy mình quá may mắn vì đã biết được những câu chuyện truyền cảm hứng như vậy. Tôi mong ước dự án mình đang thực hiện có thể giúp truyền tải những thông điệp đó đến những người khác” – Trang cười tươi tắn dù đôi mắt đã mờ dần theo thời gian. 

Với chị Đặng Ngọc Thanh (thành viên ban tổ chức), Trang lại chính là một câu chuyện truyền cảm hứng với chị: “Tôi rất ấn tượng vì cô bé rất tự tin, lạc quan và tỏa ra một luồng năng lượng tích cực. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết em là người khiếm thị”.

Còn với bà Lại Thúy Chi (giám đốc Công ty truyền thông CHI, nơi Trang đang làm việc), Trang là một tấm gương làm việc cầu tiến, không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. “Năng suất làm việc của Trang hệt như người bình thường. Sự lạc quan của em khiến tôi quên hẳn khiếm khuyết mà em đang gánh phải” – bà Chi chia sẻ.

Em thấy mình may mắn

Bài viết đã được lược bỏ một số chi tiết đặc tả theo yêu cầu của Trang. Cô bộc bạch: “Em rất ngại khi người ta khen vì những điều em làm được thật ra rất nhỏ nhoi.

Em cũng không muốn mọi người biết nhiều về khó khăn của mình, vì em có thể vượt qua được và hiện sống rất hạnh phúc. Cái gì chúng em chưa làm được thì từ từ sẽ làm được.

Nếu cái gì cũng để mọi người hỗ trợ, làm thay thì chúng em sẽ cảm thấy bất lực lắm”.

 

NHẬT PHẠM