11/01/2025

Động đất, siêu núi lửa tàn phá thế giới năm 2018

Hiện tượng trái đất quay chậm lại trong năm 2018 có thể dẫn đến nhiều trận động đất lớn, bên cạnh nguy cơ hoạt động của các siêu núi lửa.

 

Động đất, siêu núi lửa tàn phá thế giới năm 2018.

Hiện tượng trái đất quay chậm lại trong năm 2018 có thể dẫn đến nhiều trận động đất lớn, bên cạnh nguy cơ hoạt động của các siêu núi lửa.

 

 

 

Núi lửa Agung đang hoạt động mạnh trên đảo Bali  /// Ảnh: Reuters

 

Núi lửa Agung đang hoạt động mạnh trên đảo BaliẢNH: REUTERS

Nghiên cứu vừa được công bố tại cuộc họp thường niên của Hội Địa chất Mỹ cảnh báo trong năm 2018, thế giới sẽ chứng kiến số trận động đất tăng hơn gấp đôi và núi lửa hoạt động mạnh do trái đất quay chậm lại.
Theo trang Live Science dẫn lời Giáo sư Roger Bilham tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết khi trái đất quay chậm, vùng xích đạo sẽ thu hẹp khiến các mảng kiến tạo bị chèn ép dữ dội. Hậu quả là có thể phát sinh từ 25 – 35 trận động đất trên 7 độ Richter, so với con số trung bình khoảng 15 trận động đất hằng năm. Tốc độ quay của trái đất thay đổi khiến thời gian mỗi ngày dài thêm chỉ vài mili giây nhưng đủ để gây ra thảm họa trên bề mặt.
“Những thay đổi nhỏ trong tốc độ quay của trái đất sẽ dẫn đến những hoạt động địa chất khổng lồ phóng thích năng lượng bên trong. Khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là vùng nhiệt đới với hơn 1 tỉ cư dân”, ông Bilham cảnh báo.

Theo các nhà khoa học, thiệt hại chính sẽ tập trung tại khu vực nằm trên các mảng đứt gãy lớn ở bờ tây nước Mỹ, nam châu Âu, Trung Đông, Nam Mỹ và vành đai lửa Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo cũng có thể hình thành siêu núi lửa.
Núi lửa Agung hiện đang hoạt động trên đảo Bali (Indonesia) từng có vụ nổ siêu lớn cách đây 74.000 năm, trong khi công viên Yellostone của Mỹ nằm trên một hõm chảo lớn nhất địa cầu do va chạm giữa mảng kiến tạo Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Các nhà khoa học cho rằng nếu hõm chảo Yellowstone phun trào, phần lớn sự sống trên trái đất sẽ bị đe dọa và tro bụi có thể gây thảm họa sụt giảm nhiệt độ toàn cầu.
Đến nay, đã có nhiều giả thuyết về hiện tượng trái đất quay chậm lại nhưng vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Theo Giáo sư Bilham, tốc độ quay của trái đất có thể bị ảnh hưởng bởi những chu kỳ thời tiết cực đoan như El Nino, sự thay đổi dòng chảy đại dương do biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển của phần lõi nóng chảy trong lòng trái đất. Cũng có ý kiến đây là hậu quả của những hành động ảnh hưởng địa chất từ con người như xây dựng những đập nước khổng lồ hay thử hạt nhân. Các trận động đất cực lớn trong vài năm qua cũng góp phần làm thay đổi độ lệch của trục trái đất.

Trong nghiên cứu mới, Giáo sư Bilham khuyến cáo chính phủ các nước cần có động thái nâng cấp công trình, tăng cường hệ thống ứng phó để có thể giảm thiểu hậu quả nếu thảm hoạ xảy ra.

Núi lửa ở Bali có thể phun trào dung nham
Hãng thông tấn Antara ngày 3.12 dẫn nguồn Cơ quan Giảm nhẹ thiệt hại núi lửa và địa chất Indonesia (PVMBG) cho hay khối dung nham đang dâng lên gần đến miệng núi lửa Agung trên đảo Bali. Theo giới chức, phần lớn các vụ sang chấn đã xuất hiện cả ở khu vực nông và sâu quanh núi lửa trong khi khối magma đang lớn dần. PVMBG ghi nhận nhiệt độ bên trong núi lửa đạt gần 3000C, còn hình ảnh từ vệ tinh cho thấy khoảng 20 triệu m3 dung nham chảy từ khối magma bên dưới lên gần miệng núi lửa.
Cùng ngày, theo tờ The Sunday Times, Hãng hàng không AirAsia Indonesia thông báo huỷ các chuyến bay đêm đến Bali, còn các hãng Jetstar và Virgin Australia vẫn đang rất giới hạn các chuyến bay đưa du khách bị kẹt rời khỏi hòn đảo này.


 

Khánh An