28/11/2024

Đức Thánh Cha viếng thăm Học viện Đức Bà ở Dhaka

DHAKA. Trong cuộc viếng thăm Học viện Đức Bà nổi tiếng nhất ở Bangladesh, chiều ngày 2-12-2017, ĐTC đã gặp gỡ 7.000 bạn trẻ.

 Đức Thánh Cha viếng thăm Học viện Đức Bà ở Dhaka

 

 

 

DHAKA. Trong cuộc viếng thăm Học viện Đức Bà nổi tiếng nhất ở Bangladesh, chiều ngày 2-12-2017, ĐTC đã gặp gỡ 7.000 bạn trẻ.

Lịch sử

Sau khi Ấn Độ và Pakistan được phân thành hai nước độc lập hồi năm 1947, người ta nhận thấy đa số các đại học và trường cao đẳng toạ lạc tại miền tây Bangal, nhất là ở thành phố Calcutta. Vì thế vào năm 1949, các cha Dòng Thánh Giá, hồi đó đã có mặt ở thành phố Dhaka, đã quyết định thành lập Học viện Đức Bà, như chi nhánh của Trường Trung học Thánh Gregorio được thành lập hồi năm 1882, dưới thời người Anh còn cai trị miền này. Năm 1954, Học viện Đức Bà cũng đón nhận các học sinh thuộc mọi tôn giáo. Năm sau đó, theo hiệp định ký kết với Đại học Dhaka, Học viện Đức Bà được cấp bằng đại học 3 năm thuộc các khoa nghệ thuật, khoa học, quản trị xí nghiệp và khoa nhân văn và xã hội. Học viện này nổi tiếng là trường có phẩm chất cao nhất nước Bangladesh, mỗi năm đón nhận 3.000 sinh viên, trong đó có 125 người được học bổng.

Đến nơi, ĐTC đã dùng xe mui trần đi vòng quanh sân học viện để chào thăm các giáo sư và sinh viên, trước khi được Đức cha Subroto Howlader, Dòng Thánh Giá, đặc trách mục vụ giới trẻ và Cha Viện trưởng Đại học, Cha Giám đốc Học viện Đức Bà tiếp đón. Ngài làm phép viên đá đầu tiên để xây Đại học Đức Bà Bangladesh, cùng với một bia kỷ niệm.

Tiếp đến, ngài gặp gỡ 7.000 sinh viên và người trẻ tụ tập tại sân thể thao của Học viện Đức Bà. Một nhóm sinh viên đã chào đón ngài bằng một vũ điệu, tiếp đến là những bài ca và chứng từ của hai bạn trẻ nam nữ.

Lời chào mừng của Đức cha Rozario và chứng từ

Trong lời chào mừng ĐTC, Đức cha Gervas Rozario, Phó Chủ tịch HĐGM Bangladesh, cho biết trong số 160 triệu dân tại nước này, có 1 phần 3 là người trẻ, phần lớn là học sinh và sinh viên. Mỗi năm gần 40.000 người theo học tại các trường do Giáo Hội đảm trách, như 11 học viện Công giáo và Đại học Đức Bà Bangladesh. Tuy các tín hữu Công giáo tại đây chưa chiếm tới 0,5% dân số, nhưng sự đóng góp của các trường Công giáo rất lớn trong việc thăng tiến phẩm chất giáo dục và huấn luyện luân lý cho người trẻ. Phần lớn các sinh viên học sinh theo học tại các trường của Giáo Hội không phải là tín hữu Kitô.

Đức cha Rozario cũng nói đến một số người trẻ Bangladesh, vì nghèo khổ và khó khăn, đã trở thành mồi cho các ý thức hệ giả dối, trào lưu tôn giáo cuồng tín, chủ nghĩa duy tương đối, nạn nghiện ma tuý. Họ cũng sa vào lối sống phá huỷ cuộc đời, kể cả nạn bạo lực và khủng bố. Giáo hội Công giáo tại đây đã đề ra nhiều sáng kiến để giúp đỡ những người trẻ lầm lạc trở về đường ngay nẻo chính.

Tiếp lời Đức cha Gervas, một nữ sinh tên là Upsasana Ruth Gomes, trong chứng từ, đã nói đến sự hăng say của người trẻ, nhưng cô cũng nói đến những trường hợp người trẻ bị hoang mang, mất hướng đi, xuống tinh thần và thất vọng, nhiều khi đánh mất ý nghĩa cuộc đời. Cô nói: “Khi thấy những bất công trên thế giới, nạn lạm dụng thiên nhiên, các gia đình tan vỡ, nạn đàn áp và tình trạng bấp bênh của phụ nữ và trẻ em, chúng con cảm thấy vô vọng và bất lực. Trong tư cách là thiếu nữ, chúng con tìm kiếm nhân quyền và tiến thân trong xã hội, phẩm giá cho mọi phụ nữ và đảm bảo sự tham gia của chúng con vào đời sống xã hội. Chúng con tin rằng một ngày kia chúng con sẽ vượt qua được các vấn đề.”

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ tại cuộc gặp gỡ, ĐTC khích lệ các bạn trẻ hãy hăng hái tiến bước, trong mọi hoàn cảnh, tốt cũng như xấu, tiến bước, đặc biệt trong những lúc các bạn cảm thấy bị đè nén vì các vấn đề và vì sầu muộn, nhìn quanh ta, dường như Thiên Chúa không xuất hiện ở chân trời. 
 
Ngài nói:

“Nhưng khi tiến bước, các bạn hãy chắc chắn mình chọn con đường đúng. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là biết du hành trong cuộc đời, chứ không phải đi lang thang không có mục đích. Cuộc đời chúng ta không phải là không có đường hướng, trái lại nó có một mục đích Chúa ban cho chúng ta. Chúa hướng dẫn, dìu dắt chúng ta bằng ơn thánh của Ngài. Như thể Chúa đã đặt trong chúng ta một software, một phần mềm, giúp chúng ta phân định chương trình của Chúa và đáp lại trong tự do. Nhưng cũng như mọi phần mềm, cả chương trình ở trong chúng ta cũng cần phải luôn được cập nhật. Các bạn hãy cập nhật chương trình của các bạn, bằng cách lắng nghe Chúa và chấp nhận thách đố thi hành thánh ý Chúa.”

Trong chiều hướng này, ĐTC đặc biệt giải thích về sự khôn ngoan nảy sinh từ đức tin. “Đây không phải là sự khôn ngoan giả tạo của thế gian này. Đó là sự khôn ngoan ta thấy nơi đôi mắt của cha mẹ và ông bà nội ngoại, đã đặt niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta có thể thấy nơi đôi mắt của các ngài ánh sáng sự hiện diện của Thiên Chúa, ánh sáng mà các ngài đã khám phá nơi Chúa Giêsu là chính sự khôn ngoan của Thiên Chua (x. 1 Cr 1,24). Để nhận được sự khôn ngoan ấy, chúng ta cần phải nhìn thế giới, nhìn những tình trạng, các vấn đề của chúng ta với đôi mắt của Thiên Chúa. Chúng ta nhận được sự khôn ngoan ấy khi chúng ta bắt đầu nhìn sự việc với đôi mắt của Chúa, lắng nghe tha nhân với đôi tai của Thiên Chúa, yêu thương với con tim của Chúa và thẩm định sự việc theo giá trị của Chúa.”

ĐTC cũng xác quyết: “Sự khôn ngoan ấy giúp chúng ta nhận ra và loại bỏ những lời hứa hẹn hạnh phúc giả tạo. Một nền văn hoá đưa ra những lời hứa giả dối như thế thì không thể giải thoát, nó chỉ đưa tới một sự ích kỷ làm cho tâm hồn tràn đây tối tăm và cay đắng. Trái lại sự khôn ngoan của Thiên Chúa giúp chúng ta biết cách đón tiếp và chấp nhận những người hành động và suy nghĩ khác chúng ta. Thật là buồn nếu chúng ta bắt đầu khép kín mình trong thế giới nhỏ hẹp của chúng ta và co cụm vào mình… Khi một dân tộc, một tôn giáo hoặc một xã hội trở thành một “thế giới nhỏ hẹp” thì chúng đánh mất những điều tốt đẹp và sa vào một não trạng tự phụ, vào thái độ ‘tôi tốt, anh xấu’.”

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC khẳng định:

“Sự khôn ngoan của Thiên Chúa cũng giúp chúng ta nhìn xa hơn bản thân để nhìn nhận sự tốt lành của gia sản văn hoá chúng ta. Nền văn hoá của các bạn dạy tôn trọng người già. Như tôi đã nói, người già giúp chúng ta quý chuộng sự tiếp nối các thế hệ. Họ mang ký ức và sự khôn ngoan từ kinh nghiệm, giúp chúng ta tránh lặp lại những sai lầm của quá khứ. Người già có đoàn sủng lấp đầy khoảng cách, vì đảm bảo cho các giá trị quan trọng nhất được truyền lại cho con cháu. Qua những lời nói, tình thương, sự quý mến và sự hiện diện của người già, chúng ta hiểu rằng lịch sử không bắt đầu với chúng ta, và chúng ta là thành phần của một cuộc lữ hành từ xưa, và thực tại lớn hơn chúng ta. Vậy các bạn hãy nói chuyện với cha mẹ và ông bà; đừng trải qua thời gian cả ngày với điện thoại di động, mà không để ý gì tới thế giới chung quanh các bạn!”

ĐTC kết luận: “Các bạn trẻ thân mến, khi nhìn khuôn mặt các bạn, tôi rất vui mừng và hy vọng: vui mừng và hy vọng cho các bạn, cho đất nước, cho Giáo Hội và cho cộng đoàn của các bạn. Ước gì sự khôn ngoan của Thiên Chúa tiếp tục soi sáng để các bạn dấn thân tăng trưởng trong tình yêu thương, trong tình huynh đệ và sự tốt lành. Khi giã từ đất nước các bạn hôm nay, tôi hứa cầu nguyện để tất cả các bạn tiếp tục tăng trưởng trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.”

Cuộc gặp gỡ kết thúc bằng bài ca hoà bình, với lời chào kết thúc và cám ơn của ĐHY D’Rozario, TGM Giáo phận Dhaka, đối với ĐTC, nhân danh mọi người.

Giã từ Bangladesh

Bấy giờ đã hơn 4 giờ chiều. ĐTC ra phi trường thủ đô Dhaka cách đó 18 cây số. Tại đây, ngài được Bà Thủ tướng Sheik Hasina, cùng với các đại diện chính quyền và các giám mục đón tiếp và tiễn biệt.

Máy báy Boeing 777 của hãng hàng không Bangladesh chở ĐTC và đoàn tháp tùng cất cánh lúc hơn 5 giờ chiều giờ địa phương, và sau gần 11 giờ bay, vượt qua hơn 7.540 cây số, máy bay đã đáp xuống phi trường Fiumicino của thành Roma, lúc 11 giờ đêm. Trong vòng 6 tuần nữa, ngài sẽ thực hiện chuyến viếng thăm thứ 22 tại nước ngoài, từ 15 đến 18-1-2018 tại Chilê, và sau đó từ 18 đến 21-1-2018 tại Peru.

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP