10/01/2025

Sông Đồng Nai và 3 triệu m3 nước thải/ngày: Xử lý thế nào?

Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải sinh hoạt nông thôn và nước thải công nghiệp của 11 tỉnh lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mỗi ngày lên đến hơn 3 triệu m3.

 

Sông Đồng Nai và 3 triệu m3 nước thải/ngày: Xử lý thế nào?

 

 Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải sinh hoạt nông thôn và nước thải công nghiệp của 11 tỉnh lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mỗi ngày lên đến hơn 3 triệu m3.


Sông Đồng Nai và 3 triệu m3 nước thải/ngày: Xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, nhiều dự án xử lý nước thải sinh hoạt ở các địa phương đã được đầu tư nhưng triển khai chậm. Trong ảnh: Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM) tuy đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có hệ thống ống hút nước – Ảnh: NAM TRẦN

Dự báo đến năm 2020, tổng lượng nước thải mỗi ngày của lưu vực này đạt mức gần 4,5 triệu m3. Trong khi đó, lượng nước thải đã qua xử lý thải ra môi trường hiện vẫn ở mức rất khiêm tốn.

Tỉ lệ nước thải được xử lý thấp

Số liệu báo cáo mới nhất cho thấy tổng lượng nước thải mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM ước khoảng 1,75 triệu m3, bao gồm gần 50.000m3 nước thải của 21 khu công nghiệp (KCN). Trong đó lượng nước thải được thu gom, qua xử lý trước khi thải ra môi trường chỉ đạt khoảng 21%.

Ngoài lượng nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý qua các hệ thống xử lý tập trung ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chỉ một lượng nhỏ nước thải sinh hoạt, khoảng 171.000m3 được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và trạm xử lý nước thải (hồ sinh học) Bình Hưng Hoà.

 

Tương tự, tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… phần lớn lượng nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý trong khi nước thải sinh hoạt đô thị chỉ được thu gom, xử lý ở mức trên dưới 20%, còn lại xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên. 

Riêng ở Đồng Nai, lượng nước thải công nghiệp từ 31 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn mỗi ngày gần 102.000m3, được xử lý tại các hệ thống xử lý tập trung hơn 72.000m3 (71%), còn lại gần 30.000m3 do các doanh nghiệp tự xử lý.

Theo đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-2007, đến năm 2015 ít nhất 60% các khu đô thị và 100% các kcn, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Tuy nhiên, đến nay nhiều khu đô thị ở các tỉnh vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và một số KCN vẫn chưa kiểm soát triệt để lượng nước thải công nghiệp xả ra môi trường. 

Gần đây nhất, ngày 8-9-2017, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư KCN Việt Hương 2 (huyện Bến Cát) gần 2 tỉ đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và xả nước thải ra sông Sài Gòn khi chưa được cấp giấy phép xả thải.

Sông Đồng Nai và 3 triệu m3 nước thải/ngày: Xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Sơ đồ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Nhiều dự án xử lý nước thải chậm triển khai

Thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, nhiều dự án xử lý nước thải sinh hoạt ở các đô thị đã được Thủ tướng và UBND các tỉnh phê duyệt đưa vào quy hoạch, kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, không ít dự án triển khai rất chậm.

Đơn cử dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có vốn đầu tư 263 tỉ đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 2-2012, hiện mới đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư để trình trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện. 

Tỉnh Lâm Đồng hiện có hai KCN Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) và Phú Hội (huyện Đức Trọng) đều phải tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nước thải được xử lý cục bộ tại nhà máy trước khi xả ra sông suối.

Trong khi đó, từ tháng 9-2013 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và thu gom, xử lý nước thải khu đô thị mới Phú Mỹ, huyện Tân Thành trước khi thải ra sông Thị Vải. Trong đó, bao gồm một nhà máy xử lý nước thải công suất 29.700m3/ngày đêm và hệ thống thu gom nước thải tổng chiều dài gần 124km. 

Dự án này đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ tháng 4-2016 nhưng đến nay vẫn còn trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và thương thảo hợp đồng một số gói thầu. 

Ông Đỗ Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco), cho biết lý do chậm là vướng đền bù giải phóng mặt bằng, chậm nguồn vốn.

Tại tỉnh Bình Thuận, dự án xử lý nước thải tập trung của TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (có vốn đầu tư 610 tỉ đồng) đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 2014 cũng mới được cơ quan chức năng đưa vào kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017-2018.

Riêng tại tỉnh Ninh Thuận, báo cáo mới nhất của UBND tỉnh này cho biết đã đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động dự án thu gom và xử lý nước thải TP Phan Rang – Tháp Chàm giai đoạn 1 với công suất 5.000m3/ngày đêm và đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 với công suất lên 10.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, cho biết ước tính tại Long An mỗi ngày có khoảng 26.000m3 nước thải đô thị và khoảng 142.000m3 nước thải từ các khu, cụm công nghiệp. 

Đến nay, ngoài dự án xử lý nước thải cho thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng với công suất 1.300m3/ngày đêm đang triển khai và sắp hoàn thiện đi vào hoạt động, tất cả các đô thị còn lại đều chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Các đô thị còn lại trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, toàn bộ nước thải phát sinh được xả thẳng ra môi trường.

Sông Đồng Nai và 3 triệu m3 nước thải/ngày: Xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Biên Hoà trên sông Đồng Nai – Ảnh: V.LAM

TS Đỗ Đức Dũng (viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam):

Kiểm soát chặt việc xả thải vào sông Sài Gòn

Vấn đề nguồn nước của lưu vực sông Đồng Nai hết sức quan trọng. Hầu hết nguồn nước cấp cho TP.HCM lấy từ thượng nguồn sông Sài Gòn nên việc kiểm soát xả thải, giám sát chất lượng nguồn nước cần được thực hiện nghiêm túc.

Tôi kiến nghị các tỉnh cần có quy hoạch phân vùng xả thải, phân vùng bảo vệ các hồ chứa ở thượng nguồn. Riêng với trường hợp hồ Dầu Tiếng và thượng nguồn sông Sài Gòn, mặc dù các chỉ số quan trắc rất tốt nhưng thông tin cho thấy vẫn phát hiện các trường hợp xả thải trái phép.

Do đó, nếu không kiểm soát tốt việc xử lý nước thải, xả thải thì việc cấp nước cho các tỉnh thành Tây Ninh, Long An, TP.HCM sẽ khó đảm bảo.

Ông Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM):

Đầu tư “da beo” do thiếu vốn

Hầu hết các dự án vệ sinh môi trường, xử lý nước thải có vốn đầu tư lớn, phần lớn đều vay vốn ODA hoặc kêu gọi đầu tư. Trong phân kỳ thực hiện, hạng mục nào có nguồn vốn vay hoặc có đơn vị đầu tư sẽ thực hiện trước nên xảy ra tình trạng một số dự án có nhà máy nhưng thiếu đường ống.

Đó là chưa kể một số dự án do triển khai chậm, phát sinh những việc không thống nhất với nhau dẫn đến bị cắt vốn. Điều này làm cho các dự án thực hiện theo kiểu “da beo”, thiếu tính đồng bộ.

Để giải quyết bài toán này vẫn phải quay lại vấn đề vốn, đây là vấn đề mang tầm cả nước chứ không riêng gì ở TP.HCM. Nếu không có cơ chế đột phá, không tập trung các nguồn lực để kết nối đồng bộ các dự án này, tình trạng đầu tư “da beo”, không hiệu quả đối với dự án nước thải sẽ còn kéo dài.

TP.HCM: đầu tư thiếu đồng bộ

TP.HCM đã chi hàng ngàn tỉ đồng xây các nhà máy xử lý nước thải đô thị. Thế nhưng nhiều dự án đầu tư nửa vời, nguồn nước thải ô nhiễm đổ ra sông vẫn tiếp diễn.

Sông Đồng Nai và 3 triệu m3 nước thải/ngày: Xử lý thế nào? - Ảnh 6.

Trạm bơm lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hiện bơm nước từ các cống nước thải rồi bơm ra sông nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải – Ảnh: HỮU KHOA

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát với vốn đầu tư hơn 1.860 tỉ đồng vận hành từ tháng 10-2017. 

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Phú Điền (đơn vị đầu tư) khẳng định đây là dự án xử lý nước thải đầu tiên của cả nước, xử lý nước thải đạt loại A trước khi thải ra môi trường và cũng là nhà máy duy nhất tại VN cho đến nay sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Nhà máy hiện đại chạy cầm chừng

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát công suất 131.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1), mục tiêu xử lý lượng nước sinh hoạt tại các địa phương với dân số ước khoảng 700.000 người trước khi đổ ra kênh Tham Lương – Bến Cát. 

Tưởng rằng nguồn nước sinh hoạt từ nay sẽ được thu gom xử lý trước khi thải ra kênh Tham Lương – Bến Cát, giúp cải thiện mức độ ô nhiễm của con kênh này, tuy nhiên đến nay đường cống thu gom nước thải đưa về để xử lý (54km cống, trong đó có 9km tuyến cống bao… thuộc một dự án khác) vẫn chưa được thi công. 

Để có nguồn nước xử lý khoảng 10.000 m3/ngày (chiếm 10% công suất thiết kế) nhằm chạy cầm chừng, đơn vị đầu tư đã phải làm đường ống tạm.

Dự án xử lý nước thải lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì trong tình trạng “dở khóc, dở cười”: có đường ống thu gom nước thải nhưng lại chưa có nhà máy xử lý nhiều năm qua. 

Người dân sống dọc theo con kênh này phấn khởi khi nước kênh “hồi sinh”, nhưng có thể nhiều người không biết rằng để dòng kênh trong xanh hơn thì một lượng lớn nước thải sinh hoạt của 1,2 triệu hộ dân trong lưu vực này thay vì được xử lý thì bơm thẳng ra sông Sài Gòn. 

Lý do: nhà máy xử lý nước thải dự kiến xây dựng trên địa bàn Q.2 không được thi công đồng bộ với dự án trên.

Theo Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được đặt 59 giếng thu gom nước thải vào tuyến cống bao có đường kính 3m, dài 8,5km đưa ra tới trạm bơm ở bờ sông Sài Gòn. 

Ông Nguyễn Hữu Long Giao, giám đốc trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cho biết mỗi ngày trạm huy động 3 máy bơm, bơm khoảng 230.000m3 nước thải, có thời điểm trạm bơm này bơm 550.00m3 nước thải xả ra sông Sài Gòn để pha loãng ô nhiễm. 

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè “hồi sinh” bao nhiêu thì dòng sông Sài Gòn lại đang gánh chịu nước thải ô nhiễm bấy nhiêu. Ước tính hàng trăm triệu mét khối nước thải sinh hoạt đổ ra sông thay vì đưa về nhà máy xử lý.

Phải chờ nhiều năm nữa

Về hướng giải quyết đối với dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường cho biết hạng mục xây dựng thêm một tuyến cống bao dài 8km từ bờ đông Sài Gòn chạy về Nhà máy xử lý nước thải P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) đã khởi công tháng 4-2017. 

Riêng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày với tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn này là 524 triệu USD (bao gồm cả tuyến cống bao) đang trong giai đoạn đấu thầu, khả năng năm 2018 mới có thể khởi công.

Đề cập việc đầu tư không đồng bộ tại dự án xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát, ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư, cho hay hạng mục cống bao thu gom nước về nhà máy thuộc dự án Quản lý rủi ro chống ngập lụt với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 

Tuy nhiên, tháng 6-2017, UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới thống nhất không sử dụng nguồn vốn trên nữa nên hạng mục trên cũng dang dở. Hiện TP.HCM đang tìm nguồn vốn khác để xây dựng hệ thống thu gom đưa về nhà máy xử lý nhằm tránh lãng phí.

Với Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát, trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước (chủ đầu tư dự án trên) cho biết trước mắt đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM cho phép đầu tư xây khoảng 3km tuyến cống bao, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 tỉ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải 40-50% công suất của nhà máy, trong khi chờ nguồn vốn khác triển khai toàn bộ hạng mục tuyến cống bao chính.

Theo một chuyên gia về môi trường, dù làm đường cống tạm cũng mất hai năm, bởi quá trình làm cống bao phải thi công kích ngầm cũng như làm thủ tục liên quan. 

Đó là chưa kể đến việc nhà máy xử lý nước thải chưa đạt công suất thiết kế sẽ ảnh hưởng đến quá trình đánh giá tính hiệu quả của dự án trước khi chuyển giao lại cho đơn vị quản lý vận hành là Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước.

Như vậy, câu chuyện nghịch lý “có nhà máy không có đường ống, có đường ống nhưng không có nhà máy” tiếp tục còn kéo dài nhiều năm nữa, nghĩa là hàng trăm ngàn mét khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý tiếp tục xả ra môi trường.

Theo quy hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng, vận hành 11 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng lượng nước thải được xử lý hơn 1,86 triệu m3/ngày.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện chỉ có hai nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động, công suất chỉ khoảng 171.000 m3/ngày (chiếm 9,2% so với lượng nước thải phải xử lý theo quy hoạch).

 

Đó là Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, công suất 141.000 m3/ngày và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 30.000 m3/ngày.

 

N.TRIỀU – M.VINH – Đ.HÀ – S.LÂM – Q.KHẢI – Đ.PHÚ