Báu vật Phù Nam
Lần đầu tiên, kho báu cổ vật di sản cách đây hàng ngàn năm, từng tạo nên dấu ấn của vương quốc Phù Nam, được mở rộng cửa để công chúng thưởng ngoạn.
Báu vật Phù Nam.
Lần đầu tiên, kho báu cổ vật di sản cách đây hàng ngàn năm, từng tạo nên dấu ấn của vương quốc Phù Nam, được mở rộng cửa để công chúng thưởng ngoạn.
Sáng 29.11, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với bảo tàng các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề đặc biệt: Báu vật vương quốc cổ – Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo. Có hơn 300 hiện vật khai quật từ các di tích thuộc văn hoá Óc Eo từ năm 1944 đến nay được trưng bày, thể hiện óc thẩm mỹ và trình độ nghệ thuật cao của cư dân văn hoá Óc Eo.
TIN LIÊN QUAN
Triển lãm 1.000 hiện vật Óc Eo
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hoá Óc Eo (H.Thoại Sơn, An Giang), cho biết từ ngày 29.9 – 30.10 tại Ban Quản lý di tích văn hoá Óc Eo sẽ diễn ra triển lãm trưng bày văn hoá Óc Eo Nam bộ với chủ đề Gốm Óc Eo – nghệ thuật đặc sắc Phù Nam.
Hội tụ các báu vật tinh hoa
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: Sự phát hiện di tích cảng thị Óc Eo – Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang) vào năm 1944 của nhà khảo cổ học Louis Malleret là phát hiện mang tính chất đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc nhận thức, kiểm chứng và khẳng định sự tồn tại của vương quốc cổ Phù Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7. Tiếp đó, các cuộc điền dã và khai quật khảo cổ học từ Kiên Giang cho đến vùng cao trung lưu sông Đồng Nai sau 1975 cũng “khám phá” thêm nhiều di tích quan trọng cùng nhiều hiện vật quý hiếm.
Trong số đó, sản phẩm kim hoàn và trang sức của văn hoá Óc Eo rất đa dạng về loại hình, phong cách và đề tài trang trí được chế tác cầu kỳ, tinh xảo không chỉ là những tuyệt phẩm từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân mà còn thể hiện cả tư duy trong đời sống văn hóa tinh thần. Nhưng thật đáng tiếc, lâu nay các hiện vật vô giá ấy vẫn cứ “ngủ yên” trong kho của các bảo tàng…
Ròng rã một năm lên ý tưởng, khảo sát và tiếp nhận hiện vật, ý nguyện “hội tụ” các báu vật chưa từng thấy của nền văn hoá Óc Eo để giới thiệu công khai của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM giờ mới thành hiện thực. Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nói: “Khi xem các lá vàng dát mỏng với kỹ thuật chạm, khắc cùng nhiều đề tài trang trí như nhân thần, linh thú, biểu tượng, hoa sen, văn tự…, tôi thực sự kinh ngạc về sự điêu luyện của người xưa. Các vị thần trên các mảnh vàng: Thần Vishnu trong tư thế đứng thẳng, đầu đội mũ trụ, 4 tay cầm những vật đặc trưng như vỏ ốc, cây chùy; thần Surya với tay cầm hoa sen; thần Shiva với con mắt thứ ba giữa trán; thần Kalkin với đầu ngựa, chim thần Garuda cùng những nam thần, nữ thần… hoành tráng và đẹp không thể tưởng tượng”.
Đến khu trưng bày vàng lá, người xem bất ngờ với những cánh hoa bằng vàng vừa hé nở, có hoa đã nở rộ, cạnh đó là những hình ảnh như ốc, bánh xe, mặt trời, mặt trăng khuyết. Tất cả đều được trau chuốt, gia công kỹ lưỡng và kỹ thuật khắc miết, tạo chữ nổi trên lá vàng cho thấy tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật tạo chế đã phát triển vượt bậc trong nghề kim hoàn của cư dân Óc Eo. Phần hạt chuỗi được chế tác với nhiều kiểu dáng, kích thước và màu sắc khác nhau. Loại hình chất liệu phong phú: đá quý, đá màu, mã não, thủy tinh và đất nung. Một số hạt còn được chạm, sơn vẽ mặt ngoài với nhiều đề tài rất mỹ thuật. Loại hình vật đeo đặc biệt vừa có chức năng trang sức vừa làm bùa hộ mệnh.
Các hiện vật chủ yếu được làm bằng chì thiếc, hình dáng phổ biến là hình chữ nhật với các đề tài trang trí như ốc, đinh ba, bình hoa, văn tự để theo chân các đoàn thương nhân, ngoài ý nghĩa trang sức, bùa hộ mệnh các vật đeo này còn kiêm thêm chức năng con dấu “chứng nhận uy tín” đóng trên các kiện hàng làm ăn.
“Giải mã” nền văn minh cổ đại rực rỡ
Cùng với Chămpa, nền văn hoá Óc Eo là một trong hai nền văn hoá được xếp vào loại rực rỡ nhất của nền văn minh cổ đại VN. Theo TS Hoàng Anh Tuấn: “Qua nhiều cuộc khai quật đã thu về một số lượng lớn các loại hạt chuỗi tại nhiều di tích cư trú. Hạt chuỗi có hình dáng và kỹ thuật tạo tác nhiều nét tương đồng với các loại được tìm thấy cùng thời tại Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã… Điều này cho thấy vai trò trung tâm, vị trí thương cảng quốc tế quan trọng của Óc Eo trong việc kết nối kinh tế – văn hoá giữa Óc Eo với các nước trên thế giới”.
TS Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết sự xuất hiện của con dấu, từng được sử dụng rộng rãi ở những nền văn hoá lớn thời cổ đại: Ấn Độ và La Mã, là biểu tượng của sự văn minh trong việc thể hiện chức năng quản lý xã hội. Điểm khác biệt ở Óc Eo là con dấu không thành sản phẩm riêng biệt mà được sử dụng kết hợp làm mặt trang trí trên trang sức như nhẫn, mặt dây chuyền. Đề tài chạm khắc mang tính tả thực cao gồm các hình ảnh linh thú (sư tử, bò Nandi), biểu tượng tôn giáo (ốc, rùa, đinh ba), chữ Phạn…, chứng minh cách đây hơn 13 thế kỷ, trình độ điêu khắc nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao. Một số khác mang hình ảnh có thể là nhân thần hay những người có chức quyền trong xã hội Phù Nam, là sự kết hợp của yếu tố trang sức thẩm mỹ thể hiện sự ảnh hưởng của vương quyền và thần quyền trong quản lý xã hội ở vương quốc Phù Nam.
“Trong mấy chục năm làm nghề và gắn bó với cổ vật, tôi chưa bao giờ thấy trưng bày về vương quốc Phù Nam quy mô như lần này. Các báu vật khai quật từ năm 1944 đến nay vô cùng có giá trị lần đầu tiên “đưa ra ánh sáng”, minh chứng cho thời kỳ phát triển hưng thịnh của văn hóa Óc Eo, văn minh Phật giáo của vương quốc Phù Nam, một nền văn minh rực rỡ”.
TS Bá Trung Phụ, Trưởng phòng Trưng bày (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)
|
TIN LIÊN QUAN
Giải pháp đột phá phát triển du lịch An Giang
UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Lê Công Sơn