28/11/2024

Nhật Bản bế tắc với nước nhiễm phóng xạ.

Đã hơn sáu năm kể từ khi trận động đất và sóng thần gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy điện hạt nhân số một Fukushima, Nhật Bản vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý hàng triệu tấn nước nhiễm xạ.

 

Nhật Bản bế tắc với nước nhiễm phóng xạ.

 

Đã hơn sáu năm kể từ khi trận động đất và sóng thần gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy điện hạt nhân số một Fukushima, Nhật Bản vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý hàng triệu tấn nước nhiễm xạ.

 

 

Nhật Bản bế tắc với nước nhiễm phóng xạ - Ảnh 1.

Công nhân làm việc gần bồn chứa nước nhiễm xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima – Ảnh: Reuters

Khối lượng nước “thần chết” khổng lồ này đang được chứa trong khoảng 900 bồn lớn và ngày càng “sinh sôi nảy nở”.

Chưa thống nhất phương án

Ước tính lượng nước phóng xạ ở Fukushima vẫn đang tăng lên với khối lượng khoảng 150 tấn mỗi ngày. 

Các lò phản ứng bị hư hỏng không thể sửa chữa nhưng nước làm mát vẫn phải được bơm liên tục để tránh làm các lõi hạt nhân bị nóng quá mức. Nước bị nhiễm xạ trong quá trình làm mát đó được thu gom tại tầng hầm.

 

 

Ở đó, lượng nước bị nhiễm xạ tăng lên, do bị hoà lẫn với nước ngầm thấm qua các vết nứt trong các tòa nhà chứa lò phản ứng. 

Sau khi được xử lý, 210 tấn nước được tái sử dụng và 150 tấn được đưa đến bồn chứa. Trong trường hợp mưa lớn, lượng nước ngầm tăng lên đáng kể, càng góp phần làm tăng lượng nước nhiễm xạ.

Lượng nước nhiễm xạ này đã gây đau đầu và tốn kém cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), công ty sở hữu Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. 

Để giảm lượng nước ngầm rò rỉ vào tầng hầm, công ty đã đào hàng chục giếng để bơm nước ngầm ra trước khi nó đến các toà nhà có lò phản ứng và cho xây một “bức tường băng” dưới lòng đất nhằm làm lạnh một phần mặt đất xung quanh lò phản ứng.

Năm ngoái, ban tư vấn của chính phủ ra khuyến nghị TEPCO nên hòa loãng nước nhiễm xạ lên 50 lần và xả khoảng 400 tấn nước đã pha loãng ra biển mỗi ngày – một quá trình dự kiến sẽ mất gần một thập kỷ để hoàn thành. Ý tưởng này bị ngư dân cực lực phản đối.

Một số chuyên gia đề nghị chuyển các bồn chứa đến các kho trung gian, hoặc hoãn việc xả thải ít nhất đến năm 2023. Tepco cho biết vấn đề nên do chính phủ quyết định vì người dân đã mất niềm tin vào công ty.

Dân không tin khoa học

Các chuyên gia cố vấn cho chính phủ đã đề nghị Nhật Bản từng ít một xả nước nhiễm xạ vào Thái Bình Dương. Cơ sở của lời khuyên này là việc xử lý đã loại bỏ tất cả các nguyên tố phóng xạ, chỉ trừ tritium, và tritium với tỉ lệ thấp vẫn an toàn cho con người.

Việc này nhằm tránh rủi ro chẳng hạn bất ngờ xảy ra một trận động đất lớn hoặc sóng thần, những thùng chứa nước nhiễm xạ này có thể gây ra một cơn ác mộng không thể kiểm soát.

Tuy nhiên, ngư dân địa phương lại ngần ngại trước đề nghị này. Họ cho rằng khi thải nước nhiễm xạ, dù cơ quan nào có chứng nhận biển an toàn thì nó vẫn “ô nhiễm” trong mắt người tiêu dùng và điều đó sẽ đặt dấu chấm hết đối với nghề cá của địa phương, vốn mới hồi phục nhẹ sau thảm hoạ.

Ngư dân vùng Fukushima trước đây đi biển hầu như mỗi ngày, nhưng hiện nay chỉ khoảng một nửa trong số 1.000 ngư dân tiếp tục giữ nghề và chỉ đi biển hai lần/tuần vì nhu cầu cá giảm mạnh. 

Các ngư dân phải tham gia vào một chương trình kiểm tra chất lượng cá để vớt vát niềm tin của người tiêu dùng.

Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm lấy mẫu cá tại cảng Onahama ở Iwaki, xét nghiệm và ghi lại các thông tin về ngư dân và ngư trường đánh bắt. 

Cá được bán tại siêu thị phải có nhãn “an toàn” của cơ quan kiểm nghiệm. Yoshiharu Nemoto, một nhà nghiên cứu cao cấp của cơ sở xét nghiệm Onahama, cho biết các tiêu chí xét nghiệm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt nhất thế giới: chỉ số caesium thấp hơn một nửa tỉ lệ cho phép của Nhật Bản và bằng 1/10 tỉ lệ cho phép ở Mỹ hoặc EU.

Tuy nhiên, sự khẳng định của các nhà khoa học không tới tai người tiêu dùng. Một cuộc khảo sát do Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tiến hành vào tháng 10 năm nay cho thấy tỉ lệ người tiêu dùng Nhật Bản không ăn cá và các thực phẩm khác từ Fukushima đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cứ trong 5 người thì có 1 người không đụng đến thực phẩm từ Fukushima.

Không nên xả ra môi trường

Naoya Sekiya, chuyên gia về thông tin trong tình huống thảm họa và tâm lý xã hội của Đại học Tokyo, cho rằng nước nhiễm xạ từ nhà máy hạt nhân không nên xả ra môi trường cho đến khi mọi người dân được thông tin đầy đủ và sẵn sàng về mặt tâm lý.

“Xả nước nhiễm xạ chỉ dựa trên khẳng định về an toàn của giới khoa học mà không giải quyết mối quan tâm của dân chúng là không thể chấp nhận trong một xã hội dân chủ. Tiến hành một cách duy ý chí khi mọi người chưa sẵn sàng sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn” – ông nói.

HỒNG VÂN