Vượt qua nỗi đau ung thư: Nghị lực sống của mẹ con cô giáo
Đưa con đi chữa bệnh ung thư máu, một cô giáo trẻ ở Nghệ An cũng phát hiện mình bị ung thư hạch.
Vượt qua nỗi đau ung thư: Nghị lực sống của mẹ con cô giáo.
Đưa con đi chữa bệnh ung thư máu, một cô giáo trẻ ở Nghệ An cũng phát hiện mình bị ung thư hạch.
Đó là câu chuyện của hai mẹ con cô Phạm Thị Thu Hà (37 tuổi) và bé Nguyễn Phạm Bảo Ngọc (8 tuổi), ngụ xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Tôi luôn dặn lòng mình rằng không được phép gục ngã vì ngoài mình ra thì không có ai có thể lo cho vợ con
Anh NGUYỄN XUÂN NGỌ
Chữa bệnh cho con, mẹ phát hiện ung thư
Vợ chồng cô Hà đều là giáo viên cấp II. Cuộc sống gia đình vốn bình lặng như bao gia đình khác ở vùng quê đất chè Thanh Chương cho đến ngày biến cố ập đến khi cả hai mẹ con đều phát hiện mắc bệnh ung thư.
Cô Hà kể tháng 11-2016, bé Ngọc bị sốt liên miên cả tháng trời. Mỗi lần con sốt, cô cho con uống thuốc hạ sốt rồi đưa đến bệnh viện huyện kiểm tra nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn.
Nhìn con gầy yếu, xanh xao, gia đình quyết định khăn gói đưa con ra Hà Nội khám. Ở đây, bác sĩ chẩn đoán bé Ngọc ung thư máu cấp tính.
“Nhận giấy kết quả xét nghiệm của con từ bác sĩ bảo cháu bị ung thư máu sau những dấu hiệu đau, sốt và bầm tím ở chân tay, vợ chồng tôi như chết lặng vì nghĩ cháu ở nhà đang ngoan ngoãn lại bỗng nhiên mang án tử treo lơ lửng trên đầu. Tôi sợ một ngày phải xa con” – cô Hà nhớ lại.
Những ngày ở viện chăm con, cô Hà bỗng thấy cổ mình nổi hạch to bằng quả trứng cút. Khám bệnh ở Bệnh viện K (Hà Nội), cô quay về quê đi dạy. Nỗi lo điều trị bệnh cho con chưa kịp nguôi thì cô lại nhận tin dữ mình bị ung thư hạch, u lympho Hodgkin – một thể của bệnh ung thư máu.
Sau đó cô Hà nằm điều trị ở Bệnh viện K, còn bé Ngọc chữa bệnh ở Viện Huyết học truyền máu trung ương. Thấy hoàn cảnh gia đình neo người nên các bác sĩ tạo điều kiện để hai mẹ con về điều trị cùng một nơi.
Cô Hà vẫn không quên cái tết vào ba năm trước. Với cô, có lẽ đó là cái tết ảm đạm nhất của gia đình khi cả hai vợ chồng và con ở lại viện ăn tết, còn cô con gái đầu học lớp 5 thì được gửi cho bà dì trông nuôi hộ.
“Nhà có một người mắc bệnh ung thư đã khổ, đằng này gia đình tôi cả hai mẹ con đều bị. Có lúc vợ chồng tôi gần như tuyệt vọng, không biết tương lai rồi sẽ ra sao” – cô Hà chùng giọng.
Chỗ dựa tinh thần cho vợ con
Ở khoa nhi Viện Huyết học truyền máu trung ương, mọi người không xa lạ với hình ảnh người chồng, người cha tất bật chạy đi chạy lại, chu đáo chăm sóc cho hai mẹ con cô Hà.
Từ việc cho con uống thuốc, đưa con đi tắm rửa, vệ sinh, cho con ăn, lo cho con ngủ đến việc xoa bóp cho cả vợ và con… đều đến tay người chồng, người cha – anh Nguyễn Xuân Ngọ.
Từ ngày mang bệnh, cô Hà không thể đứng lớp. Anh Ngọ là trụ cột chính của gia đình cũng xin trường nghỉ dài ngày để tiện chăm sóc hai mẹ con. Chi phí điều trị tốn kém nên bao nhiêu tiền của tích cóp của hai vợ chồng trẻ và vay mượn hàng xóm, người thân đều lần lượt “đội nón ra đi”.
Buổi gặp bác sĩ, anh Ngọ được giải thích 50% thành công trong điều trị ung thư là nghị lực của chính bệnh nhân rồi mới đến thuốc men, sự sát cánh của người thân xung quanh rất quan trọng.
“Lúc đầu nghe tin con bị ung thư đã buồn, tiếp đến là vợ cũng nằm viện vì ung thư thì tôi càng ngã quỵ. Được bạn bè, các y bác sĩ chia sẻ nhiều nên tôi xác định phải mạnh mẽ để là chỗ dựa tinh thần cho vợ con chiến đấu với bệnh tật” – anh Ngọ tâm sự.
Thời gian ở viện bên cạnh hai mẹ con, anh Ngọ đều động viên vợ con kiên trì chiến đấu với bệnh tật vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Anh Ngọ nói dù có vất vả, cực khổ đến mấy vẫn chịu được vì chỉ cần vợ con khoẻ, được nghe con nói cười, múa hát là mọi buồn phiền trong anh đều tan biến.
Anh Ngọ nhớ lại những ngày đầu bé Ngọc phải truyền hóa chất khiến cháu khó thở hơn. Mỗi lần con ngằn ngặt đòi “con muốn về nhà đi học, đi múa với các bạn”, vợ chồng anh Ngọ lại lén giấu đi những giọt nước mắt vào lòng vì thương con.
“Cháu sợ trọc đầu lắm. Đợt truyền hóa chất cháu khóc không cho vì sợ sẽ rụng tóc như các bạn trong phòng bệnh sẽ rất xấu. Ngày nào cháu cũng hỏi tôi khi nào con được về nhà hả mẹ, tôi chỉ động viên con cố gắng chữa khỏi bệnh sớm sẽ về quê đi học cùng các bạn” – cô Hà nói, mắt đỏ hoe.
Sau đợt truyền hóa chất làm từng mảng tóc rụng, bé Ngọc lại thủ thỉ với cô Hà: “Nếu tóc con không còn thì mẹ nhớ mua tóc giả để con đi học múa mà không bị các bạn trêu bị bệnh mẹ nhé!”.
Việc học của bé Ngọc bị gián đoạn vì điều trị bệnh nên dù ở nhà hay ở viện, vợ chồng cô Hà lại tranh thủ dạy học cho con. Bởi vậy, bé Ngọc đã có thể đánh vần được những từ đơn giản, làm thành thạo toán cộng trừ. Những lúc sức khỏe tốt hơn, bé Ngọc còn tham gia các hoạt động văn nghệ cùng các bệnh nhi khác.
Vượt qua sự suy sụp, bi quan, sau những đợt điều trị ở bệnh viện, cô Hà tiếp tục quay lại trường truyền nhiệt huyết đến học trò. Niềm vui đứng trên bục giảng giúp cô Hà thoải mái và khoẻ ra nhiều.
Dù phải trải qua những đau đớn, mệt mỏi sau chặng đường ba năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo nhưng nụ cười của hai mẹ con cô Hà chưa bao giờ tắt. Hiện tại, mỗi tháng hai mẹ con cô Hà chỉ phải ra Hà Nội điều trị 2-3 ngày, vì sức khoẻ cả hai mẹ con đều có tiến triển tốt. Cô khoe mấy hôm nay bé Ngọc và cô đều tăng cân vì ăn uống và nghỉ ngơi điều độ.
Giữ tinh thần vững vàng
Cô Hà cho biết câu chuyện “Ước mơ của Thuý” và nhiều hoàn cảnh khác trong bệnh viện giúp cô biết rằng ung thư không phải là dấu chấm hết.
“Ông trời kêu ai thì người nấy dạ. Tôi luôn giữ tinh thần vững vàng, cảm ơn cuộc đời mỗi ngày mở mắt ra là mỗi ngày mình được sống bằng tất cả đam mê, niềm tin và hi vọng” – cô tâm sự.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hồng – phó khoa bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học truyền máu trung ương (Hà Nội), hai mẹ con cô Hà dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng rất giàu nghị lực, lạc quan vào cuộc sống.
Mẹ con cô là những tuyên truyền viên tích cực vào phong trào hiến máu của viện. “Họ tự tay gấp những cánh hạc, gói trong đó lời cảm ơn đến những người hiến máu, mang lại sự sống cho các bệnh nhân kém may mắn khác” – bác sĩ Hồng cho biết.