28/11/2024

Cảnh báo mưa lũ lớn ở Trung bộ và Nam bộ

Sau khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào các tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận và suy yếu thành vùng áp thấp, gây gió mạnh và mưa lớn, cơ quan khí tượng thuỷ văn cảnh báo lũ từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.

 

Cảnh báo mưa lũ lớn ở Trung bộ và Nam bộ

Sau khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào các tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận và suy yếu thành vùng áp thấp, gây gió mạnh và mưa lớn, cơ quan khí tượng thuỷ văn cảnh báo lũ từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.

 

 

 

Một tàu trên sông Cà Ty (Bình Thuận) bị sóng đánh chìm, ảnh chụp chiều 19.11QUẾ HÀ.

Nguy cơ lũ quét, sạt lở
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết sáng 19.11, bão số 14 đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Chiều cùng ngày, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây nguyên có mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng mưa lớn mở rộng về phía các tỉnh bắc Trung bộ. 

 
 
Đoàn công tác T.Ư thăm hỏi người dân H.Bắc Trà My
Sáng 19.11, đoàn công tác T.Ư do ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư dẫn đầu, đã có buổi làm việc tại H.Bắc Trà My (Quảng Nam). Đoàn đã thăm hỏi, trao tặng 16 phần quà cho các gia đình có người thân chết, bị thương, nhà cửa bị hư hại nặng do sạt lở núi xảy ra trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo UBND H.Bắc Trà My, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 12 người chết, 9 người bị thương, 152 ngôi nhà bị sập, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, ước tính thiệt hại hơn 114 tỉ đồng.
Ông Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời yêu cầu H.Bắc Trà My khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Dịp này, đoàn công tác T.Ư đã đến viếng hương tại Nhà lưu niệm Ban Tổ chức T.Ư, thuộc Khu căn cứ Nước Oa (xã Trà Tân, H.Bắc Trà My).
Mạnh Cường

 


Từ đêm 19 – 24.11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh trên, đặc biệt từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên hầu khắp các tỉnh thành trên. Ngoài ra, nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa ở khu vực Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ.
TP.HCM: hư hỏng 78 căn nhà, 88 phòng trọ
Ngày 19.11, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đi thực địa tại Q.Thủ Đức và Q.9 kiểm tra hiện trường, thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do giông lốc, mưa lớn vào tối 18.11. Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, tối 18.11, trên địa bàn TP.HCM xảy ra mưa lớn kèm giông lốc làm tốc mái 78 căn nhà, 88 phòng trọ, 7 trụ điện ngã đổ, 134 cây xanh bật gốc. 3 quận bị thiệt hại nhiều nhất là quận 9, Thủ Đức và Bình Tân. Tại P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ nơi ở tạm cho những hộ dân bị hư hỏng nhà. Chính quyền cũng thăm hỏi, động viên người dân sống trong 27 phòng trọ bị hư hỏng, hỗ trợ 300.000 đồng/phòng trọ và 17 nhà dân mỗi hộ 500.000 đồng.
Cứu hộ 10 thuyền viên trên biển
Chiều 19.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết khoảng 23 giờ 30 ngày 18.11, tàu SAR 412 đã đưa 8 thuyền viên tàu Ocean Bright (gặp sự cố máy chính vào tối 18.11) vào cảng Hải Đoàn 48 (TP.Quy Nhơn, Bình Định) an toàn, trong đó có 4 thuyền viên Ấn Độ.
Lúc 16 giờ 30 ngày 19.11, tàu SAR 413 thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đã đưa 2 thuyền viên Hoàng Văn Bộ (27 tuổi, quê Đắk Lắk), Nguyễn Thanh Sang (24 tuổi, quê Trà Vinh) vào cảng của trung tâm tại TP.Vũng Tàu. Hai thuyền viên này trên tàu cá BV 5124 TS bị rơi xuống biển khoảng 4 giờ cùng ngày, khi đang cách mũi Vũng Tàu khoảng 44 hải lý. Đến 11 giờ 30 cùng ngày, tàu SAR 413 đã phát hiện và cứu 2 thuyền viên.
Gỡ lệnh cấm biển từ hôm nay
Tối 19.11, đại tá Hồ Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi bão số 14 suy yếu, từ chiều cùng ngày, nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản trên các đầm, vịnh đã trở lại lồng bè. Đại tá Tùng cũng cho hay, dự kiến sáng 20.11, đơn vị sẽ đề xuất UBND tỉnh gỡ lệnh cấm biển, để bà con ra khơi bám biển. Trước đó, để ứng phó với bão số 14, tỉnh Khánh Hoà đã cấm biển từ 12 giờ ngày 18.11.
Ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết hiện ngư dân trong tỉnh đang chuẩn bị nguyên liệu, ngư lưới cụ ra khơi đánh bắt. Nếu thời tiết ổn định thì trong sáng nay (20.11), UBND tỉnh sẽ gỡ lệnh cấm biển.
Riêng UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương không được cho người dân quay lại các lồng bè trên biển vì sóng gió vẫn đang rất lớn.
Miền núi phía bắc rét đậm
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư từ hôm nay 20.11, không khí lạnh tiếp tục xuống các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ. Chiều 19.11, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi các tỉnh phía bắc yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp chống rét cho người và gia súc. Theo đó, các tỉnh miền núi phía bắc chủ động kế hoạch cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp; hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn phòng chống rét cho gia súc…
P.Hậu


 

Thanh Niên