11/01/2025

Nhất thống lãnh thổ và thống nhất nước nhà – chữ nào đúng?

Trong nhiều cuộc họp, ta thường gặp cách nói: Tôi thống nhất với những gì mà anh A đã trình bày.

 

Nhất thống lãnh thổ và thống nhất nước nhà – chữ nào đúng?

 

Trong nhiều cuộc họp, ta thường gặp cách nói: Tôi thống nhất với những gì mà anh A đã trình bày.

Cách diễn đạt tương tự cũng xuất hiện trong văn bản hành chính: Sau khi nghiên cứu, cơ quan B thống nhất với nội dung dự thảo…

Nhất thống lãnh thổ và thống nhất nước nhà - chữ nào đúng? - Ảnh 1.

Từ “thống nhất” dùng như thế có phù hợp hay không? Câu trả lời đòi hỏi phải tìm hiểu nghĩa của từ này và một từ cổ hơn là “nhất thống”.

1. Trong thơ văn xưa, từ “nhất thống” được dùng để chỉ hành động đưa đất nước về một mối hoặc tình trạng đất nước không còn bị chia cắt. 

Bài Hạ Gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai (Mừng quan Gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai) của Phan Phu Tiên thời Lê Sơ viết về Nguyễn Trãi (1380 – 1442) có câu: “Tứ hải phương kim quy nhất thống / Thuỳ tri lô dã ngoại đào quân”. Vân Trình dịch là: “Bốn bể nay đà về một mối / Ai hay lò tạo có tiên sinh”.

 

Vào nửa đầu thế kỷ 19, từ “nhất thống” vẫn được sử dụng, chẳng hạn trong tựa tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí và Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838). 

Đến giữa thế kỷ 19, Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871) còn dùng từ “nhất thống” trong bài Quá Hoành sơn quan hữu cảm (Cảm xúc khi qua đèo Ngang): “Thử địa tích tằng nam bắc hạn / Hân kim nhất thống bắc nam bình”. Ngô Văn Phú dịch là: “Đây chốn bắc nam chia giới hạn / Nay mừng một cõi bắc nam thành”.

2. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (1904 – 1988) xuất bản năm 1932 có cả hai mục từ “nhất thống” và “thống nhất”. “Nhất thống” được giảng nghĩa là “cả nước do một chính phủ thống trị” và “thống nhất” là “hợp cả các mối lại làm một”. Từ điển còn đưa thêm mục từ “nhất thống sơn hà” nhưng lại không có mục từ “thống nhất sơn hà”.

Như vậy, từ “thống nhất” ra đời không trễ hơn năm 1932 nhưng sau từ “nhất thống”. Vào thời điểm Đào Duy Anh biên soạn từ điển, từ “thống nhất” chưa được dùng nhiều như từ “nhất thống”.

“Sức ì” của người dùng

Pháp là một nước giàu truyền thống giữ gìn sự thanh tao của ngôn ngữ.

Nhưng ngay cả ở Pháp, thực hiện điều này không phải bao giờ cũng dễ dàng, mà một trong nhiều lý do là “sức ì” của người dùng và sự tiến triển của ngôn ngữ.

Chẳng hạn, từ điển Larousse de poche (1993) khuyên nên dùng “partir pour Lyon” (khởi hành đi Lyon), nhưng phần lớn người Pháp đều dùng “partir à Lyon”.

3. Năm 1954, nước ta tạm chia thành hai miền. Ở miền Nam, từ “nhất thống” vẫn còn được sử dụng, ít nhất trong ngôn ngữ viết. 

Trang 16 quyển Nước non Bình Định của Quách Tấn do Nam Cường xuất bản năm 1967 có câu: “Sau khi nhất thống lãnh thổ, Nguyễn Ánh lên ngôi cửu ngũ, lấy hiệu Gia Long (1802)”. Ở miền Bắc, từ “thống nhất” dần dần thay thế từ “nhất thống”. 

Nghị quyết ngày 18-1-1957 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là nghị quyết “về vấn đề đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Trong văn bản này, từ “thống nhất” xuất hiện 15 lần và không có từ “nhất thống”.

4. Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn và xuất bản lần đầu năm 1988 có cả hai mục từ “thống nhất” và “nhất thống”. 

Từ “nhất thống” được ghi nhận là từ cũ, có nghĩa là “thống nhất về một mối” và cho ví dụ “nhất thống sơn hà”. 

Đối với từ “thống nhất”, từ điển nêu ba nghĩa: “hợp lại thành một khối, có chung một cơ cấu tổ chức, có sự điều hành chung” (nghĩa 1); “làm cho phù hợp với nhau, không mâu thuẫn nhau” (nghĩa 2); “có sự phù hợp, nhất trí với nhau, không mâu thuẫn nhau” (nghĩa 3).

Từ điển tiếng Việt ghi nhận từ “thống nhất” có nghĩa 1 hoặc 2 khi dùng như động từ, động ngữ hoặc tổ hợp tương đương và nêu bốn ví dụ “thống nhất đất nước”, “thống nhất các lực lượng đấu tranh cho hoà bình”, “cần thống nhất ý kiến trước đã”, “thống nhất đồng hồ trước trận đấu”. Từ “thống nhất” có nghĩa 3 khi dùng như tính từ, ví dụ “ý kiến không thống nhất”.

Như vậy, trong cả ba nghĩa của từ “thống nhất” mà Từ điển tiếng Việt nêu, đối tượng đang xét trước đó ở trong tình trạng bị chia cắt, phân tán hoặc có mâu thuẫn. Hành động thống nhất hoặc tình trạng thống nhất nhằm xóa đi sự chia cắt, phân tán hay mâu thuẫn đó.

5. Trở lại với câu hỏi về cách dùng từ “thống nhất” ở trên, dựa vào ngữ cảnh, ta đoán được người nói, người viết muốn bày tỏ sự đồng ý với những gì đã nghe, đã đọc. 

Tuy nhiên, những điều đã nghe, đã đọc này không ở trong tình trạng bị chia cắt, phân tán, khác biệt hay mâu thuẫn và người nói, người viết không có hành động gì để cải thiện tình trạng đó. Vì vậy, dùng từ “thống nhất” như thế là chưa phù hợp với Từ điển tiếng Việt.

Ta có nên chấm dứt cách dùng từ “thống nhất” chưa phù hợp ở trên hay không? 

Câu trả lời phụ thuộc vào cách nhìn của từng người. Nếu câu trả lời là không, có lẽ Từ điển tiếng Việt phải bổ sung nghĩa mới của từ “thống nhất” trong những lần tái bản sau này.

TRƯỜNG LÂN