12/01/2025

Thương mại công bằng và Giáo huấn Xã hội Công giáo

Trong bối cảnh thế giới ngày càng toàn cầu hoá, thương mại công bằng (fair trade) nổi lên như một vấn đề thời sự bức bối. Giáo huấn xã hội Công giáo cập nhật chủ đề này trong 5 số 251-255 Docat, tài liệu giáo huấn xã hội cho giới trẻ phát hành tháng 7 năm 2016. Thương mại công bằng được bàn đến ở phần cuối Chương 9 – Cộng đồng quốc tế (các câu 229-255), sau phần nói về “toàn cầu hoá”, “nghèo đói là gì”, “của cải thuộc về cộng đồng thế giới” và “vấn nạn di dân”.

Thương mại công bằng và Giáo huấn Xã hội Công giáo

Thứ Tư, 15-11-2017 | 08:00:03

Trong bối cảnh thế giới ngày càng toàn cầu hoá, thương mại công bằng (fair trade) nổi lên như một vấn đề thời sự bức bối. Giáo huấn xã hội Công giáo cập nhật chủ đề này trong 5 số 251-255 Docat, tài liệu giáo huấn xã hội cho giới trẻ phát hành tháng 7 năm 2016.

Thương mại công bằng được bàn đến ở phần cuối Chương 9 – Cộng đồng quốc tế (các câu 229-255), sau phần nói về “toàn cầu hoá”, “nghèo đói là gì”, “của cải thuộc về cộng đồng thế giới” và “vấn nạn di dân”.

Từ quan hệ kinh tế quốc tế vĩ mô…

“Hôm nay, tôi có mặt tại đây để làm mới quan hệ đối tác với Mỹ, để cùng nhau củng cố mối liên kết bằng hữu và thương mại giữa tất cả các quốc gia của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, và cùng nhau thúc đẩy thịnh vượng và an ninh.

Điểm cốt lõi của mối hợp tác này, chúng ta muốn thúc đẩy mối quan hệ thương mại xây dựng trên nguyên tắc công bằng và cùng có lợi”.

Trên đây là lời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại Đà Nẵng, Việt Nam trong Hội nghị APEC 2017 ngày 10 tháng 11 năm 2017. Ông nói tiếp, nhấn mạnh nguyên tắc “thương mại công bằng”:

“Tôi sẽ thực hiện thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương nào muốn là đối tác của chúng tôi và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có lợi đôi bên”.

Ngay cả Hoa Kỳ, một siêu cường kinh tế thế giới, mà cũng là nạn nhân của những trò chơi xấu, không tuân thủ luật chơi. Trong khi Hoa Kỳ “giảm rào cản thị trường thì những quốc gia khác lại không mở cửa thị trường”, “tuân thủ các nguyên tắc của WTO về bảo vệ sở hữu trí tuệ và bảo đảm tiếp cận thị trường công bằng và bình đẳng”, thì một số quốc gia khác, theo lời ông Trump, “tham gia vào việc phá giá sản phẩm, hàng hóa được bao cấp, thao túng tiền tệ, hàng hóa, và chính sách công nghiệp diệt lẫn nhau”.

… cho đến đời sống thường nhật, thương mại công bằng trống vắng và bị vi phạm

Không phải tất cả các giao dịch thương mại đều công bằng! Trong cuộc sống hàng ngày, nông dân và công nhân – những người đứng đầu chuỗi sản xuất – thường không nhận được lợi nhuận thỏa đáng trong các hoạt động thương mại.

Vì lý do đó, Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới (WFTO) quy định 10 tiêu chuẩn mà các tổ chức thương mại cần tuân thủ thì mới được gắn nhãn thương mại công bằng, mới dễ tiêu thụ được sản phẩm:

1.       Tạo ra cơ hội cho những người sản xuất nhỏ bị thiệt thòi về kinh tế

2.       Thông tin công khai và minh bạch

3.       Các hành vi thương mại công bằng

4.       Công bằng trong thanh toán

5.       Không có lao động trẻ em và lao động bị ép buộc

6.       Không phân biệt đối xử, bình đẳng giới, tự do lập nghiệp đoàn

7.       Các điều kiện làm việc tốt

8.       Khả năng phát triển quy mô sản xuất và năng lực của người sản xuất

9.       Đẩy mạnh thương mại công bằng

10.    Bảo vệ môi trường

Screen Shot 2017-11-14 at 21.04.09

Thương mại công bằng trong giáo huấn xã hội Công giáo

Thương mại công bằng, đề tài lần đầu được bàn đến trong giáo huấn xã hội Công giáo trong quyển Docat xuất bản nhân ngày khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế giới 2016 trong đó Đức thánh cha Phanxicô đưa ra lời kêu gọi một triệu người trẻ thế giới hưởng ứng lời kêu gọi tiến hành cuộc “cách mạng về tình yêu và công bằng” của ngài, trở nên “học thuyết xã hội trên đôi chân”.

Trong 5 câu Docat nói về chủ đề này, chỉ có một câu có tham chiếu đến 3 số (362, 363 và 364) trong quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo  (TLHTXH), 4 câu còn lại không có tham chiếu gì, nghĩa là thương mại công bằng mới đến nỗi Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Youcat cũng như TLHTXH không đề cập gì đến vấn đề này.    

Trước hết Docat khẳng định nhờ toàn cầu hoá, thế giới trở nên gần gũi, giúp ích một số nước nhưng làm nảy sinh nhiều vấn đề sinh thái và xã hội tại nhiều nước, chắc hẳn trong đó phải có Việt Nam.

Docat 251. Các vấn đề nào phát sinh liên quan đến thương mại toàn thế giới?

“Theo sau việc toàn cầu hoá, các quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên khắp thế giới cũng đã trở nên gần gũi hơn. Điều này đã giúp một số nước; tuy nhiên, tại nhiều nước khác, nó đã làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội và sinh thái. Tất nhiên, trong việc lựa chọn mua hàng của tôi với tính cách là một người tiêu dùng cá nhân, tôi có rất ít cơ hội tác động lên cách thức mà việc kinh doanh được tiến hành. Do đó, điều quan trọng là chính phủ các quốc gia phải giải quyết vấn đề này hoặc lập ra các tổ chức hỗ trợ cho các cơ cấu thương mại trở nên công bằng hơn”.

TLHTXH 362-364

Trước tình hình đó, Giáo Hội lên tiếng kêu gọi “công bằng trong các quan hệ thương mại, quan tâm tới quyền lợi và nhu cầu của người nghèo mỗi khi đưa ra chính sách có liên quan tới thương mại và sự hợp tác quốc tế”:

“Chính vì chứng kiến tình trạng cứ liên tục xấu đi trong việc trao đổi các nguyên liệu thô và sự ngăn cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo, nên huấn quyền xã hội của Giáo Hội đã phải gấp rút nói lên tầm quan trọng của các tiêu chuẩn đạo đức, kêu gọi lấy đó làm nền tảng cho các quan hệ kinh tế thế giới như: theo đuổi công ích và mục tiêu phổ quát của của cải; công bằng trong các quan hệ thương mại; quan tâm tới quyền lợi và nhu cầu của người nghèo mỗi khi đưa ra chính sách có liên quan tới thương mại và sự hợp tác quốc tế. Bằng không, “các nước nghèo sẽ vẫn cứ nghèo, còn các nước giàu sẽ ngày càng giàu hơn” (TLHTXH, 364).

Docat 252 đưa ra định nghĩa về thương mại công bằng:

“Thương mại công bằng liên quan đến việc mua bán được thực hiện theo các nguyên tắc rõ ràng về công lý (công bằng). Các tổ chức thương mại công bằng xác định những nguyên tắc này và điều phối các quan hệ thương mại. Họ thúc đẩy sự công bằng rộng lớn hơn trong thương mại quốc tế bởi vì họ củng cố các quyền của những nhà sản xuất (như các chủ nông trại nhỏ và các chủ đồn điền) và góp phần vào sự phát triển bền vững ở các nước liên quan. Để đạt được điều này, họ dấn thân vào một cuộc đối thoại giữa các đối tác thương mại, gia tăng tính minh bạch trong các quan hệ sản xuất và thương mại, và cũngtôn trọng tất cả các bên có liên quan”.

Để thúc đẩy thương mại công bằng, Docat 253 kêu gọi đề ra các biện pháp:

  • tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất gặp bất lợi về kinh tế;
  • khuyến khích các phương pháp sản xuất mang tính công bằng xã hội;
  • tạo ra các điều kiện làm việc thoả đáng (lương, giờ giấc làm việc, cấm lao động trẻ em, v.v.), và các quyền bình đẳng cho phụ nữ;
  • phát triển các tiêu chuẩn về môi trường;
  • thiết lập các quan hệ “đối tác” dài hạn giữa các quốc gia.

Docat 254 nêu ra các hoạt động hiệu quả của thương mại công bằng như:

  • giúp chống lại nạn nghèo đói trên một số lục địa, đặc biệt ở các vùng nông thôn;
  • cải thiện các điều kiện sống của các nhà sản xuất và người lao động ở nhiều nước đang phát triển;
  • góp phần thay đổi các mối quan hệ mà cán cân quyền lực bị nghiêng hẳn về một bên và do đó làm giảm bớt con số các nước bị lệ thuộc.

Tuy nhiên, Docat 255, kết luận thương mại công bằng vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề đói nghèo: “cần phải được phát triển hơn nữa để phát huy những hiệu quả tích cực của nó”. Về lâu về dài, tất cả các mối quan hệ thương mại trên toàn thế giới phải được hướng dẫn bởi các tiêu chí của thương mại công bằng. Để điều đó có thể xảy ra, điều cần thiết là các thành viên của cộng đồng quốc tế cũng phải hoạt động cho sự nghiệp này về mặt chính trị và hỗ trợ thương mại công bằng mạnh mẽ hơn hoặc chính họ cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại mang tính nhân văn và có trách nhiệm trong sự liên đới với tất cả các dân tộc”.