11/01/2025

Tan nát rừng đầu nguồn – Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ

Tuổi Trẻ đã đi khảo sát và phát hiện nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở miền núi phía Bắc đang bị tàn phá dữ dội.

 

Tan nát rừng đầu nguồn – Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ

 

Tuổi Trẻ đã đi khảo sát và phát hiện nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở miền núi phía Bắc đang bị tàn phá dữ dội.

 

 

 

Tan nát rừng đầu nguồn - Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ - Ảnh 1.

Một cây gỗ dổi cổ thụ bị cưa, bỏ lại giữa rừng phòng hộ

Trước đây dân còn ít, cây cối còn nhiều, đến nay dân càng đông thì cây lớn ở đầu nguồn cũng bị chặt hạ nên làm dòng nước chảy xiết hơn mỗi khi có lũ. Không chỉ năm nay, mà từ những năm trước cứ mùa mưa là suối Nậm Tha lũ lớn lắm…

Ông TRIỆU TIẾN KIM (chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Nậm Tha)

Nhiều chuyên gia nhận định sạt lở, lũ quét tăng cao có cả những nguyên nhân do con người góp vào như: phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản trái phép.

Quá trình tìm hiểu cho thấy hiện không chỉ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, mà rừng phòng hộ đầu nguồn có chức năng bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng…

Chợ gỗ bên bờ suối

Nơi chúng tôi tiếp cận là cánh rừng phòng hộ thuộc xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Nậm Tha là xã nghèo của huyện và thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 là 51%. 

 

Rừng phòng hộ xã Nậm Tha nằm cạnh khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn – Hoàng Liên. Sau khi đưa gỗ ra khỏi bìa rừng, ngày 18-10 nhóm “lâm tặc” có độ tuổi khoảng 20 tiếp tục kéo gỗ ra bờ suối đến điểm tập kết. 

Khoảng 17h cùng ngày, xe tải biển số 24C-07… do người đàn ông ngoài 30 tuổi cầm lái lùi thùng vào đống gỗ “ăn hàng”.

Tuy chợ gỗ mua công khai, nhưng mỗi khi xe tải chạy đến “ăn hàng” thì lái xe cùng “lâm tặc” vẫn luôn cảnh giác và nhanh chóng chất gỗ lên xe. Gỗ đưa về nhiều, phải mất gần 30 phút, những người này mới đưa gần hết số gỗ lên thùng. 

Xe tải chất đầy nhưng vẫn không hết được gỗ, những cây gỗ đã được cắt thành từng khúc có độ dài dưới 2m, đường kính

30-40cm tiếp tục được “lâm tặc” dùng xe máy chở tới giao cho đầu nậu tại xưởng thu mua.

Ông T. (lái xe tải) nói: “Gỗ này là cây trên rừng tự nhiên, mỗi ngày đi chặt gỗ bình quân chỉ kiếm được 200.000 đồng. Người ta thuê chở thì mình chở, mỗi chuyến được khoảng 3 khối, nhưng ngày công của lái xe chẳng được bao nhiêu”. 

Nói chưa dứt lời, ông T. nhảy vọt lên xe nổ máy, phóng xe chạy tới trung tâm xã Nậm Tha để chạy theo hướng về thị trấn huyện Văn Bàn. 

Để đi về thị trấn huyện Văn Bàn, xe tải phải đi qua UBND xã Nậm Tha và trạm kiểm tra của Hạt kiểm lâm huyện Văn Bàn. Nhưng suốt hành trình đưa gỗ về xưởng, xe tải này không bị kiểm tra, xử phạt.

“Lâm tặc” tên S.S.M. nói: “Cây gỗ này không phải trồng, mà mọc tự nhiên vì từ lúc mình còn bé đã thấy cây mọc lớn như vậy rồi, muốn chặt gỗ cứ vào rừng già là khắc có. Nếu không lấy về cũng phí vì đốt nương để trồng quế cây cũng sẽ bị cháy thành than hết”.

Cách bãi tập kết gỗ tươi mới cưa này gần 200m, ở một bãi gỗ khác, tiếng cưa máy hoạt động hết công suất như muốn xé tan buổi chiều tĩnh lặng nơi đây. Người xẻ gỗ cho biết sau khi đưa trên rừng về, những cây gỗ tạp được bán trước, cây gỗ tốt sẽ được bảo quản một thời gian rồi mới xẻ thành từng hộp.

“Toàn là gỗ rừng nên người dân quen biết muốn mua thì giá rất rẻ. Nếu muốn làm nhà, ngoài gỗ tạp vẫn có sến, táu, dổi… để mua” – L.V.S. (xã Nậm Tha) nói. 

Và đều đặn cứ chiều tối, cạnh con suối Nậm Tha nước chảy xiết vẫn còn đục ngầu bởi những trận mưa rừng, gỗ lại được vận chuyển ra đây để đưa về trung tâm huyện Văn Bàn. Chợ gỗ trái phép này đã tồn tại trong thời gian dài.

Tan nát rừng đầu nguồn - Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ - Ảnh 3.

Đưa gỗ lên xe ô tô tải cạnh bờ suối Nậm Tha – Ảnh: QUANG THẾ

Tan nát rừng đầu nguồn - Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ - Ảnh 4.

“Lâm tặc” đưa gỗ lên xe tải cạnh suối Nậm Tha – Ảnh cắt từ clipCưa cả cây to nhưng… chỉ lấy đoạn gốc!

Cưa cả cây to nhưng… chỉ lấy đoạn gốc!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Ngọc Minh – hạt trưởng Hạt kiểm lâm Văn Bàn – cho biết hiện toàn huyện Văn Bàn có trên 80.000ha rừng tự nhiên gồm rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất. Riêng diện tích rừng phòng hộ khoảng 20.000ha.

Để vào được rừng, chúng tôi phải nhờ người dân thổ địa ở vùng này đưa vào những điểm mà “lâm tặc” đã đốn hạ cây. 

Như đã hẹn, 5h sáng, trời vẫn còn nhá nhem tối, tôi được M. (xã Nậm Tha) hướng dẫn một số kiến thức cơ bản trước giờ lên đường bởi đây là cánh rừng có nhiều vắt, rắn độc và muỗi. 

Khoảng 3 giờ đi bộ vào rừng sâu, chúng tôi đặt chân tới lối mòn mà “lâm tặc” chuyển gỗ, vẫn còn vết chân trâu đi lại ngang dọc. Hai bên đường, nhiều cây gỗ lớn chưa bị đốn nhưng vỏ nham nhở vết dao quắm.

M. giải thích: “Những cây có vết dao quắm là đã bị “lâm tặc” thăm rồi, nhưng chưa đốn hạ do cây còn non. Khu này thuộc Nhà nước quản lý nên ai chặt trộm được thì chặt. Tôi là người Mông ở địa phương, nhìn thấy cây cứ dần bị mất đi cũng tiếc lắm, nhưng không còn cách nào khác…”.

Đi thêm 3 giờ, chúng tôi đến được khu vực những cây rừng vừa bị chặt phá. Có những cây gỗ sến hai người lớn ôm mới hết vừa bị đốn hạ nhưng đang bỏ lại giữa rừng. 

Men theo đường mòn thêm 100m là ngổn ngang cây gỗ táu, sến, dổi bị chặt hạ không thương tiếc. Có rất nhiều cây cổ thụ đã bị cưa, nhưng không hiểu vì lý do gì “lâm tặc” không đưa ra bìa rừng.

Hướng mắt nhìn về mấy cây gỗ lớn bỏ lại cạnh nhau, ông Tiến (xã Nậm Tha) nói như tiếc nuối: “Cây bị bỏ lại nhiều không phải do không kéo được ra khỏi rừng, mà là dù cây cổ thụ to lớn nhưng “lâm tặc” chỉ cắt lấy 3-4m gốc, còn đầu bỏ luôn…”. 

Ngoài cây ở độ tuổi trưởng thành vừa cưa thành hộp đang còn nguyên mùi gỗ, có những cây cổ thụ sau khi xẻ phát hiện thấy sâu, mọt cũng bị “lâm tặc” bỏ lại phung phí sau những cuộc tàn phá…

Tan nát rừng đầu nguồn - Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ - Ảnh 5.

Phát hiện thấy cây cổ thụ bị sâu mọt, “lâm tặc” đã bỏ cây lại giữa rừng già – Ảnh: QUANG THẾ

Tan nát rừng đầu nguồn - Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ - Ảnh 6.

Gỗ mới được xẻ thành hộp, chuẩn bị được “lâm tặc” kéo ra khỏi bìa rừng – Ảnh: QUANG THẾ

Quan sát cho thấy chỉ những diện tích rừng cạnh khu dân cư mới bị chặt hàng loạt. Để che mắt cơ quan chức năng, đối với diện tích rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý , “lâm tặc” sẽ chọn những cây to chặt trước và không chặt đồng loạt. 

“Nếu chặt hàng loạt thì bị bắt ngay, nên sẽ chặt tỉa rồi đưa một ít ra ngoài, nhưng chẳng bao lâu nữa rừng sẽ thành đồi trọc…” – “lâm tặc” tên T. (huyện Văn Bàn) nói. Khu vực rừng phòng hộ đang bị tàn phá nặng nề nhất nằm ở vùng giáp ranh huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Văn Yên (Yên Bái).

Trưa 19-10, sau khi dùng trâu kéo cây rừng đã chặt khúc ra đường liên thôn cách bờ suối Nậm Tha hơn 100m, một nhóm 5 thanh niên nồng mùi rượu chạy trên hai xe máy tới nhanh chóng bốc gỗ lên ôtô tải. 

“Để làm được đống gỗ phải mất 4-5 ngày mới ra được đến đây, gỗ mọc tự nhiên nên phải vào rừng sâu mới có. Cưa xong lấy trâu kéo ra bìa rừng, rồi chọn chỗ nào dốc thả xuống” – T. nói.

T. còn tiết lộ: “Gỗ được chặt trong rừng mang ra ngoài sẽ bị bắt ngay nếu không thông qua chủ buôn. Chỉ có chủ buôn mới dám mua gỗ rừng vì phải chạy thủ tục để đối phó với cơ quan chức năng, trong đó giấy khai thác sẽ được hợp thức hoá. 

Mỗi khối bán tại chỗ chỉ được 1,1 triệu đồng, nhưng nếu trở về thị trấn hoặc qua Yên Bái thì giá lên tới 2,5-3 triệu đồng/khối…”.

Tan nát rừng đầu nguồn - Kỳ 1: Tàn phá rừng phòng hộ - Ảnh 7.

Gỗ rừng vận chuyển ra đường liên thôn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ – Ảnh: QUANG THẾ