11/01/2025

Chúa Nhật XXXI TN A – 2017: Mở ra với siêu việt

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta phải nhận ra hình ảnh của Cha Trên Trời trong mỗi sự vật quanh ta để chúng ta yêu mến Thiên Chúa cũng như yêu thương muôn loài và mở ra với siêu việt nhờ bản chất vĩnh hằng của con người.

Chúa Nhật 31 TN A – 2017

Mở ra với siêu việt

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh trong tuần này có những lời lẽ nặng nề kết án lối sống giả dối, ham danh, trục lợi của những vị tư tế qua bài đọc I của tiên tri Malakhia (x. Ml 1,14–2,2.8-10); hoặc của những người biệt phái, kinh sư qua bài Tin Mừng (x. Mt 23,1-12) của Chúa Giêsu. Nhờ thế, mọi người chúng ta cảm nghiệm được tình yêu quảng đại của Cha Trên Trời và đối xử với nhau trong tình huynh đệ, vì mỗi hành động của chúng ta đều có giá trị vô cùng, mở ra đến vô biên nhờ bản chất vĩnh hằng của con người.

1. Bản chất vĩnh hằng

Tuần vừa rồi chúng ta đã cùng nhau suy niệm: Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đặt tình yêu vào trong bản chất của sự vật và bản tính của con người. Vì yêu nên Ngài chia sẻ cho chúng ta tất cả những gì tốt đẹp, phi thường, kỳ diệu thuộc về chân thiện mỹ của Thiên Chúa để ta bày tỏ tình yêu đó cho mọi vật, mọi loài.  

Vì thế, các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta phải nhận ra hình ảnh của Cha Trên Trời trong mỗi sự vật quanh ta để chúng ta yêu mến Thiên Chúa cũng như yêu thương muôn loài. Tiên tri Malakhia nhắc nhở ta rằng: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một Cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa dựng nên chúng ta sao?“. Đức Giêsu cũng dạy chúng ta rằng: “Anh em chỉ có một Cha là Cha Trên Trời, còn tất cả đều là anh em với nhau. Anh em chỉ có một vị chỉ đạo, đó là Đức Kitô“.

Vì được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa hằng sống, siêu việt, vĩnh hằng nên chúng ta sẽ sống mãi với Chúa và có khả năng “mở ra với siêu việt, với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu”. Đây là điều khẳng định mới mẻ và rất quan trọng trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo. Giáo Hội công bố rằng: “Mở ra với siêu việt là đặc tính của con người. Con người mở ra với Đấng Vô Biên cũng như với mọi thụ tạo” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Học thuyết Xã hội của GHCG, số 130, 2014).

Trong số 130 này, Giáo Hội đưa ra luận điểm của thánh tiến sĩ Tôma Aquinô để nhắc nhở rằng chúng ta có thể tiếp xúc với Chúa là Đấng Vô Biên để Ngài soi sáng, dạy bảo, mạc khải cho ta, có thể tiếp xúc với các thiên thần, các thánh, các linh hồn, có thể tác động lên vạn vật để làm những phép lạ vì khi kết hợp với Chúa Giêsu chúng ta được trao quyền năng đó để làm chứng cho Người. Học thuyết này càng được khẳng định hơn nữa khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi tặng các bạn trẻ trên khắp thế giới cuốn Docat vào ngày 6/11/2015, cuốn sách tóm tắt toàn bộ học thuyết xã hội Công giáo để thúc đẩy mọi tín hữu hành động xây dựng Nước Trời (x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 3, 5, 35, 36, 44, 46; Gaudium et Spes, số 39,45). Bản dịch tiếng Việt cuốn Docat vừa được Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất bản vào tháng 10/2017. Đặc biệt câu số 53 : “Con người có khả năng siêu việt, nghĩa là có khả năng vượt lên trên chính mình”.

Nhờ ơn Chúa ban, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của các thiên thần và các thánh, là những người đã khuất, đang sống trong tình trạng kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Họ luôn luôn nâng đỡ ta (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1023-1029). Chúng ta còn cảm nhận được sự hiện diện của những linh hồn trong tình trạng luyện ngục để cầu nguyện, hy sinh và cứu vớt các linh hồn ấy, giúp cho họ thanh tẩy và hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên Chúa (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1030-1032). Đồng thời, chúng ta cũng cảm nghiệm được sự hiện diện của quỷ dữ, là những thiên thần sa ngã, luôn cám dỗ mình, cảm nghiệm được những tà ma sống trong tình trạng hoả ngục, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa, có thể gây hại cho ta nếu ta xúc phạm đến chúng (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1033-1037).

2. Thực trạng trong xã hội hôm nay

Tuy nhiên, tất cả những điều cảm nghiệm ấy hình như dần dần phai lạt trong xã hội hiện nay, nhất là từ khi chúng ta sống trong ý thức hệ vô thần duy vật được các người Cộng Sản phổ biến trong cộng đồng xã hội, từ năm 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam. Tất cả những sách giáo khoa đào tạo người trẻ, từ các em học sinh mẫu giáo đến sinh viên đại học, tất cả những sách báo, sản phẩm văn hoá, nghệ thuật đều loại trừ tính cách linh thiêng, những giá trị cao quý, vô biên, vô tận của con người để chỉ thu hẹp vào một thứ vật chất thực dụng, cân đo đong đếm được, bị giới hạn trong không gian và thời gian xác định của con người.

Chính khi loại bỏ tất cả những giá trị linh thiêng ấy, con người Việt Nam chúng ta mất đi khả năng sáng tạo, tiềm năng mở ra đến những chân trời vô biên của chân thiện mỹ, mất đi tính cách hồn nhiên trong sáng của tinh thần, mất đi khả năng siêu việt được Thiên Chúa ban cho con cái mình để thực hiện những phép lạ diệu kỳ và không còn nhận ra các thần linh, mọi người, mọi vật đều là anh em của nhau. Con người bây giờ chỉ còn nhìn nhau như những sinh vật sống tạm bợ vài chục năm hay một trăm năm, rồi sau đó đều chết. Người ta chỉ chú ý đến danh lợi vật chất, còn nhỏ thì cố gắng học hành để kiếm sao cho được mảnh bằng, dù có phải gian lận trong thi cử. Lớn lên thì cố gắng làm việc hay theo đuổi nghề gì để kiếm sao cho được thật nhiều tiền, dùng mọi thủ đoạn để làm cho mình có nhiều phương tiện hưởng thụ. Người ta đánh giá nhau qua cái xe, cái nhà, qua bộ quần áo, mảnh bằng, qua những thứ vật chất. Hậu quả là nền đạo đức trong xã hội suy đồi cách nặng nề.

Tuy nhiên, con người không thể nào bỏ đi được hình ảnh linh thiêng của Thiên Chúa đặt vào trong tâm hồn mình. Họ vẫn có thể nhận ra sự hiện diện của thần linh, hồn ma, quỷ dữ trong đời sống. Nhưng vì không hiểu rõ sức mạnh tinh thần của mình nên họ đi tìm câu trả lời nơi một số tôn giáo mê tín, nơi những thầy mo, thầy pháp, thầy phù thuỷ, thầy phong thuỷ, tìm tới những sức mạnh của bùa ngải, pháp thuật… Nếu chúng ta không thay đổi cách giáo dục hiện nay, thay đổi thái độ sống, nếu không tôn trọng những tôn giáo chân chính, mà chỉ coi tôn giáo như thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng, thì làm sao có thể nâng tinh thần con người lên và giúp họ mở ra đến vô biên!

Vì sống chung trong xã hội nên nhiều người tín hữu Công giáo cũng bị ảnh hưởng. Người ta quên mất khả năng mở ra với siêu việt, với chân trời sung mãn của mọi hiện hữu, quên mất những khả năng kỳ diệu Chúa ban.

Cách đây mười mấy năm, vào ngày 21/10/2004, khi Vietcatholic, một cơ quan thông tin Công giáo cho người Việt ở Hoa Kỳ, đăng bài Rao giảng Tin Mừng cho người đã khuất, của tôi trên mạng thông tin, nhiều người trong Giáo hội Việt Nam kết án tôi là mê tín, tuyên truyền những điều dị đoan, sai lạc thần học, dù rằng tựa đề bài viết này có trong Kinh Thánh nói về việc Chúa Giêsu khi Người xuống ngục tổ tông để loan báo Tin Mừng cho những người đã qua đời, theo thư thứ I của thánh Phêrô (x. 1Pr 3,18-20; 4,5-6). Trong bài, tôi kể câu chuyện thực tế là mình đã tiếp xúc với một ông tên là Trần Đình Sang, chết vào ngày 13/12/1973, ông nhập vào một cô tên là Trần Thuỵ Phương Quỳnh, làm cô bị bệnh. Chúng tôi đã cầu nguyện để giúp cho ông được giải thoát và cô Quỳnh đã hoàn toàn lành mạnh (x. http://vietcatholic.com/news/htm1/ news21620.htm).

Câu chuyện chỉ có thế, nhưng thời đó, dù đã có số 130 của Học thuyết Xã hội Công giáo, rất nhiều vị lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, từ vị chủ tịch Hội đồng Giám mục, cấm tôi không được đăng bài này trên báo Hiệp thông của Hội đồng Giám mục, đến một giám mục khác yêu cầu tôi phải lên tiếng xin lỗi GHVN. Rất may là tôi không xin lỗi! Nhưng nhiều anh chị em cho đến bây giờ vẫn không chấp nhận câu chuyện đó.

Tôi quen với một Đại Đức phái Mật Tông trong một chùa ở quận 12, TP.HCM. Phái Mật Tông có nguồn gốc từ Tây Tạng chuyên về bùa phép. Vị Đại Đức tặng cho tôi nhiều sách của tông phái và cho tôi biết rằng: “Có nhiều người Công giáo đến chùa xin làm bùa và giải bùa. Mỗi ngày có khoảng từ 20-30% khách là người Công giáo”. Chúng ta thử hỏi rằng nếu những người bị tà ma ám ảnh đến xin một linh mục hay tu sĩ Công giáo giúp đỡ nhưng bị từ chối, nên đến xin một vị sư, ni, một đạo sĩ hay một thầy pháp, giải trừ cho họ. Sau đó, họ được yên lành. Vậy thử hỏi các người Công giáo ấy sẽ tin vào ai? Họ còn tin vào Chúa hay tin theo các tôn giáo khác?

Lời kết

Chúng ta hãy nhớ lại sứ mạng và quyền năng Chúa Giêsu ban cho chúng ta: “Các con hãy đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ” (x. Mc 16,15-20). Người trao cho chúng ta quyền năng vô tận, khả năng mở ra đến vô biên, tiếp xúc với mọi loài để chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Giêsu bởi vì chúng ta là hiện thân của Người trong thời đại hôm nay.