Cùng ngày, tỉnh Cà Mau quyết định dời lễ tưởng niệm 20 năm các nạn nhân thiệt mạng bão Linda sang ngày 3.11 (kế hoạch ban đầu là 2.11).
ĐBSCL: Đa số tàu cá vào bờ an toàn
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn (KTTV) T.Ư, lúc 22 giờ ngày 1.11, tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách đất liền các tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau khoảng 120 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40 – 50 km/giờ), giật cấp 7. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 – 15 km và suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 22 giờ hôm nay (2.11), tâm vùng áp thấp cách đảo Thổ Chu khoảng 140 km về phía tây nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm vùng áp thấp xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Đề phòng nước biển dâng do ATNĐ
Tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp đối phó ATNĐ ngày 1.11 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV T.Ư, cảnh báo các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng do ATNĐ và không khí lạnh từ 0,3 – 0,4 m kết hợp với triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4 – 4,5 m. Các tỉnh Nam bộ, vùng ven biển trung và nam Trung bộ được dự báo sẽ có mưa đến hết ngày 2.11, tổng lượng mưa từ 100 – 150 mm, có nơi trên 200 mm. Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, lưu ý chính quyền các địa phương đặc biệt cảnh giác tình huống nước biển dâng sẽ gây thiệt hại lớn cho các công trình đê điều, vùng nuôi trồng thuỷ sản ven biển.
Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển tây nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và giông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Cà Mau, đến 16 giờ ngày 1.11, đã có 3.695 phương tiện vào neo đậu các bến an toàn với 17.282 người. Hiện còn 156 phương tiện đang hoạt động trên biển, trong đó hoạt động xa bờ là 145 phương tiện với 968 người. UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương liên lạc tàu thuyền và hướng dẫn bà con vào bờ hoặc vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Cà Mau cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp địa phương và các lực lượng chuẩn bị phương án xử lý tốt các tình huống xảy ra khi ATNĐ đổ bộ vào đất liền.
Trưa 1.11, ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bến Tre, cho biết đã gửi công điện khẩn đến các sở ban ngành, địa phương, nhất là 3 huyện vùng biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại sẵn sàng ứng phó với ATNĐ. Theo BĐBP tỉnh Bến Tre, đến trưa 1.11 đã vận động được 1.427/3.900 tàu cá với 8.700 ngư dân vào neo đậu tại bến an toàn.
Tại cuộc họp khẩn sáng 1.11, đại tá Bùi Minh Trí, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, cho biết đơn vị đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18.000 lao động đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện còn gần 10.000 tàu trên biển được thông báo, định hướng, cảnh báo vùng biển nguy hiểm.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác T.Ư do ông Nguyễn Đức Quang, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu bàn các giải pháp ứng phó với ATNĐ trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Quang lưu ý tiếp tục thông tin nhanh, liên tục cho nhân dân về diễn biến của ATNĐ.
Lực lượng phòng chống lụt bão tỉnh Bến Tre giúp dân chằng chống nhà cửaẢNH: BẮC BÌNH
Miền Trung: Lũ chia cắt nhiều khu dân cư
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết nước lũ các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao, chia cắt nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường ở các huyện Tây Hoà, Đồng Xuân, Tuy An… Ông Phan Văn Thuyên, Phó giám đốc Công ty CP đường sắt Phú Khánh, cho biết tuyến đường sắt Bắc – Nam qua Phú Yên bị sạt lở 3 điểm tại khu gian Phước Lãnh – La Hai (H.Đồng Xuân), gây ách tắc tàu. Ngành đường sắt đã khẩn trương huy động nhân công dùng rọ đá khắc phục các điểm sạt lở.
Dự báo, sáng sớm mai (2.11), áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền, kết hợp với triều cường sẽ khiến nước dâng cao 4 – 4,5 m, tràn qua nhiều tuyến đê biển ở các tỉnh Nam bộ.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nước lũ từ đầu nguồn đổ về làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn xã Sơn Nham và Sơn Kỳ (H.Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) bị ngập sâu nên hơn 1.100 học sinh của 2 xã này phải nghỉ học trong ngày 1.11, nhiều hộ dân bị nước lũ chia cắt.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang)ẢNH: XUÂN LAM
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TX.Ninh Hoà (Khánh Hoà), cho biết mưa lớn từ đêm 31.10 đến sáng 1.11 khiến nhiều xã, phường bị ngập. TX.Ninh Hoà có nhiều nhà dân bị ngập nước, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, ngập sâu hơn 1 m; hơn 400 ha hoa màu bị ngập úng, hư hại… Ngành giáo dục cũng yêu cầu các trường học trong khu vực bị ngập chủ động cho học sinh nghỉ học trong ngày 1.11 để đảm bảo an toàn.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ thành bão
Theo Trung tâm dự báo KTTV T.Ư, chiều 1.11, ATNĐ trên vùng biển miền Trung Philippines đã đi vào khu vực phía đông Biển Đông. Lúc 22 giờ ngày 1.11, tâm ATNĐ này cách đảo Song Tử Tây khoảng 500 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (từ 50 – 60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo, trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Trung tâm dự báo KTTV T.Ư đã có công văn gửi Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 thông báo về nhận định không khí lạnh kết hợp với ATNĐ trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía nam Trung bộ, Nam bộ, trong đó có địa bàn tổ chức APEC 2017. Cụ thể, từ ngày 3.11, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài trong nhiều ngày, nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt diện rộng ở vùng trũng và đô thị là rất cao. Theo đó, Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 sớm rà soát các phương án ứng phó với bão, mưa lớn và ngập lụt trong thời gian tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Tối qua, UBND TP.Đà Nẵng và Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã họp khẩn rà soát các phương án ứng phó thiên tai, thời tiết xấu trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Gần 2.000 ngư dân trú tránh tại Trường Sa
Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây (Trường Sa, Khánh Hoà), cho biết: Đến 17 giờ ngày 1.11, đã có 34 tàu cá với khoảng 900 ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà được hướng dẫn vào neo đậu tại âu tàu của đảo. Các y, bác sĩ của Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã thăm khám, cấp thuốc và tư vấn sức khoẻ cho 20 ngư dân. Đảo Sinh Tồn có 27 tàu với 800 ngư dân vào trú tránh. Sáng qua 1.11, bộ đội đảo Song Tử Tây đã tìm thấy thi thể ông Lương Tấn Xị (47 tuổi, ở thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam), là thuyền trưởng tàu cá QNa-91739 TS bị chìm trước cửa luồng vào âu tàu trong đảo (Thanh Niên ngày 1.11 đã thông tin).