28/11/2024

Chúa Nhật XXIX TN A – Ngày Thế giới Phúc Âm hoá 2017:Phúc Âm hoá ở tâm điểm Đức tin Kitô giáo

Giáo Hội ngày nay dùng từ Phúc Âm hoá, có nghĩa là hoá thành Phúc Âm, thành Tin Mừng, hoá thành Đức Giêsu Kitô. Muốn hoá thành Đức Giêsu, chúng ta cần phải gặp gỡ được Người, phải hiểu biết, yêu thương Người.

Chúa Nhật XXIX TN A –  Ngày Thế giới Phúc Âm hoá 2017

Phúc Âm hoá ở tâm điểm Đức tin Kitô giáo

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

 

Hôm nay toàn thể Giáo Hội cử hành “Ngày Phúc Âm hoá Thế giới”. Chúng ta quen gọi là “Ngày Thế giới Truyền giáo”. ĐTC Phanxicô cũng gửi cho chúng ta một sứ điệp đặc biệt để mời gọi chúng ta suy nghĩ về nhiệm vụ quan trọng nhất của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.

Đức Thánh Cha nói: “Ngày thế giới truyền giáo năm nay một lần nữa quy tụ chúng ta quanh con người Đức Giêsu, Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất (ĐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 7), Người liên tục sai chúng ta đi công bố Tin Mừng tình yêu của Chúa Cha trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Ngày thế giới truyền giáo này mời gọi chúng ta một lần nữa suy tư về việc truyền giáo ở tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo, nếu không, Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô, mà là một trong nhiều nhóm người nào khác rốt cuộc sẽ đánh mất mục đích phục vụ của nó và qua đi. Vì vậy, điều quan trọng đối với chúng ta là tự đặt ra cho mình những câu hỏi về căn tính Kitô giáo và trách nhiệm của chúng ta là những tín hữu trong một thế giới đầy hỗn độn và thất vọng ê chề, bị xâu xé bởi những cuộc chiến huynh đệ tương tàn nhắm vào những con người vô tội một cách bất công” (Lời mở đầu Sứ điệp).

1. Cánh đồng truyền giáo

 

Hôm nay, chúng ta thử nhìn vào cánh đồng truyền giáo thật bao la bát ngát để cầu xin Chúa gửi nhiều tay thợ lành nghề (x. Lời nguyện nhập lễ của Lễ Phúc Âm hoá các dân tộc). Thế giới hiện nay có hơn 7 tỉ người, người Công giáo mới có hơn 1 tỉ 200 triệu người, chiếm gần 18% dân số thế giới. Nếu so sánh với các tôn giáo khác như Hồi giáo với 1 tỉ 800 triệu , Ấn Độ giáo với 1 tỉ 100 triệu, đạo ông bà tổ tiên với 754 triệu, Phật giáo 488 triệu (x. GHCGVN Niên Giám 2016, tr 167)… thì chúng ta vẫn còn là thiểu số.

Nếu nhìn vào Giáo hội Công giáo tại châu Á, việc truyền giáo trong suốt 2.000 năm qua chưa đạt được kết quả mong muốn. Châu Á vì là nơi Đức Giêsu sinh ra và là nơi khai sinh Giáo Hội như đang thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng cứu độ của Người. Nhưng chúng ta thử hỏi xem, chúng ta đã đạt được kết quả nào? Châu Á với 4 tỉ 400 triệu người nhưng Công giáo mới chỉ có 140 triệu người, chiếm 3% dân số, so với Hồi giáo 1 tỉ 500 triệu người, Ấn Độ giáo với hơn 1 tỉ người, 745 triệu người theo đạo ông bà, 480 triệu người theo Phật giáo.

Hàng tỉ người đang muốn lằng nghe Tin Mừng. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta  : “Thế giới vô cùng cần Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Thông qua Hội Thánh, Đức Kitô tiếp tục sứ mạng của mình là Người Samari Tốt lành, săn sóc những vết thương rướm máu của nhân loại, và là Người Mục tử Tốt lành, không ngừng tìm kiếm những con chiên lạc, trên những con đường ngoằn ngoèo không dẫn tới đâu. Tạ ơn Chúa, ngày nay có nhiều trải nghiệm quan trọng tiếp tục làm chứng cho sức mạnh biến đổi của Tin Mừng” (số 5).

2. Những trải nghiệm về Tin Mừng của Đức Giêsu

 

Chúng ta đang có trải nghiệm nào về Tin Mừng của Đức Giêsu? Chúng ta đang loan báo Tin Mừng đó như thế nào? Trong Ngày Thế giới Phúc Âm hoá, nhiều xứ đạo hô hào tín hữu tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày, cổ vũ đóng góp cho công cuộc truyền giáo, tổ chức thăm viếng người nghèo khổ, tật bệnh. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục làm theo thói quen như thế thì công cuộc truyền giáo khó có kết quả tốt đẹp hơn.

Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta một lần nữa suy tư về bản chất của việc truyền giáo, đổi mới thái độ sống và hành động. Thế giới đang thay đổi, và thay đổi hết sức nhanh chóng. Nhưng người Công giáo chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, hình như lại thay đổi rất chậm. Chỉ có một từ “truyền giáo” thôi, chúng ta cũng chưa dám thay đổi. Cách đây 400 năm, Giáo Hội dùng từ “truyền giáo”, lập ra Thánh bộ Truyền giáo, nhưng rồi khi thế giới hiểu truyền giáo như là tuyên truyền về một tôn giáo, quảng cáo cho một ý thức hệ thì Giáo Hội mời gọi ta thay đổi từ ngữ, cũng là thay đổi nhận thức của ta. ĐTC nói rằng: “Việc truyền giáo của Hội Thánh không thể là quảng bá một ý thức hệ tôn giáo, càng không thể là đề nghị một học thuyết đạo đức cao siêu” (số 3). Nhiều người vẫn quen dùng từ loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm vì họ hiểu Phúc Âm hay Tin Mừng là những chữ viết, những câu nói của Chúa Giêsu, được ghi lại trong sách Thánh Kinh hay Tân Ước, nên tìm cách học hiểu và giải thích cho người khác.

Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2012 nhắc đi nhắc lại rằng Phúc Âm không phải là những chữ viết trong cuốn Kinh Thánh, không phải là một hệ thống tín điều hay luân lý, nhưng là một Người sống động, là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, là Đức Giêsu Kitô. Hôm nay ĐTC nhắc lại: “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng là Kitô hữu không phải là một kết quả của một chọn lựa  đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một  Người. Sự gặp gỡ ấy tạo ra cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (x. ĐTC Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu). “Tin Mừng là một người luôn luôn trao hiến mình, luôn luôn mời gọi những ai đón nhận Người với đức tin khiêm cung và sốt mến hãy chia sẻ sự sống của Người bằng việc tham dự thật sự vào mầu nhiệm Vượt Qua trong cái chết và sự phục sinh của Người (số 4).

Như thế, việc truyền giáo của Hội Thánh làm hiện diện trong lịch sử Thời của Đức Kitô, thời cứu độ thuận lợi. Nhờ việc công bố Tin Mừng, Đức Giêsu Phục Sinh trở thành người đương thời của chúng ta” (số 3). Vì thế, Giáo Hội ngày nay dùng từ Phúc Âm hoá, có nghĩa là hoá thành Phúc Âm, thành Tin Mừng, hoá thành Đức Giêsu Kitô. Muốn hoá thành Đức Giêsu, chúng ta cần phải gặp gỡ được Người, phải hiểu biết, yêu thương Người. Khi tình yêu đạt tới độ mãnh liệt, ta sẽ kết hợp thành một với Người để Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa và chúng ta lại trở thành Tin Mừng vĩ đại cho thế giới hôm nay.

3. Hiệu quả của Phúc Âm hoá

Có cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, ta mới chia sẻ sự sống ấy cho những con người đang khát khao sống dồi dào hơn, có gắn bó với Chúa Giêsu là sự thật, chúng ta mới nói thật, làm thật, sống thật để chia sẻ cho những con người đang sống trong một thế giới đầy giả dối và lừa bịp lẫn nhau. Có gắn bó với Chúa Giêsu toàn năng (x. Mt 28, 18) chúng ta mới được Người chuyển thông cho chúng ta quyền năng của chính Thiên Chúa để khi chúng ta đụng chạm đến ai thì người đó được chữa lành, đụng chạm đến vạn vật thì bánh cá hoá nhiều, gió yên biển lặng, đụng chạm đến người bị ma quỷ kiềm chế thì họ được giải thoát và tự do. Khi có những hành động như vậy chúng ta mới minh chứng được rằng Kitô giáo của chúng ta vượt trổi hơn Phật giáo, Hồi giáo và những tôn giáo khác.

Sau khi được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải ra đi, chư không phải ngồi yên thụ hưởng hạnh phúc. Phúc Âm hoá là một cuộc ra đi liên tục trong suốt cuộc đời của mỗi người. ĐTC nói rằng: “Việc truyền giáo của Hội Thánh được sinh động bởi một linh đạo của việc liên tục lên đường. Chúng ta được thách thức “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 20). Sứ mạng của Hội Thánh thúc đẩy chúng ta liên tục lữ hành qua các sa mạc khác nhau của cuộc đời, qua các trải nghiệm khác nhau của sự đói khát sự thật và công lý. Việc truyền giáo khơi dậy một cảm giác bị đoạ đày triền miên, làm cho chúng ta ý thức rằng trong cơn khát cái vô hạn, chúng ta đang là kẻ lưu đày tiến về quê nhà cuối cùng của mình, đang đứng lơ lửng giữa cái “đã có” và “chưa có” của Nước Trời” (Sứ điệp, số 6).

Chúng ta phải ra đi vào những sa mạc của cuộc đời hôm nay, chịu đựng những cơn khát cái vô biên, cái tuyệt đối mà nhân loại đang mong chờ nơi chúng ta. Chúng ta chia sẻ cho họ một tình yêu trong sáng quảng đại trong một thế giới chỉ biết đến tình yêu hẹp hòi, ích kỷ và thụ hưởng vật chất của con người. Muốn thế, chúng ta phải chấp nhận những đau khổ, khó khăn, thiếu thốn trên sa mạc cuộc đời. Ngài nhắc nhở một lần nữa rằng: “Truyền giáo nhắc nhở nhắc nhở Hội Thánh rằng mình không phải là một mục đích tự tại, nhưng là một dụng cụ và trung gian khiêm tốn của Nước Trời. Một Hội Thánh quy chiếu về chính mình, một Hội Thánh bằng lòng với thành công trần thế thì không phải là Hội Thánh của Đức Kitô, không phải là Thân Thể chịu đóng đinh và vinh hiển của Người. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thích “một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 49).

Lời kết

 

Những lời lẽ hết sức mãnh liệt đó nhắc nhở chúng ta phải ra đi, dám chịu những sỉ nhục, bách hại trong công cuộc Phúc Âm hoá thế giới. Nhưng chúng ta vẫn can đảm chịu đựng và an vui vì Đức Giêsu đang ở trong chúng ta. Người ban cho ta tất cả quyền năng của Thánh Thần qua các bí tích Rửa Tội, Thánh Thể, Thêm Sức, để chúng ta hoà nhập thành một với nhau và với Đức Giêsu để trở thành Phúc Âm sống động cho thế giới hôm nay.