10/01/2025

Nữ tiến sĩ luôn làm điều bất ngờ

Với nhiều nghiên cứu tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải nông nghiệp, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng vừa được bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2017.

 

Nữ tiến sĩ luôn làm điều bất ngờ.

 

 Với nhiều nghiên cứu tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải nông nghiệp, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng vừa được bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2017.


Người làm khoa học kỹ thuật có thành công hay không phần lớn từ việc có được tạo điều kiện hay không. Dù là nhà khoa học giỏi, nhưng nếu không có phòng thí nghiệm cũng đành chịu. Thành công của tôi có được là do nhà trường đã đưa đến cơ hội nghiên cứu, cùng cơ sở vật chất thuận lợi cho việc nghiên cứu phát triển…

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (sinh năm 1975) – phó chủ nhiệm khoa kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – vừa được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2017.

Thành quả này được ghi nhận sau hàng loạt công trình nghiên cứu của PGS Kim Phụng về việc tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải của ngành nông nghiệp, như dầu hạt cao su, hạt cà phê hay hoa quả.

Xuất thân từ nông nghiệp

Trước đó, vào năm 2016, PGS Kim Phụng đã được trao giải thưởng Nhà khoa học ASEAN – Hoa Kỳ dành cho các nhà khoa học nữ công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng. “Xuất thân từ nông dân nên tôi yêu thích nông nghiệp. 

Dù chọn theo học trường kỹ thuật nhưng tôi vẫn muốn làm gì đó liên quan tới nông nghiệp” – PGS Kim Phụng nói về việc chị lựa chọn hướng nghiên cứu ứng dụng, năng lượng tái tạo và biomass – biến phế phẩm trong nông nghiệp thành năng lượng và các vật liệu sử dụng được.

Tự nhận mình là người phụ nữ cá tính, PGS Kim Phụng luôn muốn làm những chuyện bất ngờ. Đầu tiên là việc chị chọn Trường ĐH Bách khoa để thi vào và trúng tuyển năm 1994. 

Sau đó, chị đã chứng tỏ được không chỉ có con trai mới học giỏi ở trường kỹ thuật, với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư xuất sắc, đạt huy chương vàng khoa kỹ thuật hóa học, được nhà trường giữ lại để đào tạo thành giảng viên.

Nhưng một lần nữa chị Kim Phụng lại đưa ra quyết định hết sức bất ngờ với thầy cô và bạn bè, là ra ngoài làm việc. 

“Suốt quá trình học đại học mình đã học quá nhiều lý thuyết mà chưa được ứng dụng. Vì vậy, mình quyết định ra ngoài đi làm để tiếp cận với thực tế sống động” – PGS Phụng giải thích về quyết định của mình. 

Sau một thời gian làm việc cho vài công ty, có lúc làm trưởng phòng kỹ thuật, nhưng chị Phụng lại thấy công việc “không thú vị như mình nghĩ, mọi việc cứ đều đều, không động não gì”, nên chị quyết định quay lại Trường ĐH Bách khoa để học thạc sĩ. 

Năm 2004, chị Phụng trở thành nghiên cứu sinh của ĐH Sheffield (Anh). Năm 2008, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và nhận bằng tiến sĩ của trường đại học danh tiếng này.

“Nhà khoa học vì cộng đồng”

Trở về Việt Nam, nữ tiến sĩ trẻ nhận thấy việc sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu thế tất yếu trên thế giới, nhằm giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều nước đã trồng một số loại cây để lấy nhiên liệu làm năng lượng tái tạo. 

Trong khi đó ở Việt Nam có tiềm năng về chất thải trong nông nghiệp rất nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu chuyển đổi các chất thải trong nông nghiệp thành năng lượng tái tạo và vật liệu sử dụng được. Việc nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết vấn đề về môi trường, kinh tế và phát triển bền vững.

“Năm 2009, tôi về trường. Rất may mắn, lúc đó có dự án JICA – JST về biomass, là dự án hợp tác giữa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) do phía Nhật tài trợ. Tôi được nhà trường giao quản lý dự án, đồng thời tham gia các hợp phần nghiên cứu của dự án. 

Nhận dự án trị giá 5 triệu USD tôi cũng bị áp lực lắm, nhưng nghĩ nhà trường đã trao cơ hội quá tốt, mình phải quyết tâm làm. Từ đó tôi định hướng nghiên cứu về năng lượng tái tạo và biomass” – PGS Phụng chia sẻ.

Dù chọn hướng nghiên cứu ứng dụng nhưng từ năm 2009 đến nay, PGS Kim Phụng có đến 24 bài báo công bố quốc tế. Tuy nhiên, chị tự đánh giá mình không thành công trong công bố quốc tế. 

Chị nói: “Một phòng thí nghiệm mạnh phải có công bố quốc tế, nên buộc tôi cũng phải đáp ứng những tiêu chí đó. Nhưng trong thâm tâm, tôi muốn phát triển theo hướng nghiên cứu ứng dụng, tạo ra giá trị phục vụ cho chính người dân. 

Đất nước mình còn nghèo lắm. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi người dân không có nước sạch uống. Tại sao mình không tạo ra nước sạch cho người dân? Tôi luôn muốn tạo ra sản phẩm gì ứng dụng cụ thể cho người dân”.

Được đánh giá cao trong giới khoa học

“PGS.TS Lê Thị Kim Phụng là một trong những nhà khoa học có uy tín, đạt được nhiều thành quả trong nghiên cứu. Đặc biệt, trong thời gian qua PGS Phụng được đánh giá rất cao trong giới khoa học Việt Nam và các nước khu vực.

Những nghiên cứu của PGS Phụng một mặt thúc đẩy việc nghiên cứu năng lượng tái tạo ở Trường ĐH Bách khoa, mặt khác tạo ra đầu mối hợp tác nghiên cứu quốc tế với nhiều nhà khoa học trong khu vực” – GS.TS Vũ Đình Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận xét.

TRẦN HUỲNH