28/11/2024

‘Hồ bơi phổ cập’ của thầy Chơn

Để nuôi hồ bơi duy nhất còn lại ở thị trấn Trảng Bàng, ngoài đi dạy, thầy Chơn còn làm thêm về cơ khí ở quê nhà.

 

‘Hồ bơi phổ cập’ của thầy Chơn.

 

 Để nuôi hồ bơi duy nhất còn lại ở thị trấn Trảng Bàng, ngoài đi dạy, thầy Chơn còn làm thêm về cơ khí ở quê nhà.

 

 

Hồ bơi phổ cập của thầy Chơn - Ảnh 1.

Thương học trò thiếu chỗ học bơi, thầy Trịnh Văn Chơn – giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – đã về quê nhà ở Tây Ninh thuê đất, xây hồ bơi, mời giáo viên thể dục đến dạy bơi cho trẻ em có nhu cầu.

Đi vào hoạt động từ tháng 12-2016, hồ bơi của thầy Chơn đã tạo điều kiện cho hàng trăm trẻ biết bơi, trong đó chủ yếu là học sinh từ 7 trường tiểu học, THCS ở thị trấn Trảng Bàng (Tây Ninh) và các vùng lân cận.

Phụ huynh an tâm

Học xong buổi chính khoá, khoảng 16h30, nhóm học sinh ở thị trấn Trảng Bàng háo hức chuẩn bị đến hồ bơi của thầy Chơn. Để tạo thuận lợi cho phụ huynh, thầy Chơn thường cử nhân viên lấy ôtô đưa rước học sinh từ trường đến hồ bơi. Bơi lội, chơi đùa thoả thích xong, các em tự về nhà hoặc chờ cha mẹ đến đón.

 

 

Mỗi ca học bơi kéo dài khoảng hai giờ, mỗi lần xuống hồ tối đa 30 em, do hai giáo viên quan sát, hướng dẫn trực tiếp. Với học phí 400.000 đồng, mỗi em được dạy và sử dụng hồ cho đến khi nào biết bơi thì thôi, thường kéo dài qua 10 buổi. Với các em đến bơi tự do, chỉ trả 10.000 đồng/lần.

Ông Ngô Khánh Vân, nhà ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, cho biết: “Cháu gái lớn của tôi (lớp 5) học bơi hè ở đây, sau ba buổi đã biết bơi sải và bơi ếch; còn cháu nhỏ (lớp 2) phải học đến buổi thứ 5 mới bơi rành. 

Hồ bơi ở đây sạch sẽ, thoáng mát, có mái che, thầy dạy dễ hiểu, chịu khó chỉnh sửa từng động tác cho các cháu. Hồ nhỏ và không quá sâu, rất an toàn”.

Nhà cách hồ bơi 5km, chị La Thị Thảo đều đặn chở hai con đi bơi vào sáng chủ nhật hằng tuần. “Thấy con học bơi ở đây rất an toàn, có nhân viên trực cấp cứu, phụ huynh rất an tâm. Hồi hè, tôi cho cháu học 3 buổi/tuần, với mức phí 400.000 đồng. Hiện tại cháu đã biết bơi, chỉ tốn 10.000 đồng có thể bơi cả buổi sáng” – chị Thảo kể.

Phụ trách dạy bơi cho khoảng 30 cháu/tháng, thầy Nguyễn Văn Nghĩa (giáo viên Trường tiểu học Chánh Vĩnh Phước, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) cho biết: “Trước đây, thị trấn có hồ bơi tư nhân, nhưng vì một số lý do mà đóng cửa

Trẻ em ở thị trấn muốn học bơi phải đi hơn 7km đến hồ bơi Khu chế xuất Linh Trung III (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Từ khi có hồ bơi của thầy Chơn, trẻ em địa phương đến bơi rất đông, đặc biệt trong hè. 

Hơn 90% trẻ học bơi thành công, chỉ có bốn em hiện tại vẫn chưa bơi được vì sợ nước, bệnh tim mạch… Với những trường hợp này, tôi hướng dẫn các bé chơi nước an toàn, làm quen áo phao”.

Không lỗ là mừng rồi!

Chúng tôi thiết kế hồ bơi ưu tiên cho đối tượng trẻ em chưa biết bơi. Vì vậy độ sâu từ 0,8-1,2m, đảm bảo an toàn cho trẻ, nhưng hạn chế với đối tượng người lớn. Ngoài ra, mức thu phí học sinh không thể cao, nhưng may mắn là suốt thời gian qua tôi chưa phải bù thêm tiền”

Thầy Trịnh Văn Chơn

Hồ bơi thầy Chơn ra đời sau những lần trà dư tửu hậu giữa các thầy giáo đương nhiệm hoặc đã về hưu ở Trảng Bàng. 

Ông Trần Văn Chon, hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Trảng Bàng, nhớ lại: “Dư luận vẫn còn lo lắng khi thỉnh thoảng xảy ra trường hợp học sinh chết đuối thương tâm, thậm chí đuối nước ngay trong hồ bơi. 

Nhóm giáo viên chúng tôi có “tám” với nhau, rằng nếu ai có điều kiện thì mở hồ bơi, tổ chức bài bản, phụ huynh sẽ mạnh dạn cho con cái đi học. Nói vậy chứ không phải ai cũng dám đầu tư”.

Gắn bó tuổi thơ với sông rạch, thầy Trịnh Văn Chơn nhận thấy thiệt thòi của trẻ em quê mình, nên quyết định đầu tư hơn 400 triệu đồng xây hồ bơi, cùng hệ thống lọc nước tuần hoàn, xử lý nước tiệt trùng bằng clo, thay nước, bù nước theo quy chuẩn hồ bơi cơ bản.

“Thật tình, so với tổng đầu tư, việc mở hồ bơi này không có hiệu quả kinh tế” – thầy Chơn chia sẻ. “Chúng tôi thiết kế hồ bơi ưu tiên cho đối tượng trẻ em chưa biết bơi. Vì vậy độ sâu từ 0,8-1,2m, đảm bảo an toàn cho trẻ, nhưng hạn chế với đối tượng người lớn. 

Ngoài ra, mức thu phí học sinh không thể cao, nhưng may mắn là suốt thời gian qua tôi chưa phải bù thêm tiền” – thầy Chơn cười nói.

Dẫu vậy, với thầy Chơn, bài toán kinh tế vẫn còn ở phía trước. Trong hè, mỗi ngày đều có lớp dạy bơi, nhưng từ đầu năm học đến nay khách bơi vắng dần, chủ yếu trẻ em chỉ đến vào thứ bảy, chủ nhật. 

Ngoài việc là giảng viên đại học, thầy Chơn còn làm thêm về cơ khí ở quê nhà để nuôi hồ bơi duy nhất còn lại ở thị trấn Trảng Bàng. “Việc thu hồi vốn còn rất mơ hồ, tôi cũng chưa tính tới. Hiện tại, chỉ cần thu bù chi, không lỗ là mừng rồi. Nhưng nếu lỗ, tui vẫn bù vào được” – thầy Chơn tự tin cho biết.

Từng “xúi” thầy Chơn đầu tư làm hồ bơi, hiệu trưởng Chon cho rằng: “Anh Chơn làm hồ bơi để vui thôi, chủ yếu phục vụ học trò, chứ phần lớn thời gian vắng teo. Về phần mình, hỗ trợ được gì tôi hỗ trợ. Khi năm học đi vào ổn định, nhà trường sẽ thông báo cho học sinh có nhu cầu đăng ký học bơi ở đây”.

Hơn 500 học sinh đã biết bơi

 

Ngoài thầy Nghĩa, thầy Chơn còn mời một số giáo viên ở các trường có chuyên môn về bơi đến dạy, và liên hệ hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS thuộc thị trấn Trảng Bàng, xã An Hoà, An Tịnh, Gia Lộc, Lộc Hưng để phổ biến thông tin về việc dạy bơi cho học sinh.

Sau 9 tháng hồ bơi hoạt động, thầy Chơn cho biết đã có hơn 500 học sinh vượt qua khóa học, nắm bắt kỹ năng bơi an toàn.

TƯỜNG HÂN