Dùng đá sản xuất cát thay cát sông
Theo Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải Việt Nam, đá tại miền Nam có thể dùng để sản xuất cát xay với giá cát rẻ hơn 10-15% so với cát tự nhiên
Dùng đá sản xuất cát thay cát sông.
Theo Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải Việt Nam, đá tại miền Nam có thể dùng để sản xuất cát xay với giá cát rẻ hơn 10-15% so với cát tự nhiên.
Tại cuộc họp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây về việc tìm công nghệ mới trong xây dựng, Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải Việt Nam cho biết cả nước hiện cần khoảng 100 triệu m3 cát để làm bêtông/năm.
Trong khi đó, 5 năm nữa Việt Nam cạn kiệt cát tự nhiên do cát sông được khai thác quá mức.
Rẻ hơn, chất lượng tốt hơn
Theo Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu cát, cần sản xuất cát xay công nghiệp bằng cách nghiền các loại đá tự nhiên có cấu trúc đặc, chắc đến các hạt đạt yêu cầu dùng chế tạo bêtông nhựa và bêtông ximăng cho các công trình xây dựng.
Cũng theo viện này, đá tại miền Nam có thể sử dụng để sản xuất cát xay với giá cát rẻ hơn 10-15% so với cát tự nhiên. Các chuyên gia của viện cũng khẳng định chất lượng bêtông nhựa, bêtông ximăng có sử dụng cát xay tốt hơn so với sử dụng cát sông.
Tại cuộc họp, các đơn vị kiến nghị cho phép ứng dụng rộng rãi cát xay tại TP.HCM và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị sản xuất cát xay theo công nghệ ly tâm.
Một số chủ đầu tư dự án đề nghị Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải Việt Nam công bố giá cả, đưa giá cát nhân tạo vào bảng giá xây dựng, cùng các tiêu chí về chất lượng để có cơ sở pháp lý đưa vào thiết kế, thi công công trình giao thông.
Nhiều nước đã sử dụng
Theo thạc sĩ Lâm Hữu Quang – giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm đường bộ 1, và kỹ sư Nguyễn Minh Tâm – Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải, cát xay đã và đang được nhiều nước như Canada, Mỹ, Na Uy, Đức, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản… sử dụng.
Tại Việt Nam, việc sử dụng cát xay để chế tạo bêtông nhựa chất lượng cao đã được đưa vào quy trình thi công và nghiệm thu lớp phủ móng bêtông nhựa có độ nhám cao 22 TCN 345-06 và quy định kỹ thuật về thi công và nghiệm thu lớp siêu mỏng tạo nhám siêu mỏng trên đường ôtô theo quyết định số 3287/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định về việc sử dụng cát xay năm 2014.
Tại cuộc họp, ông Ngô Hải Đường, trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ – Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết nếu giá cát xay thấp hơn cát tự nhiên thì chắc chắn sẽ tạo ra yếu tố cạnh tranh và sẽ có nhiều đơn vị thi công sử dụng loại cát này.
Còn ông Nguyễn Thành Nam, giám đốc điều hành dự án xa lộ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – CII, cho biết hiện nay công trình thi công dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức) đang gặp khó khăn do giá cát tăng gần gấp đôi so với trước vì cát khan hiếm.
“Do đó, đề nghị các nơi nghiên cứu cung cấp thông tin cụ thể để đơn vị đặt hàng. Nếu đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ sử dụng cát xay đưa vào sử dụng trong công trình lát vỉa hè hai bên xa lộ Hà Nội” – ông Nguyễn Thành Nam nói.
Giá cát tăng liên tục
UBND TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng và cung cầu sử dụng cát xây dựng.
Theo báo cáo, giá cát liên tục tăng từ tháng 4 đến nay. TP.HCM không có nguồn khoáng sản được cấp phép khai thác để bình ổn giá, nên đã kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì đề nghị UBND các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác hỗ trợ tăng cường nguồn cung về cho TP.HCM.
Nhà thầu lao đao vì thiếu cát
Theo chủ đầu tư nhiều dự án, khi các địa phương xử lý nạn khai thác cát trái phép, giá cát tăng vọt 200% so với trước đó. Hiện các dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (sắp thi công, Tiền Giang) đang có nhu cầu 6 triệu m3cát; dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (đang thi công, Long An, TP.HCM, Đồng Nai) cần 2 triệu m3 cát; dự án xây dựng đường nối từ Võ Văn Kiệt đến chợ Đệm (đang thi công, huyện Bình Chánh) để nối vào đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (TP.HCM, Long An và Tiền Giang) cần 1 triệu m3cát…
Lãnh đạo các ban quản lý dự án trên cho biết cát khan hiếm và giá cát tăng cao khiến nhiều nhà thầu lao đao vì công trình đội vốn.