29/11/2024

Người Kitô sống trong trần thế

Vatican. Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 22.10.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật nói về cách Chúa trả lời cho những kẻ gài bẫy. Đó là: Của Xêda, trả cho Xêda, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

 Người Kitô sống trong trần thế

 

 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật Truyền giáo 22.10.2017 – ANSA

Vatican. Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 22.10.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật nói về cách Chúa trả lời cho những kẻ gài bẫy. Đó là: Của Xêda, trả cho Xêda, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. 
 
Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mt 22,15-21) kể cho chúng ta cuộc đối mặt giữa Chúa Giêsu và những kẻ ghét Chúa. Chủ đề được bàn tới là việc nộp thuế cho Xêda. Đó là câu hỏi rất gai góc và học búa về việc có được phép hay không, khi nộp thuế cho hoàng đế La Mã. Đây cũng là vấn đề rất khó khăn của người Palestine thời Chúa Giêsu. Thế nên, những đối thủ của Chúa Giêsu đã quyết định gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Thực tế xảy ra sẽ tùy vào cách Chúa trả lời. Nếu Chúa nói là được phép, thì họ sẽ kết tội Chúa là đi theo đế quốc. Còn nếu Chúa nói là không, thì họ sẽ kết tội Chúa là dám chống lại hoàng đế Roma.


Nhưng trong tình huống ấy, Chúa Giêsu rất bình tĩnh và từ chỗ dường như bị bất lợi, Chúa đã sử dụng dịp này để đưa ra bài học quan trọng, vượt lên trên những gì là tranh cãi và đối lập. Chúa nói với họ: “Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Và họ đưa cho Chúa một đồng bạc. Chúa nhìn họ mà hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Các người Pharisêu chỉ có thể trả lời: “Của Xêda.” Thế là Chúa kết luận: “Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Khi trả lời như thế, một mặt Chúa nói cho họ rằng, việc đóng thuế không phải là hành vi thờ ngẫu tượng, nhưng chỉ là bổn phận đối với các nhà cầm quyền của trần gian. Mặt khác, đây là lúc Chúa Giêsu nhắc nhở họ về tính ưu việt của Thiên Chúa, và chúng ta cần trả về Thiên Chúa những gì Ngài đã làm cho chúng ta trong chiều dài của cuộc sống và lịch sử.

Hình ảnh của Xêda được khắc trên đồng tiền, cho thấy quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Còn hình ảnh được khắc ghi trong mỗi con người là chính hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy cho thấy: mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và thuộc về Thiên Chúa. Từ câu hỏi của người Pharisêu, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy còn có câu hỏi quan trọng hơn bội phần. Đó là: Tôi thực sự thuộc về ai? Tôi có gia đình, xóm làng, thành phố, bạn bè, mái trường, công sở, nền chính trị, nhà nước, quốc gia… Vâng. Tất nhiên là như thế. Nhưng Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng: điều căn cốt nền tảng là chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Chính Ngài đã ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đang có. Vì thế, trong cuộc sống, trong từng ngày sống, chúng ta cần luôn ý thức về điều ấy trong cõi lòng mình. Đó là: Thiên Chúa là Đấng dựng lên con, Ngài dựng lên con theo hình ảnh theo khuôn mẫu của Con rất yêu dấu của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Đây là mầu nhiệm thật tuyệt vời.

Người tín hữu Kitô được mời gọi tham gia tích cực vào các thực tại trần thế, trong đời sống xã hội của nhân loại, không đặt mình trong thế phản kháng giữa “Thiên Chúa” và “Xêda”. Việc phản kháng chống lại Thiên Chúa hoặc chống lại Xêda thì đều dẫn đến chỗ cực đoan. Người Kitô hữu được mời gọi dấn thân vào thực tại trần thế với ánh sáng đến từ Thiên Chúa. Tin tưởng nơi Thiên Chúa, đặt ưu tiên nơi Ngài, hy vọng nơi Ngài, không phải có nghĩa là đòi hỏi hoàn toàn thoát khỏi thực tại trần thế, nhưng là trả về Thiên Chúa điều thuộc về Ngài. Đó là lý do để các Kitô hữu nhìn tới tương lai trong Thiên Chúa, để sống cách sung mãn cuộc sống trần thế, để đáp lại những thách đố của cuộc sống ấy với lòng can đảm.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta, để ta luôn sống xứng đáng với hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn mình, để ta có thể tích cực góp phần xây dựng cuộc sống thế trần.

Đức Thánh Cha chào thăm mọi người

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại Barcelona, chúng ta có thêm các Chân phước Matteo Casals, Teofilo Casajús, Fernando Saperas và 106 bạn tử đạo. Các ngài bị giết chết vì những kẻ hận thù đức tin của cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tấm gương anh hùng của các ngài vẫn tiếp tục chiếu sáng trong thời đại chúng ta. Thời đại mà vẫn còn nhiều Kitô hữu trong nhiều nơi trên thế giới, bị phân biệt đối xử và bị đàn áp.

Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo, với chủ đề “Sứ mạng truyền giáo nơi tâm điểm của Giáo Hội”. Cha mời gọi anh chị em hãy sống niềm vui của sứ mạng này bằng cách sống chứng tá cho Tin Mừng ngay giữa môi trường mình sống và làm việc. Đồng thời, chúng ta được mời gọi, với lòng yêu mến, có những trợ giúp thiết thực và nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, dành cho các nhà truyền giáo. Cha cũng nhớ rằng, cha có ý mở một tháng ngoại thường về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019, để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân.  

Cha mời gọi anh chị em cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Trong những ngày này Cha đặc biệt quan tâm đến Kenya, là đất nước mà Cha đã viếng thăm năm 2015. Cầu nguyện cho mọi người biết tìm ra giải pháp để đáp lại những khó khăn hiện tại của đất nước, với tinh thần đối thoại có tính xây dựng và đồng lòng vì lợi ích chung.

Cha chào thăm anh chị em hành hương đến từ Italia và các quốc gia khác. Đặc biệt là các tín hữu đến từ Luxembourg, Ibiza, Brazil. Cha chào thăm các nhóm tín hữu đến từ nhiều giáo xứ của nước Ý. Chúc anh chị em tiếp tục tiến bước trong đức tin với nhiều niềm vui. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha. Tạm biệt anh chị em!


 

 

Tứ Quyết SJ