11/01/2025

Ngày Thế giới Truyền giáo: “Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên là chính Chúa Kitô”

“Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên là chính Chúa Kitô.” Chúa Giêsu Kitô “không loại bỏ bản chất truyền giáo của Giáo hội”, nhưng “vẫn hiện diện” nơi công việc tông đồ được các môn đệ của Người thực thi, vốn không phải là “việc của linh mục” mà là một ơn gọi chung của tất cả những người đã được rửa tội.

 Ngày Thế giới Truyền giáo: “Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên là chính Chúa Kitô”

 

 
WHĐ (21.10.2017) – “Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên là chính Chúa Kitô.” Chúa Giêsu Kitô “không loại bỏ bản chất truyền giáo của Giáo hội”, nhưng “vẫn hiện diện” nơi công việc tông đồ được các môn đệ của Người thực thi, vốn không phải là “việc của linh mục” mà là một ơn gọi chung của tất cả những người đã được rửa tội. Đó là phát biểu của Đức hồng y Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, tại buổi họp báo giới thiệu Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 91, sẽ được cử hành tại tất cả các giáo xứ trên thế giới vào Chúa Nhật 22 tháng 10 năm nay. Tham dự buổi họp báo còn có Đức Tổng Giám mục Protase Rugambwa, Chủ tịch các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, và Cha Fabrizio Meroni, Tổng Thư ký Liên hiệp Giáo hoàng Truyền giáo, cũng là Giám đốc CIAM (Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc tế) và Giám đốc Agenzia Fides.

Trong bài phát biểu, Đức Hồng y Filoni đã nêu lên những điểm chính trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô, với chủ đề “Việc truyền giáo ở tâm điểm của đức tin Kitô giáo”. Đức Hồng y Bộ trưởng đã nhắc lại sứ mệnh này như một chiều kích nội tại của đức tin Kitô giáo, dựa trên lệnh truyền cuối cùng của Chúa Kitô uỷ thác cho các môn đệ là đi khắp thế giới để làm Phép Rửa và loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Đề cập đến sứ điệp của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Filoni cũng nhấn mạnh rằng khả năng “ra đi” là một chiều kích quan trọng cho bất cứ ai được kêu gọi đáp lại mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Kitô, nhưng phải dựa trên “một linh đạo lên đường và hành hương sẽ liên kết mọi sự với Chúa Kitô”, nếu không muốn rơi vào nguy cơ giảm thiểu công việc truyền giáo ấy với một hoạt động mang tính xã hội.

Đức Tổng Giám mục Rugambwa đã nhắc lại nguồn gốc, sơ lược tổ chức và mục đích của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, nhấn mạnh đến tính cách phổ quát là đặc trưng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo khi trở thành sự trợ giúp cho Đức Thánh Cha trong mối quan tâm mục vụ của ngài đối với tất cả các Giáo hội.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Đức Tổng Giám mục Rugambwa và Đức Hồng y Filoni đã mô tả Hội Nhi đồng Truyền giáo là một công cụ hữu hiệu để giáo dục các thế hệ trẻ tính sẵn sàng và nhạy cảm đối với những ai cần đến. Trả lời một câu hỏi liên quan đến những trở ngại về mặt pháp luật đối với hoạt động truyền giáo tại một số quốc gia, Đức Hồng y Filoni đã dùng hình ảnh của những Kitô hữu đầu tiên của Hàn Quốc, của Phaolô Từ Quang Khải, người Trung Quốc, viên quan của Thiên Chúa, và của Takayama Ucon, người Nhật Bản, dũng sĩ samurai của Thiên Chúa, như là những mẫu gương giáo dân đã tuyên xưng đức tin nơi Chúa Kitô ngay trong những hoàn cảnh khó khăn với những phản kháng và chống đối về chính trị và văn hoá. Về vấn đề này, Đức hồng y cũng đề cao Pauline-Marie Jaricot, một giáo dân sáng lập Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin ở Pháp, đang trong tiến trình điều tra để được tôn phong chân phước, và một ngày kia cũng sẽ được tôn vinh là chứng nhân nhiệt thành truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xavier và Thánh Têrêsa thành Lisieux (Têrêsa Hài Đồng Giêsu), bổn mạng các xứ truyền giáo.

Mở đầu buổi họp báo, những người hiện diện cũng được xem trình chiếu đoạn video “Cloister is Mission” do Agenzia Fides sản xuất và phát hành, nhân Ngày Thế giới Truyền giáo, để kỷ niệm 90 năm ngày Đức Giáo hoàng Piô XI tôn vinh Thánh Têrêsa thành Lisieux là bổn mạng các xứ truyền giáo.

(Agenzia Fides)

 
 

 

Minh Đức