11/01/2025

Chúa nhật 29 TN A: Ngày thế giới Truyền giáo: Đạo và đời

Nhìn biến cố quan trọng này dưới lăng kính đức tin, ngôn sứ Isaia đệ nhị đã nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi dùng Cyrô, vị vua của dân ngoại, để đưa dân của Người trở về miền Đất hứa hầu phục hồi đời sống và nền phụng tự.

 Chúa nhật 29 TN  A

NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO

Is 45,1.4-6; 1Tx 1,1-5b; Mt 22,15-21

ĐẠO VÀ ĐỜI

“Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” Mt 22,21b

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài  đọc I – Is 45,1.4-6

    Bài đọc 1 thuộc sách Isaia Đệ Nhị (Is 40-55), được cho là biên soạn trong thời lưu đày ở Babylon. Trong bối cảnh đoàn dân Israel đang sống trong cảnh gian nan cùng cực và tuyệt vọng nơi miền đất lưu đày, việc vua Cyrô ban sắc lệnh cho phép các nhóm dân bị lưu đày được hồi hương trở thành một tin vui cho toàn dân. Nhìn biến cố quan trọng này dưới lăng kính đức tin, ngôn sứ Isaia đệ nhị đã nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi dùng Cyrô, vị vua của dân ngoại, để đưa dân của Người trở về miền Đất hứa hầu phục hồi đời sống và nền phụng tự.

    Mặc dầu trên thực tế vua Cyrô không được xức dầu làm người của Thiên Chúa như các Vua, ngôn sứ hay tư tế của Israel, nhưng qua cái nhìn đức tin, ngôn sứ Isaia cho thấy sứ vụ của vua như là sứ giả đem tin mừng và thi hành sứ mệnh của Thiên Chúa. Cụ thể là:

1. Ơn gọi: vua Cyrô là người đã được Đức Chúa xức dầu :“Dù ngươi không biết Ta nhưng Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu.

2. Sứ vụ :“Ta đã cầm lấy tay phải nó để bắt các dân tộc suy phục nó.

3. Hệ quả :“Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacóp và của người Ta đã chọn là Israel… và… để thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác.

    Theo nhãn quan của ngôn sứ Isaia, trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa có thể dùng các tác nhân và phương thế khác nhau: có khi đó là những nhân vật chưa nhận biết Chúa hoặc có khi đó là những biến cố mang tính xã hội, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể dùng những con người và biến cố ấy để mặc khải cho con người biết Người là ai và cũng để thực hiện chương trình cứu độ của Người cho Dân Chúa và cho nhân loại.

2. Bài đọc II – 1Tx 1,1-5b

    Trong các hành trình truyền giáo, thánh Phaolô đã thiết lập nhiều cộng đoàn với hình thức ban đầu là Hội Thánh tại gia, rồi từng bước trở thành giáo đoàn. Thánh Phaolô cũng đào tạo các Kitô hữu trở thành những người cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng và quản trị Hội Thánh địa phương thay ngài. Trong lời chào đầu thư 1Tx mà chúng ta nghe hôm nay, thánh Phaolô cùng hai đồng sự là Silvanô (Sila) và Timôthêô cùng đứng tên gửi thư. Điều này cho thấy việc truyền giáo và mục vụ mang chiều kích cộng đoàn, tức là Hội Thánh. Hai ông thuộc số nhiều cộng tác viên truyền giáo đắc lực của Thánh Phaolô. Ông Sila, cộng tác với ngài trong hành trình truyền giáo lần thứ hai từ Giêrusalem (x. Cv 15,22), và ông Timôthê cộng tác từ Lystra (x. Cv 16,1tt), nhất là đã góp phần rất lớn với thánh Phaolô trong việc thành lập giáo đoàn Thêxalônica.

    Sau lời chào chúc bình an, đoạn thư này cho thấy một trong những tâm tình chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đoàn trong lúc chờ đợi Chúa quang lâm sắp đến là tâm tình tạ ơn. Phaolô tạ ơn Thiên Chúa về đời sống đạo của cộng đoàn Thêxalônica qua việc diễn tả đức tin, đức cậy và đức mến của họ. Thánh Phaolô đặc biệt trân trọng “những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em vác vì lòng mến và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì lòng cậy trông” (1Tx 1,2-3). Tiếp đến, thánh Phaolô tạ ơn vì sự đáp trả của Thêxalônica với lời rao giảng của ngài, và tin rằng đây là những anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn qua “lời loan báo, quyền năng, Thánh Thần và một niềm xác tín sâu xa” (1Tx 1,4-5b). Tâm tình và lối sống như vậy làm nổi bật thái độ tích cực của cộng đoàn Thêxalônica trong chờ đón Chúa đến vào ngày quang lâm.

3. Bài Tin Mừng – Mt 22,15-21

    Trong khi thi hành sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã dạy người ta thay đổi đời sống để được đón nhận ơn cứu độ. Đức Giêsu đã chúc phúc cho những ai tin vào Người, nhưng cũng lên án những kẻ có li sống sai lầm, giả hình với chủ đích muốn họ hoán cải mà tin vào Tin Mừng. Trong số đó, có các Kỳ mục, Thượng tế, Kinh sư, Pharisêu và người thuộc phe Hêrôđê nữa. Trước đó, Đức Giêsu đã dùng ba dụ ngôn liên tiếp để tỏ rõ thái độ không khoan nhượng của Người trước sự giả hình của các thượng tế và hàng kỳ mục: dụ ngôn người cha sai hai con đi làm vườn nho (21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (21,33-46), dụ ngôn những người được mời nhưng không thèm dự tiệc (22,1-14). Vì thế, những người này ghét Đức Giêsu nên tìm cớ để tố cáo Người. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những người Pharisêu phản ứng chống lại Đức Giêsu, khi họ cấu kết với nhóm Hêrôđê để cài bẫy Đức Giêsu, khi hỏi Người về việc nộp thuế cho Xêda.

    Để đạt được mục đích, họ không ngần ngại đề cao Đức Giêsu. Họ giả định: Đức Giêsu là con người của sự thật: “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”; và Đức Giêsu còn là người của sự công bằng “Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Đây không phải là lời công nhận hay tuyên xưng, nhưng là lập mưu, vì họ nghĩ đó là tiền đề và điều kiện buộc Đức Giêsu phải trả lời câu hỏi của họ. Những người này đã đặt vấn đề với Đức Giêsu :“Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?  Đây là vấn đề nhạy cảm và nan giải. Nếu Đức Giêsu trả lời “có được phép” thì chắc chắn điều này sẽ làm phật lòng đám đông dân chúng. Quả thật, dân Dothái hiểu rằng việc nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê là cách cộng tác gián tiếp với dân ngoại, góp phần xúc phạm Dân Chúa và Đất Thánh. Nếu Đức Giêsu trả lời “không được phép” thì chắc chắn nhóm Hêrôđê thuộc phe “cánh hữu” của đế quốc Rôma sẽ có cớ để tố cáo Đức Giêsu về tội chống lại đế quốc và hoàng đế.

    Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Câu nói của Đức Giêsu không trực tiếp trả lời cho vấn đề được đặt ra, nhưng đưa ra một định hướng kép:

 a/ Về đời sống xã hội: khởi đi từ nền tảng của công bằng, nếu đó là những quyền và nghĩa vụ chính đáng, mọi người đều có bổn phận thi hành;

 b/ Về đời sống tôn giáo: không thể lẫn lộn giữa chính trị và tôn giáo; Dân phải giữ đúng tương quan với Thiên Chúa và cần ưu tiên thực hiện các bn phận và nghĩa vụ tôn giáo.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Ta đã cầm lấy tay phải nó để bắt các dân tộc suy phục nó”. Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa quyền năng, Người điều khiển vận mệnh toàn thế giới, đặc biệt vận mệnh của dân Người tuyển chọn. Chúa có thể dùng nhiều phương thế để thực hiện ý định cứu độ của Người. Thiên Chúa có thể dùng ngay cả vua dân ngoại để giải thoát dân Người. Tất cả cũng chỉ là những phương thế trong tay Thiên Chúa nhằm thể hiện cho con người biết thánh ý của Người trong lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại. Tôi có dám xác tín như thế để có một cái nhìn quân bình hơn trước mọi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày và tìm ý nghĩa các sự kiện trong sự nối kết với chương trình cứu độ của Thiên Chúa?

2.Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em. Đó là một ân huệ nhưng cũng là một ơn gọi. Sống ơn gọi của những người được tuyển chọn là nỗ lực diễn tả đức tin, đức cậy và đức mến qua cuộc sống hằng ngày. Tôi có ý thức rằng việc trải nghiệm những nỗi khó nhọc vì lòng tin tưởng, chấp nhận những thử thách vì lòng mến yêu, kiên nhẫn chịu đựng nghịch cảnh vì lòng cậy trông luôn là những phương thế tuyệt hảo giúp Kitô hữu sống trọn vẹn ơn gọi của những người được tuyển chọn?

3. Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Bổn phận của mỗi Kitô hữu đối với Thiên Chúa, trong lăng kính của ngày thế giới truyền giáo, chính là nỗ lực “đi ra khỏi chính mình” để loan Tin Mừng cho mọi người trong bối cảnh sống hằng ngày. Tôi có ý thức cách sâu sắc về bổn phận này và biến nó thành hành động, như là cách mà người môn đệ từng bước hoàn tất “ơn gọi và sứ vụ” mình trong tương quan với Thiên Chúa và với xã hội?

4. Giới trẻ là hy vọng của truyền giáo. Con người Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách dấn thân phục vụ loài người với sự can đảm và phấn khởi. ‘Nhiều người trẻ đang chia sẻ mối quan tâm chung về các vấn đề của thế giới và tham gia các hình thức khác nhau của việc cổ động tích cực và hoạt động tình nguyện… Đẹp biết bao khi chứng kiến cảnh những người trẻ là những nhà giảng thuyết đường phố’, vui vẻ mang Đức Giêsu đến mọi đường phố, mọi công viên và mọi góc cùng của trái đất!Sứ điệp của Đức Phanxicô nhân ngày thế giới truyền giáo 2017 đặc biệt đề cao vai trò của người trẻ trong việc loan báo Tin Mừng. Các bạn trẻ có ý thức rằng nếu tích cực dấn thân phục vụ loài người qua hoạt động trong các lãnh vực xã hội để làm nổi bật các giá trị chân-thiện-mỹ và sống các giá trị Tin Mừng, thì đó cũng là cách truyền giáo đến mọi miền trái đất?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi rao giảng về Nước Trời, Chúa Giêsu đã đưa ra nguyên tắc: “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Trong ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo hôm nay, cộng đoàn chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết quan tâm tìm kiếm những giá trị trường tồn nơi Thiên Chúa.

1. Thánh Phaolô nói :“Chúng tôi không ngừng nhớ đến anh em trong khi cầu nguyện”. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện cũng như trong các hoạt động loan báo Tin Mừng.

2. Chúa đã dùng vua dân ngoại là Cyrô để thực hiện ý định cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhất là ở những quốc gia chưa được đón nhận Tin Mừng cứu độ, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà truyền giáo hoạt động.

3. “Cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn ý thức việc truyền giáo là sứ mạng của mình qua bí tích Rửa tội, để tích cực góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện và những hoạt động cụ thể.

4. “Cái gì của Cêsarê hãy trả cho Cêsarê”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết khôn ngoan phân định các giá trị cuộc sống dựa trên những tiêu chuẩn Tin Mừng, để dứt khoát chọn lựa lối sống đẹp lòng Chúa và hữu ích cho mọi người.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban xuống muôn phúc lành, giúp chúng con biết biến cả cuộc đời thành bài ca cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.