10/01/2025

Những người nhọc nhằn pha sữa, làm ‘giàu’ cho voi rừng

Hai con voi hoang dã được cứu hộ đã không trở về với đại ngàn mà ở lại gắn bó với con người. Ít ai biết đến những vất vả khi chăm sóc chúng ở rừng Buôn Đôn.

 

Những người nhọc nhằn pha sữa, làm ‘giàu’ cho voi rừng.

Hai con voi hoang dã được cứu hộ đã không trở về với đại ngàn mà ở lại gắn bó với con người. Ít ai biết đến những vất vả khi chăm sóc chúng ở rừng Buôn Đôn.

 

 

 

Hai con voi Jun (lớn) và Gold luôn quấn quýt bên nhauẢNH: TRUNG CHUYÊN


Nửa đêm lọ mọ pha sữa
Tháng 10, Tây nguyên bước vào cuối mùa mưa, thời tiết bắt đầu oi bức. Bên bờ hồ Cư Min, xã Krông Na, H.Buôn Đôn (Đắk Lắk), trại chăm sóc voi của Trung tâm bảo tồn voi (trung tâm) Đắk Lắk tĩnh mịch dưới cánh rừng khộp thưa xen kẽ vườn chuối và cỏ trồng làm thức ăn cho voi. Hai con voi Jun và Gold đang quấn quýt giỡn nhau trong khu rừng nhỏ bao quanh bởi hàng rào xung điện.
Những người nhọc nhằn pha sữa, làm 'giàu' cho voi rừng - ảnh 2

Voi Gold vẫn còn uống sữa 3 lần mỗi ngày dù đã biết ăn

Gần trưa, anh Lê Nhật Tân, nhân viên trung tâm, tay cầm bình sữa đi tới. Nhác thấy Tân, chú voi Gold lũn cũn chạy lại đón bữa ăn. Chỉ vài lần đưa vào mồm Gold, bình sữa 3 lít đã cạn. “Bé voi này khôn đáo để, nhiều khi đến bữa chưa có sữa là kêu rống lên. Những tháng đầu mới đưa từ rừng về, mỗi ngày phải pha cho nó 7 – 8 cữ sữa, trong đó ban đêm phải pha 3 lần; chập tối, 12 giờ đêm, rồi 3 giờ sáng. Nghe tiếng kêu của nó, anh em đang ngủ phải lọ mọ dậy pha sữa như chăm trẻ sơ sinh”, Tân thân thiện vuốt đầu chú voi con, nói.
Những nhân viên trung tâm bảo Gold và Jun là những con voi “nhặt”. Gold vốn trong đàn voi hoang dã khi ngang qua tiểu khu 294, thuộc lâm phần Công ty lâm nghiệp Chư Ma Lanh (H.Ea Súp) thì bị rơi xuống giếng sâu trong rẫy của người dân và được cứu hộ ngày 28.3.2016. Anh Phan Phú, 30 tuổi, một trong những người gắn bó với Gold, tâm sự những ngày đầu nuôi dưỡng con voi sơ sinh khoảng 4 tháng tuổi này là thời gian vất vả nhất. Khi Gold được vớt từ giếng lên lấm láp bùn đất, một già làng thạo nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở Ea Súp đến thăm, lắc đầu ái ngại: “Con voi này nhỏ quá, mới biết bú sữa, khó chăm lắm, không sống nổi đâu!”.
Sau khi bàn bạc, tham vấn các chuyên gia động vật hoang dã quốc tế, trung tâm quyết định thả con voi lạc vào rừng để tái nhập với bầy đàn. Thế nhưng 4 lần đưa voi về đại ngàn đều không thành công. “Nhiều đêm tụi em thức canh chừng đàn voi rừng về uống nước ở hồ Ea Súp để thả cho Gold gặp voi mẹ nhưng đều công cốc. Có lần mạo hiểm áp sát đàn voi rừng và lùa Gold vào, nhưng sau đó nó không chạy theo bầy đàn của mình mà lao ngược trở lại theo chân tụi em”, Phú nhớ lại.
Phú bảo đến giờ vẫn không hiểu con voi con này bị đàn voi rừng “chê”, không cho nhập đàn hay nó thích ở với con người hơn. Hơn một năm rưỡi trôi qua, con voi được đặt tên Gold, như muốn nói nó quý như vàng, đã được chăm bẵm, săn sóc chu đáo, bất chấp kinh nghiệm và điều kiện nuôi dưỡng voi hoang dã nơi đây còn rất thiếu thốn.
Ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc trung tâm, cho biết những tháng đầu nuôi Gold, riêng tiền sữa mỗi ngày hết 1 triệu đồng. “Lúc đầu chúng tôi cho Gold uống một loại sữa trẻ con thường dùng có độ ngọt và béo nhiều, nhưng khi tìm hiểu trên mạng và tham khảo ý kiến các chuyên gia, trung tâm mới chọn mua loại sữa thích hợp là Lactogen ít ngọt và béo hơn. Từ đầu năm đến nay, voi Gold được cho ăn dặm chuối, bắp…, nên giảm bớt sữa, chi phí cũng đỡ tốn hơn”, ông Chung nói.
Những người chăm voi cho biết để tập cho Gold ăn được cũng khá kỳ công. Theo ông Chung, ở trong rừng, voi con hoang dã tập ăn phải có voi mẹ kèm cặp, trước hết nó phải biết ăn… phân của voi mẹ. Nhiều nghiên cứu về loài voi cho thấy voi con ăn phân voi mẹ là tập tính bắt buộc, bởi loại “thức ăn” này vẫn còn dưỡng chất do voi mẹ chưa tiêu hoá hết và cung cấp hệ men vi sinh đường ruột cho voi con trước khi ăn những thứ cứng như cỏ, tre, lá rừng… Ông Chung cho biết từ thông tin này đã cho anh em thu hốt phân còn tươi của một số voi cái trong vùng Buôn Đôn, đặt vào chỗ ở của voi Gold trước khi tập ăn, theo dõi thì thấy Gold cũng nhấm nháp… Nhiều người nuôi voi ở Buôn Đôn không chỉ ngạc nhiên mà còn khâm phục khi những nhân viên bảo tồn voi đã làm được thiên chức của voi mẹ hoang dã. Họ cho rằng ngày trước trong vùng chỉ săn bắt, nuôi dưỡng những con voi rừng vừa lớn, đã biết ăn; còn nuôi voi con từ chỗ bú sữa đến khi ăn được chưa từng xảy ra.
“Làm giàu” cho voi
Giữa buổi sáng, khi Tân cho voi Gold uống sữa xong, Phú bèn hỏi: “Hôm nay đến phiên ai làm giàu thế?”, một người trẻ phía ngoài vườn cây nói vọng vào “em làm đấy”. Chúng tôi ngạc nhiên, nhưng Phú cười, giải thích đây là cách gọi của việc làm phong phú đời sống sinh hoạt hằng ngày của voi.
Theo Phú, voi hoang dã ở trong rừng với nhiều sinh cảnh, phải tự kiếm ăn, đời sống tự nhiên kích thích bản năng sinh tồn của chúng. Nhưng khi nuôi nhốt, chủ yếu được con người cho ăn uống, voi trở nên thụ động, thậm chí mất khả năng tự kiếm sống. Vì vậy, phải “làm giàu” cho voi bằng cách tạo thêm những đồ chơi cho chúng như treo đong đưa chiếc lốp xe, xếp gỗ thành đống, tạo mùi lạ, chôn thức ăn dưới đất, treo thức ăn trên cao hoặc rải ra nhiều chỗ để kích thích sự sáng tạo, tìm kiếm của voi…
“Mỗi ngày phải thay đổi kiểu làm giàu để voi khỏi stress, giảm buồn chán, khiến nó đỡ kích động, phá phách”, Phú đúc kết.
Thế nhưng con người không thể dạy bảo đầy đủ kiến thức “vào đời” cho những con voi “nhặt” từ rừng như Jun và Gold. Trung tâm phải tìm kiếm bảo mẫu từ những con voi nhà của vùng Buôn Đôn. Hai con voi làm “cô giáo” là Bun Kon và H’Non được trung tâm thuê mỗi tháng cả chục triệu đồng/con. Khi cùng thả ra rừng, hai voi bảo mẫu kèm cặp voi Jun và voi Gold; đặc biệt nhờ có voi H’Non mà Gold đã nhận biết được nhiều thứ từ rừng, cây nào ăn lá được, cây nào không…
Ông Chung cũng cho biết cuối năm nay Tổ chức động vật châu Á sẽ giúp đỡ xây dựng mở rộng khu chăm sóc voi bán hoang dã có hàng rào xung điện lên vài chục héc ta so với khu đất rừng 7.000 m2 hiện nay. Đây không chỉ là địa chỉ cứu hộ voi rừng mắc nạn mà còn là nơi tạo điều kiện cho voi nhà sinh sản, và cũng là chốn an dưỡng cuối đời cho những con voi nhà già yếu trong vùng…
“Còn đối với Jun và Gold, mong muốn của trung tâm là sau khi cứu hộ, chăm sóc phục hồi, cả hai voi này sẽ được đưa về lại rừng tự nhiên. Thế nhưng điều này khó thực hiện, nhất là voi Jun, dù được chữa lành vết thương nhưng nó đã trở nên tật nguyền, khó có thể hòa nhập, cạnh tranh được với đàn voi rừng vốn rất mạnh mẽ”, ông Chung chia sẻ.
Thông điệp từ triết lý thân thiện
Voi Jun được người dân phát hiện bị thương giữa rừng Yok Đôn vào ngày 19.2.2015 lúc khoảng 4 tuổi, được trung tâm cứu hộ đưa về với những vết thương nghiêm trọng do bẫy thú gây ra, bộ móng một chân trước không còn, chân đọng mủ, sưng tấy, vòi bị thủng một lỗ lớn… Việc chữa trị cho Jun ban đầu khá gian nan do con voi này đã lớn, rất hung hãn, con người khó tiếp cận. Dần dà với cách đối xử thân thiện, yêu thương của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia động vật hoang dã cùng nhân viên trung tâm, con voi đã ngoan ngoãn, hợp tác nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Công Chung, từ việc chăm sóc, dạy bảo hai voi Jun và Gold theo phương châm thân thiện, nhân đạo, trung tâm cũng muốn gửi một thông điệp nhằm thay đổi cách nuôi dưỡng voi truyền thống ở địa phương đang còn lạm dụng biện pháp trừng phạt, ngược đãi đối với loài vật to lớn này.

Trung Chuyên