29/11/2024

Sứ diệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày thế giới Truyền giáo 2017: Việc Truyền giáo ở tâm điểm của Đức tin Kitô giáo

Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay một lần nữa quy tụ chúng ta quanh con người Đức Giêsu, “Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”, Người liên tục sai chúng ta đi công bố Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa Cha trong quyền năng Chúa Thánh Thần.

 SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2017

Việc Truyền giáo ở tâm điểm của Đức tin Kitô giáo

Anh chị em thân mến,

Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay một lần nữa quy tụ chúng ta quanh con người Đức Giêsu, “Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất” (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 7), Người liên tục sai chúng ta đi công bố Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa Cha trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Ngày Truyền Giáo này mời gọi chúng ta một lần nữa suy tư về việc truyền giáo ở tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; nếu không, Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Kitô, mà là một trong nhiều nhóm người nào khác rốt cuộc sẽ đánh mất mục đích phục vụ của nó và qua đi. Vì vậy điều quan trọng đối với chúng ta là tự đặt ra cho mình những câu hỏi về căn tính Kitô giáo và trách nhiệm của chúng ta là những tín hữu trong một thế giới đầy hỗn loạn và thất vọng ê chề, bị xâu xé bởi những cuộc chiến huynh đệ tương tàn nhắm vào những con người vô tội một cách bất công. Nền tảng việc truyền giáo của chúng ta là gì? Tâm điểm việc truyền giáo của chúng ta là gì? Chúng ta phải có cách tiếp cận cơ bản nào để thi hành công việc truyền giáo?

Truyền giáo và sức mạnh biến đổi của Tin Mừng Đức Kitô, là Đường, Sự Thật và Sự Sống

1. Việc truyền giáo của Hội Thánh hướng tới mọi người thành tâm thiện chí, và dựa trên sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Tin Mừng là Tin Vui chứa đầy niềm vui có sức lan toả, vì nó chứa đựng và cống hiến sự sống mới: sự sống của Đức Kitô Phục Sinh, Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống (x. Ga 14,6) cho chúng ta, và đổ đầy Thần Khí ban sự sống cho chúng ta. Người là Đường mời gọi chúng ta theo Người với lòng tin tưởng và can đảm. Khi theo Đức Giêsu là Đường, chúng ta trải nghiệm Sự Thật và lãnh nhận Sự Sống của Người, nghĩa là có sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa Cha trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Sự sống ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi ích kỷ, và là nguồn sáng tạo trong tình yêu.

2. Thiên Chúa Cha ước muốn các con trai con gái của Người có sự biến đổi hiện sinh này, một sự biến đổi được biểu lộ bằng việc thờ phượng trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23-24), nhờ cuộc đời được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và noi gương Đức Giêsu để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. “Vinh quang của Thiên Chúa là chính con người sống động” (Irênê, Adversus Haereses IV, 20, 7). Như thế rao giảng Tin Mừng trở thành một lời sinh động và hiệu quả hoàn thành điều nó công bố (x. Is 55,10-11): Đức Giêsu Kitô, Đấng không ngừng mặc lấy xác thịt trong mọi tình huống nhân loại (x. Ga 1,14).

Truyền giáo và kairos (“thời”) của Đức Kitô

3. Cho nên việc truyền giáo của Hội Thánh không thể là quảng bá một ý thức hệ tôn giáo, càng không thể là đề nghị một học thuyết đạo đức cao siêu. Nhiều phong trào trên khắp thế giới khơi dậy những lý tưởng cao vời hay những cách để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Nhờ việc truyền giáo của Hội Thánh, chính Đức Giêsu Kitô tiếp tục rao giảng Tin Mừng và hành động; như thế việc truyền giáo của Hội Thánh làm hiện diện trong lịch sử thời của Đức Kitô, thời cứu độ thuận lợi. Nhờ việc công bố Tin Mừng, Đức Giêsu phục sinh trở thành người đương thời của chúng ta, để những ai đón nhận Người với đức tin và đức mến có thể trải nghiệm sức mạnh biến đổi của Thần Khí Người, Đấng làm cho loài người và mọi thụ tạo sinh hoa kết quả, như mưa làm cho trái đất vậy. “Sự sống lại của Đức Kitô không phải là một biến cố của quá khứ; nó chứa đựng một sức mạnh cốt thiết đã thấm nhuần thế giới này. Ở đâu mà tất cả có vẻ như đã chết, ở đó các dấu hiệu phục sinh đột nhiên xuất hiện. Nó là một sức mạnh không thể cưỡng lại được” (Evangelii Gaudium, 276).

4. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một Người, sự gặp gỡ ấy tạo cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, 1). Tin Mừng là một Người luôn luôn trao hiến mình và luôn luôn mời gọi những ai đón nhận Người với đức tin khiêm cung và sốt mến hãy chia sẻ sự sống của Người bằng việc tham dự thực sự mầu nhiệm vượt qua trong cái chết và sự phục sinh của Người. Nhờ Phép Rửa, Tin Mừng trở thành một nguồn sống mới, được giải thoát khỏi ách thống trị của tội, được soi sáng và biến đổi bởi Chúa Thánh Thần. Nhờ Phép Thêm Sức, Tin Mừng trở thành một sự xức dầu tăng lực vạch ra những cách thức và những kế hoạch mới, nhờ cùng một Thánh Thần. Nhờ Thánh Thể, Tin Mừng trở nên lương thực cho sự sống mới, một “phương thuốc trường sinh” (Inhaxiô thành Antiôkia, Ad Ephesios, 20, 2).

5. Thế giới vô cùng cần Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Thông qua Hội Thánh, Đức Kitô tiếp tục sứ mạng của mình là Người Samari Tốt Lành, săn sóc những vết thương rướm máu của nhân loại, và là Người Mục Tử Tốt Lành, không ngừng tìm kiếm những con chiên lạc trên những con đường ngoằn ngoèo không dẫn tới đâu. Tạ ơn Chúa, ngày nay có nhiều trải nghiệm quan trọng tiếp tục làm chứng cho sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Tôi nghĩ đến cử chỉ của anh sinh viên Dinka liều mạng sống mình để bảo vệ một sinh viên sắp sửa bị bộ lạc Nuer thù địch sát hại. Tôi nghĩ đến cuộc cử hành Thánh Thể tại Kitgum, miền Bắc Uganda, tại đây sau những cuộc thảm sát bởi một nhóm phiến quân, một vị thừa sai đã bảo dân chúng lặp lại những lời Chúa Giêsu thốt ra trên Thánh Giá: “Ôi Thiên Chúa, ôi Thiên Chúa, sao Chúa lại bỏ con?” để biểu thị tiếng kêu vô vọng của các anh chị em của Chúa chịu đóng đinh. Đối với dân chúng, cuộc cử hành ấy là một nguồn an ủi và khích lệ vô hạn. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến vô số những chứng tá cho thấy Tin Mừng giúp vượt qua tính hẹp hòi, sự xung đột, thái độ phân biệt chủng tộc, tự tôn nòi giống, và giúp cổ vũ khắp nơi và giữa mọi người sự hoà giải, tình huynh đệ và sự chia sẻ như thế nào.

Truyền giáo khơi dậy một linh đạo của sự lên đường, lữ hành và đoạ đày liên tục

6. Việc truyền giáo của Hội Thánh được sinh động bởi một linh đạo của việc liên tục lên đường. Chúng ta được thách thức “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, 20). Sứ mạng của Hội Thánh thúc đẩy chúng ta liên tục lữ hành qua các sa mạc khác nhau của cuộc đời, qua các trải nghiệm khác nhau của sự đói khát sự thật và công lý. Việc truyền giáo khơi dậy một cảm giác bị đoạ đày triền miên, làm chúng ta ý thức rằng, trong cơn khát cái vô hạn, chúng ta là những kẻ lưu đày đang tiến về quê nhà cuối cùng của mình, đang đứng lơ lửng giữa cái “đã có” và cái “chưa có” của Nước Trời.

7. Truyền giáo nhắc nhở Hội Thánh rằng mình không phải là một mục đích tự tại, nhưng là một dụng cụ và trung gian khiêm tốn của Nước Trời. Một Hội Thánh quy chiếu về chính mình, một Hội Thánh bằng lòng với thành công trần thế, thì không phải là Hội Thánh của Đức Kitô, không phải là Thân Thể chịu đóng đinh và vinh hiển của Người. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thích “một Hội Thánh bị bầm giập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (ibid., 49).

Giới trẻ, hy vọng của truyền giáo

8. Giới trẻ là hy vọng của truyền giáo. Con người Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách dấn thân phục vụ loài người với sự can đảm và phấn khởi. “Nhiều người trẻ đang chia sẻ mối quan tâm chung về các vấn đề của thế giới và tham gia các hình thức khác nhau của việc cổ động tích cực và hoạt động tình nguyện… Đẹp biết bao khi chứng kiến cảnh những người trẻ là những “nhà giảng thuyết đường phố,” vui vẻ mang Đức Giêsu đến mọi đường phố, mọi công viên và mọi góc cùng của trái đất!” (ibid., 106). Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, sẽ được tổ chức năm 2018 với chủ đề Giới Trẻ, Đức Tin và Phân Định Ơn Gọi, là một cơ hội Chúa ban để giới trẻ tham gia chia sẻ trách nhiệm truyền giáo, một công việc cần đến óc tưởng tượng và sáng tạo phong phú của tuổi trẻ.

Việc phục vụ của các Hội Truyền Giáo

9. Các Hội Truyền Giáo là một phương tiện quý báu để đánh thức nơi mỗi cộng đoàn Kitô hữu một ước muốn vượt qua ranh giới và sự an toàn của mình để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Trong các Hội này, nhờ một linh đạo truyền giáo sâu xa, được nuôi dưỡng hằng ngày, và một sự cam kết liên tục khơi dậy ý thức và nhiệt tình truyền giáo, những người trẻ, người lớn, các gia đình, các linh mục, giám mục và các tu sĩ nam nữ cùng nhau làm việc để phát triển trái tim truyền giáo nơi mọi người. Ngày Thế Giới Truyền Giáo, được khởi xướng bởi Hội Truyền Bá Đức Tin, là một cơ hội để giúp cho trái tim truyền giáo của các cộng đoàn Kitô có thể kết hợp trong cầu nguyện, làm chứng bằng đời sống và hiệp thông của cải,để đáp ứng những nhu cầu bao la và cấp bách của việc Phúc âm hoá

Thi hành truyền giáo cùng với Đức Maria, Mẹ của công cuộc Phúc âm hoá

10. Anh chị em thân mến, khi thi hành việc truyền giáo của mình, chúng ta hãy lấy nguồn cảm hứng từ Đức Maria, Mẹ của công cuộc Phúc âm hoá. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời sự sống trong đức tin khiêm cung thâm sâu của Mẹ. Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta nói lên lời “xin vâng” của mình, khi ý thức nhu cầu cấp bách phải làm cho Tin Mừng của Đức Giêsu vang dội trong thời đại chúng ta. Xin Mẹ cầu Chúa ban cho chúng ta nhiệt tâm mới để đem Tin Mừng đến với mọi người, là Tin Mừng của sự sống chiến thắng sự chết. Xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta có được sự táo bạo thánh thiện cần thiết để khám phá ra những cách mới hầu đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người.                                                                                    Vatican, ngày 4 tháng 6 năm 2017, Đại lễ Hiện Xuống

PHANXICÔ 

(Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyêndịch theo bản tiếng Anh và tiếng Phápcủa Libreria Editrice Vaticana)

 

TÓM TẮT SỨ ĐIỆP TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ 2017

Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi ngườiquây quần bên Đức Giêsu, nhà truyền giáo đầu tiên, để suy tư về “Truyền giáo ở tâm điểm của Đức tin Kitô giáo”.

Khi khẳng định Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh : Hội Thánhcủa Chúa Kitôchỉ thực sự tồn tại trong thế giới khiHội Thánh thực thi sứ mạng truyền giáo của mình. Vì thế, nhân ngày Khánh Nhật Thế giới Truyền giáo năm 2017, Đức Thánh Cha mời gọi Hội Thánh cùng suy tư về căn tính và trách nhiệm của mình trong bối cảnh thế giới đang có những biến động về đời sống xã hội và con người. Ngài gợira 3 câu hỏi cơ bản sau đây trong bài huấn dụ:  

1/ Nền tảng của việc Truyền giáo là gì?

2/ Đâu là tâm điểm của việc Truyền giáo?

3/ Có những cách tiếp cận cơ bản nào để thực hành Truyền giáo?

Trước hết, việc Truyền giáocủa Hội Thánh hướng tới những người thành tâm thiện chí được Tin Mừng biến đổi, vì Tin Mừng là tin vui, là sự sống của Đức Kitô Phục sinh nên sự sống của Ngài mới có sức biến đổi nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Những aibước theo Đức Giêsu trên đường Truyền giáo, đấng là đường, là sự thật và là sự sống, cũng được kết hiệp mật thiết với Chúa Cha như Người nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chính sự sống của Đấng Phục Sinhsẽ giải thoát họ khỏi mọi ích kỷ và là nguồn sáng tạo trong tình yêu.  

Dựa vào tin mừng thánh Gioan (x.Ga 4,23-24), Đức Thánh Cha khẳng định Thiên Chúa Cha hằng mong ướccho mọi người được ơn biến đổi này bằng việc thờ phượng trong thần khí và sự thật dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như Đức Giêsu đã làm để tôn vinh Chúa Cha.

Vì thế, Truyền giáo của Hội Thánh không nhằm mục đích truyền bá một ý thức hệ tôn giáo hoặc giới thiệu một học thuyết xa vời, mà là làm cho thời của Đức Giêsu hiện diện trong lịch sử của chúng ta.

Nhờviệc công bố Tin Mừng của Hội Thánh, Đức Giêsu phục sinh trở thành người đương thời của chúng ta, để những ai mở lòng đón nhận Người với đức tin và lòng mến chân thành, họ sẽ trải nghiệm sức mạnh biến đổi này nhờ cùng một Chúa Thánh Thần.

Theogiáo hoàng Bênêđíctô XVI: là một Kitô hữu không do kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao siêu nào, nhưng là cuộc gặp gỡ với một Người, một cuộc găp gỡ có sức biến đổi. Do đó, Tin Mừng chính là Đức Kitô, Người mời gọi mọi người đón nhận và chia sẻ sự sống của Người qua mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người.

Thế giới đang rất cần Tin Mừng, bởi đó Chúa Kitô tiếp tục sứ mạng của mình qua Hội Thánh nhưngười mục tử nhân lành không ngừng tìm kiếm và chăm sóc các con chiên lạc.

Đức Thánh Cha rất vui khi chứng kiến trong Hội Thánh có những người được Tin Mừng biến đổi, luôn sẵn sàng hiến thân vì người khác như anh Dinka, như vị thừa sai tại Uganda và những chứng từ khác nhờ Tin Mừng đã vượt qua được tính ích kỷ, sự hẹp hòi và xung đột, đồng thời cổ vũ tinh thần hoà giải, yêu thương và chia sẻ…

Điều đó chứng tỏ sứ mạng của Hội Thánh luôn sinh động và thúc đẩy chúng ta liên tục lên đường “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, 20).

Sự xuất hành liên tục giúp chúng ta luôn ý thức rằng mình đang trên đường tiến về quê hương đích thực, giữa cái “đã có” và cái “chưa có” của Nước Trời.

Ngàicòn nhắc cho Hội Thánh biết rằng mình không phải là cùng đích tự tại, màchỉ là dụng cụ và là trung gian khiêm tốn của Nước Trời.

Đặc biệt những người trẻ ngày nay đang được thu hút bởi con người Đức Giêsu và Tin Mừng của Người, và đang tích cực dấn thân phục vụ con người thời đại với lòng can đảm và phấn khởi.

Các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo được nhắc tới như là phương tiện đánh thức các cộng đoàn Kitô hữu có lòng khao khát vượt ra khỏi ranh giới và an toàn của mình để loan báo Tin Mừng. Nhờ tinh thần thừa sai sâu sắc và sự cam kết của mình, các Hội này liên tục khơi dậy sự nhận thức và lòng nhiệt thành truyền giáo nơi mọi thành phần trong Hội Thánh đểcùng hoạt động và làm tăng trưởng tâm hồn truyền giáo nơi mọi người.

Đặc biệt trong Ngày Khánh Nhật Thế giới Truyền giáo hàng năm, Hội thúc đẩy tinh thần truyền giáo của các cộng đoàn bằng nhiều hình thức khác nhau như lời cầu nguyện, chứng tá bằng đời sống và hiệp thông của cải nhằm đáp ứng nhu cầu bao la và cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng.

Sau cùng, Đức Thánh Cha mời gọi Hội Thánh hướng nhìn gương Đức Maria, nguồn cảm hứng cho việc thi hành sứ mạng của chúng ta. Ngài xin Mẹ giúp chúng ta biết mau mắn “xin vâng” trước nhu cầu cấp bách làm cho Tin Mừng của Đức Giêsu được vang lên trong thời đại của chúng ta; ban cho chúng ta sự nhiệt tâm mới để đem tin vui sự sống; đồng thời giúp chúng ta có được tinh thần can đảm thánh thiện cần thiết để khám phá những cách thức mới nhằm đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

 

HỌC HỎI SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2017CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Chủ đề“Truyền Giáo là tâm điểm của Đức Tin Kitô giáo”

Dẫn nhập : Ngày Khánh Nhật Truyền giáo năm nay đặt trọng tâm vào chủ đề “Truyền giáo là tâm điểm của Đức tin Kitô giáo”. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta suy tư về ba câu hỏi sau đây để sống Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2017: “nnn”

Nền tảng của việc Truyền giáo là gì?

Đâu là tâm điểm của việc Truyền giáo?

Cần có những bước tiếp cận cơ bản nào để thực hiện sứ mạng của chúng ta?

Dưới đây là dàn bài tổng quát có thể giúp chúng ta hiểu suy tư của Đức Thánh Cha dựa theo 10 số trong toàn bộ Sứ điệp Ngày Khánh Nhật Truyền giáo Thế giới 2017 gửi cho Cộng đoàn Dân Chúa.

I – NỀN TẢNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO

Tin Mừng là gì? (số 1)

Tin mừng biến đổi người truyền giáo (số 1)

II– TÂM ĐIỂM CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO

1.   Làm cho thời của Đức Giêsu hiện diện trong lịch sử (số 3)

2.   Gặp gỡ mật thiết với Đức Giêsu (số 4)

3.   Sống tinh thần người mục tử nhân lành (số 5)

III–NHỮNG CÁCH TIẾP CẬN CƠ BẢN ĐỂ TRUYỀN GIÁO

Giáo Hội liên tục lên đường (số 6)

Giáo Hội là dụng cụ và trung gian của Nước Trời (số 7)

Giới trẻ – hy vọng của truyền giáo (số 8)

Các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo (số 9)

Kết luận :  Cảm hứng tinh thần của Đức Maria (số 10)

Với dàn ý trên, chúng ta cùng học hỏi một số điểm quan trọng về đề tài trên mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khơi lên cho mọi người trên toàn thế giới.

– SỐ 1 –

Câu 1 :  Đức Thánh Cha nói Tin Mừng là gì ?

Trả lời : Đức Thánh Cha nói Tin Mừng là tin vui chứa đầy niềm vui và có sức lan toả, vì nó chứa đựng và ban tặng sự sống mới, đó là sự sống của Đức Kitô Phục sinh, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (x. Ga 14, 6).

Câu 2 :  Đi theo Đức Giêsu là Đường, chúng ta sẽ trải nghiệm điều gì ?

Trả lời : Đi theo Đức Giêsu là Đường, chúng ta sẽ trải nghiệm Sự Thật và lãnh nhận Sự Sống của Người, nghĩa là có sự kết hợp trọn vẹn với Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Câu 3 : Sự sống ấy có ý nghĩa gì ?

Trả lời : Sự sống ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi ích kỷ và là nguồn sáng tạo trong tình yêu.

– SỐ 2 –

Câu 4 : Thiên Chúa Cha ước muốn điều gì nơi con cái của Ngài ?

Trả lời : Thiên Chúa Cha ước muốn cho con cái của Ngài có sự biến đổi này, một sự biến đổi được biểu lộ bằng việc thờ phượng trong thần khí và sự thật nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như Đức Giêsu đã làm để tôn vinh Chúa Cha.

– SỐ 3 –

Câu 5 :  Theo Đức Thánh Cha, sứ mạng của Giáo Hội nhằm mục đích gì ?

Trả lời : Sứ mạng của Giáo Hội không nhằm mục đích truyền bá một ý thức hệ tôn giáo hoặc giới thiệu một học thuyết luân lý xa vời, nhưng là làm cho thời của Đức Giêsu hiện diện trong lịch sử của chúng ta.

Câu 6 :  Khi công bố Tin Mừng, Đức Giêsu phục sinh trở thành người nào ? Điều đó có lợi ích gì cho ta ?

Trả lời : Khi công bố Tin Mừng, Đức Giêsu phục sinh trở thành người đương thời của chúng ta, để những ai đón nhận Người với đức tin và đức mến, có thể trải nghiệm sức mạnh biến đổi của Thần Khí Người.

– SỐ 4 –

Câu 6 :  Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta đừng quên điều gì ?

Trả lời : Đức Thánh Cha nói chúng ta đừng quênlà một Kitô hữu không do kết quả lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, mà là một sự gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng trao tặng cho sự sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát (Bênêđíctô XVI).

Câu 7 :  Theo Đức Thánh Cha Tin Mừng ở đây là ai ?

Trả lời : Tin Mừng là một Người luôn trao hiến mình và mời gọi những ai đón nhận Người với đức tin khiêm tốn và thành kính chia sẻ sự sống của Ngài bằng việc tham dự hữu hiệu vào mầu nhiệm vượt qua của cái chết và sự phục sinh của Người.

Câu 8 : Bí tích Thanh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể giúp ích gì cho đời sống của chúng ta ?

Trả lời : Bí tích Thanh Tẩy tạo cho ta nguồn sống mới, giúp khử trừ tội lỗi và biến đổi ta nhờ Thánh Thần. Bí tích Thêm Sức gia tăng sức mạnh để ta vạch ra cách thức và kế hoạch mới nhờ Thánh Thần. Bí tích Thánh Thể trở thành lương thực cho sự sống mới cho chúng ta.

– SỐ 5 –

Câu 9 :  Đức Thánh Cha nói Tin Mừng biến đổi con người như thế nào ?

Trả lời : Đức Thánh Cha nói ngày nay nhiều người làm chứng cho sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Ngài đưa ra mẫu gương của anh sinh viên Dinka đã liều mạng mình để bảo vệ cho một sinh viên khác sắp bị giết hại; hoặc gương sáng của một thừa sai miền bắc nước Uganda đã dậy dân chúng cầu nguyện khi bị nhóm phiến quân ra tay sát hại. 

– SỐ 6 –

Câu 10 : Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, sống linh đạo truyền giáo của Giáo Hội hôm nay là gì ?

Trả lời : Sống linh đạo truyền giáo của Giáo Hội hôm nay là lên đường, lữ hànhtha hương liên tục.

Câu 11 : Muốn thực hành linh đạo này chúng ta phải làm gì ?

Trả lời : Muốn thực hành linh đạo này, chúng ta phải ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng(x. EG 20). Đồng thời, sự tha hương liên tục cũng giúp chúng ta luôn ý thức rằng mình đang tiến về quê hương đích thực, giữa cái đã cóchưa cócủa Nước Trời.

– SỐ 7 –

Câu 12 : Đức Thánh Cha còn nhắc nhở Giáo Hội điều gì ?

Trả lời : Đức Thánh Cha nhắc nhở Giáo Hội luôn nhớ rằng mình không phải là cùng đích tự tại, nhưng là dụng cụ và là trung gian khiêm tốn của Nước Trời.

Câu 13 : Nếu một Giáo Hội luôn qui chiếu về mình, hài lòng với những thành công trần thế thì Đức Thánh Cha nói thế nào ?

Trả lời : Nếu một Giáo Hội luôn qui chiếu về mình, hài lòng với những thành công trần thế thì Đức Thánh Cha nói đó không phải là Giáo Hội của Đức Kitô.

Câu 14 : Đức Thánh Cha chấp nhận một Giáo Hội như thế nào ?

Trả lời : Đức Thánh Cha chấp nhậnmột Giáo Hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình(EG 49).

– SỐ 8 –

Câu 15 : Đức Thánh Cha khẳng định điều gì nơi người trẻ ?

Trả lời : Đức Thánh Cha khẳng định người trẻ là niềm hy vọng của Truyền giáo.

Câu 16 : Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín về điều đó ?

Trả lời : Vì Ngài thấy nhiều người trẻ đang được thu hút bởi con người Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Nhiều bạn trẻ đang chia sẻ mối quan tâm chung về các vấn đề của thế giới và tham gia các hình thức khác nhau của việc cổ động tích cực và hoạt động thiện nguyện… Nhiều người trẻ lànhà giảng thuyết trên đường phố’,vui vẻ mang đem Đức Giêsu đến công viên, và mọi góc cùng của trái đất (EG 106).

– SỐ 9 –

Câu 17 : Các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo có bổn phận gì ?

Trả lời : Các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo có bổn phận đánh thức các cộng đoàn Kitô hữu hãy vượt qua ranh giới và sự an toàn của mình để loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Câu 18 : Các Hội này luôn khơi dậy ý thức và nhiệt tình truyền giáo những ai ?

Trả lời :  Các Hội này khơi luôn dậy ý thức và nhiệt tình truyền giáo nơi người trẻ, người lớn, các gia đình, các linh mục, các giám mục và nam nữ tu sĩ cùng hoạt động để phát triển một tâm hồn truyền giáo trong mọi người. 

Đặc biệt trong Ngày Khánh Nhật Truyền giáo hàng năm, Hội mời gọi các cộng đoàn Kitô hữu cùng tham gia bằng lời cầu nguyện, làm chứng tá đời sống và hiệp thông của cải để đáp ứng những nhu cầu bao la và cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

– SỐ 10 –

Câu 19 : Đức Thánh Cha lấy nguồn cảm hứng từ ai để khích lệ chúng ta thi hành sứ mạng truyền giáo?

Trả lời : Đức Thánh Cha lấy nguồn cảm hứng từ gương Đức Maria. Mẹ sẵn sàng đón nhận Lời sự sống trong đức tin khiêm tốn khi được Thần Khí Chúa thúc đẩy. 

Câu 20 : Đức Thánh Cha cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta điều gì trong Khánh Nhật Thế giới Truyền giáo năm nay ?

Trả lời : Đức Thánh Cha cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta :

– Mau mắn “xin vâng”trước nhu cầu cấp bách làm cho TinMừng của Đức Giêsu vang lên trong thời đại của chúng ta.

– Ban cho chúng ta một sự nhiệt tâm mới để đem tin vui sự sống.

– Và sự táo bạo thánh thiện cần thiết để khám phá những cách thức mới đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Nt. Maria Phạm Thị Hoa OP.