11/01/2025

Rừng bị phá nghiêm trọng, trở thành nguồn xả khí cacbon

Diện tích rừng trên Trái đất ngày càng bị thu hẹp khiến nó không còn là lá phổi xanh, cũng không còn là “thành trì” giữ đất, giữ nước.

 

Rừng bị phá nghiêm trọng, trở thành nguồn xả khí cacbon.

 Diện tích rừng trên Trái đất ngày càng bị thu hẹp khiến nó không còn là lá phổi xanh, cũng không còn là “thành trì” giữ đất, giữ nước.

 

Các khu rừng nhiệt đới vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khí thải: cây cối khi còn sống sẽ hấp thụ cacbon, quang hợp và nhả ra oxy. Song khi chết đi, chúng sẽ thải cacbon ngược lại vào môi trường. 

Tương tự, rừng giúp giữ đất, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước và ngăn dòng lũ lụt. Mất rừng nghĩa là độ tàn phá của các trận mưa lũ sẽ nặng nề hơn.

“Mật độ che phủ của rừng sụt giảm có thể làm hệ sinh thái và các vùng dân cư dễ bị tổn thương hơn trước lũ và các thảm họa thiên nhiên khác

Trích nghiên cứu của Viện công nghệ IITK (Ấn Độ)

Lấy gì ngăn lũ?

Không khó để kể ra các thảm họa thiên nhiên xảy ra trên khắp thế giới từ đầu năm đến nay, từ các cơn bão ở Mỹ và vùng Caribê, đến lũ lụt ở Philippines, Ấn Độ và cả ở Việt Nam những ngày này. 

Rừng bị phá nghiêm trọng, trở thành nguồn xả khí cacbon - Ảnh 3.

Một con đường ngập trong nước lụt ngày 3-9, sau khi những trận mưa xối xả đổ xuống miền đông nam Texas trong cơn bão Harvey – Ảnh: Getty

Trong một bài viết chung đăng trên chuyên trang của Thomson Reuters Foundation, Sara Shaw và Dipti Bhatnagar, hai điều phối viên quốc tế thuộc tổ chức Friends of the Earth International, cho biết các thảm họa này sẽ tiếp tục xảy ra vì nhiều nguyên do, mà một trong số đó là “phá rừng tràn lan”.

Hồi đầu năm nay, toàn bộ thành phố Cagayan de Oro (phía bắc đảo Mindanao của Philippines) và các vùng lân cận chìm trong nước lũ và bộ nông nghiệp nước này sau đó thừa nhận chính tình trạng chặt cây vô tội vạ ở vùng này là nguyên nhân chính. 

“Khi lũ quét xảy ra tại vùng này, chỉ có lý do duy nhất: không còn cây trên các ngọn núi trong vùng để ngăn nước mưa” – Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Piñol nói với báo Inquirer ngày 19-1.

Tháng 9 vừa qua, Viện công nghệ IITK (Ấn Độ) công bố nghiên cứu chứng minh rừng rất quan trọng mỗi khi có lũ lụt xảy ra, theo báo Hindustan Times ngày 22-9. 

Rừng bị phá nghiêm trọng, trở thành nguồn xả khí cacbon - Ảnh 4.

Cây rừng Amazon vẫn tiếp tục bị đốn hạ – Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu về tác hại của lũ lụt và so sánh với diện tích rừng tại các bang ở Ấn Độ từ năm 1998 đến 2011 và nhận thấy các bang bị ảnh hưởng lũ nặng nhất gồm Gujarat, Uttar Pradesh, Tây Bengal, Bihar, Chhattisgarh, Uttarakhand và Andhra Pradesh đều có mật độ rừng kém hơn so với các bang ít bị ảnh hưởng hơn.

Không còn là lá phổi

Cũng cuối tháng 9, một nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín Science công bố thông tin chấn động: diện tích rừng trên Trái đất đang biến mất với tốc độ nhanh đến mức các khu rừng giờ đây “trở thành nguồn xả” thay vì “bồn chứa” cacbon.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm nghiên cứu Woods Hole và ĐH Boston (Mỹ), các khu rừng nhiệt đới trên Trái đất thải ra khoảng 425 triệu tấn cacbon mỗi năm, bằng gần 5% tổng khí thải nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới. Để dễ hình dung: con số này bằng toàn bộ khí thải giao thông trong một năm ở Mỹ.

Ngoài lý do thiên tai như hạn hán và nạn phá rừng, điểm mới của nghiên cứu này so với các công trình trước đó là khẳng định hoạt động lấy gỗ chọn lọc (chứ không phá nguyên khu rừng), chặt cây làm củi của con người cũng là nguyên nhân chính làm mất rừng. 

“Những khoảnh rừng mất đi vì các hành động này có thể rất nhỏ nếu tính riêng lẻ, nhưng khi cộng dồn lại thì nó là con số rất đáng kể” – tiến sĩ Wayne Walker, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

Rừng bị phá nghiêm trọng, trở thành nguồn xả khí cacbon - Ảnh 5.

Những khoảnh rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông, Việt Nam bị cạo trọc để làm dự án – Ảnh: BÁ DŨNG

Theo ông Alessandro Baccini – đồng tác giả của nghiên cứu trên Science, thực tế rừng đang thải CO2 nhiều hơn hấp thụ là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho thế giới. 

“Nếu chúng ta muốn ngăn nhiệt độ Trái đất không tăng đến mức nguy hiểm, cần giảm đáng kể lượng khí thải, tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ cacbon của các khu rừng” – ông nói.

Nhóm nghiên cứu cho biết nếu chấm dứt được nạn phá rừng, có thể giảm ít nhất 862 triệu tấn cacbon, tức 8% lượng khí thải toàn cầu mỗi năm. Sẽ khó đạt được mục tiêu này 100%, nhưng bất kỳ thay đổi nào dù là nhỏ nhất cũng có thể tạo ra sự khác biệt. 

Theo ông Baccini, chúng ta hiện có sẵn công nghệ “an toàn, đã được chứng minh là hiệu quả, không đắt đỏ và có thể áp dụng ngay” để làm điều này, đó là trồng cây và giữ rừng.

“Trồng cây gây rừng là cách làm thuận theo tự nhiên và hiệu quả mà ta có thể làm trong vòng 50 năm tới” – nhà khoa học này kết luận. Bảo vệ rừng cũng là lời khuyên mà hai tác giả bài viết trên Thompson Reuters đưa ra.

100 năm nữa có thể không còn rừng

Chúng ta đang tàn phá rừng nhiệt đới với tốc độ nhanh chưa từng thấy, và các mảng rừng này có thể sẽ biến mất trong vòng 100 năm tới, theo báo Anh Guardian.

Trong bài viết ngày 23-1, Guardian chỉ ra mỗi năm có khoảng 18 triệu ha rừng, bằng diện tích nước Anh và Xứ Wales cộng lại, bị chặt hạ và trong vòng 40 năm qua, 1 tỉ ha rừng, tức bằng diện tích cả châu Âu, đã biến mất.

“Với đà này, toàn bộ rừng sẽ biến mất trong 100 năm nữa” – bài viết cảnh báo.

 

TRƯỜNG SƠN