Phá rừng, xẻ đồi gây lũ lớn
Chiều 13-10, trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Hoài – tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai – khẳng định như vậy.
Phá rừng, xẻ đồi gây lũ lớn.
Chiều 13-10, trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Hoài – tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai – khẳng định như vậy.
Bão số 10 – cơn bão đã được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai nhận định là cơn bão mạnh trong lịch sử những năm gần đây – chỉ làm 6 người chết. Còn sau đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, mưa lũ đã làm 60 người chết và vẫn còn 38 người mất tích.
Vì sao bão lớn thiệt hại nhỏ, áp thấp nhiệt đới thiệt hại lớn, Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi có hay không sự chủ quan trong phòng chống, ứng phó, đặc biệt là việc thông tin tới người dân?
Ông Trần Quang Hoài nói: “Đối với thiệt hại về người trong thiên tai, lớn nhất là ở khu vực vùng núi phía Bắc. Tình trạng này có nguyên nhân chủ quan”.
Mức độ khốc liệt và tần suất lũ có nguyên nhân nào từ việc phá hoại, mất rừng đầu nguồn thời gian vừa qua – Tuổi Trẻ đặt câu hỏi, ông Hoài thẳng thắn cho rằng: “Chuyện phá rừng là câu chuyện lớn và rất nhức nhối”.
“Như hiện nay chúng ta đã phải trả giá cho những việc đó và còn phải tiếp tục nữa. Vì để trồng được những cánh rừng nguyên sinh như thế, đúng nghĩa là những tấm giáp chắn giúp điều tiết nước cũng như môi trường sống thì phải hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể đáp ứng được” – ông Hoài nói.
Lũ lớn vừa qua có nguyên nhân nào từ việc điều hành hồ chứa, vận hành thủy điện, đặc biệt là thủy điện Hoà Bình?
Ông Hoài khẳng định việc điều hành, vận hành các hồ thuỷ điện vừa qua đã thực hiện rất linh hoạt, hiệu quả. Tuy nhiên, ông Hoài cũng thừa nhận ngay quy trình vận hành liên hồ cũng đang có vấn đề bất cập, cần sớm phải thay đổi.
Theo ông Hoài, trong ứng phó, đặc biệt là ứng phó trong bối cảnh thiên tai chịu tác động từ biến đổi khí hậu, cần phải sẵn sàng, chủ động trong đó có cả việc chủ động sửa quy trình vận hành liên hồ.
“Chắc chắn phải chỉnh sửa quy trình vận hành liên hồ. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ để tới đây có thay đổi một số quy định trong quy hành vận hành liên hồ chứa” – ông Hoài cho biết.
Theo kế hoạch, sáng nay (14-10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó dự kiến đề cập tới nội dung trên.
Ông Phan Văn Tân
GS.TS PHAN VĂN TÂN (khoa khí tượng thuỷ văn và hải dương học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội):
Có thể do hồ không còn tích nước được
Đợt mưa vừa rồi có ảnh hưởng của không khí lạnh yếu làm tăng mưa trong áp thấp nhiệt đới và sau đó. Áp thấp nhiệt đới vừa rồi yếu, về mặt tác động cơ học không lớn.
Nghĩa là tác động trực tiếp của áp thấp nhiệt đới không lớn nhưng thiệt hại do mưa sau đó gây ra lại lớn.
Thông thường ở phía Bắc giai đoạn này hết bão và mưa lớn nên các hồ chứa thường tích nước đầy.
Nên đợt lũ hiện nay có thể là một phần do hồ chứa không còn tích nước được nữa phải xả tràn kết hợp với mưa lớn gây lũ lớn.
T.PHÙNG ghi